ĐHCĐTN: Kế hoạch kinh doanh thận trọng
ĐHCĐTN đã thông qua kế hoạch kinh doanh thận trọng với tổng thu nhập (doanh thu thuần, doanh thu tài chính và thu nhập khác) đạt 24,6 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 7,8%) và lợi nhuận sau thuế đạt 4 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 5,1%). Kế hoạch được đặt ra sau mức tăng trưởng lợi nhuận thuần 15% năm 2019. Kế hoạch LNTT năm 2020 của Công ty là 4.961 tỷ đồng (tăng trưởng 6,6%); trong đó lợi nhuận từ thanh lý cây cao su và chuyển nhượng đất dự kiến lần lượt đóng góp 40,3% và 22,2%.
Cổ đông đã thông qua mức chi trả cổ tức tiền mặt năm 2019 là 600đ/cp; tương đương lợi suất cổ tức là 4,8% và tỷ lệ lợi nhuận dùng để trả cổ tức là 62,6%. Kế hoạch chi trả cổ tức cho năm 2020 cũng là 600đ/cp; tương đương lợi suất cổ tức là 4,8% và tỷ lệ lợi nhuận dùng để trả cổ tức là 59,6%. Chúng tôi kỳ vọng Công ty sẽ duy trì mức trả cổ tức tiền mặt 600đ/cp hoặc cao hơn; nhờ cổ tức nhận được từ công ty con và công ty liên kết có thể tăng trong những năm tới.
GVR có kế hoạch thoái vốn các hoạt động kinh doanh, công ty con và công ty liên kết ngoài ngành kinh doanh chính. Những khoản đầu tư chủ chốt sẽ thoái vốn gồm 20,4% cổ phần tại NTC (không xếp hạng) và 13,5% cổ phần tại SIP (không xếp hạng). Tại thị giá hiện tại, việc thoái vốn 2 khoản đầu tư này có thể đem về 1.460 tỷ đồng thu nhập cho Công ty. Tuy nhiên, hình thức thoái vốn (giao dịch thỏa thuận/giao dịch khớp lệnh hay đấu giá) vẫn chưa được xác định chính thức.
GVR sở hữu 330.000 ha đất cao su trên cả nước và có 12 KCN đang hoạt động với tổng diện tích là 6.000 ha. Trước nhu cầu thuê đất KCN lớn và đang tăng nhanh, đặc biệt tại Bình Dương, Công ty dự kiến chuyển đổi 6.000 ha đất cao su thành đất KCN trong giai đoạn 2021-2025 và có thể chuyển đổi thêm 8.000 ha trong giai đoạn 2025-2030. Sự tái định hướng này sẽ đem lại 2 nguồn thu mới cho GVR (tại công ty con và công ty liên kết), gồm thu nhập từ chuyển nhượng đất và từ cho thuê đất KCN. Điều này cho thấy khả năng nâng mức chi trả cổ tức tiền mặt trong tương lai. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận từ cho thuê đất KCN sẽ đóng góp vào lợi nhuận của Công ty trong những năm tới khi các dự án KCN (tại công ty con và công ty liên kết) đi vào hoạt động. Điều này sẽ bù đắp cho dòng tiền thu nhập thường xuyên, nhưng đang suy giảm đáng kể, từ mảng cao su mủ và thanh lý cây cao su.
Nhìn chung, chúng tôi cho rằng GVR sở hữu vị thế tốt trong việc nắm bắt nhu cầu thuê KCN và đầu tư cơ sở hạ tầng đang tăng cũng như xu hướng tích cực từ dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này cũng tồn tại những thách thức không nhỏ: quá trình chuyển đổi đất trồng cao su thành đất KCN có thể khó khăn hoặc bị làm chậm bởi những rủi ro chính sách hoặc thủ tục pháp lý phức tạp. Chúng tôi không xếp hạng cổ phiếu GVR ở thời điểm hiện tại.
Nguồn: HSC
Các nguồn định giá tham khảo khác
Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0
(đang cập nhật)