[Nhận định thị trường ngày 16.07] Dòng tiền dự báo có sự phân hóa trong ngày đáo hạn phái sinh – DXG Outperform

TIN THẾ GIỚI

Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm vào ngày thứ Tư (15/07) sau thông tin tích cực về vắc-xin ngừa Covid-19 và báo cáo quý bùng nổ. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones tăng 227.51 điểm (tương đương 0.9%) lên 26,870.10 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 4 liên tiếp của Dow Jones. Chỉ số S&P 500 tiến 0.9% lên 3,226.56 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.5% lên 10,550.49 điểm.

Chốt phiên 15/7, các hợp đồng dầu thô tương lai tăng mạnh lên mức đóng cửa cao nhất trong hơn 4 tháng chủ yếu bởi việc nguồn cung dầu thô tại Mỹ có tuần giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay, ngay cả khi một ủy ban OPEC+ đã đạt được thỏa thuận cắt giảm kỷ lục là 9.7 triệu thùng/ngày xuống còn 7.7 triệu thùng/ngày bắt đầu vào tháng 8 cho đến cuối năm nay. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex tiến 91 xu (tương đương 2.3%) lên 41.20 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 trên sàn Luân Đôn cộng 89 xu (tương đương 2.2%) lên 43.79 USD/thùng.
 
VN – INDEX

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/7, chỉ số VnIndex tăng +1,80 điểm tương đương +0,21%, lên 869,91 điểm. Chỉ số HnxIndex giảm -0,23 điểm, tương đương -0,20%, xuống 115,91 điểm. VHM, VCB và TCB là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho VnIndex, đóng góp +0,57, +0,53 và +0,50 điểm.
Mặt khác, VIC, SAB và HNG là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi -0,77, -0,64 và -0,32 điểm. Giá trị giao dịch đạt 4.465,54 tỷ VNĐ trên sàn HSX và 362,00 tỷ VNĐ trên sàn HNX.

Khối ngoại bán ròng -121,30 tỷ VNĐ trên sàn HSX và -3,72 tỷ VNĐ trên sàn HNX.

Về diễn biến nhóm ngành, 6 trên 10 nhóm ngành tăng điểm trong phiên giao dịch. Dẫn đầu là ngành Công Nghệ (+1,83%) được hỗ trợ bởi MWG (+2,05%), ICT (+5,95%) và CMG (0,51%). Ở vị trí thứ hai là ngành Dịch Vụ Tiêu Dùng (+0,56%) nhờ sự tăng điểm của VRE (+1,14%), PNJ (+1,52%) và SVC (+6,12%). Ở chiều ngược lại, Hàng Hóa Tiêu Dùng (-0,43%) là nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất trong phiên giao dịch, do sự giảm điểm của SAB (-1,79%), HNG (-6,49%) và HAG (-4,91%). Theo sau là ngành Tiện Ích Công Cộng (-0,31%), chịu ảnh hưởng tiêu cực từ POW (-0,50%), PPC (-0,80%) và NT2 (-0,65%).
 
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

VnIndex tăng 0,21% lên 869,91 điểm. Thị trường duy trì trạng thái tăng điểm trong toàn bộ phiên giao dịch, tuy nhiên, áp lực chốt lời về cuối phiên mạnh lên khiến đà tăng bị thu hẹp. Khối lượng vẫn duy trì ở mức thấp hơn mức trung bình 14 ngày cho thấy tâm lý có phần thận trọng của nhà đầu tư.

Thị trường giai đoạn hiện tại đang không rõ ràng về mặt xu hướng khi chỉ báo ADX tiếp tục giảm và nằm dưới ngưỡng 20 điểm. VnIndex cũng tiếp tục dao động trong kênh giá song song hướng xuống, chỉ báo đang có xu hướng tiếp cận đường kênh giá trên.

Trong những phiên kế tiếp, có thể chỉ số sẽ gặp phải áp lực điều chỉnh và hướng xuống đường MA20 tại vùng quanh 850-860 điểm. Về hệ thống chỉ báo kỹ thuật, chỉ báo MACD và KST vẫn đang hướng lên và nằm trên đường tín hiệu cho thấy xu hướng tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đang hướng xuống cho thấy rủi ro có thể giảm điểm của thị trường trong một vài phiên kế tiếp.

Thị trường được dự báo có khả năng chịu áp lực điều chỉnh và lùi về vùng 850-860 điểm trong một vài phiên kế tiếp.
 
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Vn-Index dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm với sự nâng đỡ từ vùng hỗ trợ 862-868 điểm trong phiên kế tiếp. Về tổng thế, chúng tôi vẫn kỳ vọng vào đà tăng ngắn hạn của thị trường với đích đến nằm tại vùng kháng cự quanh 888±5 điểm trong ngắn hạn.

Diễn biến thị trường có thể sẽ có biến động mạnh trong phiên khi hoạt động đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 07 sẽ diễn ra vào thời điểm cuối phiên hôm nay. Giai đoạn hiện tại, thị trường vẫn sẽ chịu sự chi phối chủ yếu từ thông tin KQKD Q2 của các doanh nghiệp niếm yết. Ảnh hưởng từ dịch Covid19 nhiều khả năng sẽ khiến cho lợi nhuận của các công ty không được tích cực trong quý 2. Yếu tố này dự kiến có thế ảnh hướng không tốt đến diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp, đặc biệt là khi thị trường tiếp cận các vùng kháng cự mạnh.

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 50-65% cổ phiếu.

Hiện tại các thông tin và dự đoán kết quả kinh doanh đang dần lộ diện, nhà đầu nên tập trung vào các cổ phiếu có dòng tiền và dự đoán có kết quả kinh doanh tốt như HPG, ACB, VPB, SSI,.. trong bối cảnh thiếu thông tin mới hỗ trợ, dòng tiền tham gia ở mức trung bình nhà đầu tư chỉ nên xuống tiền khi đã có phương án trading hiệu quả. Tận dụng các nhịp rung lắc để có thể mua được giá tốt trong phiên.

TIN DOANH NGHIỆP

DGC : Theo báo cáo KQKD , doanh thu thuần trong quý II/2020 của Hóa chất Đức Giang đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 19,17% so với quý II/2019. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ ghi nhận tăng hơn 67%, đạt hơn 269 tỷ đồng. Giải trình về kết quả kinh doanh trên, DGC cho biết trong quý II, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng của tập đoàn này tăng so với cùng kỳ năm 2019, mặt khác, chi phí tiền điện giảm từ chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chi phí đầu vào một số nguyên liệu giảm dẫn đến giá thành giảm, lợi nhuận gộp tăng 39%. Kết thúc nửa đầu năm 2020, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DGC đều ghi nhận tăng mạnh. Trong đó doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận sau thuế tăng 67,19%, đạt hơn 468 tỷ đồng.
 
HBH : Công ty Cổ phần Habeco – Hải Phòng (UpCOM: HBH) đã công bố BCTC quý 2/2020 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, riêng quý 2 doanh thu thuần đạt 67 tỷ đồng tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ, tuy nhiên giá vốn hàng bán chiếm tới 99,6% trong doanh thu thuần nên lãi gộp chỉ còn 311 triệu đồng giảm mạnh so với con số lãi gộp gần 8 tỷ đồng trong quý 2/2019. Lãi gộp thấp trong khi phải chi trả 1 tỷ đồng chi phí tài chính, gần 1,3 tỷ đồng chi phí QLDN nên kết quả Habeco – Hải Phòng lỗ ròng 1,78 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 6 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, HBH đạt 86,8 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 23% so với cùng kỳ, LNST âm 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 5,2 tỷ đồng.
 
BTP : Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (mã CK: BTP) đã công bố BCTC quý 2/2020 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ. Kết thúc quý 2/2020 BTP đạt 75,7 tỷ đồng doanh thu thuần giảm tới 84% so với cùng kỳ, nhờ giá vốn hàng bán cũng giảm mạnh nên lãi gộp đạt 28,7 tỷ đồng giảm 34% so với quý 2/2019. Trong kỳ BTP có hơn 32 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 23% so với cùng kỳ nhờ cổ tức được chia từ đầu tư tài chính nên sau khi trừ các khoản chi phí BTP lãi ròng gần 45 tỷ đồng giảm 11,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, BTP đạt 491,5 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 33% so với cùng kỳ, LNST đạt hơn 73 tỷ đồng tăng 43% so với nửa đầu năm 2019.
 
BÁO CÁO CẬP NHẬT

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh ( HOSE – DXG )
 
1.    Luận điểm đầu tư

Kế hoạch 2020 lãi ròng 1,034 tỷ đồng, giảm 15%

Năm 2020, DXG dự kiến tập trung triển khai các dự án đã nhận chuyển nhượng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bán hàng. Đồng thời, HĐQT cho biết sẽ tìm kiếm, phát triển quỹ đất, các dự án, cơ hội đầu tư. Ban lãnh đạo DXG đặt mục tiêu năm 2020 đem về 4,900 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 1,034 tỷ đồng, lần lượt giảm 16% và 15% so với thực hiện năm 2019.

Thay đổi phương án sử dụng gần 875 tỷ đồng từ đợt chào bán ra công chúng 

Về phương án sử dụng gần 875 tỷ đồng huy động từ đợt chào bán cổ phần ra công chúng, trước đó, ban lãnh đạo DXG cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn này để phát triển dự án Khu dân cư và tái định cư Nam Rạch Chiếc (Gem Riverside).
Tuy vậy, căn cứ theo tình hình thực tế, Công ty đã thay đổi phương án, cụ thể là dùng số tiền trên để thực hiện bao gồm (nhưng không giới hạn) các công việc sau: Góp vốn cổ phần tăng vốn điều lệ cho CTCP Đầu tư kinh doanh Bất động sản Hà An để phát triển dự án tại xã Long Đức (Long Thành, Đồng Nai); bổ sung vốn lưu động;…

Nói về việc hoàn tiền dự án, ban lãnh đạo DXG khẳng định rằng khách hàng có thể đến lấy bất cứ khi nào muốn. Mặc dù giá dự án tăng trong thời gian bị vướng pháp lý, song phía DXG mong muốn sẽ dứt điểm trong năm nay và năm sau. Một tin vui là mới đây vào ngày 29/05, Thủ tướng Chính phủ vừa ký một Nghị quyết về việc đẩy mạnh công tác về pháp lý các dự án ở tỉnh thành, kích thích nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại.

Không chia cổ tức năm 2019 để bổ sung vốn kinh doanh, tăng vốn sở hữu

Về thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2019, DXG dự kiến trích các quỹ với tỷ lệ 5% lãi sau thuế, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ ở mức 1,152 tỷ đồng.
DXG dự kiến không chia cổ tức năm 2019 và giữ lại toàn bộ lợi nhuận hiện có để bổ sung vốn kinh doanh, tăng vốn chủ sở hữu.
Năm 2020, ban lãnh đạo DXG đề ra phương án chia cổ tức với tỷ lệ 20% mệnh giá. Công ty có thể tạm ứng cổ tức bằng cổ phiếu hoặc bằng tiền nhưng không vượt quá 10% vốn điều lệ.

Triển vọng

Triển vọng kinh doanh gặp khó khăn cho hầu hết các mảng kinh doanh vì nhiều lý do, dẫn đến áp lực cho tình hình tài chính của DXG trong 2 năm gần đây. Điều này phản ánh rõ nét vào giá cổ phiếu khi giảm ½ thị giá tính từ cuối 2018.

DXG là một trong số ít doanh nghiệp đang có định giá PB dưới 1 lần. Trong khi đó, DXG sở hữu quỹ đất khoảng 20-25ha ở ở TP.HCM. Sự khó khăn về pháp lý làm dự án bị trì hoãn. Tuy nhiên, giá vốn thấp cũng như vị trí các dự án tốt là điểm hấp dẫn xét trong trung & dài hạn. Từ đây đến hết 2020, rủi ro về tài chính với DXG phần nhiều giảm thiểu sau khi thực hiện phát hành trái phiếu và mở bán dự án mới. Sau 1 năm đấu giá, dự án Gem Sky World sẽ mở bán vào tháng 7.2020.

Kế hoạch bán hàng năm 2020: Tổng số căn có thể mở bán gần 6.000 căn, trong đó Gem Sky World (tỉnh Đồng Nai) sẽ chiếm phần lớn với 4.000 căn. Số căn hộ mở bán còn lại từ dự án Opal Skyline (tỉnh Bình Dương, 1.500 căn) và Opal City View (TP HCM, 500 căn). Ban lãnh đạo tự tin về tỷ lệ hấp thụ của dự án Gem Sky World, tương tự như các dự án khác như Aqua City (tỉnh Đồng Nai) và  Vinhomes’ Grand Park (Quận 9, TP HCM).

Về mặt pháp lý, dự án đã có quy hoạch 1/500, và sẽ sẵn sàng mở bán vào 6T cuối năm 2020. Đây là dự án mà DXG trúng thầu từ cuộc đấu giá gần đây của nhà nước, do đó, yếu tố pháp lý không phải là một rủi ro. Tổng diện tích đất là 92ha, cung cấp khoảng 4.000 căn cho thị trường. Các chất xúc tác có thể thúc đẩy sức mua cho dự án này là những kỳ vọng về cải thiện cơ sở hạ tầng như sân bay quốc tế Long Thành và đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Giá bán trung bình từ 20 triệu đồng/m2. Một dự án đáng chú ý khác của DXG, Gem Riverside dự kiến sẽ nhận được giấy phép vào cuối năm 2020, theo kế hoạch của công ty, và sẽ được triển khai chính thức vào năm 2021.

2.    Định giá

Hiện tại, cổ phiếu DXG đang giao dịch ở mức PE 2020 là 4,27 lần. Giá thị trường hiện tại của cổ phiếu DXG tại ngày 15/7 là 11.400 đồng/cp , giá mục tiêu cho năm 2020 là 16.600 đồng /cp. Chúng tôi đánh giá OUTPERFORM cho DXG, do tác động từ Covid-19 và những lo ngại về tiến độ phát triển của các dự án bất động sản. Chất xúc tác trong năm nay chắc chắn là mức độ thành công của đợt mở bán dự án Gem Sky World sắp tới.

Rủi ro: tiến độ bán hàng Gem Sky World chậm so với dự báo sẽ tạo ra áp lực về tài chính cho DXG trong 6 tháng cuối năm.
 

ThanhCongWM Team


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/mudsad194

 


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.