[Daily Stock Calls 29/10/2018] VCSC: Khuyến nghị MUA FRT SCS BID MWG, Khuyến nghị khả quan PVS, Cập nhật HDB – SSI: cập nhật TCB, VPB, ACB, VCG – HSC: khuyến nghị KHẢ QUAN cp CTD

VCSC khuyến nghị

MUA cp FRT – giá mục tiêu 94.700 đồng/cp;

MUA cp SCS – giá mục tiêu 183.600 đồng/cp;

MUA cp BID – giá mục tiêu 37.800 đồng/cp;

MUA cp MWG – giá mục tiêu 183.100 đồng/cp;

Khuyến nghị KHẢ QUAN cp PVS – giá mục tiêu 21.500 đồng/cp;

Cập nhật HDB – giá mục tiêu 38.500 đồng/cp.

SSI cập nhật TCB, VPB, ACB, VCG

HSC khuyến nghị KHẢ QUAN cp CTD – giá trị hợp lý 164.000 đồng/cp

VCSC: Khuyến nghị MUA FRT SCS BID MWG – Khuyến nghị khả quan PVS – Cập nhật HDB

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT)

  Giá ngày 29/10 % chang (t-3) P/E P/B
FRT 72.9 -1.5% 14.49 4.84

* Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA cho CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) với quan điểm khả quan về tăng trưởng mảng điện thoại di động (ĐTDĐ), trong khi quá trình mở rộng chuỗi dược phẩm đang tăng tốc, củng cố tốt cho triển vọng dài hạn của FRT.

* PEG 3 năm hấp dẫn ở mức 0,7 theo dự báo của chúng tôi. Chúng tôi dự phóng CAGR EPS 2018-2021 đạt 20%, đến từ các ý tưởng bán hàng hiệu quả, việc mở rộng chuỗi cửa hàng ĐTDĐ và triển khai chuỗi dược phẩm.

* Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 2% do tỷ lệ sở hữu thấp hơn tại Long Châu (dược phẩm) so với dự phóng. FRT nắm giữ 75% cổ phần tại Long Châu, so với dự phóng trước đây của chúng tôi là 100%.

* LNST 9 tháng 2018 tăng mạnh 30% YoY, được hỗ trợ bởi các ý tưởng bán hàng mới, F.Friends (tài chính tiêu dùng) và trợ giá nhà mạng (TPS), doanh số bán hàng online và đóng góp từ các cửa hàng mới.

* Rủi ro: nợ xấu từ chương trình F.Friends và TPS; cạnh tranh giá cả từ các công ty thương mại điện tử (e-commerce) thuần túy; quy định về thuốc kê đơn khắt khe hơn có thể ảnh hưởng đến lượng khách hàng đến các cửa hàng dược phẩm.

——————————————

FRT chart. Nguồn: Admin

SCS: CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn

  Giá ngày 29/10 % chang (t-3) P/E P/B
SCS 140.3 0.1% 20.12 8.93

* Chúng tôi nâng khuyến nghị dành cho CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) lên MUA với tổng mức sinh lời 33,3% dù chỉ điều chỉnh giảm 1% giá mục tiêu vì kể từ khi chúng tôi đưa ra báo cáo trước đến nay, giá cổ phiếu đã giảm 18%. Chúng tôi điều chỉnh giá mục tiêu để phản ánh tỷ lệ chiết khấu tăng và chỉ báo của các công ty cùng ngành giảm, được bù đắp bởi tác động của việc điều chỉnh dòng tiền chiết khấu.

* Chúng tôi dự báo doanh thu cả năm sẽ tăng 16% lên 680 tỷ đồng và LSNT sẽ tăng 22% lên 420 tỷ đồng.

* Chúng tôi tiếp tục lạc quan về SCS vì chúng tôi cho rằng doanh thu sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 17,3% trong giai đoạn 2017-2022 cùng với biên lợi nhuận ròng lên đến 60%-74% và ROE 44%-56% nhờ (1) nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường hàng không tại Việt Nam cao; (2) SCS chỉ có một đối thủ trên thị trường, trong khi rào cản lớn khiến việc thâm nhập Sân bay Tân Sơn Nhất khó khăn và (3) công ty không cần nhiều vốn đầu tư XDCB, đòn bẩy tài chính thấp và tỷ lệ hoàn tiền lên đến 90%.

* Yếu tố hỗ trợ: Hoàn tất tòa nhà văn phòng thứ hai và nhà máy chế biến suất ăn hàng không.

* Rủi ro: (1) dòng thương mại sụt giảm và (2) công suất tại sân bay Tân Sơn Nhất hạn chế.

——————————————

SCS chart. Nguồn: Admin

BID: Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam

  Giá ngày 29/10 % chang (t-3) P/E P/B
BID 30.6 -12.3% 12.95 2.09

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam đã công bố KQKD 9 tháng 2018 với lợi nhuận đạt 5,8 nghìn tỷ đồng (+35% YoY), đạt 64% dự báo cả năm của chúng tôi. Chi phí dự phòng vượt nhẹ (đạt 81% dự báo của chúng tôi) và doanh thu phù hợp với dự báo (69% dự báo của chúng tôi). Cụ thể, quý 3/2018 đạt lợi nhuận ròng 1,8 nghìn tỷ đồng (+16,5% YoY). Tuy nhiên, với tình trạng thiếu hụt dự phòng trong bảng cân đối kế toán của BID hiện tại, có khả năng chi phí dự phòng sẽ vượt dự báo của chúng tôi trong quý 4/2018, và do đó có khả năng điều chỉnh giảm 10% dự báo cả năm 2018.

KQKD 9 tháng 2018 được dẫn dắt bởi:

* Thu nhập lãi ròng (NII) tăng 11,3% YoY với NIM đạt 2,75% (so với 9 tháng 2017 đạt 2,89%), NII đóng góp 78% tổng thu nhập từ HĐKD (TOI).

* Thu nhập phí và dịch vụ thuần (NFI) (không tính ngoại hối) tăng 19% YoY đạt 2,5 nghìn tỷ đồng. NFI đóng góp 8% TOI.

* Lãi ròng từ giao dịch ngoại hối tăng mạnh 55% YoY đạt 797 tỷ đồng.

* Lãi từ chứng khoán kinh doanh tăng mạnh đạt 110% YoY trong 682 tỷ đồng.

* Lãi ròng từ chứng khoán đầu tư đạt 221 tỷ đồng. Trong 6 tháng 2018, ngân hàng ghi nhận khoản lỗ 21 tỷ đồng.

* Thu nhập ròng khác tăng mạnh 91% YoY lên 2,9 nghìn tỷ đồng, chủ yếu được dẫn dắt bởi thu nhập từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý. Con số này đóng góp 9% cho TOI.

* Chi phí dự phòng tăng 21% YoY; với tỷ lệ dự phòng thất thoát khoản vay (LLR) tăng mạnh lên 87% (so với 84% trong 9 tháng 2017).

* Tăng trưởng cho vay đạt 11,8% tính từ đầu năm (YTD), tăng trưởng huy động đạt 10,9% YTD.

* Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) duy trì ở mức hấp đạt 39% (so với 32% trong 9 tháng 2017).

* Nợ xấu tăng lên 1,8% (so với 1,5% trong 6 tháng 2018 và 2,1% trong 9 tháng 2017).

——————————————

BID chart. Nguồn: Admin

HDB: Ngân hàng TMCP Phát triển T.P Hồ Chí Minh

  Giá ngày 29/10 % chang (t-3) P/E P/B
HDB 34.4 -4.4% 12.30 2.36

Ngân hàng TMCP Phát triển T.P Hồ Chí Minh (HDB) vừa công bố KQLN 9 tháng đầu năm, theo đó lợi nhuận hợp nhất đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn tất 81,3% dự báo cả năm của chúng tôi và ROAA và ROAE quy theo năm đạt lần lượt 1,2% và 16,7%. HD Saison chiếm 12% lợi nhuận hợp nhất 9 tháng đầu năm so với 38% cả năm 2017. Do cả HDB và HDSaison cùng đạt tăng trưởng tín dụng thấp trong Quý 3 so với Quý 2, chúng tôi nhiều khả năng sẽ điều chỉnh giảm dự báo của chúng tôi đối với tăng trưởng tín dụng hợp nhất 2018, khiến dự báo lợi nhuận trong báo cáo cập nhất tới có thể sẽ bị điều chỉnh giảm 5%-10%.

Kết quả 9 tháng đầu năm được thúc đẩy nhờ:

* Thu nhập lãi thuần hợp nhất và của riêng ngân hàng mẹ tăng lần lượt 18,5% và 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với NIM hợp nhất và của ngân hàng mẹ đạt 3,8% (so với 4,1% năm 2017) và 2,4% (so với 2,4% năm 2017). Thu nhập lãi thuần hợp nhất chiếm 80,9% tổng thu nhập từ hoạt động, giảm 3,8 điểm % so với năm 2017 do thu nhập ngoài lãi tăng mạnh 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái. * Thu nhập phí thuần tăng 223% là điểm sáng nhờ HD Saison mở rộng sang các thương vụ hợp tác bancassurance không độc quyền trong mảng phi nhân thọ. * Tỷ lệ chi phí / thu nhập hợp nhất 9 tháng đầu năm ở mức 48%, giảm 4,4 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí mở rộng mạng lưới trong các năm qua trở nên dễ thở hơn trong năm 2018. Tuy nhiên, như chúng tôi sẽ trình bày trong báo cáo dưới đây, tỷ lệ chi phí / thu nhập Quý 3/2018 tăng do tốc độ mở rộng mạng lưới được đẩy mạnh trở lại.

——————————————

HDB chart. Nguồn: Admin

MWG: CTCP Đầu tư Thế giới Di động

  Giá ngày 29/10 % chang (t-3) P/E P/B
MWG 108 -9.6% 12.72 4.64

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) công bố KQLN sơ bộ 9 tháng đầu năm, trong đó doanh thu thuần đạt 65,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, và LNST đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 34%. Kết quả khả quan nói trên chủ yếu là nhờ doanh thu từ bán hàng online tăng mạnh và đóng góp từ các cửa hàng điện thoại di động và hàng điện tử tiêu dùng mới. Trong khi đó, Bách Hóa Xanh tiếp tục cải thiện đáng kể cả về doanh thu trung bình mỗi cửa hàng và biên lợi nhuận gộp. Kết quả 9 tháng đầu năm nhìn chung phù hợp với dự báo của chúng tôi. Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dành cho MWG và cho rằng sẽ không điều chỉnh đáng kể cho dự báo. Với những diễn biến tích cực của mô hình siêu thị mini (minimart) và khả năng thực hiện đã được khẳng định của ban lãnh đạo, chúng tôi cho rằng MWG sẽ tiếp tục là tiên phong trên thị trường bán lẻ hiện đại hiện đang bùng nổ của Việt Nam. * Doanh thu từ bán hàng online tăng mạnh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu từ các cửa hàng hiện hữu. * Điện Máy Xanh (chuỗi điện tử tiêu dùng) dẫn đầu tăng trưởng. * Thế Giới Di Động (chuỗi bán lẻ điện thoại di động) tăng trưởng chậm lại vì MWG tiếp tục chuyển các cửa hàng có doanh thu tốt thành các cửa hàng điện tử tiêu dùng. * Doanh thu và biên lợi nhuận gộp của Bách Hóa Xanh tiếp tục tăng, giúp các cửa hàng tiến gần điểm hòa vốn EBITDA theo ước tính của chúng tôi. * Chúng tôi cho rằng tốc độ mở cửa hàng của BHX sẽ được đẩy mạnh trong Quý 4/2018, qua đó nâng số cửa hàng đến cuối năm lên 500 như dự báo của chúng tôi.

——————————————

MWG chart. Nguồn: Admin

PVS: Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam

  Giá ngày 29/10 % chang (t-3) P/E P/B
PVS 18.8 -7.4% 11.60 0.78

* Doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) tăng 4,4% nhờ doanh thu các mảng Cơ khí Dầu khí và Vận hành và Bảo dưỡng đạt tăng trưởng mạnh với dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt, qua đó bù đắp cho doanh thu sụt giảm của các mảng khác. * Tuy nhiên, LNST sau lợi ích CĐTS thường xuyên giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái do (1) mảng Khảo sát Địa Chấn lỗ lớn với khối lượng công việc thấp; (2) giá thuê ngày các kho nổi FPSO Lam Sơn và FSO Biển Đông giảm; và (3) không có lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng mảng Cơ khí Dầu khí trong 9 tháng đầu năm so với 80 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. * Tuy nhiên, LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo tăng nhẹ 5,1% nhờ khoản lợi nhuận bất thường 189 tỷ đồng từ định giá lại tài sản do thay đổi phương thức hạch toán từ phương thức thuê hoạt động sang thuê tài chính đối với FSO Orkid. * Doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS thường xuyên 9 tháng đầu năm hoàn tất lần lượt 86,2% và 94,7% dự báo cả năm do chúng tôi đưa ra. Tuy nhiên, LNST sau lợi ích CĐTS 9 tháng đầu năm không phản ánh khoản lỗ theo dự báo là 200 tỷ đồng từ việc giải thể mảng Khảo sát Địa chấn trong Quý 4. Do đó, các kết quả nói trên phù hợp với dự báo của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng sẽ không điều chỉnh đáng kể dự báo lợi nhuận cho cả năm và giá mục tiêu.

——————————————

PVS chart. Nguồn: Admin

SSI: cập nhật TCB, VPB, ACB, VCG

TCB: Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam

  Giá ngày 29/10 % chang (t-3) P/E P/B
TCB 25.85 -7.0% 9.90 1.83

TCB đã công bố LNTT 9T2018 ở mức 7.774 tỷ đồng (+ 60,6% YoY), bằng 77,7% kế hoạch năm. Kết quả này chủ yếu là nhờ tăng trưởng mạnh mẽ thu nhập lãi thuần (NII, + 26,4% YoY) và thu nhập ngoài lãi (+ 25,2% YoY). Thu nhập lãi quý 3 bất ngờ ở mức 3.117 tỷ đồng, tăng trưởng 51,6% YoY, đánh dấu mức tăng trưởng YoY theo quý cao nhất trong lịch sử. Chi phí kiểm soát tốt cũng đóng góp vào KQKD, do chi phí hoạt động tăng ít hơn ước tính ​​(+17,4% YoY), cùng với chi phí dự phòng giảm (-29,6% YoY).

Cho vay khách hàng đạt 166.938 tỷ đồng (+3,8% YTD), không đổi so với quý trước. Chúng tôi giả định rằng tăng trưởng cho vay quý 3 thấp, khi sự kiện mở bán dự án VinCity Gia Lâm đã tạm hoãn sang đầu quý 4/2018. Mặc dù cho vay khách hàng không thay đổi nhiều, trái phiếu doanh nghiệp tăng đáng kể. Tổng tăng trưởng tín dụng (cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) theo ước tính của chúng tôi là 13,9% YTD, cao hơn nhiều so với mức 3,4% YTD trong 6T2018, cao hơn mức trung bình hệ thống là 9,52% tại ngày 20/9/2018. Tiền gửi khách hàng đạt 193.583 tỷ đồng (+11,8% YTD), cũng cao hơn mức trung bình hệ thống là 9,15%YTD tại ngày 20/9/2018. Do đó, tỷ lệ LDR thuần (bao gồm cho vay khách hàng, tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi) giảm xuống còn 79,2% từ mức 85,3% vào năm 2017. Tỷ lệ vốn ngắn hạn trên cho vay trung và dài hạn là 34,17%, tuân theo kế hoạch của NHNN về giảm tỷ lệ này xuống còn 40% đến ngày 1/1/2019.

Tỷ lệ NIM tăng lên 4,13% từ mức 4,1% trong quý 3/2017 và 3,83% trong năm 2017. NIM trong quý 3/2018 tăng đáng kể từ mức 3,86% trong 6T2018. Riêng trong quý 3, thu nhập lãi từ các khoản cho vay và thu nhập từ các công cụ nợ tăng 20,6% YoY và 34,8% YoY. Việc tăng phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp trung và dài hạn cùng với các khoản vay dài hạn và / hoặc tăng lãi suất cho vay có tác động tích cực đến hệ số NIM. Tỷ lệ CASA vẫn ở mức tốt là 24,7%.

CIR trong quý 3/2018 đạt 28,1%, thấp hơn ước tính 29% của chúng tôi trong năm 2018. Chi phí dự phòng tăng lên 1.786 tỷ đồng (-29,6% YoY), nhờ việc giải quyết toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2017. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu không đổi so với quý trước ở mức 2,05% so với 2,04% trong 6T2018 và 1,61% trong năm 2017. Tính đến ngày 30/09/2018, tỷ lệ CAR là 14,33%, cao hơn 2,31% so với mức tại ngày 30/09/2017 và vượt các ngân hàng cùng hệ thống.

Tại mức giá 25.850 đồng/cổ phiếu, TCB đang giao dịch ở mức PB 2018 và 2019 lần lượt là 1,9x và 1,6x, tương đương với mức trung bình của ngành. Giá cổ phiếu đã tăng khoảng 11% kể từ báo cáo trước của chúng tôi, vượt các ngân hàng cùng hệ thống trong giai đoạn này. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng cho vay và thu nhập từ phí sẽ cao hơn trong quý 4/2018 khi dự án VinCity Gia Lâm mở bán.

——————————————

TCB chart. Nguồn: Admin

VPB: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng

  Giá ngày 29/10 % chang (t-3) P/E P/B
VPB 21.05 -7.7% 7.64 1.62

Tăng trưởng: Tổng tài sản tăng 6,6% YTD, nguồn vốn huy động từ khách hàng tăng + 6,53% YTD, tín dụng tăng 7,33% YTD. Tỷ lệ LDR thuần: 99,2%. Trong tổng tín dụng, tín dụng của ngân hàng mẹ tăng + 7,9% YTD và FE Credit tăng + 4,2% YTD, thấp hơn nhiều so với mức 10,3%YTD và 28,3%YTD trong 9T2017. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ từ đầu năm cũng thấp hơn trung bình toàn hệ thống là 9,52%YTD (tính đến ngày 20/9/2018).

Thu nhập từ HĐKD: 22.112 tỷ đồng, tăng 25,8% YoY, thấp hơn mức 48.3% YoY trong 9T2017, trong đó ngân hàng mẹ đóng góp 10.711 tỷ đồng tương đương 48,4%, FE Credit đóng góp 11.402 tỷ đồng hoặc 51,6%. CIR: 35,2% (9T2017: 35,6%)

LNTT: 6.125 tỷ đồng, + 8,7% YoY, hoàn thành 56,7% kế hoạch năm là 10,8 nghìn tỷ đồng (+ 32,8% YoY). Trong đó, ngân hàng mẹ đóng góp 3.847 tỷ đồng, tương đương 62,8%, tăng 41,4% YoY, FE Credit đóng góp 2,278 tỷ đồng, tương đương 37,2%, giảm 21,9% YoY.

Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 9T2018 thấp hơn mức 79% YoY trong 9T2017 và cách xa kế hoạch năm. Kết quả này là do tăng trưởng thu nhập lãi ròng giảm còn + 21,7% YoY (so với 41,1% trong 9T2017) và thu nhập phí và hoa hồng giảm 3,1% YoY (so với +84,3% YoY trong 9T2017) và chi phí dự phòng tăng + 45,8% YoY (so với + 41,9% YoY trong 9T2017). Thu nhập từ phí của ngân hàng mẹ đạt 1.077 tỷ đồng, tăng 55,5% YoY trong khi đối với FE Credit là âm 73 tỷ đồng so với 343 tỷ đồng đạt được trong 9T2017.

NIM: Hệ số NIM hợp nhất được cải thiện từ 8,78% trong 9T2017 lên 8,93% trong 9T2018, mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ NIM của ngân hàng mẹ và FE Credit lần lượt là 4,62% và 29,5%, thấp hơn 9T2017 là 4,63% và 30,4%.

Chất lượng tài sản: Nợ xấu của VPB tăng 21,9% YTD và tỷ lệ nợ xấu (tính theo TT02) tăng lên 4,24% từ 2,98% trong năm 2017, do tỷ lệ nợ xấu tăng ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 4,19% từ 2,87% vào năm 2017 đối với ngân hàng mẹ, và tăng lên 6,36% từ 5,00% vào năm 2017 đối với FE Credit.

Tỷ lệ LLR giảm từ 50,8% vào cuối năm 2017 xuống còn 41,8%. Chi phí tín dụng tăng lên 5,36% từ 4,41% trong cùng kỳ năm ngoái do tốc độ hình thành nợ xấu gia tăng.

VPBank hiện có 25,3 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ và 249,17 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 9,85% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Ngân hàng đã cố định tỷ lệ sở hữu của NĐTNN ở mức 22,532% cho kế hoạch phát hành riêng lẻ dự kiến diễn ra trong năm 2019.

Định giá: Chúng tôi kỳ vọng VPB sẽ trích lập thêm chi phí dự phòng tín dụng để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% tại ngân hàng mẹ và xóa nợ nhóm 4 và nhóm 5 tại FE Credit trong năm 2018. Với giả định này, chúng tôi dự báo lợi nhuận trước thuế 2018 và 2019 ở mức 6.902 tỷ đồng (-15,1% YoY) và 7.686 tỷ đồng (+ 11,4% YoY), tương đương ROAE là 17,8% và 17,1%.

BVPS năm 2018 và 2019 ước tính lần lượt là 13.442 đồng và 15.918 đồng. Ở mức Giá ngày 29/10 là 21.050 đồng/cp, VPB đang giao dịch ở mức PE 2018 và 2019 lần lượt là 1,70x và 1,43x, thấp hơn mức trung bình của các ngân hàng bạn là 1,81x và 1,53x.

——————————————

VPB chart. Nguồn: Admin

ACB: Ngân hàng TMCP Á Châu

  Giá ngày 29/10 % chang (t-3) P/E P/B
ACB 28.3 -4.4% 8.09 1.81

Tăng trưởng: Tổng tài sản tăng 10% YTD, nguồn vốn huy động từ khách hàng tăng 9,6% YTD, tín dụng tăng 11,3% YTD.

Thu nhập từ HĐKD: 9.869 tỷ đồng, +23,6% YoY, thấp hơn mức +50.8% YoY trong 9T2017. Thu nhập lãi ròng đạt 7.424 tỷ đồng, tăng 22,2% YoY, và thu nhập ngoài lãi ròng đạt 2.445 tỷ đồng, tăng 27,9% YoY. CIR: 44,9% trong 9T2018 so với 56,2% trong 9T2017.

LNTT: 4.776 tỷ đồng, + 138,2% YoY

Hệ số NIM: giảm còn 3,54% từ mức 3,85% trong 9T2017, chủ yếu do lợi suất từ các công cụ nợ giảm (5,21% so với 6,34%). Lãi suất cho vay trung bình cải thiện từ 9,26% trong 9T2017 lên 9,47% trong 9T2018.

Chất lượng tài sản: Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 0,84% từ 0,71% trong năm 2017. Tỷ lệ LLR giảm nhẹ từ 132,7% xuống còn 129,5%.

Quan điểm sơ bộ: Tăng trưởng LNTT năm 2018 trong 9T2018 đat 5,7 nghìn tỷ đồng(+ 115% YoY), hoàn thành 83,8% kế hoạch năm, phù hợp với dự phóng của chúng tôi cho cả năm là 6,34 nghìn tỷ đồng. Kết quả kinh doanh được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong NII, thu nhập phí (+ 26.5% YoY) và thu nhập từ nợ xấu đã xóa (13.2x so với năm 2017 trong 9 tháng), cũng như chi phí dự phòng giảm mạnh (-55.7% YoY) . Chi phí tín dụng giảm từ 1,13% trong 9T 2017 xuống 0,42% trong 9T 2018, thấp nhất trong ngành ngân hàng trong nước.

Định giá: BVPS 2018 và 2019 ước tính ở mức 16.002 đồng và 20.531 đồng. Với mức Giá ngày 29/10 là 28.300 đồng/cp, ACB đang giao dịch ở mức PB 2018 và 2019 là 1,83x và 1,43x. Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu, với mức giá mục tiêu 1 năm là 42.000 đồng, tăng 48,4% so với Giá ngày 29/10.

——————————————

ACB chart. Nguồn: Admin

VCG: Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam

  Giá ngày 29/10 % chang (t-3) P/E P/B
VCG 18.6 0.5% 6.47 1.29

SCIC đã thông báo đấu giá 254,9 triệu cổ phiếu VCG theo hình thức đấu giá trọn lô vào ngày 22/11/2018. Thông qua việc bán 57,71% cổ phần, SCIC sẽ thực hiện thoái vốn hoàn toàn khỏi VCG. Tại mức giá khởi điểm 21.300 VND/cổ phần, cổ phần của SCIC trị giá 236 triệu USD. Ngoài SCIC, Tập đoàn Viettel cũng thông báo đấu giá 94 triệu cổ phiếu VCG theo hình thức đấu giá trọn lô cùng ngày, và với mức giá khởi điểm tương tự với SCIC. Tập đoàn Viettel cũng sẽ thoái vốn toàn bộ 21,28% cổ phần của VCG. Tổng cộng, 348,9 triệu cổ phiếu, tương đương 79% cổ phần của VCG, sẽ được bán đấu giá vào ngày 22/11/2018.

Trước đó vào tháng 12/2017, SCIC đã công bố thoái toàn bộ 96 triệu cổ phần, tương đương 21,8% cổ phần VCG thông qua đấu giá với mức giá khởi điểm là 25.600 đồng / cổ phiếu. Tuy nhiên, SCIC đã không thoái vốn thành công số cổ phần đã công bố.

Theo quy định đấu giá, việc đăng ký và thanh toán tiền đặt cọc sẽ thực hiện từ ngày 26/10/2018 đến ngày 21/11/2018. Người mua yêu cầu thanh toán trước 10% tiền cọc, tương ứng tối thiểu 23,6 triệu USD và 7,6 triệu USD cho lô đấu giá cổ phần của SCIC và Viettel. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào phiên đấu giá, nhưng cần lưu ý tỷ lệ FOL của VCG ở mức 49%. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện tại là 10,82%. So với phiên đấu giá năm ngoái, chúng tôi tin rằng phiên đấu giá năm nay sẽ hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư chiến lược, do có thể đấu giá được cổ phần kiểm soát tại VCG. VCG là công ty xây dựng cơ sở hạ tầng hàng đầu, với các dự án gần đây như đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Với mức giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu, VCG đang giao dịch ở mức PE trung bình là 15,6x.

——————————————

VCG chart. Nguồn: Admin

HSC: khuyến nghị KHẢ QUAN cổ phiếu CTD

CTD: CTCP Xây Dựng Coteccons

  Giá ngày 29/10 % chang (t-3) P/E P/B
CTD 142 -3.4% 6.68 1.38

Doanh thu 9 tháng đầu năm tăng 13,9% so với cùng kỳ đạt 20.737 tỷ đồng. Xây dựng các dự án BĐS nhà ở tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn nhất, tuy nhiên cơ cấu doanh thu theo từng mảng kinh doanh đã có sự thay đổi lớn với tỷ trọng đóng góp từ xây dựng các dự án công nghiệp tăng mạnh.

  • Doanh thu mảng xây dựng BĐS nhà ở đạt 9.729 tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ). Mảng này đóng góp 47% trong tổng doanh thu (so với cùng kỳ năm ngoái là 73%).
  • Doanh thu mảng xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng tăng 24% so với cùng kỳ và đạt 2.691 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu tăng từ 12% lên 13%.
  • Xây dựng khách sạn & khu nghỉ dưỡng tăng 128% so với cùng kỳ và đạt 2.484 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu tăng từ 6% trong 9 tháng đầu năm 2017 lên 12%.
  • Doanh thu mảng xây dựng công nghiệp tăng 255% so với cùng kỳ lên 5.796 tỷ đồng và đóng góp 28% vào tổng doanh thu (9 tháng đầu năm 2017 là 9%).

Tỷ trọng mảng xây dựng công nghiệp tăng mạnh là nhờ đóng góp lớn từ tổ hợp Vinfast cũng như dự án Hòa Phát Dung Quất. Trong Q3, công ty đã ký thêm một hợp đồng xây dựng lớn mới, là Nhà xưởng Timber Land của Manwah Group với giá trị hợp đồng là 1.500 tỷ đồng và công ty dự kiến sẽ có thêm nhiều gói xây dựng khác từ Vinfast trong tương lai.

CTD dự kiến giữ tỷ trọng của mảng này khoảng 2% nhờ lợi nhuận từ đây có tính ổn định cao hơn so với mảng xây dựng dân dụng cao cấp với tính chu kỳ rất cao. Tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận sẽ thấp hơn. Ngoài ra, chúng tôi tin rằng với năng lực thi công tốt trong mảng này cộng với quan hệ lâu dài của Ban lãnh đạo với nhiều khách hàng Trung Quốc và Đài Loan, CTD sẽ hưởng lợi từ hoạt động chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng từ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giá trị hợp đồng kỳ mới giảm 6,1% so với cùng kỳ nhưng một số dự án lớn vẫn chưa được đưa vào – Tổng giá trị hợp đồng ký mới trong 9 tháng đầu năm 2018 là 20.000 tỷ đồng (giảm 6,1% so với cùng kỳ), theo đó tổng giá trị hợp đồng đã ký nhưng chưa thực hiện tại thời điểm cuối Q3 là 22.103 tỷ đồng (giảm 13,5% so với cùng kỳ). Số liệu này chưa bao gồm giá trị gói thầu Vincity và một dự án xây dựng TTTM lớn khác. Một số dự án lớn ký mới trong Q3 gồm:

  • Tây Hồ View – 1.600 tỷ đồng
  • Grandeur Palace – 1.400 tỷ đồng
  • Timerland Manwah – 1.500 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm so với năm ngoái do chi phí nguyên liệu tăng và cạnh tranh gay gắt hơn – Lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2018 đạt 1.424 tỷ đồng (giảm 2,6% so với cùng kỳ) với tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 6,9% (cùng kỳ năm ngoái là 8%). Trong Q3, tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 7,1%; cao hơn mức 6,8% trong Q2 nhưng thấp hơn nhiều mức 7,6% trong cùng kỳ năm ngoái. Như chúng tôi đã đề cập trong các báo cáo trước, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm là do cơ cấu doanh thu kém hiệu quả hơn, chi phí nguyên liệu tăng và mức độ canh tranh gay gắt hơn. Chúng tôi cho rằng tình hình này sẽ không sớm cải thiện.

Lợi nhuận tài chính thuần tăng nhẹ 2,5% – CTD ghi nhận 243 tỷ đồng lợi nhuận tài chính thuần (tăng 2,5% so với cùng kỳ) nhờ lượng tiền mặt lớn và chúng tôi lưu ý là CTD không có chi phí lãi vay vì Công ty không có vay nợ.

Chi phí quản lý tăng đáng kể do chi phí nhân công tăng và không có các khoản hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi trong kỳ – Chi phí quản lý tăng 41,9% so với cùng kỳ lên 385 tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí quản lý/doanh thu tăng từ 1,5% trong 9 tháng đầu năm 2017 lên 1,9% trong kỳ chủ yếu do chi phí nhân công tăng 19,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2017, CTD đã hoàn nhập 39,7 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi nhưng trong kỳ này Công ty không có khoản hoàn nhập nào tương tự.

Tổng tài sản tại thời điểm cuối Q3 là 15.103 tỷ đồng (tăng 12,4% so với cùng kỳ), trong đó phải thu ngắn hạn chiếm 46,4%. Đến cuối Q3, tổng tiền & các khoản tương đương tiền và các khoản đầu tư ngắn hạn là 4.977 tỷ đồng (giảm 7,3% so với cùng kỳ và giảm 14% so với đầu năm). Công ty không có vay nợ.

Cho năm 2018, HSC dự báo LNST của cổ đông công ty mẹ giảm 4,5% xuống còn 1.580 tỷ đồng – Cho năm 2018, chúng tôi dự báo doanh thu thuần đạt 28.264 tỷ đồng (tăng trưởng 4,1%) và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 1.580 tỷ đồng (giảm 4,5%). Các giả định của chúng tôi gồm:

  • Giá trị hợp đồng chuyển tiếp sang năm 2018 là 22.860 tỷ đồng, trong đó chúng tôi dự báo 60% sẽ được thực hiện và hạch toán doanh thu lợi nhuận trong năm 2018. Chúng tôi ước tính giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2018 là khoảng 24.135 tỷ đồng (giảm 12,2%). Và dĩ nhiên, chúng tôi giả định một phần hợp đồng mới này sẽ được triển khai trong năm 2018 và cho doanh thu thuần 28.264 tỷ đồng.
  • Chúng tôi dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng xây dựng cả năm là 6,9% do cơ cấu doanh thu kém hiệu quả hơn, giá vật liệu tăng và cạnh tranh gay gắt hơn. Theo đó, lợi nhuận gộp đạt 1959 tỷ đồng (giảm 2,9%).
  • Lợi nhuận tài chính thuần dự báo tăng 7,4%. Dự báo chi phí bán hàng & quản lý là 452 tỷ đồng (bằng 1,6% doanh thu thuần). Chúng tôi dự báo EPS pha loãng 2018 là 18.957đ, tương đương P/E dự phóng là 7,6 lần tại thị giá cổ phiếu hiện tại.

Cho năm 2019, chúng tôi dự báo doanh thu và LNST của cổ đông công ty mẹ lần lượt tăng trưởng 9% và 8,4%. Cho năm 2019, chúng tôi dự báo doanh thu thuần đạt 30.811 tỷ đồng (tăng trưởng 9%) và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 1.713 tỷ đồng (tăng truowgnr 8,4%). Các giả định của chúng tôi gồm:

  • Ước tính giá trị hợp đồng chuyển tiếp sang năm 2019 là khoảng 18.798 tỷ đồng. Chúng tôi cũng ước tính giá trị các hợp đồng ký mới trong năm 2019 là khoảng 26.548 tỷ đồng (tăng trưởng 10%). Giá trị hợp đồng thực hiện trong năm 2019 là 30.735 tỷ đồng (tăng trưởng 9%).
  • Chúng tôi dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp là 6,9%, theo đó lợi nhuận gộp đạt 2.136 tỷ đồng (tăng trưởng 9,1%).
  • Thu nhập tài chính thuần dự báo tăng trưởng 21,1% và dự báo chi phí bán hàng & quản là 493 tỷ đồng (tương đương 1,6% doanh thu thuần). Theo đó, EPS pha loãng 2019 là 20.318đ và ở thị Giá ngày 29/10, cổ phiếu đang giao dịch với P/E dự phóng 2019 là 7,1 lần.

Quan điểm đầu tư – Tiếp tục đánh giá Khả quan. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu từ là 164.000đ, tương đương P/E dự phóng là 8,7 lần Chúng tôi hiện dự báo LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2018 giảm 4,5%, tương đương P/E dự phóng là 7,6 lần. Giá cổ phiếu giảm mạnh trong 6 tháng qua và do đó chúng tôi tin rằng dự báo khiêm tốn hơn của mình cũng đã được phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu. Chúng tôi nhận thấy hai động lực tích cực đối với công ty. Triển vọng về sáp nhập với các công ty liên quan và sự lấn sân sang các dự án phát triển BĐS thương mại và cơ sở hạ tầng. CTD sở hữu mô hình kinh doanh rất tốt với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành xây dựng với năng lực D&B vượt trội và không có rủi ro tài chính do Công ty không có gánh nặng nợ và phải trả dài hạn. Công ty đang mở rộng hoạt động và phát huy năng lực thi công ở các mảng xây dựng khác gồm các dự án công nghiệp, khách sạn & resort và các tổ hợp giải trí cũng như đầu tư vào một số BĐS sinh lợi trong dài hạn. Chiến lược này không những giúp công ty giảm tác động từ những biến động mang tính chu kỳ của phân khúc xây dựng nhà ở cao cấp và đồng thời củng cố tăng trưởng dài hạn.

——————————————

CTD chart. Nguồn: Admin

Nguồn: SSI, VCSC, HSC

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.