[Daily Stock Calls 01/11/2018] VCSC cập nhật VIC, VHM, VRE, Khuyến nghị MUA CII, CTG – Khuyến nghị KHẢ QUAN KBC, VJC; SSI Khuyến nghị GIẢM TỶ TRỌNG SAB, cập nhật SVI; VDSC cập nhật NLG

VCSC cập nhật VIC (TP: 117) VHM, VRE – Khuyến nghị MUA cp CII (TP: 34.9), CTG (TP: 29.5) – Khuyến nghị KHẢ QUAN KBC (TP: 13.1), VJC (TP: 154.8)

SSI cập nhật SVI – Khuyến nghị GIẢM TỶ TRỌNG cổ phiếu SAB (TP: 192.5);

VDSC cập nhật NLG.

VCSC cập nhật VIC (TP: 117) VHM, VRE – Khuyến nghị MUA cp CII (TP: 34.9), CTG (TP: 29.5) – Khuyến nghị KHẢ QUAN KBC (TP: 13.1), VJC (TP: 154.8)

VIC: CTCP Tập đoàn Vingroup

  Giá hiện tại % chang (t-3) P/E P/B
VIC 97.2 0.8% 85.02 7.37

CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) đã công bố KQKD 9 tháng 2018, với thị trường doanh thu thuần đạt 47% so với cùng kỳ (YoY) đạt 84,7 nghìn tỷ đồng, chủ yếu được dẫn dắt từ tăng trưởng mạnh mẽ của bán BĐS. LNST sau lợi ích CĐTS giảm 26% YoY đạt 1,7 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do (1) chi phí thuế cao hơn đáng kể, bao gồm khoản bất thường liên quan đến giao dịch mà Vincommerce (một công ty con của VIC) bán cổ phần tại CTCP Vinhomes (VHM) trong quý 2/2018 và (2) chi phí ban đầu gia tăng do mở rộng quy mô cho mảng tiêu dùng bán lẻ và các khó khăn của mảng khách sạn – nghỉ dưỡng duy trì. Tính đến hết 9 tháng 2018, kết quả LNST sau lợi ích CĐTS thấp hơn dự phòng của chúng tôi (hoàn thành 28% dự báo cả năm), chúng tôi có thể sẽ điều giảm dự báo lợi nhuận dự phóng 2018 của VIC.

* Bàn giao BĐS mạnh mẽ dẫn dắt doanh thu của VIC, nhưng khả năng sinh lời thấp hơn dự báo.

* Các trung tâm thương mại mới hỗ trợ cho tăng trưởng ổn định cho mảng cho thuê bán lẻ/văn phòng.

* Mở rộng quy mô mảng bán lẻ cho thấy các dấu hiệu cải thiện.

* Bán cổ phần tại VHM dẫn đến mức chi phí thuế bất thường lớn.

* Cơ cấu sở hữu mới tại các công ty con ảnh hưởng đến tăng trưởng LNST sau lợi ích CĐTS.

——————————————

VIC chart. Nguồn: Admin

VHM: CTCP Vinhomes

  Giá hiện tại % chang (t-3) P/E P/B
VHM 66.4 2.2% 8.81 30.13

CTCP Vinhomes (VHM) ghi nhận kết quả 9 tháng đầu 2018 với DT thuần đạt 22.400 tỷ (tăng trưởng 86% so vời cùng kỳ (YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 11.900 tỷ (tăng trưởng 395% YoY), chủ yếu được dẫn dắt từ việc bàn giao các sản phẩm BĐS đã được bán trước đó tại dự án Golden River, Green Bay, Central Park cùng với thu nhập cao hơn được chia từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Vingroup (VIC) và các công ty con của VIC cho mục đích phát triển các dự án BĐS như là The Harmony, Imperia và Dragon Bay.

Biên LN gộp của VHM giảm 8,5 điểm % xuống 31,2% trong 9 tháng 2017, do số lượng bàn giao các căn hộ ở những vị trí kém đắc địa tại dự án Green Bay và Central Park trong khi giá bán của một số căn thấp hơn tại dự án Golden River, cùng với biên lợi nhuận khiêm tốn từ mảng tư vấn (ví dụ như tại Vinhomes Thăng Long). Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động cải thiện phần nào bù đắp cho sự sụt giảm trên khi chi phí nhân công và dịch vụ mua ngoài cũng sụt giảm làm cho tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/trên doanh thu giảm 8,2 điểm % xuống 6,1% trong 9M 2018.

Kết quả 9 tháng đầu năm 2018 hoàn thành 73% kế hoạch công ty đặt ra cho LNST sau lợi ích CĐTS là 16.200 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo công ty, công ty tự tin đạt được kế hoạch cả năm với tiến độ xây dựng tích cực và bàn giao thành công của 8 dự án trong năm 2018.

Ngoài ra, VHM cũng đã mở bán Vincity Ocean Park (được biết đến với tên Vincity Gia Lâm), dự án Vincity đầu tiên tại Hà Nội, vào ngày 17/10/2018. Tại thời điểm gần cuối tháng 10/2018, đã có khoảng 5.300 căn hộ được bán và đặt cọc trong tổng số 9.900 căn hộ mở bán đợt đầu (tương ứng với tỷ lệ bán là 53%). Các dự án Vincity tiếp theo sẽ được mở bán gồm có Vincity Grand Park tại TP. HCM (từng được biết với tên gọi Vincity New Saigon) và Vincity Sportia ở Hà Nội (được biết đến trước đây với tên gọi Vincity Park) sẽ lần lượt được mở bán trong tháng 11 và tháng 12/2018. Kế hoạch dự kiến đã bị lùi lại tới gần cuối năm do thời gian thực hiện các giấy tờ pháp lý lâu hơn kế hoạch. Theo giá đóng cửa hôm nay, VHM hiện đang giao dịch với P/E 2018 đạt 13,7 lần dự theo lợi nhuận kế hoạch của công ty.

——————————————

VHM chart. Nguồn: Admin

VRE: CTCP Vincom Retail

  Giá hiện tại % chang (t-3) P/E P/B
VRE 29.8 4.3% 32.63 2.41

Doanh thu thuần và LNST sau lợi ích CĐTS của CTCP Vincom Retail (VRE) trong 9 tháng 2018 tăng lần lượt 52% YoY đạt 6,1 nghìn tỷ đồng và 15% YoY đạt 1,7 nghìn tỷ đồng, chủ yếu được dẫn dắt bởi 20 trung tâm thương mại mới (TTTM) mới trong quý 3/2017 đến quý 3/2018, cùng với bàn giao các shop-house tại Long An và Vĩnh Long trong quý 1, và căn hộ condotel tại dự án Vinpearl Riverfront Đà Nẵng trong quý 3.

Doanh thu cho thuê bán lẻ trong 9 tháng 2018, chiếm 66% doanh thu thuần của VRE, đã tăng 25% YoY đạt 4 nghìn tỷ đồng với biên LN gộp ổn định đạt 50,1% so với 50,6% trong 9 tháng 2017. Trong khi đó, doanh thu bán BĐS tăng gấp 3 lần đạt 2 nghìn tỷ đồng với biên LN gộp giảm còn 23,7% (so với 45,8% trong 9 tháng 2017). Theo ban lãnh đạo, mức giảm biên LN này là do bàn giao các căn condotel có biên LN thấp hơn so với shop-house

LNST sau lợi ích CĐTS trong 9 tháng 2018 hoàn thành 69% kế hoạch 2018 đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (+23% YoY). Chúng tôi ước tính lượng backlog BĐS còn để ghi nhận khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng sẽ được ghi nhận trong quý 4, hỗ trợ để công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2018.

Chúng tôi lưu ý rằng có sự phân hóa giữa tăng trưởng LNTT (+45% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS (+15% YoY) trong 9 tháng 2018, trong bối cảnh 9 tháng 2017 ghi nhận (1) khoản thuế thu nhập trì hoãn 216 tỷ đồng do sáp nhập CTCP An Phong vào VRE trong năm 2016, và (2) 540 tỷ đồng LN được chia từ các công ty liên kết và 634 tỷ đồng lỗ từ thanh lý các công ty liên kết, đều liên quan đến diễn biến thoái vốn của CTCP Tân Liên Phát. Không tính các khoản mục bất thường này, LNST sau lợi ích CĐTS thường xuyên của VRE đã tăng 28% YoY trong 9 tháng 2018, phù hợp hơn với tăng trưởng doanh thu và LN từ HĐKD.

Tính đến cuối tháng 9/2018, tổng số TTTM mà VRE đang vận hành đã đạt 60 trên khắp cả nước, tương ứng với 1,3 triệu m2 sàn (GFA) bán lẻ, đưa VRE trở thành nhà phát triển, sở hữu và vận hành TTTM hàng đầu ở Việt Nam. Công ty có kế hoạch mở thêm 6 TTTM mới trong quý 4, sẽ gia tăng tổng diện tích sàn lên 1,4 triệu m2 vào cuối năm 2018. Theo giá đóng cửa hôm nay, VRE hiện đang giao dịch với P/E 2018 đạt 28 lần dựa theo kế hoạch lợi nhuận của công ty.

——————————————

VRE chart. Nguồn: Admin

CII: CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh

  Giá hiện tại % chang (t-3) P/E P/B
CII 23.75 2.6% -390.61 1.16

Doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2018 của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2,2 nghìn tỷ đồng trong khi LNST sau lợi ích CĐTS giảm 95% xuống 70 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS diễn biến trái chiều là khoản lãi tài chính phi tiền mặt trị giá 1,6 nghìn tỷ đồng từ việc đánh giá lại giá trị hợp lý của các khoản đầu tư khi hợp nhất CTCP Đầu tư Cầu đường CII (LGC) và CTCP Xây dựng Hạ tầng CII (CEE) trong 6 tháng đầu năm 2017 khiến LNST sau lợi ích CĐTS 9 tháng đầu năm 2017 cao bất thường.

Doanh thu tăng mạnh chủ yếu nhờ bàn giao các lô đầu tiên của các dự án nhà ở của CII tại Thủ Thiêm là Lakeview 1 và 2. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp từ BĐS tăng lên 31% trong Quý 3/2018 từ 16% trong 6 tháng đầu năm 2018, qua đó củng cố giả định biên lợi nhuận gộp của chúng tôi dao động từ 32% đến 38% đối với các dự án Lakeview 3, 4 và 5.

Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm tăng 3,4 lần lên 175 tỷ đồng. Lý do chính là nhờ Chính phủ thực hiện tài trợ 150 tỷ đồng đối với dự án cấp nước của CII tại Củ Chi.

LNST sau lợi ích CĐTS 9 tháng đầu năm 2018 tuy thấp hơn nhiều so với dự báo cả năm hiện nay của chúng tôi (1,1 nghìn tỷ đồng) nhưng vẫn phù hợp với dự báo của chúng tôi, khi chúng tôi kỳ vọng CII sẽ ghi nhận lợi nhuận từ việc định giá lại quỹ đất tại dự án Riverpark trong Quý 4 sau khi bàn giao cho công ty liên doanh với Hongkong Land, qua đó giúp CII bắt kịp dự báo của chúng tôi.

Là chủ đầu tư cơ sở hạ tầng tư nhân lớn nhất Việt Nam, CII hưởng lợi từ tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa ngày càng cao của Việt Nam. Chúng tôi dự báo công ty sẽ hưởng lợi nhờ dòng tiền ổn định từ các dự án BOT, trong khi có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận từ các dự án BĐS nhà ở..

——————————————

CII chart. Nguồn: Admin

CTG: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam

  Giá hiện tại % chang (t-3) P/E P/B
CTG 23.4 4.0% 10.65 1.22

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) đã công bố KQLN 9 tháng đầu năm 2018 với lợi nhuận hợp nhất đạt 6,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái và ROAA và ROAE chuẩn hoá theo năm đạt lần lượt 0,7% và 12,2%. Thu nhập thuần 9 tháng đầu năm tăng trưởng chậm do trong Quý 3/2018, ngân hàng tích cực nâng tỷ lệ dự phòng thất thoát vốn vay lên 130% sau khi giải quyết trái phiếu VAMC (chúng tôi sẽ trình bày chi tiết về dự phòng trong báo cáo). Hoạt động cốt lõi đạt kết quả phù hợp với dự báo của chúng tôi. Vì thu nhập thuần 9 tháng đầu năm chỉ đạt 65% dự báo cả năm, chúng tôi cho rằng sẽ điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận cả năm khoảng 10% trong khi chờ đợi để có thể đưa ra nhận định toàn diện hơn.

Thu nhập lãi thuần tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái với NIM 9 tháng đầu năm đạt 2,7% so với 2,8% năm 2017. Nguyên nhân khiến NIM thấp so với các ngân hàng khác trong nước là CTG tập trung vào bán buôn trong khi phụ thuộc vào vốn Cấp 2, vốn có chi phí cao.

Thu nhập phí thuần, không tính hoạt động kinh doanh ngoại hối, tăng mạnh 55% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 7% tổng thu nhập từ hoạt động.

Tuy thu nhập phí thuần tăng mạnh hơn so với thu nhập lãi thuần, tổng thu nhập ngoài lãi tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ các khoản thu một lần từ việc bán lại cổ phần tại Aviva trong Quý 2/2017. Thu nhập ngoài lãi 9 tháng đầu năm 2018 chiếm 17,6% tổng thu nhập từ hoạt động. Tỷ lệ chi phí / thu nhập 9 tháng đầu năm giảm 1 điểm % so với 6 tháng đầu năm nhờ quản lý chi phí tốt hơn trong Quý 3. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ 7 điểm cơ bản so với Quý 2 lên 1,36%. Vì trong 9 tháng đầu năm ngân hàng gần như không xử lý nợ, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ hình thành nợ xấu mới là thấp.

——————————————

CTG chart. Nguồn: Admin

KBC: Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc

  Giá hiện tại % chang (t-3) P/E P/B
KBC 12.1 2.1% 12.70 0.65

Doanh thu 9 tháng đầu năm của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) tăng mạnh 64% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,66 nghìn tỷ đồng nhưng LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo giảm 10% xuống 489 tỷ đồng. Nếu không tính khoản lợi nhuận tài chính bất thường 355 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng dự án khách sạn Lotus trong Quý 2/2017, LNST sau lợi ích CĐTS của KBC tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi cho rằng lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ chuyển nhượng đất KCN cao hơn so với dự báo, trong đó KCN Quế Võ tại Bắc Ninh chiếm 53%. Tổng diện tích đất KCN chuyển nhượng trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 78 ha trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 30 ha và giả định của chúng tôi cho cả năm là 76 ha. Biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2018 tăng lên 58% từ 53% cùng kỳ năm ngoái vì chúng tôi giả định chuyển nhượng đất KCN tại KCN Quế Võ có biên lợi nhuận gộp lên đến 60%-70% trong khi các KCN khác chỉ đạt 40%-50%. Mảng kinh doanh đất KCN tích cực bị bù trừ bởi kết quả kém từ kinh doanh nhà ở khu đô thị. KBC đã không ghi nhận giao dịch nào từ Khu đô thị Phúc Ninh trong Quý 3/2018, qua đó tổng diện tích đất khu đô thị chuyển nhượng trong 9 tháng đầu năm là 0,5 ha so với giả định 4 ha chúng tôi đưa ra cho cả năm. Vì LNST sau lợi ích CĐTS 9 tháng đầu năm 2018 hoàn tất 71% dự báo cả năm chúng tôi đưa ra, chúng tôi cho rằng sẽ không điều chỉnh đáng kể dự báo hiện nay. Chúng tôi cho rằng KBC sẽ hưởng lợi nhờ dòng FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam và hoạt động sản xuất gia tăng với quỹ đất 2.000 ha của công ty tại các trung tâm công nghiệp lớn tại miền Bắc.

——————————————

KBC chart. Nguồn: Admin

VJC: CTCP Hàng không VietJet

  Giá hiện tại % chang (t-3) P/E P/B
VJC 133.7 7.1% 14.46 5.81

Doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS hợp nhất 9 tháng đầu năm của CTCP Hàng không VietJet (VJC) đạt lần lượt 33,9 nghìn tỷ đồng và 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng 50% và 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu hoạt động hàng không cốt lõi 9 tháng đầu năm tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái lên 25,4 nghìn tỷ đồng, trong khi LNST chỉ tăng 15,5% lên 2,2 nghìn tỷ đồng do chi phí nhiên liệu tăng, cụ thể giá dầu Brent trung bình tăng 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động hàng không cốt lõi phản ánh công ty mẹ hay kết quả tổng không tính các thương vụ bán và thuê lại (SALB) và hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Ban lãnh đạo cho rằng lý do khiến công ty đạt kết quả cao là trong 9 tháng đầu năm có thêm 20 tuyến bay quốc tế, doanh thu khác tăng mạnh 50,5% và có 7 thương vụ bán và thuê lại so với 5 thương vụ cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí tài chính tăng mạnh 84% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm do 143 tỷ đồng lỗ do trích lập dự phòng từ khoản đầu tư vào Tổng Công ty Dầu Việt Nam (UPCoM:OIL). Chúng tôi có thể sẽ điều chỉnh tăng nhẹ dự báo vì LNST cốt lõi 9 tháng đầu năm của VJC vượt dự báo cả năm do chúng tôi đưa ra 12%, nhờ giá dầu Brent trong 9 tháng đầu năm ở mức 72USD/thùng, thấp hơn so với giả định trung bình của chúng tôi hiện nay là 75USD/thùng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy mức chênh lệch này có thể ít nhiều giảm do giá dầu Brent tiếp tục tăng khi từ đầu Quý 4 đến nay trên 75USD/thùng và mùa thấp điểm Quý 4, khi các hãng hàng không Việt Nam giảm mạnh giá vé.

Chúng tôi tiếp tục lạc quan về tình hình VJC nhờ (1) tiềm năng tăng trưởng cao; (2) hiệu suất hoạt động vượt trội và (3) khả năng quản lý chi phí rất tốt. Chúng tôi hiện dự báo LNST sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 26% giai đoạn 2017-2022.

——————————————

VJC chart. Nguồn: Admin

SSI Khuyến nghị GIẢM TỶ TRỌNG cổ phiếu SAB (TP: 192.5) – cập nhật SVI

SAB: Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn

  Giá hiện tại % chang (t-3) P/E P/B
SAB 222.5 0.6% 30.09 9.07

Xu hướng doanh thu thuần: Doanh thu thuần quý 3 đạt 8,6 nghìn tỷ đồng (+ 6,3% YoY). Lũy kế 9T2018, doanh thu thuần đạt 25,5 nghìn tỷ đồng (+ 7.8% YoY), đạt 71% kế hoạch năm. Doanh thu mảng bia tăng 5,3% YoY, mảng bao bì tăng 23,7% YoY trong khi mảng nước giải khát, đồ uống có cồn và rượu giảm lần lượt là 11,7% YoY, 39,8% YoY và 34,8% YoY.

Xu hướng lợi nhuận ròng: Lợi nhuận ròng quý 3 đạt 1 nghìn tỷ đồng (-10,2% YoY). Nhìn chung, lợi nhuận ròng 9T2018 đạt 3,5 nghìn tỷ đồng (-6,5% YoY), hoàn thành 87% kế hoạch năm.

Xu hướng tỷ suất lợi nhuận gộp: Tỷ suất lợi nhuận gộp Q3/2018 đạt 21,7%, giảm nhẹ so với đầu năm (Q1: 24,9% và Q2: 22,9%) do tỷ suất lợi nhuận gộp mảng bia giảm còn 24,5% (Q1: 28,6%, Q2: 26,4%). Giá malt và lon nhôm tăng ảnh hưởng đến giá bán.

Lũy kế 9T2018, tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 23,1% (9T2017: 27%).

Xu hướng tỷ suất lợi nhuận ròng: 12,1% trong Q3/2018 và 13.6% trong 9T2018, so với 15,7% trong 9T2017. Tỷ lệ chi phí SG&A/doanh thu tăng nhẹ từ 10,5% trong 9T2017 lên 9,4% trong 9T2018.

Quan điểm sơ bộ: Ở mức giá hiện tại là 222.200 đồng/cp, SAB đang giao dịch ở mức PE 2018-2019 là 33,6x và 30,7x. Dựa trên PE mục tiêu không đổi là 27x, giá mục tiêu 1 năm của chúng tôi là 192.500 đồng/cổ phiếu (giảm 13,4% so với giá hiện tại). Do đó, chúng tôi đánh giá GIẢM TỶ TRỌNG đối với cổ phiếu SAB.

——————————————

SAB chart. Nguồn: Admin

SVI: CTCP Bao bì Biên Hòa

  Giá hiện tại % chang (t-3) P/E P/B
SVI 46.8 14.4% 9.50 1.71

Kế hoạch thoái vốn: Ngày 24/10/2018, SVI đã công bố kế hoạch thoái vốn của cổ đông lớn Dofico với thông tin như sau:

Dofico (doanh nghiệp nhà nước, nắm giữ 6.880.393 cổ phiếu SVI, tương đương 53,62% cổ phần) sẽ thoái vốn toàn bộ SVI thông qua hình thức khớp lệnh trên sàn giao dịch. Giá khởi điểm là 44.100 đồng/cp nhưng không thấp hơn giá tham chiếu trung bình 30 ngày trước khi công bố thoái vốn. Như vậy, tổng giá trị thoái vốn là 303 tỷ đồng. Đợt thoái vốn ước tính diễn ra từ tháng 10 – tháng 11/2018.

Kết quả kinh doanh 9T2018: SVI đạt 1.299 tỷ đồng doanh thu thuần (+ 17,7% YoY), hoàn thành 84% kế hoạch năm 2018. Tỷ suất lợi nhuận gộp đã giảm từ 12,2% trong 9T2017 xuống còn 10,4% trong 9T2018. Điều này là do chi phí đầu vào giấy kraft tăng sau khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp cắt giảm ô nhiễm. Từ tháng 1/2018, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu giấy chưa phân loại dùng để sản xuất giấy kraft. Từ đó, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đầu vào để sản xuất giấy kraft, và vì vậy các nhà sản xuất Trung Quốc đã nâng giá bán đáng kể. Trong bối cảnh chi phí đầu vào giấy kraft tăng, SVI đã không thể chuyển các chi phí này cho khách hàng thông qua tăng giá bán trung bình, do đó tỷ suất lợi nhuận gộp giảm. Ngoài ra, chi phí lãi vay tăng 37% YoY do nợ vay và lãi suất đều tăng (4-4,5% trong năm 2017 so với trên 5% tính từ đầu năm 2018) kéo giảm lợi nhuận của SVI. Lợi nhuận trước thuế đạt 56,2 tỷ đồng (-12,5% YoY), hoàn thành 66% kế hoạch năm 2018.

Quan điểm đầu tư: Giả định SVI hoàn thành kế hoạch năm 2018, EPS 2018 có thể đạt 4.399 đồng. Ở mức giá hiện tại là 40.800 đồng/cp, SVI đang giao dịch tại PE 2018 là 9,3x, theo chúng tôi đây là mức khá hợp lý với triển vọng lợi nhuận không tăng trưởng.

——————————————

SVI chart. Nguồn: Admin

VDSC: cập nhật NLG

NLG: CTCP Đầu tư Nam Long

  Giá hiện tại % chang (t-3) P/E P/B
NLG 28.8 1.1% 6.47 1.44

Nam Long ghi nhận tổng doanh thu và LNST trong 9T 2018 đạt 2.740 tỷ đồng (+ 67,4% YoY) và 635 tỷ đồng (+ 80,4% YoY), phù hợp với ước tính gần đây của chúng tôi. Tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2017 chủ yếu là do việc chuyển nhượng cổ phần trong 130ha thuộc dự án Waterpoint. Chúng tôi vẫn duy trì dự báo lợi nhuận năm 2018 đạt 861 tỷ đồng (+ 60,9% YoY).

Kế hoạch lợi nhuận 2018 được đảm bảo. Chúng tôi dự báo lợi nhuận năm 2018 của công ty sẽ vẫn giữ ở mức lạc quan, tương ứng với 861 tỷ đồng, nhờ vào việc ghi nhận lợi nhuận từ việc chuyển nhượng dự án và ghi nhận doanh thu từ các dự án đã bán trong thời gian trước. Công ty gần đây đã nâng kế hoạch lợi nhuận cả năm lên 870 tỷ, chủ yếu do phần chuyển nhương trong dự án Waterpoint tăng từ 50ha lên 130ha trong giai đoạn 1. Đây cũng được coi là dự án đóng góp lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận và giá trị công ty trong 5 năm tới. Ngoài ra, trong năm 2018, công ty cũng dự kiến sẽ hoàn tất việc ghi nhận lợi nhuận phần còn lại tại các dự án Kikyo và Fuji.

Triển khai dự án Akari City bị trì hoãn. Như kế hoạch ban đầu, công ty dự kiến mở bán dự án trong tháng 10/2018. Tuy nhiên, do có một số thay đổi, nên công ty sẽ dời việc mở bán sang thời điểm năm 2019. Dự án có quy mô hơn 4.600 căn hộ Flora trên diện tích đất 8,5ha, nằm tại quận Bình Tân, HCM. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 341 triệu USD do liên doanh Nam Long và hai tập đoàn Nhật là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad thực hiện. Việc lùi kế hoạch triển khai dự án không ảnh hưởng nhiều đến tình hình doanh thu, lợi nhuận công ty trong năm 2018 và 2019, nhưng sẽ bị ảnh hưởng về dòng tiền.

NLG phát hành thêm cổ phần và hoàn thành việc chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi của Keppel Land thành cổ phần. Do điều kiện thị trường khó khăn, gần đây NLG đã hoãn phiên thực hiện đấu giá 40 triệu cổ phiếu. Thay vào đó, công ty đã thành công trong việc tìm được đối tác mua lại lượng trái phiếu chuyển đổi của Keppel Land và hoàn thành việc chuyển đổi sang cổ phiếu. Theo đó, có thêm 27.5 triệu cổ phiếu được chuyển đổi được giao dịch. Kết quả thực hiện việc chuyển đổi như sau:

Có một đối tác nước ngoài nằm trong HĐQT sỡ hữu 49% lượng cổ phiếu chuyển đổi

Một đối tác trong nước trong HĐQT sở hữu 5,6% lượng cổ phiếu chuyển đổi

2 tổ chức và cá nhân trong nước sở hữu phần còn lại, tương đương với 45,4%

Về quan điểm đối với công ty, chúng tôi cho rằng NLG vẫn có lợi thế dài hạn về quỹ đất sạch, sẵn sàng triển khai và rộng lớn. Ngoài ra, tỷ lệ nợ vay ở mức độ phù hợp cũng là lợi thế của công ty trong điều kiện tình hĩnh vĩ mô đang có sự biến động. Do có sự thay đổi kế hoạch triển khai các dự án, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại dòng tiền và cập nhật trong báo cáo sắp tới. Tuy nhiên nhìn chung, chúng tôi đánh giá ảnh hưởng lên giá trị công ty sẽ không đáng kể.

——————————————

NLG chart. Nguồn: Admin

Nguồn: SSI, VCSC, VDSC

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.