Chúng tôi hạ dự phóng năm 2022, DTT dự kiến đạt 139,014 tỷ đồng (+12% YoY), LNST đạt 5,176 tỷ đồng (+5% YoY), năm 2023 đạt lần lượt 145,810 tỷ đồng (+5% YoY) và 5,639 (+10% YoY). Khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 53,300 VNĐ/cp.
Kết quả kinh doanh 10 tháng năm 2022
Luỹ kế 10T2022, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 113,712 tỷ đồng (+15% YoY) – hoàn thành 81% kế hoạch năm 2022. LNST 10T2022 giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ, đạt 3,839 tỷ đồng – hoàn thành 60% kế hoạch. Như vậy, công ty đã hoàn thành được 82% và 74% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận chúng tôi kỳ vọng. Trong cuộc họp với các chuyên viên phân tích vừa qua, BLĐ đánh giá tình hình vĩ mô trong thời gian tới tương đối tiêu cực, do vậy dự kiến công ty chỉ hoàn thành kế hoạch DTT, kế hoạch LNST thực hiện được 90%.
Biên lợi nhuận gộp có sự cải thiện, tăng từ mức 21.4% trong quý 2 lên 23.1% trong quý 3, chủ yếu đến từ việc các sản phẩm gia dụng gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu (các sản phẩm này có BLN cao hơn các sản phẩm khác). Trong khi đó, BLNG của chuỗi BHX và An Khang vẫn duy trì lần lượt 25% và 22% như các quý trước.
Chúng tôi nhận thấy LNST và biên lợi nhuận ròng (NPM) của MWG sụt giảm trong 3 quý gần đây, đặc biệt là Q3/2022 NPM chạm mức thấp kỷ lục, chỉ đạt 2.8%. Theo MWG, công ty đã hạch toán chi phí đóng các cửa hàng BHX hoạt động không hiệu quả trong báo cáo quý 2 và quý 3, khoảng 500 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng, chi phí này đã ăn mòn một phần lợi nhuận của 2 quý gần đây, và do là chi phí phát sinh một lần nên khoản mục này sẽ không ảnh xuất hiện trong các kỳ báo cáo tiếp theo. Nguyên nhân thứ 2 khiến LNST bị giảm mạnh trong quý gần đây do công ty phát sinh khoản lỗ thuế từ công ty con chưa ghi nhận hoãn lại khoảng gần 600 tỷ đồng (dự kiến sẽ được hoàn nhập).
Mặt khác, HĐKD cốt lõi cho thấy tín hiệu tương đối tích cực trong thời gian gần đây khi biên EBITDA luỹ kế 9T2022 đạt 8.5% (+20% YoY), riêng trong quý 3 tỷ lệ này đạt mức cao nhất từ trước đến nay của MWG (9.6%). Chúng tôi cho rằng MWG vẫn đang vận hành tương đối hiệu quả so với thịtrường chung mặc dù LNST chưa đạt kỳ vọng do những chi phí bất thường phát sinh trong thời gian qua.
TGDĐ/ĐMX bị tác động tiêu cực trong ngắn hạn do sức mua giảm mạnh
Doanh thu luỹ kế 10T2022 của hai chuỗi TGDĐ/ĐMX đạt 89,6 nghìn tỷ đồng (+21% YoY), đóng góp 79% cơ cấu doanh thu của cả công ty. Riêng trong tháng 10, doanh thu của 2 chuỗi này giảm 18% so với mức nền cao của tháng 10 năm ngoái khi cầu bị dồn nén sau thời gian giãn cách xã hội.
Trong quý 3, kênh online đóng góp 15% trong tổng doanh thu của TGDĐ (+5% YoY). Mặc dù không còn được hưởng lợi từ việc lockdown của năm ngoái, nhưng kênh online của MWG vẫn ghi nhận kết quả tích cực. BLĐ cho biết năm nay doanh thu online có thể đạt 18 nghìn tỷ đồng – tương ứng tăng 30% YoY. Việc sở hữu hệ thống cửa hàng offline và dịch dụ giao nhanh lắp đặt nhanh giúp chuỗi ICT&CE của MWG có lợi thế hơn, hoạt động hiệu quả hơn so với các sàn TMĐT khác trên thị trường.
Mô hình Supermini (ĐMS) hiện chiếm 45% về số lượng của hàng trong cơ cấu chuỗi ĐMX (+11% YoY), mang về cho MWG 8 nghìn tỷ doanh thu trong 9 tháng đầu năm. BLĐ cho biết với các cửa hàng hoạt động hiệu quả vượt trội, doanh thu hàng tháng trên 2 tỷ đồng, công ty sẽ nâng cấp lên mô hình ĐMX, hoặc chuyển mô hình TGDĐ sang ĐMS ở khu vực có tiềm năng với sản phẩm điện máy.
Sản lượng tiêu thụ iPhone 14 tăng trưởng 150% so với sản phẩm ra mắt năm 2021. Tuy nhiên, BLĐ cho biết mức tăng rưởng này vẫn chưa đạt kỳ vọng do các vấn đề xoay quanh nhà máy Foxconn ở Trung Quốc (nơi cung ứng 70% sản lượng iPhone toàn cầu) khiến nguồn cung iPhone 14 bịthiếu hụt. Dù vậy, động lực tăng trưởng sẽ tiếp tục được duy trì nhờ tốc độ mở mới nhanh các cửa hàng Topzone trong thời gian qua, cũng như sản phẩm iPhone 14 vẫn còn nhiều cơ hội.
Những tín hiệu không mấy tích cực của nền kinh tế đang tác động đến thu nhập của người tiêu dùng, khiến sức mua bị ảnh hưởng mặc dù tết Nguyên Đán đang đến gần. Các mặt hàng không thiết yếu (điện thoại, điện máy…) sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn các mặt hàng khác. Theo BLĐ MWG đánh giá tình hình này có thể kéo dài đến quý 1 năm sau, thậm chí là quý 2 hoặc quý 3 trong kịch bản xấu; từ quý 4/2023 sẽ ổn định trở lại.
Doanh thu quý 4/2022 nhiều khả năng không đạt kỳ vọng trong bối cảnh nhu cầu điện máy đang chậm lại và MWG cũng đang thận trọng hơn trong kế hoạch mở mới. Công ty cho biết hiện tại chưa có kế hoạch mở thêm cửa hàng trong 6 tháng đầu năm 2023.
Mô hình Bách Hoá Xanh hoạt động hiệu quả sau quá trình tái cấu trúc
Doanh thu luỹ kế 10T2022 của chuỗi BHX đạt 22,3 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 9% so với mức nền cao của năm 2021, riêng tháng 10/2022, doanh số tăng 22% YoY. Sau quá trình tái cấu trúc, mô hình BHX cho thấy hiệu quả rõ rệt khi doanh thu bình quân đạt 1.37 tỷ/tháng/cửa hàng, lượng khách hàng tới mua sắm tăng trưởng trung bình 2% qua các tháng. Tính đến tháng 10/2022, BHX có lãi EBITDA cao nhất từ trước đến nay.
Chúng tôi đánh giá sức mua trong quý 4 có thể không đạt kỳ vọng do vấn đề thất nghiệp tại các xí nghiệp nhà máy ở phía Nam sẽ ảnh hưởng đến doanh số các cửa hàng ở khu vực này. Với bối cảnh vĩ mô hiện tại, không chỉ các mặt hàng điện thoại điện máy mà các mặt hàng kinh doanh của BHX cũng sẽ bị ảnh hưởng, dù là với mức độ thấp hơn.
Hiện nay chuỗi BHX đang có hơn 1,700 cửa hàng với nhiều mô hình, trong đó 2 mô hình mà công ty chú trọng mở rộng trong năm sau là 150-200m2 và 300- 400m2. MWG sẽ tập trung mở các cửa hàng BHX ở các khu công nghiệp, khu dân cư đông đúc, nhưng công ty sẽ không mở ồ ạt như trước đây mà sẽ có tiêu chí đánh giá để cửa hàng nào mở ra cũng hiệu quả.
Chiến lược mới của chuỗi BHX trong thời gian tới là sẽ hướng đến lôi kéo nhóm khách hàng là những người đi siêu thị và những người đi chợ. Điều này phù hợp với mục tiêu của quá trình tái cấu trúc BHX, khi hiện tại các cửa hàng BHX có đầy đủ mặt hàng như siêu thị, nhưng vẫn đảm bảo độ tươi ngon hơn hàng hoá bán ở chợ. Để thực hiện chiến lược này, bên cạnh việc bận hành hiệu quả các cửa hàng, công ty sẽ chạy thêm nhiều chương trình khuyến mãi để mang lại nhiều lợi ích nhất cho khách hàng. BLĐ cho biết các chương trình khuyến mãi đều từ các đối tác của MWG nên công ty sẽ không tốn thêm chi phí. Chúng tôi cho rằng, động lực tăng trưởng của BHX trong năm sau sẽ đến từ nhóm khách hàng tiềm năng mà công ty đang hướng tới.
Với chiến lược hiện tại, BHX đã ghi nhận EBITDA dương và đang tăng dần. Theo BLĐ nếu tình hình chung không xấu một cách bất thường thì quý 4/2023 BHX sẽ có lãi. Ngoài ra, kế hoạch tăng vốn cho BHX hiện đã hoàn thiện 70-80%, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 1/2023 (đã đề cập trong báo cáo gần nhất). BLĐ cũng tiết lộ sẽ bổ nhiệm CEO mới dẫn dắt chuỗi BHX trong ĐHCĐ thường niên sắp tới.
Thông tin về các chuỗi khác
So với kế hoạch mở 800 cửa hàng đặt ra từ đầu năm MWG đã quyết định tạm ngưng mở mới, dừng lại ở hơn 500 cửa hàng thuốc An Khang do thị trường ở thời điểm hiện tại có nhiều khó khăn. Các nhà thuốc hoạt động tối thiểu 6 tháng có mức doanh thu bình quân hàng tháng 400-500 triệu/nhà thuốc, với nhà thuốc mới khai trương trong vòng 6 tháng con số này khoảng 300-350 triệu/nhà thuốc. Với các cửa hàng doanh thu 400-500 triệu/tháng đã có lợi nhuận đủ để bù đắp chi phí vận hành (bao gồm cả chi phí khấu hao). BLNG tiếp tục duy trì ở mức 22%.
Hiện nay, MWG đang hướng đến giữ chân khách hàng mua thuốc mãn tính (mua thường xuyên) thông qua chương trình tích điểm và khuyến mãi trên app. Theo ước tính, nếu doanh thu trung bình mỗi nhà thuốc duy trì ở mức 450-500 triệu/tháng, BLNG 22% thì chuỗi An Khang sẽ hoà vốn và có lời.
Trong tháng 12 tới đây, MWG sẽ khai chương 5 cửa hàng điện máy đầu tiên với thương hiệu EraBlue tại thị trường Indonesia. Theo đánh giá của MWG, thị trường điện máy tại Indo còn tương đối sơ khai, chưa có nhà bán lẻ dẫn dắt nên vẫn còn nhiều tiềm năng. Thị trường phần lớn là những cửa hàng truyền thống với danh mục hàng hoá và dịch vụ sau mua vẫn còn hạn chế. Do đó, dịch vụ hậu mãi (giao nhanh, lắp đặt nhanh) vốn có của MWG sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn tại thị trường này. Các cửa hàng EraBlue dự kiến sẽ nằm trên các trục đường lớn, không phải bên trong các Trung tâm thương mại, với diện tích rộng khoảng 400m2, doanh thu trung bình hàng tháng kỳ vọng đạt 3 tỷ/cửa hàng.
Dự phóng kết quả kinh doanh
Chúng tôi hạ mức dự phóng KQKD năm 2022 và năm 2023 do tình hình vĩ mô kém khả quan. Năm 2022, chúng tôi kỳ vọng doanh thu thuần của MWG đạt 139,014 tỷ đồng (+12% YoY), LNST đạt 5,176 tỷ đồng (+5% YoY). Chúng tôi cho rằng sức mua sẽ chưa thể hồi phục ngay trong nửa đầu năm 2023, mà sẽ ổn định lại từ quý 3 hoặc quý 4. Do đó DTT và LNST dự kiến của MWG sẽ tăng nhẹ so với năm 2022, đạt lần lượt 145,810 tỷ đồng (+5% YoY) và 5,639 (+10% YoY).
Định Giá
Chúng tôi đánh giá cao hoạt động kinh doanh của MWG trong 10T2022 vẫn tương đối tích cực so với thị trường chung. Năm 2023 ngành bán lẻ nói chung và MWG nói riêng sẽ còn nhiều thách thức nhưng chúng tôi cho rằng với vị thế đầu ngành, tài chính lành mạnh cùng với kế hoạch phát triển các chuỗi mới, MWG vẫn là một cơ hội đầu tư hấp dẫn khi. Cổ phiếu này hiện đang giao dịch ở mức P/E 2022 12.x – là vùng định giá thấp.
Chúng tôi kết hợp hai phương pháp định giá DCF và so sánh P/E – P/S (tỉ trọng 50-50) để định giá cổ phiếu MWG. Với phương pháp P/E-P/S, chúng tôi giữ điều chỉnh giá mục tiêu cho chuỗi ICT&CE ở mức 9.x (thị trường điện thoại điện máy gặp nhiều khó khăn) và P/S mục tiêu cho BHX và An Khang lần lượt là 1.x; 0,5.x
Khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu MWG, mức giá mục tiêu 53,300 VNĐ/cp, cao hơn 21% giá đóng cửa ngày 01/12/2022.
Nguồn: KBSV
Các nguồn định giá tham khảo khác:
Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0
MWG chart. Nguồn: phowall.vn
Link tham room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638