Ngành Ngân hàng – Tăng trưởng các nguồn thu giảm trong khi chi phí lại gia tăng nhanh đã khiến lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng chậm lại trong quý 3. Chủ trương quản lý tín dụng chặt chẽ từ phía cơ quan nhà nước đã làm giảm tốc tăng tín dụng, ảnh hưởng đến thu nhập của các ngân hàng
Ngành Dịch vụ Tài chính – Kết quả hoạt động của ngành Chứng khoán là khá tích cực trong Quý 3. Tuy nhiên, áp lực sẽ gia tăng bởi xu hướng thị trường trong quý 4 năm nay rất khác so với cùng kỳ.
NGÀNH NGÂN HÀNG
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng quý 3 giảm hẳn, xuống chỉ còn +16.6% YoY trong khi quý 1 và quý 2 đều trên 50%. Tăng trưởng lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng đều chậm lại, thậm chí giảm âm trong quý 3 như VPB (-26%), STB (-29%), HDB (-20%) và SHB (-34%).
Như chúng tôi đã đề cập trong phân tích KQKD quý 2, tốc độ tăng chi phí thấp là một nguyên nhân giúp lợi nhuận ngân hàng tăng cao trong nửa đầu năm và điều này sẽ khó lặp lại. Thực tế trong quý 3 chi phí hoạt động đã tăng nhanh hơn rõ rệt, +20.6% trong khi nửa đầu năm tăng +14.8%. VPB là 1 ví dụ về gia tăng chi phí. Nửa đầu năm chi phí hoạt động của VPB là
4.68 nghìn tỷ (trung bình 2.3 nghìn tỷ/quý), tăng +17.6% YoY. Sang quý 3, chi phí hoạt động của VPB là 3.1 nghìn tỷ, tăng +34% QoQ và +36% YoY.
Trong các nguồn thu, thu nhập lãi thuần tăng +16.6%, thấp hơn 2 tháng đầu năm là +25.6% và +19.4%. 7/13 ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận lãi thuần giảm, trong đó đáng chú ý nhất là BID và HDB giảm -9.6% và -5.4% trong khi nửa đầu năm còn tăng +24.8% và +36%. Lợi nhuận lãi biên (NIM) của các ngân hàng thay đổi không nhiều trong quý 3 với NIM trung bình của 12 ngân hàng (trừ VPB) là 3%, nhỉnh hơn so với quý 2 là 2.96%. Vì vậy tăng trưởng thu nhập lãi ròng thấp xuất phát từ việc tín dụng tăng chậm lại. Tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm của 13 ngân hàng là 9.1%, sau 9 tháng, tăng trưởng tín dụng chỉ nhích lên 11.2%.
Thu từ phí quý 3 tăng +20.5%, thấp hơn quý 1 và quý 2 là +24.7% và +31%. Đây cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến lợi nhuận quý 3. Tuy vậy do chiếm tỷ trọng nhỏ, 9%, nên mức độ ảnh hưởng của nguồn thu từ phí thấp hơn nhiều thu nhập lãi thuần (chiếm 76% tổng thu nhập hoạt động).
Tựu chung lại, tăng trưởng các nguồn thu giảm trong khi chi phí lại gia tăng nhanh đã khiến lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng chậm lại trong quý 3. Chủ trương quản lý tín dụng chặt chẽ từ phía cơ quan nhà nước đã làm giảm tốc tăng tín dụng, ảnh hưởng đến thu nhập của các ngân hàng. Điều này rất có thể sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng của quý 4.
NGÀNH DỊCH VỤ TÀI CHÍNH
Thị trường chứng khoán phục hồi trong Q3 và nền thấp của cùng kỳ 2017 đã có tác dụng tích cực tới kết quả kinh doanh của các CTCK. Doanh thu hoạt động của ngành tăng 15.1% yoy trong khi Chi phí hoạt động giảm -19.5% giúp kết quả quý 3 cải thiện đáng kể. Tổng LNST toàn ngành trong Q3/2018 tăng 56.7% so với cùng kỳ, kéo tăng trưởng 9T/2018 lên mức 46.4% yoy, so với mức tăng 29.6% trong 6 tháng đầu năm.
Hoạt động môi giới
- Đây là hoạt động kinh doanh cốt lõi, chiếm 29.1% tỷ trọng doanh thu của các CTCK và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mức độ giao dịch của thị trường. Thanh khoản TTCK Q3/2018 tăng 12.8% so với cùng kỳ, khiến doanh thu mảng này tăng 9.3%. Chi phí mảng này chỉ tăng 39.3% giúp lợi nhuận tăng 106%. Các CTCK nằm trong top đầu thị phần như SSI, HCM, VCI, VND đều đạt tăng trưởng trên 100%.
- Cùng với sự phục hồi của thị trường, tổng dư nợ cho vay ký quỹ tăng nhẹ trở lại sau khi sụt giảm hơn 9% trong Q2, đạt mức 39.437 tỷ đồng vào cuối Q3/2018, +1.2% so với Q2. Lợi nhuận mảng này tăng tích cực +47% trong 9 tháng, và đóng góp tới 54% tổng LNTT của các CTCK, đạt 3.850 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Hoạt động đầu tư
- Hoạt động đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cả cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của các CTCK. Trong Q3/2018, thị trường hồi phục khiến doanh thu mảng này tăng 5% YoY và chi phí mảng này (chủ yếu là lỗ các tài sản tài chính ghi nhận theo phương pháp FVTPL) giảm mạnh -50% YoY. LNTT trở lại tăng trưởng dương +13.7% trong 9T sau khi giảm -13.2% trong 6T đầu năm.
- Hoạt động đầu tư có sự phân hóa rõ rệt giữa các CTCK. Một số CTCK đạt tăng trưởng như SSI (+12%), HCM (+43%), trong khi VCI, VND TCBS, ACBS chịu tăng trưởng âm.
- Danh mục tài sản tài chính ngắn hạn có xu hướng dịch chuyển sang các tài sản an toàn hơn. Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng +19% so với quý 2, trong khi Các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) và Các khoản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tăng tương ứng +9.5% và +10.4%.
Hoạt động tư vấn tài chính
Vẫn đạt tăng trưởng tốt với doanh thu tăng +99% yoy trong Q3, và +130% trong 9T, giúp lợi nhuận mảng này tăng +239%. Tỷ trọng lợi nhuận của mảng này đã tăng từ 2.7% trong 6T2018 lên 6.6% trong 9T2018. Hoạt động mảng này tập chung chủ yếu vào một số công ty như SSI, HCM, VPBS, MBS trong khi một số công ty thu hẹp đáng kể như VCI, CTS
Lỗ ròng từ hoạt động tài chính tăng 55% trong bối cảnh lãi suất gia tăng cũng ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận của các CTCK. Chi phí quản lý chỉ tăng 10% trong 9T2018 là điểm sáng hỗ trợ cho kết quả kinh doanh.
Nhìn chung, kết quả hoạt động của ngành Chứng khoán là khá tích cực trong Quý 3. Tuy nhiên, áp lực sẽ gia tăng bởi xu hướng thị trường trong quý 4 năm nay rất khác so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng 2018
Nguồn: SSI Research