Dựa trên kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2018 là 377 tỷ đồng, EPS 2018 ước tính đạt 9.142 đồng/ cổ phiếu, tương đương 4.688 đồng sau khi pha loãng. Ở mức giá hiện tại là 145.000 đồng, FRT đang giao dịch ở mức PE 2018 dự phóng ở mức 15,9x. Chúng tôi áp dụng PE mảng bán lẻ hàng CNTT là 18x, mức giá mục tiêu 1 năm đối với FRT là 164.556 đồng/cổ phiếu.
Tổng quan kết quả kinh doanh 2017
- Trong cả năm 2017, doanh thu tăng 21,1% YoY lên 13.164 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng từ 13% trong năm 2016 lên 13,8% trong năm 2017. Do đó, lợi nhuận ròng tăng 39,7% đạt 289,9 tỷ đồng.
- Kênh trực tuyến thu về 2 nghìn tỷ đồng, chiếm 15% tổng doanh thu năm 2017, tăng đáng kể so với mức 8,9% trong năm 2016.
- Trong năm 2017, FRT đã mở 90 cửa hàng mới giúp tăng tổng số cửa hàng lên 475 cửa hàng, trên khắp 63 tỉnh/thành phố ở Việt Nam.
- Thị phần của FRT trong phân khúc điện thoại di động và máy tính xách tay ước tính lần lượt đạt 18,2% và 18,5% trong năm 2017, cao hơn đáng kể so với mức 10,7% và 13,3% trong năm 2014.
Kế hoạch năm 2018
FRT đặt kế hoạch doanh thu 2018 tăng 22% YoY lên 16,02 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ các cửa hàng/hoạt động kinh doanh hiện tại ước tính đạt 13 nghìn tỷ đồng sát với kết quả kinh doanh năm 2017. Phần tăng trưởng doanh thu còn lại của FRT là nhờ (1) 500 tỷ đồng doanh thu tăng thêm từ 100 cửa hàng mới; (2) 1,2 nghìn tỷ đồng doanh thu tăng thêm từ chương trình “F-friends”; (3) 800 tỷ đồng doanh thu tăng thêm từ chương trình trợ giá điện thoại, và (4) 500 tỷ đồng doanh thu tăng thêm nhờ phân khúc trực tuyến. Do đó, lợi nhuận ròng theo kế hoạch ước tính tăng 30% YoY đạt 377 tỷ đồng.
Để đạt kế hoạch này, FRT có chiến lược kinh doanh cụ thể như sau:
Hoạt động kinh doanh hiện tại:
(1) Mở thêm cửa hàng mới: FRT lên kế hoạch mở trung bình 100 cửa hàng/năm trong năm 2018 và 2019 để tăng tổng số cửa hàng lên 680 cửa hàng vào cuối năm 2019. Sau đó, FRT dự kiến sẽ không mở thêm cửa hàng nào.
(2) Cải thiện tăng trưởng doanh số của các cửa hàng đã mở (SSSG)
F-Friend là chương trình bán hàng được phát triển bởi FRT và đã hoạt động 1 năm nay. Trong chương trình này, FRT hợp tác với các doanh nghiệp khác để bán sản phẩm cho nhân viên của các doanh nghiệp đó với chính sách ưu đãi: không cần trả trước, kết hợp với tỷ lệ lãi suất 0%. Đổi lại, các doanh nghiệp sẽ trích trực tiếp một phần lương của nhân viên hàng tháng để thanh toán cho FRT. Theo FRT, F-Friend là một chương trình hỗ trợ tài chính thay cho các chính sách hỗ trợ tài chính truyền thống của các công ty tài chính tiêu dùng. Có đến 30% doanh số FRT khách hàng dùng chính sách hỗ trợ tài chính của các cty tài chính tiêu dùng. Tính đến cuối năm 2017, FRT đã hợp tác với hơn 2000 doanh nghiệp với tổng số 650.000 thành viên tham gia vào chương trình F-friend. Chương trình thu về khoảng 3 triệu USD/tháng, và chiếm 4% tổng doanh thu của FRT.
Chương trình trợ giá mua điện thoại là một chương trình mà FRT hợp tác với các công ty viễn thông để đưa ra các sản phẩm cho người tiêu dùng với mức chiết khấu 30-40%. Các công ty viễn thông trong chương trình này sẽ có trách nhiệm thanh toán cho FRT số tiền chiết khấu cho khách hàng, và đổi lại khách hàng phải cam kết sử dụng dịch vụ viễn thông trong một khoảng thời gian. Chương trình này khá phổ biến trên thế giới nhưng hoàn toàn mới ở Việt Nam. FRT đã hợp tác với Vietnammobile và Mobiphone trong 4 tháng, cho kết quả khá khả quan với doanh thu chiếm 5% tổng doanh thu của FRT. FRT hiện tại đang trong quá trình đàm phán với Vinaphone và Viettel để phát triển thêm chương trình.
Bán hàng trên Omnichannel (kênh trực tuyến) thông qua website, fanpages. Hiện tại, fanpage của FPT Shop có 2,5 triệu thành viên.
Hoạt động kinh doanh mới
(1) Mở thêm cửa hàng branded shops cho các hãng sản xuất. Hiện tại, FRT đã hợp tác với Apple để mở 12 Apple Stores (F.Studio) ở Việt Nam. Theo quan điểm của FRT, có hai lý do để xây dựng các Apple Stores là: (1) xây dựng hình ảnh FRT là một trong những nhà bán lẻ hàng cao cấp; (2) được phép nhập khẩu trực tiếp từ Apple Singapore thay vì thông qua các nhà phân phối, do đó giảm tối đa chi phí. Theo FRT, iPhone ở Việt Nam có 40% nguồn cung từ thị trường xách tay, 60% từ các nhà bán lẻ chính hãng. Tại Việt Nam, chỉ có 15 đại lý ủy quyền của Apple, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (480), Indonesia (364) hay Singapore (527). Do đó, tiềm năng tăng trưởng doanh thu nhờ lấy thị phần thị trường xách tay vẫn còn.
(2) Mở rộng chuỗi nhà thuốc
Theo FRT, chuỗi nhà thuốc là mảng kinh doanh mới phù hợp với FRT với các lý do sau đây: (1) tổng qui mô thị trường dược phẩm ở Việt Nam là 1,5 tỷ đô/năm, và FRT đặt mục tiêu chiếm 30% thị phần hay 10 nghìn tỷ đồng/năm; (2) Chi tiêu bình quân đầu người cho mặt hàng dược phẩm tại Việt Nam chỉ ở mức 30 USD/năm, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (46), Malaysia (66), Singapore (142); (3) tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường dược phẩm là khoảng 13%/năm , và thị trường này không phụ thuộc nhiều vào các biến động kinh tế vì đây là mặc hàng thiết yếu.
FRT đã mua chuỗi dược phẩm Long Châu vào tháng 1/2017 khi chuỗi này chỉ sở hữu 5 nhà thuốc. FRT chọn Long Châu thay vì các chuỗi nhà thuốc khác là do doanh thu mỗi cửa hàng Long Châu đạt 136.000 USD/tháng, cao hơn nhiều so với các nhà thuốc khác như Phúc An Khang (32.000 USD), Eco (25.000 USD), và Phano (18.000 USD). Việc doanh thu của Long Châu cao hơn các chuỗi nhà thuốc khác chứng minh nhà thuốc thu hút được nhiều khách hàng hơn so với các nhà thuốc khác.
Sau 1 năm mua lại Long Châu, FRT đã mở thêm 5 nhà thuốc Long Châu mới, tăng tổng số cửa hàng lên 10 cửa hàng. Năm 2018, FRT lên kế hoạch mở 30 nhà thuốc mới, và mục tiêu đạt 390 nhà thuốc vào cuối năm 2021. Công ty kỳ vọng doanh thu từ phân khúc này sẽ chiếm 30-40% tổng doanh thu của FRT trong 3-4 năm tới.
Chính sách cổ tức
Chia cổ tức bằng cổ phiếu: ĐHCĐ của FRT đã thông qua việc phát hành cổ phiếu ưu đãi với tỷ lệ 70% cho các cổ đông hiện hữu. Cụ thể, FRT dự kiến phát hành 28 triệu cổ phiếu tại mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu trong quý 2 hoặc quý 3 năm 2018. Do đó, vốn điều lệ sẽ đạt 680 tỷ đồng.
Chia cổ tức bằng tiền mặt: ĐHCĐ của FRT cũng thông qua việc ứng trả trước 20% cổ tức bằng tiền mặt năm 2018.
Kế hoạch phát hành ESOP
ĐHCĐ năm 2018 đã thông qua việc phát hành cổ phiếu ESOP ở mức giá thấp hơn giữa 10.000 đồng/cp và giá thị trường tại thời điểm phát hành. Tỷ lệ ESOP gồm 2 trường hợp: (1) 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành nếu công ty hoàn thành từ 90% đến dưới 100% kế hoạch năm 2018; (2) 2% số lượng cổ phiếu đang lưu hành nếu công ty hoàn thành 100% hoặc vượt kế hoạch năm 2018. 50% số cổ phiếu ESOP sẽ bị giới hạn chuyển nhượng trong một năm.
Kết quả kinh doanh quý 1/2018 khả quan
Quý 1 năm 2018, doanh thu và lợi nhuận ròng ước tính tăng lần lượt 19% YoY và 32% YoY.
Quan điểm đầu tư
Dựa trên kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2018 là 377 tỷ đồng, EPS 2018 ước tính đạt 9.142 đồng/ cổ phiếu, tương đương 4.688 đồng sau khi pha loãng. Ở mức giá hiện tại là 145.000 đồng, FRT đang giao dịch ở mức PE 2018 dự phóng ở mức 15,9x. Chúng tôi áp dụng PE mảng bán lẻ hàng CNTT là 18x, mức giá mục tiêu 1 năm đối với FRT là 164.556 đồng/cổ phiếu.
SSI Research
3 thoughts on “CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT: OTC): Cập nhật Đại hội cổ đông – Mở thêm cửa hàng mới và mở rộng chuỗi nhà thuốc [Mục tiêu 1 năm 164.556đ/cp]”