Áp dụng phương pháp Định giá từng phần (SOTP), chúng tôi xác định giá trị hợp lý của PC1 ở mức 29,800 đ/cp (upside 10% so với giá đóng của ngày 14/03/2023). Định giá P/E và P/B thời gian vừa qua cũng đã phản ánh tiềm năng giá của PC1.
Cập nhật Kết quả Kinh doanh
Kết thúc 2022, PC1 ghi nhận doanh thu 8,333 tỉ VND và 527 tỉ LNST. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm lợi nhuận của PC1 tới từ 614 tỉ chi lãi vay trong năm (+95% YoY), phát sinh từ khoản vay 3,983 tỉ trong 2021 để đầu tư cho 3 dự án điện gió Liên Lập, Phong Nguyên, Phong Huy
Lĩnh vực kinh doanh xây lắp điện tiếp tục là mảng kinh doanh đóng góp chính vào doanh thu (chiếm 57%) của PC1 với kết quả đạt được ở mức 4,819 tỉ (-28% YoY) do giá trị backlog chuyển sang 2021 từ 2020 ở mức cao (3,231 tỉ VND, chiếm gần 50% doanh thu trong 2021), trong khi đó giá trị backlog của năm 2021 chuyển sang chỉ đạt 1,060 tỉ (tương đương với 22% doanh thu cả năm).
Mảng phát/bán điện (năng lượng tái tạo) đóng góp 1,795 tỉ VND doanh thu (+93% YoY), tương ứng với tỉ trọng 22% doanh thu thuần của PC1. Động lực tăng trưởng của mảng bán điện tới từ sự cải thiện ở hệ số công suất của lĩnh vực Điện gió (33% so với 19% trong 2021), giúp doanh thu Điện gió đạt 829 tỉ VND, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Lĩnh vực Phát điện với biên lợi nhuận gộp cao (55% – 60%) đã giúp cải thiện biên lãi gộp cấp Tập đoàn của PC1 lên 19% so với 12% của 2021.
Điểm nhấn đầu tư
Doanh thu xây lắp điện tăng nhẹ 5% trong thời gian chờ Quy hoạch Điện VIII được thông qua
Sau năm 2020 với xu hướng đầu tư điện mặt trời; điện mặt trời mái nhà nhờ cơ chế giá bán điện ưu đãi từ QĐ 13/2020/QĐ-TTg, thị trường năng lượng tái tạo đang có giai đoạn chững lại với tốc độ tăng trưởng thấp khi Dự thảo Quy hoạch Điện VIII vẫn chưa được phê duyệt.
Việc ban hành Quyết định 21/QĐ-BCT về giá phát điện cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp (không COD kịp thời hạn của Quyết định 13/2020/QĐTTg về giá điện mặt trời hay Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về giá điện gió) cũng sẽ tạo động lực cho các chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện dự án của mình và bắt đầu phát điện, qua đó giúp PC1 nhanh chóng xử lý backlog chuyển giao từ 2022 sang 2023.
Qua trao đổi với đại diện PC1, backlog mảng xây lắp điện hiện tại có tỉ trọng lớn là các dự án của EVN, các dự án điện cáp ngầm cũng như các hợp đồng cũng cấp, lắp đặt máy móc thiệt bị điện. Do đó, trong kịch bản Cơ sở, chúng tôi cho rằng (1) việc đẩy nhanh hoàn thiện các dự án điện mặt trời, điện gió theo Quyết định 21/QĐ-BCT và (2) các hợp đồng ký mới với các công trình truyền tải điện, cung cấp, lắp đặt thiết bị điện sẽ giúp duy trì giá trị hợp đồng ký mới ở mức cao và đạt kết quả đề ra.
Trong kịch bản này, chúng tôi dự phóng giá trị hợp đồng ký mới trong năm ở mức 5,500 tỉ (tương ứng với 90% kế hoạch của PC1). Đồng thời, trong kịch bản Lạc quan với giả định Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt nhanh chóng trong năm, giá trị hợp đồng ký mới của PC1 có thể duy trì ổn định ở mức 6,000 – 7,000 tỉ/năm hoặc cao hơn trong 2024 và 2025. Chúng tôi dự phóng doanh thu mảng xây lắp điện đạt 5,704 tỉ VND (+5% YoY) trong 2023.
Lợi thế về vị trí đầu nguồn giúp các thủy điện của PC1 hạn chế tác động của El Nino
Giai đoạn 2023 – 2024, theo dự báo, sẽ là giai đoạn El Nino, tức hiện tượng thâm hụt lượng mưa ở các khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, việc PC1 sở hữu các dự án thủy điện tọa lạc ở các tỉnh như Cao Bằng, Hà Giang được coi như là 1 lợi thế cạnh tranh so với các dự án khác nhờ vị trí đầu nguồn giúp công suất ổn định hơn.
Thêm vào đó, giá bán điện theo biểu giá chi phí tránh được (áp dụng cho các thủy điện công suất dưới 30 MW) có CAGR 5 năm trở lại đây ở mức 3%, cho thấy sự ổn định trong hoạt động sản xuất, phát điện của PC1 với các dự án thủy điện hiện có. Với chi phí mua điện tiết kiệm hơn so với các điện than, điện mặt trời, chúng tôi cho rằng hoạt động mua bán điện giữa PC1 và EVN sẽ diễn ra thuận lợi trong năm nay và dự phóng doanh thu bán điện đạt 847 tỉ VND (-4% YoY) trong 2023 trước khi tăng lên 906 tỉ VND (+18% YoY) khi Bảo Lạc A đi vào hoạt động.
Điện gió hoạt động ổn định với hệ số công suất trung bình 40%
3 dự án điện gió Liên Lập, Phong Nguyên, Phong Huy đi vào vận hành chính thức từ cuối 2021 và đạt doanh thu 829 tỉ VND (+282% YoY). Chúng tôi dự phóng các dự án trên tiếp tục hoạt động sản xuất ổn định trong tương lai với hệ số công suất trung bình ở mức 40%, qua đó doanh thu bán điện năm 2023 ước tính đạt ở mức 959 tỉ (+16% YoY). PC1 đang trong quá trình nghiên cứu triển khai các dự án điện gió ngoài khơi và sẽ ưu tiên triển khai các dự án gần bờ, tuy nhiên về thời gian cũng sẽ cần sự phê duyệt của Quy hoạch Điện VIII để có phương án chi tiết.
Các dự án Bất động sản Nhà ở lùi tiến độ triển khai trong bối cảnh thị trường Bất động sản gặp nhiều khó khăn
Theo thông tin được cung cấp, các dự án Bất động sản Dân cư như Yên Thường (Gia Lâm) hay Định Công sẽ được lùi thời gian triển khai so với kế hoạch trong giai đoạn thị trường Bất động sản còn nhiều khó khăn liên quan tới nguồn vốn từ ảnh hưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với đó là sức mua sụt giảm cũng như những rủi ro liên quan tới lãi suất khi triển khai dự án trong thời điểm hiện tại.
Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi cho rằng thời gian triển khai các dự án Yên Thường, Định Công sẽ được lùi sang 2024 và ghi nhận 1 phần doanh thu trong năm. Dự án Vĩnh Hưng cũng sẽ được triển khai tương tự.
Qua trao đổi với đại diện của PC1, các dự án Nhà ở hiện tại đang trong quá trình hoàn tất thủ tục pháp lý và việc lùi thời gian triển khai các dự án trên không có phát sinh thêm chi phí cho Tập đoàn. Trong kịch bản thận trọng khi đánh giá dư nợ trái phiếu doanh nghiệp Bất động sản đáo hạn ở quy mô lớn (xấp xỉ 120,000 tỉ VND) trong 2024 và diễn biến tăng lãi suất, lạm phát trên toàn cầu có thể tiếp tục ảnh hưởng mạnh hơn tới thị trường Việt Nam, chúng tôi dự phòng các dự án như Yên Thường, Định Công và Vĩnh Hưng sẽ lùi thời gian triển khai sang 2025. Do đó, PC1 sẽ không có lợi nhuận đột biến tới từ các dự án Bất động sản Nhà ở trong năm 2023.
Việc khai thác mỏ Nickel – Đồng chính thức đi vào hoạt động từ 2Q2023, ước tính doanh thu đạt 987 tỉ VND trong 2023
Đại diện PC1 cho biết tới cuối T2/2023, việc xây dựng nhà máy khai thác mỏ Nickel – Đồng tại Quang Trung, Hà Trì tại Cao Bằng cơ bản đã hoàn thiện và PC1 sẽ chính thức đi vào vận hành nhà máy từ đầu 2Q2023. Theo thông tin được cung cấp từ báo cáo đánh giá về khả năng thu hồi nickel từ mỏ Quang Trung, Hà Trì, chúng tôi ước tính sản lượng nickel, đồng phù hợp để khai thác trong giai đoạn 1 cho PC1 lần lượt đạt 13,130 tấn và 3,775 tấn.
Giá bán sản phẩm sẽ dựa trên các hợp đồng giao dịch trực tiếp (trading) trên thị trường quốc tế, do đó PC1 sẽ có lợi thế cạnh tranh so với các nhà xuất khẩu khác nhờ vào việc kiểm soát và tối ưu chi phí khai thác. Đồng thời, thành phẩm quặng Nickel sau khai thác có thể được sử dụng trong đa lĩnh vực sản xuất kim loại, giai đoạn hiện tại cũng đang là thời điểm phát triển của pin xe điện nên có thể thấy tiềm năng bán hàng ở mức cao.
Chúng tôi giả định giá bán Nickel ở mức trung bình 18,000 USD/tấn (thấp hơn so với thị trường tại thời điểm hiện tại đang ở mức 26,000 USD/tấn và đang trong xu hướng giảm) thì PC1 vẫn có thể kiểm soát được biên lãi gộp ở mức cao (27%). Với giả định giá bán Đồng ở mức trung bình 6,000 USD/tấn, chúng tôi ước tính doanh thu mảng Khai thác Nickel – Đồng có thể đạt 987 tỉ VND trong 2023 khi hoạt động 75% công suất cả năm, sau đó sẽ tăng lên 1,316 tỉ VND trong 2024 (+33% YoY).
CTCP Khoáng sản Tấn Phát (PC1 sở hữu 57%) cũng có kế hoạch sẽ đầu tư thêm giai đoạn 2 với số vốn đầu tư ước tính là 1,502 tỉ VND, kỳ vọng có thể khai thác từ 2025 với công suất giả định được nâng lên gấp đôi (1,500,000 tấn/năm). Đại diện PC1 cũng chia sẻ công ty cũng sẽ góp thêm vốn và/hoặc gia tăng sở hữu thêm tại CTCP Khoáng sản Tấn Phát trong trường hợp công ty này cần thêm vốn để mở rộng khai thác giai đoạn 2 sắp tới.
Doanh thu cho thuê đất KCN Yên Phong II-A sẽ được hạch toán trong năm 2023, ước tính đạt 1,757 tỉ VND
Đại diện PC1 cho biết quá trình giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Yên Phong II-A đã hoàn thiện và công ty sẽ bắt đầu cho thuê trong năm nay. Giá cho thuê dự kiến giao động trong khoảng từ 150 – 160 USD/m2 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhờ hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam tiếp tục gia tăng trong tương lai. Dự án đã có khách hàng đặt cọc cho thuê đất nhưng PC1 cũng đang cân đối tình hình để ký kết hợp đồng nhằm đảm bảo hài hòa 2 mục tiêu về (1) lợi nhuận và (2) dòng tiền.
Thời gian vừa qua, PC1 cũng đã hoàn tất khoản đầu tư vào NAIV, qua đó sở hữu 70% KCN Nomura – Hải Phòng. Dự đã được vận hành từ năm 1994 và hiện tại cũng đã đạt tỉ lệ lấp đầy 100%, tuy nhiên đại diện doanh nghiệp cũng chia sẻ về tiềm năng mở rộng giai đoạn 2 của KCN Nomura – Hải Phòng trong thời gian tới, khi đó PC1 sẽ có tiết kiệm được 1 phần chi phí cơ sở hạ tầng điện, nước đã có sẵn của KCN, đồng thời được hưởng lợi từ hợp đồng mua và phân phối điện của EVN cho các đối tác thuê đất tại dự án.
Hai dự án còn lại là KCN Yên Dũng (Bắc Giang) và KCN Yên Lệnh (Hà Nam) vẫn đang trong quá trình xây dựng đề án thiết kế và đợi phê duyệt của UBND Tỉnh, do đó chúng tôi dự phóng theo kịch bản cơ sở 2 dự án trên sẽ lần lượt được đi vào hoạt động và cho thuê trong năm 2024 và 2026.
Trong năm 2023, chúng tôi dự phóng doanh thu mảng KCN của PC1 trong đạt 1,757 tỉ trong kịch bản Cơ sở, tương ứng với tỉ lệ lấp đầy 60% và trong năm nay PC1 sẽ có 49 tỉ VND lợi nhuận từ công ty con là Western Pacific.
Dự phóng Kết quả Kinh doanh
Định giá
Áp dụng phương pháp Định giá từng phần (SOTP), chúng tôi xác định giá trị hợp lý của PC1 ở mức 29,800 (upside 10% so với giá đóng của ngày 14/03/2023). Định giá P/E và P/B thời gian vừa qua cũng đã phản ánh tiềm năng giá của PC1.
Nguồn: KBSV
Các nguồn định giá tham khảo khác:
Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0
PC1 chart. Nguồn: Admin
Link tham room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638