CTCP Tập đoàn PAN (PAN): Kỳ vọng tăng trưởng tốt ở lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản [Mục Tiêu: 47,300 VNĐ/cp]

Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá từng phần SOTP cho các công ty con của PAN, dựa vào hệ số mục tiêu P/E cho từng công ty trong 2022  chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu của PAN là 47,300, cao hơn 43% so với mức giá đóng cửa ngày 07/03/2021.

Giá mục tiêu: 47,300 đ/cp

Giá thị trường(07/03/2022): 34,000 đ/cp

Lợi nhuận kỳ vọng: 43%

Giới thiệu chung về CTCP Tập đoàn PAN

Được thành lập từ năm 1998 với vốn điều lệ 250 triệu đồng, trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển CTCP Tập đoàn PAN đã xây dựng một hệ thống nhiều các công ty con và công ty liên kết, với hoạt động cốt lõi ở hai lĩnh vực là nông nghiệp và thực phẩm.

Với mục tiêu nền tảng là duy trì những ngành kinh doanh truyền thống và mũi nhọn của Việt Nam bao gồm nông nghiệp, thuỷ sản, thực phẩm đến nay Tập đoàn PAN đã đạt được những thành tựu nhất định khi các công ty con đều là các doanh nghiệp tốt đầu ngành như: CTCP Tập đoàn Giống Cây Trồng Việt Nam (Vinaseed), CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC), CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), CTCP Bibica (BBC), CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafaooco), CTCP xuất nhập khẩu thuỷ sản Bến Tre (Aquatex Bentre), CTCP Thuỷ sản 584 Nha Trang,…

Tập đoàn PAN sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thông qua các công ty con và công ty liên kết. Đối với ngành nông nghiệp, một số sản phẩm chính có thể kể đến giống cây trồng (giống lúa, ngô, rau, hoa), nông sản (hoa cắt cành, dâu tây, dưa lưới, gạo đóng túi), nông dược, thuốc khử trùng và bảo vệ thực vật. Trong khi đó, ngành thực phẩm bao gồm thực phẩm tiện lợi (bánh kẹo, hạt hoa quả sấy, sản phẩm dinh dưỡng và cà phê), thực phẩm hàng ngày (thuỷ sản đông lạnh, rau củ đông lạnh và nước mắm).

 

Kết quả hoạt động kinh doanh

Sau Q3/2021 bị ảnh hưởng nặng bởi giãn cách xã hội và dịch bệnh, đặc biệt tại các tỉnh miền Tây – nơi tập trung mảng thuỷ sản quan trọng của tập đoàn, trong Quý 4/2021, HĐKD của tập đoàn đã phục hồi tương đối tích cực. Tính riêng trong Q42021, doanh thu thuần đạt 3,570 tỷ đồng (+40.2% YoY) và LNST tăng trưởng 84.1% YoY, đạt 278 tỷ đồng. Trong Q4/2021, nhờ kiểm soát được các chi phí sản xuất, vận chuyển phần nào giúp cho biên EBITDA của tập đoàn tăng, kéo theo đó các chỉ số như ROE & ROA cũng được cải thiện so với cùng kì năm 2020.

Tính cả năm 2021, doanh thu đạt 9,972 tỷ đồng (+19.7% YoY), LNST đạt 510 tỷ đồng (+53.2% YoY). BLNG chung ước tính ở mức 17.3% – giảm 1.2 điểm % so với cùng kỳ năm 2020. Theo chúng tôi, mức giảm biên lợi nhuận gộp chủ yếu tới từ việc một số mảng kinh doanh chính đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn tới chi phí đầu vào tăng.

Lĩnh vực nông nghiệp được thúc đẩy chính nhờ giá bán giống cây trồng tăng so với cùng kì

Lĩnh vực nông nghiệp của PAN đến chủ yếu từ hai mảng là hạt giống cây trồng và gạo. Nhìn chung, mặc dù cả năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh song vẫn cho tăng trưởng tương đối tốt – doanh thu +18% YoY và LNST +16% YoY.

Trong Q4/2021, biên LNG mảng nông nghiệp cải thiện 2 điểm % YoY, chủ yếu nhờ tăng trưởng tốt từ mảng giống cây trồng (+15% YoY), với giá bán trung bình tăng 25% so với cùng kỳ. Mặc dù cả năm 2021, biên lợi nhuận gộp của mảng này giảm 2 điểm % so với cùng kỳ, song vẫn giữ được mức biên lợi nhuận ròng đi ngang trên 11%.

Lĩnh vực thuỷ sản chịu ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội trong Q2-Q3/2021

Tính cả năm 2021, toàn ngành tôm xuất khẩu ghi nhận 3,9 tỷ USD (+4% YoY) với các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ (1 tỷ USD – thị phần từ Việt Nam đạt 13%), thị trường EU đạt hơn 576 triệu USD (+17% YoY). Tuy nhiên, hai thị trường lớn Nhật Bản và Trung Quốc (tỉ trọng 25% kim ngạch xuất khẩu) lại có những biện pháp khắt khe nhằm kiểm soát Covid-19 dẫn tới sụt giảm so với cùng kì 2020, Nhật Bản giảm 5.7% YoY và Trung Quốc giảm 21% YoY.

Mặc dù gặp khó khăn trong Q2-Q3/2021 khi các nhà máy tại miền Tây (chiếm 80% sản lượng chế biến toàn ngành) phải hạn chế hoạt động do đại dịch bùng phát, Q4/2021 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của tôm xuất khẩu khi các nhà máy được hoạt động toàn bộ công suất. Biên gộp của nhóm này cũng cải thiện tốt nhờ (1) giảm giá vốn nguyên liệu khi các ao nuôi tự chủ hiệu quả và (2) giá cước vận tải có phần hạ nhiệt trong Q4/2021.

Lĩnh vực bánh kẹo và hạt, trái cây sấy

Nhìn chung, mảng bánh kẹo nội địa có năm tăng trưởng không tích cực do việc giãn cách xã hội trong Q3/2021 (phần lớn doanh thu từ kênh truyền thống – General Trade), đã phần nào ảnh hưởng tới thu nhập của người tiêu dùng. Ngoài ra, trong Q4/2021, nhằm đẩy mạnh hoạt động bán hàng mùa cuối năm, công ty đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhà phân phối, khách hàng khiến chi phí bán hàng tăng lên đáng kể so với cùng kỳ.

Triển vọng & điểm nhấn đầu tư

Trong năm 2021, PAN nâng tỉ lệ sợ hữu tại VFG lên trên 51% và chính thức hợp nhất KQKD của VFG vào báo cáo tài chính. Tuy nhiên, theo BLĐ, việc hợp nhất KQKD này chỉ mới diễn ra ở tháng 12/2021. Vì vậy, trong năm 2022, KQKD cả năm của VFG mới chính thức hợp nhất BCTC của PAN.

Ngoài ra, trong tháng 1/2022, VFG và Syngenta – một công ty lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đã có mặt lâu năm tại Việt Nam – kí hợp tác chiến lược, qua đó VFG sẽ phân phối chính thức 2 sản phẩm quan trọng trong quản lý thiệt hại cây trồng (Amistar Top và Virtako).

Năm 2022, chúng tôi cho rằng ngành thuỷ sản sẽ có được tăng trưởng tốt nhờ (1) tình hình dịch bệnh được đẩy lùi, các thị trường xuất khẩu chính nới lỏng phòng chống dịch và giãn cách, (2) giá xuất khẩu được kỳ vọng sẽ duy trì và tăng nhẹ khi các quốc gia xuất khẩu lớn (Ấn Độ, Ecuador) gặp khó khăn về chuỗi cung ứng.

Hơn nữa, FMC (ngành tôm) vẫn giữ đúng tiến độ hoành thành và đưa vào vận hành 2 nhà máy mới nhằm tăng công suất (tăng 70% công suất so với cùng kỳ) và dự kiến đưa vào sản xuất trong năm 2022. Trong khi đó, ABT (cá tra và nghêu) thực hiện cải tiến sản xuất nhằm tối ưu chi phí, cải thiện biên lợi nhuận.

Chúng tôi cho rằng, năm 2021 mức lợi nhuận mảng bánh kẹo (cụ thể là BBC) có thể đã tạo đáy khi bị tác động lớn bởi dịch bệnh, giãn cách xã hội khiến các cửa hàng bán lẻ truyền thống (General trade) không thể hoạt động kinh doanh bình thường.

Thông qua kế hoạch phát hành và chào bán CP tăng vốn

Ngày 26/01/2022 HĐQT PAN đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ VCSH và chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua.

Cụ thể, số lượng cổ phần đăng ký phát hành là 86,543,432 cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ thực hiện quyền mua là 5:2 cho các cổ đông hiện hữu của công ty. Ngoài ra, công ty cũng đăng ký chào bán thêm 108,179,290 cổ phần cho cổ đông hiện hữu cũng theo hình thức thực hiện quyền mua với giá chào bán 15,000 VNĐ/cp (tỷ lệ thực hiện 2:1).

Với số vốn từ phát hành thêm và chào bán (hơn 1,600 tỷ VNĐ), PAN dự định sẽ đầu tư nâng sở hữu tại các công ty con như VFG, BBC, ABT,…Ngoài ra, công ty cũng sẽ sử dụng 1 phần số vốn này (400 tỷ VNĐ) nhằm đầu tư M&A vào các công ty mới phù hợp với các chiến lược chung của tập đoàn. Một phần của số vốn kể trên dự kiến đầu tư mở rộng kinh doanh qua góp thêm vốn vào CTCP Chế biến. Thực phẩm xuất khẩu Long An và tái cơ cấu khoản vay, giảm áp lực tài chính.

Dự phóng KQKD, định giá và khuyến nghị

Trong năm 2022, chúng tôi dự phóng doanh thu thuần PAN đạt 14,534 tỷ đồng (+45.74% YoY) và LN – CĐTS đạt 392 tỷ đồng (+32% YoY). Năm 2023, mức doanh thu thuần đạt 18,348 tỷ đồng (+26% YoY) và LN – CĐTS ở mức 474 tỷ đồng (+20% YoY).

Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá từng phần SOTP cho các công ty con của PAN, dựa vào hệ số mục tiêu P/E cho từng công ty trong 2022 (bảng 5) chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu của PAN là 47,300, cao hơn 43% so với mức giá đóng cửa ngày 07/03/2021.

Nguồn: KBSV

 


Các nguồn định giá tham khảo khác


Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0

PAN chart. Nguồn: Admin


 

Link tham room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638


 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.