CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT: HOSE): Tăng trưởng mạnh hơn thị trường chung nhờ chiến lược bán hàng khác biệt [Mục tiêu 95.600 đ/cp]

Ở mức giá hiện tại là 71.700 đồng/ cp, FRT đang giao dịch P/E 2018 và 2019 dự phóng là13,2x và 11,3x. Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị MUA về cổ phiếu này, với giá mục tiêu 1 năm là 95.600 đồng/ cp (tăng 33% so với giá hiện tại), dựa trên P/E mục tiêu là 16x do tốc độ tăng trưởng chậm lại từ thị trường điện thoại di động và thanh khoản cổ phiếu thấp.

>> CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT: OTC): Cập nhật Đại hội cổ đông – Mở thêm cửa hàng mới và mở rộng chuỗi nhà thuốc [Mục tiêu 1 năm 164.556đ/cp]

>> [Daily Stock Calls 29/10/2018] VCSC: Khuyến nghị MUA FRT SCS BID MWG, Khuyến nghị khả quan PVS, Cập nhật HDB – SSI: cập nhật TCB, VPB, ACB, VCG – HSC: khuyến nghị KHẢ QUAN cp CTD

  Giá hiện tại % chang (t-3) P/E P/B
FRT 72.1 4.8% 14.33 4.79

KQKD 9T2018

Doanh thu thuần tăng 19,5% YoY lên 11.033 tỷ đồng trong 9T2018 (tăng trưởng 22,1% YoY so với 9T2017), hoàn thành 68,9% kế hoạch năm 2018. Tốc độ tăng trưởng này tương tự mức tăng trưởng doanh thu của MWG đến từ điện thoại, máy tính bảng, laptops trong9T2018, nhưng tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung. Dựa trên số liệu GFK, chúng tôi ước tính giá trị thị trường chung trong 9T2018 giảm 2,5% YoY. SSSG của FRT (không bao gồm chương trình F.Friend và trợ giá điện thoại) trong 9T2018 ở mức 2% YoY

Mở rộng số lượng cửa hàng: Trong 9T2018, FRT mở 51 cửa hàng FPT shops, nâng tổng số cửa hàng lên 524 cửa hàng. So với kế hoạch là 100 cửa hàng mới trong năm 2018, FRT khó có thể hoàn thành mục tiêu vì khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng phù hợp. Chi phí thuê mặt bằng có xu hướng tăng mạnh do sự cạnh tranh của các nhà bán lẻ khác như Vinmart, Con cưng, Coffee house và các công ty khác. Công ty đặt mục tiêu mở 20 cửa hàng mới trong quý 4 để tăng tổng số cửa hàng lên 544 cửa hàng.

Trong 9T2018, tổng doanh thu tăng 1.805 tỷ đồng nhờ:

  1. Doanh thu đến từ cửa hàng và chương trình F-Friend tăng thêm 1.046 tỷ đồng (hay 58% tổng doanh thu tăng thêm). Trong 9T2018, doanh thu từ F.Friend tăng 29% YoY lên 562,7 tỷ đồng, chiếm 5,1% tổng doanh thu. FRT đã hợp tác với 2.430 doanh nghiệp (so với 2000 doanh nghiệp vào cuối năm 2017), với tổng số 995.000 thành viên (so với 650.000 thành viên vào cuối năm 2017) trong chương trình này. Về việc hợp tác với các ngân hàng để giảm rủi ro nợ xấu trong chương trình F-Friend, trong Q3 FRT đã kết nối thành công với hệ thống VPBank nhưng công ty phát hiện một số vấn đề: (1) Cần mất một vài ngày để hoàn tất thủ tục mua sản phẩm từ FRT nếu mua sản phẩm thông qua chương trình này ; (2) Ngân hàng chưa được phép phát hành thẻ đồng thương hiệu. Do đó, FRT dự kiến mất nhiều thời gian hơn để có thể áp dụng chính thức chương trình đồng hợp tác với ngân hàng trong chương trình F-Friend.
  2. Doanh thu tăng từ chương trình trợ giá điện thoại ở mức cao, đạt 496 tỷ đồng (đóng góp 27,5% vào tổng doanh thu tăng thêm). Chương trình này cho thấy những dấu hiệu tích cực kể từ khi FRT phát quảng cáo truyền hình vào đầu quý này. Cụ thể, doanh thu từ chương trình này đóng góp 4,5% trong tổng doanh thu 9T2018, cao hơn nhiều so với mức 3,8% trong 6T2018. Về nhà mạng, FRT đã hợp tác với Vietnamobile và Mobifone triển khai thí điểm chương trình trợ giá điện thoại từ cuối năm 2017 cho đến nay. Vinaphone dự kiến sẽ chính thức triển khai vào tháng 12/2018, trong khi công ty vẫn đang đàm phán với Viettel.

Chương trình chuyển mạng giữ số (Mobile Number Portability – MNP) theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông được chính thức triển khai thử nghiệm từ ngày 16/11/2018 cho người dùng Vinaphone, Mobiphone, Viettel và Vietnammobile. MNP cho phép người dùng di động giữ lại số di động của họ khi thay đổi từ nhà mạng này sang nhà mạng khác. Chúng tôi cho rằng MNP sẽ tạo ra nhiều thuận lợi hơn cho khách hàng khi mua điện thoại thông qua chương trình trợ giá điện thoại. Với lợi thế của nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam triển khai chương trình trợ giá điện thoại, chúng tôi kỳ vọng doanh thu từ chương trình này của FRT sẽ tiếp tục được cải thiện trong tương lai.

  1. Doanh thu từ kênh thương mại điện tử tăng thêm 263 tỷ đồng ( đóng góp 14,6% vào doanh thu tăng thêm). Lũy kế, doanh thu từ kênh thương mại điện tử chiếm 16% tổng doanh thu trong 9T2018, cao hơn mức đóng góp 15% tổng doanh thu cả năm 2017. Theo Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam – Iprice Insights, FRT duy trì top 5 trang thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất tại Việt Nam đối với hình thức B2C (bán sản phẩm trực tiếp từ doanh nghiệp tới khách hàng) với11,6 triệu lượt khách truy cập trong Q3/2018.

Tỷ suất lợi nhuận gộp trong 9T2018 đạt 13,4%, giảm so với 14% trong 9T2017 do: (1) Trong 9 tháng đầu năm, FRT đã giảm giá bán của iphone X nhằm giải quyết nhanh hàng tổn kho; (2) Chiến lược bán hàng “Flash sale” cho vài thương hiệu như Xiaomi khiến tỷ suất lợi nhuận gộp thấp hơn so với bình thường. Flash sale là hình thức bán hàng với mức giá giảm đáng kể, chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn để thúc đẩy doanh số bán hàng. Chương trình Flash sale dựa trên sự hợp tác của 3 bên bao gồm: nhà sản xuất, nhà bán lẻ trực tuyến và nhà bán buôn. Cả 3 bên đều sẵn sàng chịu tỷ suất lợi nhuận giảm trong ngắn hạn để đẩy mạnh doanh số bán hàng nhằm mở rộng thị phần nhanh nhất có thể.

Mặc dù vậy, tỷ suất lợi nhuận ròng 9T2018 đạt 2,1%, cải thiện nhẹ  so với mức 1,9% trong 9T2017, chủ yếu do tỷ lệ chi phí bán hàng/ doanh thu giảm (8,4% 9T2018 so với 9,2% 9T2017) nhờ cải thiện hiệu quả hoạt động.

Do đó, lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông tăng 29,8% lên 227,4 tỷ đồng trong 9T2018 (so với 39,5% trong 9T2017), hoàn thành 60,3% kế hoạch năm 2018.

Cập nhật các hoạt động kinh doanh khác

Cửa hàng thương hiệu (Branded shop): tính đến 9T2018, doanh thu từ F.Studio tăng 25% YoY đạt 301 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,7% tổng doanh thu. Trong quý 3, việc mở mới cửa hàng F.Studio chuyển biến tích cực hơn so với 6T2018 khi FRT chưa mở bất kỳ F.Studio nào, do: (1) công ty gặp một số vấn đề với Apple Vietnam về việc lựa chọn địa điểm phù hợp để xây dựng cửa hàng F.Studio. Các điều kiện do Apple Việt Nam đưa ra khá chặt chẽ, và mất khoảng 3 tháng để đưa ra quyết định cuối cùng, khiến FRT chậm trễ trong việc mở các cửa hàng mới. (2) Nhân sự phụ trách F.Studio hoạt động chưa hiệu quả. Trong Quý 3, FRT đã mở 3 cửa hàng F.Studio mới và nâng tổng số F.Studio lên thành 15 cửa hàng so với mục tiêu 2018 là 20 cửa hàng. Ngoài ra, FRT có kế hoạch cung cấp các khóa học hướng dẫn khai thác các tính năng hay của sản phẩm của Apple cho người tiêu dùng để đẩy mạnh doanh số cho chuỗi cửa hàng F.Studio cũng như với các sản phẩm của Apple.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu: FRT mua lại Long Châu vào tháng 1/2017, khi chỉ có 5 cửa hàng trong chuỗi nhà thuốc. Tính tới cuối tháng 9/2018, FRT đã mở 12 nhà thuốc mới, bao gồm 6 nhà thuốc trong năm 2017 và 6 nhà thuốc trong 9T2018, tăng tổng số nhà thuốc Long Châu lên 17 cửa hàng. Theo FRT, công ty khó có thể đạt được mục tiêu của 30 nhà thuốc Long Châu vào cuối năm 2018.

FRT duy trì kế hoạch hợp nhất phân khúc dược phẩm vào báo cáo tài chính của FRT trong quý 4 năm 2018.

Kết quả kinh doanh ước tính

Mặc dù số lượng cửa hàng mở rộng chậm hơn dự kiến, doanh thu và lợi nhuận của FRT tính đến 9T2018 vẫn sát với kế hoạch năm, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng của chương trình F.Friend, chương trình trợ giá điện thoại cũng như các kênh thương mại điện tử.

Do vậy, chúng tôi vẫn giữ nguyên ước tính kết quả kinh doanh năm 2018-2019 như báo cáo trước.

Năm 2018 chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 16.200 tỷ đồng (+23,3% YoY) và 380 tỷ đồng (+31,3% YoY), tương đương EPS là 5.424 đồng (+31,3% YoY)

Trong năm 2019, doanh thu và lợi nhuận ròng được ước tính đạt 18.500 tỷ đồng (+14,4% YoY) và 442,9 tỷ đồng (+16,5% YoY), tương đương EPS 6.318 đồng.

Quan điểm của chúng tôi

FRT đã tăng trưởng vượt trội so với thị trường điện thoại di động nhờ các chương trình bán hàng khác biệt gần đây. Tuy nhiên, trong dài hạn, tăng trưởng của phân khúc điện thoại di động dự kiến sẽ chậm lại khi SSSG gần như không đổi. Mặt khác, các hiệu thuốc sẽ đóng góp vào lợi nhuận của FRT từ quý 4/2018 với SSSG vào khoảng 9-10%. Cửa hàng mới mở trong cả hai phân khúc cũng sẽ là yếu tố đóng góp tăng trưởng trong 2-3 năm tới.

Ở mức giá hiện tại là 71.700 đồng/ cp, FRT đang giao dịch P/E 2018 và 2019 dự phóng là13,2x và 11,3x. Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị MUA về cổ phiếu này, với giá mục tiêu 1 năm là 95.600 đồng/ cp (tăng 33% so với giá hiện tại), dựa trên P/E mục tiêu là 16x do tốc độ tăng trưởng chậm lại từ thị trường điện thoại di động và thanh khoản cổ phiếu thấp.

Rủi ro

(1) Nợ xấu phát sinh từ chương trình trợ giá điện thoại và chương trình F.Friend;

(2) Cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các doanh nghiệp thương mại điện tử.

SSI Research


Các nguồn định giá tham khảo khác


FRT chart. Nguồn: dautugiatri.vn

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.