Giá mục tiêu của chúng tôi cho AST là 85.700đ/cp dựa trên phương pháp định giá DCF. Động lực tăng giá: (1) hàng không quốc tế được mở lại hoàn toàn, (2) tăng trưởng các cửa hàng mới và tăng trưởng doanh số mỗi cửa hàng cao hơn dự kiến, và (3) mở rộng kinh doanh sang các sân bay mới.
Giá hiện tại (01/04/2022): 60,500 đ/cp
Giá mục tiêu: 85,700 đ/cp
Lợi nhuận kỳ vọng: 42,4%
Kết quả hoạt động kinh doanh
Hoạt động hàng không nội địa phục hồi mạnh mẽ kể từ Q2/22
Với việc cải thiện tiêm chủng, hoạt động hàng không nội địa của Việt Nam đã dần khôi phục trong Q4/21 và hoạt động bình thường trở lại kể từ năm 2022. Nhu cầu về hoạt động hàng không nội địa đã tăng mạnh từ nửa cuối tháng 1 (22/1), giúp tần suất các chuyến bay nội địa trong tháng 1/2022 đạt mức 70% trước đại dịch, trước khi đạt mức 92% trước đại dịch vào cuối tháng 2/2022. Kết thúc Q1/22, thị trường nội địa đã phục hồi về mức 87% trước đại dịch (Q1/19).
Chúng tôi kỳ vọng thị trường nội địa sẽ tăng 137,0% svck trong năm 2022 khi đất nước đang bước vào giai đoạn “bình thường mới” với nhu cầu đi lại phục hồi. Thị trường nội địa có thể tiếp tục tăng mạnh 15,8% svck trong năm 2023 trước khi tăng trưởng chậm lại xuống còn 7,9%/8,3% svck trong năm 2024-2025. Theo ước tính của chúng tôi, thị trường nội địa Việt Nam có thể vượt mức trước đại dịch trong năm 2022 (103% so với
năm 2019) và có thể đạt tới 139,5% mức trước đại dịch trong năm 2025.
Sự phục hồi của hàng không quốc tế Việt Nam gập ghềnh hơn
Du lịch quốc tế là chìa khóa cho sự phục hồi của hàng không quốc tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo Google Destination Insights, từ đầu năm 2022, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không và du lịch Việt Nam vẫn ở mức rất cao. Tổng lượt tìm kiếm từ 01/01/2022 đến 04/02/2022 đã tăng 72,8% svck.
Ngày 15/02/2022, Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế về tần suất các chuyến bay quốc tế. Đến ngày 15/03/2022, Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn đường hàng không quốc tế, trong đó (1) số lượng đường bay thường lệ gần như đã trở lại mức trước đại dịch (90%), (2) khôi phục chính sách thị thực trước đại dịch và (3) khách du lịch quốc tế chỉ cần xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 và có bảo hiểm y tế. So với giai đoạn trước đại dịch, vẫn còn 8 quốc gia chưa mở lại đường bay thường lệ với Việt Nam, bao gồm Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Macao, Phần Lan, Ý và Thụy Sĩ. Trong Q1/22, sản lượng khách quốc tế đã tăng 176,2% svck lên 321.000 khách và đạt mức 4,7% trước đại dịch (Q1/19).
AST là một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ hàng không
Sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam
Hiện tại, AST đã thành lập chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam với tổng số 108 cửa hàng phủ khắp các sân bay trọng điểm của Việt Nam, tập trung phần lớn ở NIA và DIA. Chuỗi bán lẻ sân bay của AST vượt trội so với đối thủ theo sau là Công ty Cổ phần Dịch vụ Sân bay Miền Nam (SAS) với ước tính khoảng 50 cửa hàng tập trung tại TIA.
AST sở hữu các chuỗi bán lẻ, bao gồm: bách hóa lưu niệm, F&B, hàng miễn thuế, dịch vụ viễn thông & vận tải, đặt tour du lịch và khách sạn, thông qua 106 cửa hàng trên khắp các sân bay trên toàn quốc. Kể từ năm 2020, công ty đã khai thác dịch vụ phòng chờ thương gia với việc khai trương 2 phòng chờ ở NIA và DIA.
AST sở hữu 27% cổ phần tại CTCP Dịch vụ Suất ăn Việt Nam (VINACS). VINACS hiện đang vận hành hai nhà máy cung cấp suất ăn hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Cam Ranh, cung cấp suất ăn trên máy bay cho các hãng hàng không với tổng công suất thiết kế 20.000 suất ăn/ngày.
Khả năng sinh lời vượt trội so với các công ty cùng ngành
AST có hiệu quả hoạt động tốt với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 53,3% và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của doanh thu là 63,3% trong giai đoạn 2016-2019. Sau đó, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn 2020- 2021. Lưu thông hàng không quốc tế bị đóng băng trong hai năm trong khi lưu thông hàng không nội địa bị hạn chế trong mỗi đợt bùng phát, dẫn đến doanh thu năm 2020-2021 giảm 68,5%/57,1% svck. AST ghi nhận khoản lỗ ròng 49/118 tỷ đồng trong năm 2020-2021 so với lợi nhuận sau thuế là 191 tỷ đồng trong năm 2019. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy dấu hiệu tích cực cho thấy kết quả kinh doanh của AST đã bắt đầu hồi phục vào quý 4/2021 với sự cải thiện mạnh mẽ của biên gộp và lợi nhuận ròng theo quý nhờ hoạt động vận tải hàng không nội địa nối lại kể từ tháng 10/2021.
Triển vọng 2022-23: khó khăn đã ở lại phía sau
AST đã tận dụng cơ hội để mở rộng chuỗi bán lẻ trong đại dịch
Bán lẻ hàng không có rào cản gia nhập cao, đặc biệt ở các sân bay lớn do:
- Hạn chế về địa điểm kinh doanh
- Phần lớn các hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh ở sân bay đều cho người thuê có quyền gia hạn hợp đồng khi hợp đồng kết thúc, khiến cho những đối thủ mới gặp khó khăn nếu muốn tham gia, hoặc các doanh nghiệp muốn mở rộng chuỗi kinh doanh.
Theo quan điểm thận trọng, do mặt bằng tại sân bay ngày càng khan hiếm, chúng tôi cho rằng khả năng mở rộng của AST giai đoạn sau đại dịch sẽ chậm lại. Kết quả là, chúng tôi kỳ vọng số lượng cửa hàng của AST có thể tăng trưởng kép 4,1% và đạt 127 cửa hàng giai đoạn 2022-25. Trong tương lai gần, AST có nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh vào các sân bay mới tuy nhiên chúng tôi chưa đưa vào mô hình dự báo do các dự án chưa hoàn thành. Các dự án sân bay mới có thể kể đến gồm:
- Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đã bắt đầu khởi công trong tháng 12/2021 và có thể hoạt động trong năm 2024, sẽ tăng tổng công suất thiết kế từ 30 triệu khách/năm lên 50 triệu khách/năm.
- Dự án mở rộng Nhà ga T2 Nội Bài, có thể khởi công trong Q4/22 và hoàn thành trong Q3/24, tăng công suất thiết kế của Nội Bài từ 25 triệu khách/năm lên 30 triệu khách/năm.
- Sân bay quốc tế Long Thành, đã khởi công giai đoạn 1 trong tháng 12/2020 và có thể hoàn thành trong năm 2025. Long Thành giai đoạn 1 có thể phục vụ 25 triệu khách/năm.
Chuỗi bán lẻ của AST sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch
Doanh thu từng cửa hàng của AST có độ tương quan cao với tăng trưởng hành khách của Việt Nam như trong hình 29. Giai đoạn 2017-19, tổng sản lượng hành khách tăng trưởng kép 11,1% trong khi doanh thu từng cửa hàng của AST tăng trưởng kép 27,9% do AST tập trung mở rộng chuỗi cửa hàng đồ lưu niệm với doanh thu từng cửa hàng cao và có độ tương quan tăng trưởng cao với tăng trưởng khách quốc tế. Trong giai đoạn 2020-21, do hoạt động kinh doanh của AST có độ nhạy cao với khách quốc tế, doanh thu cửa hàng của AST đã chạm đáy ở mức 1,3 tỷ/ cửa hàng trong năm 2021. Tuy nhiên, với triển vọng phục hồi mạnh mẽ của hàng không Việt Nam trong trung hạn, đặc biệt là hàng không quốc tế khi chính phủ đã mở cửa hoàn toàn từ 15/03/2022, chúng tôi kỳ vọng AST sẽ hưởng lợi mạnh mẽ với doanh thu từng cửa hàng tăng 303,3% svck trong năm 2022 và tăng trưởng kép 46,7% giai đoạn 2022-25.
Khách sạn: sự phục hồi có thể dự đoán
A La Carte Đà Nẵng (khách sạn AST) sở hữu những lợi thế bao gồm:
- Đà Nẵng với tốc độ tăng trưởng khách du lịch cao
- Vị trí đắc địa ngay sát biển Mỹ Khê.
Bước sang năm 2022, thành phố đang bước vào giai đoạn “bình thường mới” với mục tiêu khôi phục ngành du lịch và dự kiến tổng lượng khách sẽ tăng mạnh 200,2% svck, do đó chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh doanh của A La Carte sẽ phục hồi với tỷ lệ lấp đầy tăng lên 45% trong năm 2022 và đạt 75% trong năm 2025, điều này sẽ giúp doanh thu khách sạn của AST tăng 359,0% trong năm 2025 và tăng trưởng CAGR đạt 20,9% trong giai đoạn 2023-25.
Dịch vụ ăn uống: thời gian sẽ chứng minh
Trước đại dịch, VINACS đã đóng góp cho AST 12 tỷ đồng LNST với hiệu suất nhà máy ước tính là 63%. Hiện nay, tổng số hãng hàng không mà VINACS phục vụ đã lên tới 31 hãng hàng không, trong đó có các hãng hàng không lớn như Qatar Airways, Malaysia Airlines, Vietjet, Bamboo Airways… Vì vậy, trong những năm tới, khi lượng hành khách phục hồi, VINACS có thể tăng hiệu suất nhà máy và tăng đóng góp lợi nhuận cho AST. Chúng tôi kỳ vọng lỗ ròng của VINACS phân bổ cho AST có thể giảm xuống còn 0,8 tỷ đồng trong năm 2022 từ mức lỗ ròng 22 tỷ đồng trong năm 2021 và LN ròng có thể đạt 32 tỷ đồng trong năm 2025, chiếm 9,3% LNST năm 2025 của AST.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và tăng trưởng kép 44,2% trong năm 2023-25
Chúng tôi kỳ vọng doanh thu của AST sẽ tăng 363,2% trong năm 2022 và CAGR đạt 47,9% trong giai đoạn 2023-25, trong đó:
- Đối với mảng bán lẻ sân bay, chúng tôi kỳ vọng doanh thu bán lẻ của AST sẽ tăng 413,6% svck trong năm 2022 và CAGR ở mức 53,0% trong năm 2023-25 do (1) Với góc nhìn thận trọng, số lượng cửa hàng của AST có thể tăng 4,1% CAGR trong năm 2022-25, và (2) doanh thu của cùng một cửa hàng có thể tăng 303,3% svck trong năm 2022 và CAGR đạt 46,7% trong năm 2022-25 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của tổng lượng khách Việt Nam trong trung hạn, đặc biệt là khách quốc tế.
- Đối với phân khúc khách sạn, doanh thu khách sạn của AST có thể tăng 359,0% trong năm 2022 và CAGR tăng 20,9% trong năm 2023-25 với tỷ lệ lấp đầy tăng lên 45% trong năm 2022 và đạt 75% trong năm 2025.
Định giá
Giá mục tiêu của chúng tôi là 85.700đ/cp, dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) với giả định tỷ lệ chiết khấu theo WACC là 10,57%. Chúng tôi cho rằng phương pháp định giá DCF có thể phản ánh hiệu quả các khía cạnh cơ bản của công ty. Với tiềm năng tăng giá là 42,4%, chúng tôi cho rằng cổ phiếu với tiềm năng tăng trưởng lớn như AST đủ hấp dẫn để tích luỹ. Theo quan điểm của chúng tôi, AST phù hợp với xu hướng đầu tư dài hạn để tận dụng sự phục hồi và tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam.
Nguồn: VND
Các nguồn báo cáo phân tích tham khảo khác :
Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0
AST chart. Nguồn: Admin
Link tham room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638