EIB : Dự báo 2019 LNTT tăng trưởng khiêm tốn 27,6% từ mức thấp của năm 2018 [Giá hợp lý: 12.800 đ/cp]

Eximbank đã công bố KQKD năm 2018 gây thất vọng với LNTT giảm 18,7% xuống còn 827 tỷ đồng. Như vậy kết quả thực hiện chỉ bằng 52% kế hoạch đề ra tại ĐHCĐTN và bằng 61% so với dự báo của HSC. Khoản thu nhập không thường xuyên lớn từ thoái vốn đầu tư vào STB gần như đã bị khoản dự phòng trích lập liên quan đến vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng xóa hết. Giảm đánh giá từ Nắm giữ xuống Kém khả quan với giá trị hợp lý là 12.800đ; tương đương P/B năm 2018 là 1,07 lần. Cho năm 2019, chúng tôi dự báo LNTT tăng trưởng khiêm tốn từ mức thấp của năm 2018 và đạt 1.055 tỷ đồng (tăng trưởng 27,6%)” – HSC

Thông tin sơ lược về cổ phiếu EIB

Tóm tắt: 

  1. Năm 2018 tiếp tục là một năm EIB gặp khó khăn về tăng trưởng cho vay khách hàng. Kể từ năm 2011 tốc độ tăng trưởng gộp bình quân cho vay khách hàng chỉ là 4,2%/năm; từ đó khiến Ngân hàng bị giảm thị phần cho vay khách hàng.
  2. Tuy nhiên tỷ lệ NIM tăng vừa phải 0,22% lên 2,33%; từ đó giúp thu nhập lãi thuần tăng trưởng mặc dù tỷ lệ NIM của EIB vẫn thuộc mặt bằng thấp nhất trong số các NHTM.
  3. Ngoại trừ khoản lợi nhuận không thường xuyên từ thoái vốn khoản đầu tư vào STB, thì các nguồn thu nhập ngoài lãi khác không được khả quan và EIB ít có khả năng đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi trong tương lai gần.
  4. Chất lượng tài sản cải thiện dần với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm. Tuy nhiên phần trái phiếu VAMC chưa trích lập dự phòng vẫn còn khá lớn, chiếm 3,41% tổng dư nợ cho vay. EIB áp dụng thời gian trích lập cho trái phiếu VAMC là 10 năm thay vì 5 năm như các ngân hàng khác. Và việc trích lập có lẽ chưa tiến triển nhiều do KQKD không khả quan.
  5. Giảm mức đánh giá từ Nắm giữ xuống Kém khả quan với giá trị hợp lý mới theo ước tính của HSC là 12.800đ (tương đương P/B năm 2018 là 1,07 lần), nghĩa là thấp hơn thị giá 24%.

Tăng trưởng cho vay và huy động

Cho vay khách hàng chỉ tăng 2,9% so với năm ngoái đạt 104,24 nghìn tỷ đồng – Tuy nhiên cho vay khách hàng tăng trưởng dồn vào Q4 sau khi giảm trong 9 tháng đầu năm (giảm 2,71% so với đầu kỳ). Tăng trưởng cho vay gộp bình quân trong gần một thập kỷ (kể từ năm 2011) chỉ đạt 4,2%/năm. Từ vị trí top 10 NHTM về thị phần hiện EIB đã rơi xuống top 15. Sự thiếu vắng một chiến lược trung dài hạn thực sự đã khiến cho Ngân hàng mất định hướng và tăng trưởng cho vay không được đều trong nhiều năm. 

Cơ cấu cho vay theo kỳ hạn 

  • Cho vay kỳ hạn ngắn giảm 2,1% so với năm ngoái còn 45,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 43,9% tổng dư nợ so với mức 46,1% vào cuối năm 2017).
  • Cho vay trung và dài hạn tăng 7,1% so với năm ngoái lên 58,53 nghìn tỷ đồng (tương đương 56,2% tổng dư nợ so với mức 53,9% vào cuối năm 2017).

Ngân hàng chưa công bố cơ cấu cho vay theo đối tượng khách hàng và lĩnh vực; tuy nhiên chúng tôi cho rằng động lực tăng trưởng có lẽ là từ cho vay khách hàng cá nhân. 

Song song với tăng trưởng cho vay khách hàng, tiền gửi khách hàng cũng chỉ tăng hơn 1,1% so với năm ngoái đạt 118,8 nghìn tỷ đồng. 

Cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn 

  • Tiền gửi có kỳ hạn gần như giữ nguyên ở 100,34 nghìn tỷ đồng (giảm 0,1% so với năm ngoái), đóng góp 84,5% vào tổng vốn huy động (tại thời điểm cuối năm 2017 là 85,5%).
  • Trái lại, tiền gửi không kỳ hạn tăng khá 10,2% so với năm ngoái lên 17,83 nghìn tỷ đồng, đóng góp 15,5% vào tổng vốn huy động (cuối năm 2017 là 14,6%).

Hệ số LDR thuần tăng lên 88% từ 86% vào cuối năm 2017 – Giống như ở các ngân hàng khác, EIB cũng đã nâng hệ số LDR trong Q4 nhằm nâng cao tỷ lệ NIM. 

Lợi suất

Tỷ lệ NIM tăng 0,22% lên 2,33% nhờ lợi suất gộp bình quân tăng 0,07% lên 7,24% và chi phí huy động bình quân giảm 0,03% xuống 5,17%. Tuy nhiên tỷ lệ NIM của EIB ở mức thấp nhất trong số các ngân hàng niêm yết.  

Trong các tài sản sinh lãi, lợi suất gộp cho vay khách hàng tăng 0,5% lên 8,82%; có lẽ nhờ cho vay khách hàng cá nhân. Lợi suất gộp cho vay liên ngân hàng tăng 0,29% lên 2,41%. Lợi suất trái phiếu (không tính trái phiếu VAMC) giảm mạnh 2,96% xuống còn 4,06%, cũng là mức lợi suất thấp nhất trong số các ngân hàng niêm yết. Điều này là do EIB đã bán lại 3.000 trái phiếu vốn cấp 2 có lợi suất cao. Và Ngân hàng phải trích lập 135,24 tỷ đồng dự phòng cho danh mục trái phiếu lợi suất thấp của mình khi đánh giá lại theo giá thị trường.    

Trong các nguồn huy động, chi phí huy động tiền gửi khách hàng tăng 0,21% lên 5,26%. Trong đó chi phí huy động bình quân 6 tháng cuối năm cao hơn 0,4% so với 6 tháng đầu năm (từ 5,09% lên 5,49%). Chi phí vay liên ngân hàng cũng tăng 0,78% lên 3,28%. EIB không còn khoản huy động nguồn vốn từ phát hành giấy tờ có giá tại thời điểm cuối năm. Theo đó chi phí huy động từ nguồn này giảm từ 13,3% trong năm 2017 xuống còn 0% trong năm 2018.  

Tỷ trọng cho vay khách hàng trong cơ cấu tài sản sinh lãi ổn định (khoảng 74% tổng tài sản sinh lãi). Tuy nhiên, EIB đã mở rộng cho vay liên ngân hàng trong 2 năm qua (từ 7,2% lên 13,5% tổng tài sản sinh lãi) và giảm tỷ trọng đầu tư trái phiếu (từ 18,5% xuống 12,1%). Trong đó, tỷ trọng trái phiếu không tính trái phiếu VAMC chỉ chiếm 8,6% tổng tài sản sinh lãi; là mức thấp nhất trong số các ngân hàng niêm yết.

Kết quả lợi nhuận

Thu nhập lãi thuần tăng trưởng 20,2% đạt 3.206 tỷ đồng nhờ tỷ lệ NIM tăng 0,22% và tổng tài sản sinh lãi bình quân tăng 1,75% lên 140,09 nghìn tỷ đồng. 

Tổng thu nhập ngoài lãi tăng khiêm tốn 7,26% lên 1.244 nghìn tỷ đồng – Mặc dù EIB hạch toán lãi đáng kể từ thoái vốn khoản đầu tư vào STB (519 tỷ đồng), thì thu nhập từ đầu tư trái phiếu chuyển từ lãi 62 tỷ đồng trong năm 2017 thành lỗ 116 tỷ đồng trong năm 2018 do lợi suất bình quân của danh mục trái phiếu rất thấp, EIB đã phải trích lập dự phòng khi đánh giá lại theo giá thị trường cho danh mục trái phiếu khi lãi suất tăng mạnh từ Q3/2018. Thu nhập khác (chủ yếu từ thu hồi nợ xấu) cũng giảm 47,7% xuống còn 225 tỷ đồng. Các nguồn thu nhập ngoài lãi khác như lãi thuần HĐ dịch vụ và lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối vẫn khả quan, lần lượt tăng 4,7% đạt 346 tỷ đồng và tăng 18,1% đạt 269 tỷ đồng. 

Theo đó, tổng thu nhập hoạt động đạt 4.451 tỷ đồng (tăng trưởng 16,3%). 

Chi phí hoạt động tăng mạnh 31,5% lên 2.900 tỷ đồng – Tuy nhiên, EIB đã phải trích lập 390 tỷ đồng dự phòng, đưa vào chi phí hoạt động (năm ngoái là 43,75 tỷ đồng dự phòng trích lập cho các khoản cho vay Vinashin). Khoản dự phòng lớn trích lập trong năm 2018 có thể liên quan đến vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng. Không tính các khoản dự phòng này thì chi phí hoạt động từ hoạt động kinh doanh chính trên thực tế tăng 16% lên 2.507 tỷ đồng. 

Chúng tôi xin phép nhắc lại lần nữa về vụ việc lừa đảo liên quan tới huy động khách hàng tại EIB. Vụ lừa đảo này thực chất đã xảy ra từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, sau khi các bên chức năng tiến hành điều tra và các bên liên quan (người gửi tiền và Ngân hàng) không đạt được thỏa thuận nào chung thì vụ việc mới được đưa ra công luận vào đầu năm 2018. Cụ thể, theo thông tin trên báo chí, vụ việc lừa đảo khách hàng của nhân viên EIB đã được diễn ra trong một thời gian dài một cách bài bản. Ví dụ, nhân viên ngân hàng đã tới tận nhà khách hàng thu tiền gửi tiết kiệm, sau đó không ghi nhận khoản tiền gửi này trong hệ thống sổ sách kế toán của Ngân hàng, ngụy tạo các chữ ký giả của khách hàng để rút tiền từ ngân hàng, v..v… Khcash hàng gửi tiền chỉ phát hiện ra vụ việc này khi thực hiện đối chiếu số dư với ngân hàng. Nghi phạm chính là một nguyên PGĐ Chi nhánh của EIB đã từ nhiệm từ đầu năm 2017 và đã biến mất. 

EIB đang thực hiện các thủ tục tố cáo nhân viên của mình với tòa án – Hiện tại, chúng tôi không có các thông tin về quá trình điều tra tiếp theo hoặc thời điểm phiên tòa xử vụ việc này sẽ bắt đầu. Quy trình tố tụng có thể kéo dài nhiều năm nếu căn cứ theo các vụ việc đã từng có tiền lệ. Vụ việc này đặc biệt càng phức tạp do nghi phạm chính đã bỏ trốn khỏi Vietnam từ lâu. Vì vậy, ngân hàng sẽ tốn nhiều thời gian với các thủ tục tố tụng và có rất ít thy vọng có thể thu hồi lại khoản tiền đã bị chiếm dụng. Trong khi đó, Ngân hàng vẫn phải tạm ứng đầy đủ các tổn thất cho khách hàng sau khi các cơ quan điều tra kết luận rằng, Ngân hàng có trách nhiệm phải hoàn trả lại tiền cho khách hàng gửi tiền. Do đó, EIB cần phải ghi nhận 1 khoản dự phòng ở đây. 

Theo đó, hệ số CIR từ hoạt động kinh doanh chính là 56,3% (năm 2017 là 57,6% và là 65,2% nếu tính toàn bộ chi phí dự phòng trích lập).

Chất lượng tài sản và chi phí dự phòng  

Chất lượng tài sản đã cải thiện dần – với nợ xấu giảm 377,42 tỷ đồng trong năm, chủ yếu là nợ nhóm 4 và nhóm 5. Theo đó, tỷ lệ NPL sau khi xóa nợ là 1,84% (tại thời điểm cuối năm 2017 là 2,27%). 

EIB đã cho thấy nỗ lực trong việc xử lý trái phiếu VAMC. Trái phiếu VAMC theo mệnh giá đã giảm từ 5.991 tỷ đồng xuống 5.487 tỷ đồng (giảm 504 tỷ đồng) với 631 tỷ đồng dự phòng lũy kế đã được trích lập (từ 1.504 tỷ đồng xuống 2.136 tỷ đồng). Theo đó, giá trị thuần của trái phiếu VAMC sau khi trích lập là 3.351 tỷ đồng, bằng 3,21% tổng dư nợ (năm ngoái là 4,43%). 

Chi phí dự phòng tăng vừa phải 19,7% lên 723 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ chất lượng các khoản cho vay tốt hơn, nên chi phí dự phòng cho vay khách hàng chỉ là 88,65 tỷ đồng (giảm 81,1%). Trong khi đó chi phí dự phòng trích lập cho trái phiếu VAMC cao gấp 5 lần so với năm 2017 (631,51 tỷ đồng). 

Hệ số LLR cải thiện nhẹ từ 46% lên 55,8% – tỷ lệ chi phí dự phòng cụ thể thực tế trên BCĐKT/chi phí dự phòng cụ thể tối đa theo lý thuyết cũng cải thiện từ 103% lên 120%.

Tuy nhiên EIB vẫn chậm hơn các ngân hàng khác trong việc xử lý trái phiếu VAMC. Ngân hàng áp dụng thời gian trích lập là 10 năm thay vì 5 năm như các ngân hàng khác với giá trị trái phiếu VAMC còn chưa trích lập lớn, bằng 3,21% tổng dư nợ cho vay.

Triển vọng lợi nhuận năm 2019 

Cho năm 2019, HSC dự báo LNTT tăng trưởng 27,6% đạt 1.055 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này vẫn khiêm tốn khi tăng từ mức thấp trong năm 2018. Dự báo của chúng tôi căn cứ vào các giả định sau đây: 

(1)    HSC dự báo cho vay khách hàng tăng trưởng 14% và đạt 118 nghìn tỷ đồng và huy động khách hàng tăng trưởng 14%, đạt 135 nghìn tỷ đồng. 

(2)    Do đó, hệ số LDR thuần dự báo là khoảng 88%. 

(3)  Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM tăng 0,28% lên 2,61% nhờ tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân với lợi suất gộp cao tăng trưởng mạnh hơn. 

(4)  Thu nhập lãi thuần dự báo tăng trưởng 21,5% đạt 3.895 tỷ đồng. 

(5)  Chúng tôi dự báo tổng thu nhập ngoài lãi giảm 29,3% còn 879 tỷ đồng chủ yếu do không còn thu nhập không thường xuyên từ thoái vốn như trong năm 2018. 

(6)  Tổng thu nhập hoạt động đạt 4.775 tỷ đồng (tăng trưởng 7,3%). 

(7)  HSC dự báo chi phí hoạt động sẽ giảm 3,3% xuống còn 2.805 tỷ đồng dựa trên giả định là EIB sẽ không còn phải trích lập dự phòng đáng kể liên quan đến tài sản khác hoặc liên quan đến vụ việc lừa đảo như năm 2018. 

(8) Chúng tôi cũng dự báo tổng chi phí dự phòng sẽ gần như giữ nguyên ở 914 tỷ đồng (tăng 26,3%). 

(9)  Theo đó, LNTT đạt 1.055 tỷ đồng (tăng trưởng 27,6%). 

(10) Hệ số CAR tính theo Basel 1 vẫn ở mức rất cao là 14%. 

Theo đó, BVPS là 12.667đ; EPS là 1.683đ, ROAE là 5,5% và ROAA là 0,5%. Tại thị giá hiện tại là 16.800đ, thì P/B dự phóng là 1,33 lần và P/E dự phóng là 24,6 lần.  

Định giá

Quan điểm đầu tư – Giảm đánh giá từ Nắm giữ xuống Kém khả quan với giá trị hợp lý mới theo ước tính của chúng tôi là 12.800đ, tương đương P/B năm 2018 là 1,07 lần. Ước tính giá trị hợp lý trước đây là 14.700đ. 

Chúng tôi sử dụng phương pháp thu nhập thặng dư để làm phương pháp định giá chính. 

Hoạt động kinh doanh của Ngân hàng sẽ cần thêm thời gian để phục hồi do những vấn đề về tài sản tồn đọng và nên hiện giá cổ phiếu thiếu đi những động lực hỗ trợ trung và dài hạn. Chúng tôi chưa thấy một chiến lược rõ ràng cho vài năm tới. Việc tăng trưởng cho vay gặp khó khăn trong gần 3 năm sẽ khiến cho thu nhập lãi thuần tăng trưởng khiêm tốn. Trong khi đó EIB cũng không có nhiều cơ hội để hạch toán những khoản thu nhập ngoài lãi lớn. Do vậy, mặc dù trích lập dự phòng trái phiếu VAMC trong 10 năm, thì lợi nhuận của Ngân hàng cũng sẽ khó có thể cải thiện mạnh mẽ.

(Tổng hợp, HSC)


Các nguồn định giá tham khảo khác


EIB chart. Nguồn: Admin


 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.