[Nhận định thị trường ngày 03.08] Hồi phục ngắn hạn, chờ dòng tiền mới – Cập nhật PPC

TIN THẾ GIỚI

OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, bắt đầu nới lỏng thỏa thuận hạn chế sản lượng từ tháng 8 dần phủ bóng lên thị trường năng lượng, khiến giá dầu thô chỉ tăng được 1 USD/thùng trong tháng 7. Cụ thể, chốt phiên 31/7, Giá dầu Brent tương lai tăng 0,9% lên 43,31 USD/thùng, giá dầu WTI tương lai tăng 0,9% lên 40,27 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai trong phiên cuối cùng của tháng 6 là 39,27 USD/thùng.

VN – INDEX

Kết thúc phiên giao dịch 31/7, VN-Index giảm 2,74 điểm (-0,34%) xuống 798,39 điểm. Trong đó, CTD và BVH bị loại khỏi rổ cổ phiếu VN30, giảm 2,1% và 0,5%; TCH, KDH được thêm mới, lần lượt tăng 3,4% và giảm 4,6%. Ngoài ra, VRE giảm khá mạnh với 3,3% xuống 25.100 đồng/cp, TCB giảm 2,4%, VNM giảm 1,8%… Ở chiều ngược lại, VIC tăng 2,8% lên 87.500 đồng/cp, MSN, VHM đều tăng 1,4%…
 
Trên HNX, HUT tăng trần lên 2.000 đồng/cp, DHT, TNG đều tăng 1,9%… Ngược lại, ACB, SHB, PVB, SHS, VCS… đều giảm giá, tác động tiêu cực lên chỉ số. HNX-Index dừng ở mức 107,51 điểm, giảm 0,59 điểm (-0,55%).
 
UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,11%) xuống 54,8 điểm. Áp lực đến từ các cổ phiếu như OIL, C4G, VGI, VEA, MPC…
 
Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng 22% so với phiên trước. Khối ngoại bán ròng trên HoSE, mua ròng tại HNX và UPCoM. Các cổ phiếu bị bán mạnh là MSN, SAB, VCB, VRE, VIC, HPG… và mua vào ở những mã như VNM, NVL, PHR, BVH….
 
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

Trên khung đồ thị tuần, kết thúc tuần giao dịch 27/7 – 31/7 , chỉ số đã giảm xuống dưới đường MA20 và tạo ra gap giảm điểm. Khối lượng giao dịch cũng tiếp tục giảm nhẹ và nằm dưới đường MA14. Trong khi đó, chỉ báo PSAR đã bắt đầu chuyển lên trên đường giá và chỉ số ADX tiếp tục duy trì xu hướng tăng sát vùng 25. Các dấu hiệu trên đều cho thấy thị trường có xu hướng giảm điểm trong trung hạn.

Trên khung đồ thị ngày, khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức thấp, dưới trung bình 14 ngày. Chỉ báo PSAR tiếp tục nằm trên đường giá, cho thấy chỉ số hiện vẫn đi theo xu hướng giảm. Đường DI- tiếp tục nằm trên DI+, cho thấy bên bán vẫn đang lấn át bên mua, trong khi ADX đã tăng lên trên mốc 25 cho thấy xu hướng giảm của thị trường đang tương đối mạnh. Chỉ số tiếp tục nhận được hỗ trợ từ vùng quanh 780 điểm. Nếu phá vỡ vùng hỗ trợ này, chỉ số có thể sẽ giảm xuống vùng quanh 750 điểm.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Tuần này, Vn-Index dự báo sẽ tiếp tục biến động trong vùng chặn trên bởi ngưỡng kháng cự 810-820 điểm và chặn dưới bởi ngưỡng hỗ trợ quanh 780 điểm trong những phiên đầu tuần. Kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp đang giảm dần sức ảnh hưởng đối với diễn biến thị trường. Trong những tuần đầu tháng 08, thị trường sẽ rơi vào giai đoạn tương đối thiếu vắng về mặt thông tin nên biến động của thị trường sẽ chịu sự chi phối chính từ những diễn biến mới của dịch Covid-19.

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 25% cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể áp dụng chiến lược trading ngắn tại các điểm chặn mà chúng tôi đề cập ở trên.
Các vị thế mua trading chỉ thực hiện với tỷ trọng thấp tại vùng hỗ trợ quanh 780±5 điểm, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục.

TIN DOANH NGHIỆP

VJC : CTCP Hàng không Vietjet vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2020, giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, quý 2/2020 Vietjet mở rộng 52 đường bay nội địa, khai thác 14 ngàn chuyến bay, chuyên chở hơn 2 triệu lượt khách. Kết thúc quý 2/2020, trong bối cảnh đại dịch, hãng hàng không Vietjet ghi nhận mức doanh thu dịch vụ vận tải hàng không đạt 1,970 tỷ đồng, giảm 54%, và mức lỗ hàng không 1,122 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm, Vietjet lỗ trong hoạt động hàng không 2,111 tỷ đồng được ghi nhận là rất tích cực trong bối cảnh ngành hàng không thế giới chịu mức thiệt hại kỷ lục hơn 84 tỷ USD.

HDG : CTCP Tập đoàn Hà Đô vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2 với kết quả kinh doanh tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu thuần của Công ty trong quý 2 đạt 1,835 tỷ đồng, tăng đến 88% so với cùng kỳ. Theo giải trình của Công ty, phần doanh thu tăng trưởng này chủ yếu đến từ mảng bất động sản và năng lượng. Dù vậy, do giá vốn hàng bán tăng cao nên biên lãi gộp của Hà Đô đã bị giảm từ 47% (quý 2/2019) xuống còn 38% (quý 2/2020), tương ứng với mức lãi gộp 704 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng cùng với sự sụt giảm của chi phí bán hàng cũng như chi phí quản lý doanh nghiệp đã giúp cho Hà Đô đạt được mức lãi thuần từ HĐKD gần 609 tỷ đồng và lãi ròng hơn 384 tỷ đồng, lần lượt tăng 96% và 102% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần và lãi ròng của Hà Đô lần lượt đạt 2,916 tỷ đồng và 566 tỷ đồng, tương ứng tăng 55% và 42% so với cùng kỳ.
 
ASM : Tập đoàn Sao Mai công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với doanh thu giảm 21% đạt 2.894 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp tăng 20% lên 365 tỷ đồng nhờ chi phí giá vốn giảm mạnh hơn doanh thu. Hoạt động tài chính vẫn bão lỗ 87 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 39% còn 41 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 17% lên 54 tỷ đồng. Kết lại, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 136 tỷ đồng, tăng 66%. Công ty ghi nhận doanh thu nửa năm đạt 6.079 tỷ đồng, giảm 15%. Trong đó, thức ăn cá vẫn là nguồn thu chính, chiếm 45% tổng doanh thu và giảm 23% so với quý II/2019. Doanh thu cá xuất khẩu và thương mại đều đóng góp khoảng 22%. Doanh thu từ điện mặt trời dù mới ghi nhận trong kỳ này nhưng đã chiếm 4,5% tổng doanh thu – tương đương mảng bất động sản. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng là 312,5 tỷ đồng, giảm 26% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 271 tỷ đồng, giảm 12%.

BÁO CÁO CẬP NHẬT
 
CTCP Nhiệt điện Phả Lại

1.      Lợi nhuận gộp Quý 2/2020 giảm mạnh

PPC đã công bố kết quả kinh doanh với Quý 2 với doanh thu đạt 2.267 tỷ đồng (+1,1% yoy), LNST chỉ đạt 280 tỷ đồng (-18% yoy) do lợi nhuận gộp giảm mạnh. Lợi nhuận gộp của PPC giảm do một số nguyên nhận chính như: (1) giá bán điện trên thị trường phát điện cạnh tranh giảm; (2) giá bán cố định của Phả Lại 1 giảm 34 VND/kWh; (3) Phân bổ chi phí sửa chữa lớn tăng khoảng 12 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh suy giảm…

Theo dõi diễn biến giá trên thị trường phát điện cạnh tranh từ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho thấy giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh đã có sự suy giảm trong năm nay. BVSC cho rằng giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh suy giảm do một số nguyên nhân chính như: (1) nguồn năng lượng mặt trời tăng trưởng bùng nổ; (2) giá CAN bình quân sụt giảm từ 140 VND/kWh về khoảng 62 VND/kWh; (3) dịch bệnh Covid19 làm nhu cầu tiêu thụ điện sụt giảm … và có thể tiếp tục suy giảm do sản lượng thủy điện có dấu hiệu phục hồi Sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện nhiều khả năng sẽ bắt đầu phục hồi lại từ mùa mưa 2020 và sẽ trở lại mức bình thường trong vài năm tới. Điều này có thể làm suy giảm giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh.
 
2.      Định giá

PPC là doanh nghiệp phát điện đã hết khấu hao và trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn với tỷ lệ cổ tức cao. Trong vài năm gần đây PPC được hưởng lợi nhờ giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh cao do tình hình thủy văn không thuận lợi cũng như nguồn cung điện tăng trưởng chậm so với nhu cầu.

Tuy nhiên, tình hình thủy văn nhiều khả năng sẽ quay trở lại thuận lợi cho thủy điện trong vài năm tới cũng như nguồn năng lượng tái tạo đang tăng nhanh làm cho giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh suy giảm. Cùng với đó, PPC cũng sẽ thực hiện đầy đủ sửa chữa lớn làm cho chi phí này không còn ở mức thấp như vài năm qua. Điều này làm cho lợi nhuận PPC sẽ không duy trì được ở mức cao như vài năm gần đây. Bên cạnh đó mức giá mục tiêu theo phương pháp DCF là 23.200 đồng, xấp xỉ với mức giá đang giao dịch của PPC hiện tại. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu PPC với mức giá mục tiêu là 23.200 VND/CP (tiềm năng tăng trưởng 0,87% so với mức giá đóng cửa ngày 31/07/2020 là 23.000 đồng/CP).

ThanhCongWM Team


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/mudsad194

 


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.