NT2: KQLN Quý 3 thấp hơn so với dự báo do giá khí tăng
SCS: KQKD 9 tháng 2018 thấp hơn một ít so với dự phóng, nhưng luận điểm đầu tư vẫn duy trì ổn định. Giữ KN MUA
HAH: Hoạt động khai thác cảng Hải An giảm, được bù đắp bởi việc Đầu tư gia tăng đội tàu vận tải biển và Triển khai các trung tâm logistic
NT2: KQLN Quý 3 thấp hơn so với dự báo do giá khí tăng
CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) vừa công bố KQLN Quý 3/2018 với doanh thu tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng bán ra tăng 20,0% so với mức thấp cùng kỳ năm ngoái và giá bán trung bình đi ngang.
Tuy nhiên, LNST cốt lõi 9 tháng đầu năm giảm 25,1% xuống 562 tỷ đồng, do (1) sản lượng hợp đồng giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, (2) công ty không có sản lượng hợp đồng không được huy động trong 9 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này đạt 200 triệu kWh, và (3) biên lợi nhuận trên thị trường phát điện cạnh tranh giảm vì giá trên thị trường phát điện cạnh tranh phục hồi nhưng giá khí tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xin lưu ý rằng LNST báo cáo tăng 8,0% vì trong 9 tháng đầu năm, công ty chỉ lỗ do chênh lệch tỷ giá 31 tỷ đồng, không đáng kể so với khoản lỗ lớn 258 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
NT2 hiện đang giao dịch tại P/E trượt 12 tháng là 8,2 lần. Với giả định giá dầu sẽ tăng trong giai đoạn 2018-2020, VCSC cho rằng sẽ điều chỉnh giảm giá mục tiêu hiện là 33.900VND/cổ phiếu, tương ứng với tổng mức sinh lời 43,3% (bao gồm lợi suất cổ tức 9,8%).
KQLN 9 tháng đầu năm của NT2
—————————————
NT2 chart. Nguồn: Admin dautugiatri.vn
SCS: KQKD 9 tháng 2018 thấp hơn một ít so với dự phóng, nhưng luận điểm đầu tư vẫn duy trì ổn định. Giữ KN MUA
CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) đã công bố KQKD sơ bộ trong 9 tháng 2018, trong đó doanh thu và LNST tăng lần lượt 15,8% YoY (so với cùng kỳ năm ngoái) và 20,6% YoY.
Kết quả này cho thấy tăng trưởng sản lượng hàng hóa hiện đang thấp hơn mức dự báo 13% YoY cho cả năm 2018 của VCSC, sau khi tăng 12,7% YoY trong quý 3/2018, nhưng chỉ đạt 8,5% YoY trong 9 tháng 2018. Mức tăng trưởng thấp hơn dự kiến này là do nhiều yếu tố bất thường chỉ xảy ra một lần, thay vì là các yếu tố có thể ảnh hưởng dài hạn. Lấy ví dụ, việc xây dựng sân đỗ máy bay mới và các công việc bảo trì khác tại sân bay Tân Sơn Nhất trong quý 3 đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận một số loại máy bay thân rộng của sân bay này, làm giảm trọng tải máy bay cất cánh tối đa cho một số khách hàng của SCS.
Theo mức giá đóng cửa hôm nay, SCS hiện đang giao dịch với P/E trượt 18,3 lần, P/E dự phóng cho năm 2019 là 13,8 lần và PEG 3 năm là 0,8. VCSC hiện đang có khuyến nghị MUA cho SCS với mức giá mục tiêu 183.600 đồng, tương ứng với tổng mức sinh lời 39,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,4%.
VCSC vẫn giữ điểm tích cực về SCS, khi kỳ vọng công ty sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 17,3% trong giai đoạn 2017-2022 cùng với biên LN ròng mạnh mẽ khoảng 60-74%, và ROE trong khoảng 44-56% nhờ (1) nhu cầu vận chuyển hàng hóa hàng không mạnh mẽ tại Việt Nam, (2) vị thế thị trường chỉ có 2 công ty cạnh tranh với rào cản gia nhập ngành lớn tại sân bay Tân Sơn Nhất, và (3) nhu cầu vốn XDCB thấp, tỷ lệ đòn bẩy tài chính thấp và tỷ lệ vòng quay tiền đạt 90%.
KQKD 9 tháng 2018 của SCS
————————–
SCS chart. Nguồn: Admin
HAH: Hoạt động khai thác cảng Hải An giảm, được bù đắp bởi việc Đầu tư gia tăng đội tàu vận tải biển và Triển khai các trung tâm logistic
Hoạt động khai thác cảng
Hoạt động khai thác cảng của HAH đang gặp khó khăn trong những năm gần đây khi mất thị phần tại các cảng hạ lưu tại Hải Phòng do: (1) vị trí bất lợi ở sông Cấm, (2) chỉ có một bến dẫn đến khó sắp xếp lịch tàu. Điều này dẫn đến tỷ lệ container quốc tế trong tổng sản lượng container của cảng này đã giảm từ 73% (2014) xuống 46% (2017). Năm 2018, chúng tôi cho rằng tỷ lệ này tiếp tục sẽ giảm. Vì giá dịch vụ bốc xếp container quốc tế cao hơn so với container nội địa, sự thay đổi của tỷ lệ này cũng khiến cho biên LN gộp của hoạt động cảng bị giảm.
Hơn nữa, do khối lượng container nội địa ngày càng tăng trong cơ cấu sản lượng lưu thông qua cảng Hải An, VDSC dự phóng biên lợi nhuận của mảng này sẽ tiếp tục giảm nếu dự thảo thông tư của Bộ GTVT liên quan đến việc giảm giá bốc dỡ đối với container nội địa được phê duyệt.
Hiện tại, khách hàng của Cảng Hải An là:
- Đội tàu của HAH: đóng góp khoảng 60% vào tổng doanh thu của Cảng Hải An.
- SM lines: vận chuyển container quốc tế.
Mảng vận tải biển
HAH hiện đang quản lý đội tàu gồm 4 tàu có hiệu suất hoạt động tương đối cao, lớn hơn 90%, và chiếm khoảng 20% thị phần trong ngành vận tải container nội địa. Nhằm tăng thị phần, HAH tiếp tục đầu tư thêm một tàu 1,100 TEU, dự kiến sẽ tiếp nhận trong tháng 11 này tại Busan, Hàn Quốc. Chi phí cho con tàu mới là 9,5 triệu USD, được tài trợ một phần từ nợ vay. Theo doanh nghiệp, mục đích sử dụng của tàu mới sẽ rất linh hoạt: có thể được sử dụng để chạy tuyến nội địa/quốc tế hoặc cũng có thể được sử dụng để cho thuê, tùy vào tình hình của thị trường.
Đội tàu này hiện đang chạy 2 tuyến dịch vụ:
Tuyến nội địa:
- Hải Phòng – Hồ Chí Minh – Hải Phòng, có 3 tàu hoạt động.
Tuyến quốc tế:
- Hải Phòng – Dachan Bay – Hồng Kông – Hải Phòng, hợp tác với Express Lines. Tuyến này sẽ bù đắp cho lượng hàng quốc tế bị mất do hãng Pedulum Express chuyển sang làm hàng tại Lạch Huyện.
- HCM-Singapore, hợp tác với Tân Cảng Shipping, đã ngừng hoạt động sau một năm hoạt động do sản lượng thấp.
Khách hàng của các doanh nghiệp vận tải nội địa là (1) công ty sản xuất, (2) các fowarder và (3) thương nhân nông sản theo mùa vụ. Sản phẩm chính: thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, hoa quả, nguyên liệu và vật liệu xây dựng. Ban lãnh đạo dự kiến nhu cầu vận tải nội địa của các mặt hàng này có thể duy trì mức tăng trưởng trung bình 8-10% mỗi năm.
Tuy nhiên, hoạt động vận tải biển luôn phải chịu rủi ro lớn về giá nhiên liệu, khiến biên lợi nhuận suy giảm trong thời gian gần đây. Giá dầu nhiên liệu IFO 380 đã vượt qua mức 500 USD / tấn, gần gấp đôi mức trung bình năm 2017. Trong khi đó, giá cước vận chuyển không thể tăng nhiều do vẫn còn cạnh tranh gay gắt. So với năm 2017, giá cước vận tải trung bình cho tuyến Hải Phòng đến HCM tăng nhẹ do nhu cầu nguyên liệu thô từ các doanh nghiệp sản xuất ở miền Nam tăng cao. Ngược lại, cước vận tải cho tuyến TP.HCM ra Hải Phòng đã giảm nhẹ do nhu cầu vận tải giảm.
Với kế hoạch hoàn thành chuỗi cung ứng logistics, trong quý 3 năm 2017, HAH đã ký hợp đồng hợp tác với công ty logistics Hàn Quốc, Pantos Holdings, thành lập liên doanh PANHAIAN. PANHAIAN sẽ quản lý dự án Trung tâm logistics Pantos-Hải An tại Khu phi thuế quan Nam Đình Vũ tại Hải Phòng. Trung tâm logistics rộng15 ha này đã bắt đầu hoạt động giai đoạn 1 vào tháng 8 năm 2018 với chức năng chính là làm bãi lưu container rỗng phục vụ cho đội tàu của Hải An va các hãng tàu mà Hải An đang có quan hệ. Trong giai đoạn tiếp theo, HAH sẽ khai thác kho CFS và kho ngoại quan. Dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng vào quý 2 năm 2019 với tổng vốn vào khoảng 300 tỷ được tài trợ bằng vốn vay.
Bên cạnh đó, HAH cũng đang triển khai trung tâm logistics có diện tích 31 ha tại Cái Mép, Vũng Tàu. Đến nay, HAH vẫn đang hoàn thiện thủ tục thuê đất và tìm kiếm đối tác đối tác nước ngoài để thành lập liên doanh (tỷ lệ 51/49). Depot này sẽ có 03 cầu tàu cho sà lan, 18 ha bãi và 6ha kho. Ban lãnh đạo dự kiến trung tâm này có thể bắt đầu hoạt động trong khoảng 3-5 năm tới.
————————————————-
HAH chart. Nguồn: Admin
Nguồn: VCSC, VDSC