[Nhận định thị trường ngày 20/02] Áp lực bán tăng lên, Các chỉ số có thể diễn biến giằng co, Một số cổ phiếu thị trường sẽ điều chỉnh nhẹ – NĐTNN giao dịch tích cực trở lại – Cập nhật HT1

ĐIỂM NHẤN THỊ TRƯỜNG

Hầu hết các TTCK Châu Á hôm qua đóng cửa không thay đổi nhiều so với phiên trước trong bối cảnh đàm phán Mỹ – Trung phát đi tín hiệu căng thẳng trở lại. Phía Bắc Kinh phát biểu cho rằng Hoa Kỳ đang cố gắng kìm hãm sự phát triển công nghệ của Trung Quốc bằng cách tuyên bố thiết bị mạng di động Trung Quốc có thể gây ra mối đe dọa an ninh mạng đối với các nước khác khi sử dụng thiết bị này.

TTCK Việt Nam phiên 19/2 cũng theo diễn biến chung đó, tuy nhiên đóng cửa trái chiều ở 2 sàn. Các chỉ số trên HOSE có biến động khá mạnh trên vùng giá tham chiếu, cung tăng dần về cuối phiên khiến 2 chỉ số chỉ tăng nhẹ so với phiên hôm trước, tương ứng 3.05 điểm (+0.32%) và 2.89 điểm (+0.32%) với VN-Index và VN30-Index. Trong khi đó, các chỉ số trên HNX phần lớn thời gian biến động dưới vùng tham chiếu do áp lực từ ACB, SHB và PVS; HNX-Index đóng cửa giảm 0.59% và HNX30-Index giảm 1.08%.

Thị trường có diễn biến giảm là chính với 190 mã áp đảo 96 mã tăng trên HOSE. Cổ phiếu hầu hết các nhóm ngành đều mất điểm so với phiên hôm qua do cung giá đỏ. Điểm số trên HOSE được duy trì chủ yếu nhờ 2 cổ phiếu VIC và VHM, với tổng điểm số đóng góp cho VN-Index là +7.3 điểm và cho VN30-Index là +4.1 điểm. Bên cạnh đó, diễn biến tích cực ở các mã MSN, VNM, MWG, ROS, SAB, VJC, PNJ, SSI, CII, DHG, NVL… bù đắp được tác động tiêu cực từ sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí.

Thanh khoản thị trường tăng khá mạnh trên HOSE do giao dịch tập trung ở nhóm VN30. GTGD ở nhóm VN30 tăng 40.6% đưa GTGD trên HOSE tăng 31.6% lên 5.400 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục hoạt động tích cực khi gia tăng 31.2% GT mua vào trong khi giữ nguyên GT bán ra so với phiên hôm qua, đưa GT giao dịch ròng của khối này lên +215 tỷ đồng trong phiên hôm nay. MSN +81.6 tỷ đồng, HPG +44.6 tỷ đồng, E1VFVN30 +31.8 tỷ đồng, EIB +30 tỷ đồng, VNM +27.3 tỷ đồng là các cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất. Ở nhóm bán ròng, ghi nhận nhiều nhất ở các mã VJC -51.3 tỷ đồng, HDB -26.3 tỷ đồng, DHG -21.3 tỷ đồng và HBC -18.9 tỷ đồng..

Thống kê toàn thị trường

DỰ BÁO XU HƯỚNG VN30-INDEX

Nhận định kỹ thuật

Dải Bollinger Bands mở rộng và chỉ số VN30 đang bám đường Upper Band đi lên tiệm cận đường trung bình động 150 ngày (MA-150) ở quanh 916 điểm. Một số mã trụ sẽ tiếp tục tăng giá có thể giúp chỉ số vẫn tăng về điểm số trong phiên giao dịch kế tiếp, tuy vậy tính phân hóa sẽ diễn ra mạnh hơn sau phiên đột biến về khối lượng hôm nay. Do vậy dư địa tăng ngắn hạn của VN30 không còn nhiều trong một hai phiên tiếp theo. Chúng tôi tăng mức hỗ trợ ngắn hạn đảo chiều phiên lên 905 điểm cho phiên giao dịch tiếp theo.

Hỗ trợ ngắn hạn: 900 – 905      Kháng cự ngắn hạn: 912 – 916

VN30index

Quan điểm đầu tư

TTCK Mỹ tăng ở mức khiêm tốn trong khi dư địa tăng ngắn hạn của VN30 sau phiên hôm qua không còn nhiều. Chiều ngược lại, hoạt động của khối ngoại vẫn cho thấy tín hiệu tích cực là nhân tố nâng đỡ tâm lý đáng kể cho các NĐT trong nước. Khả năng các chỉ số trên TTCK Việt Nam hôm nay diễn biến lưỡng lự quanh tham chiếu với biên độ không quá lớn.

Dài hạn: CTI, FPT, GAS, GMD, HPG, KSB, MWG, PNJ, PTB, TCM, KBC, POW, STK, MSH – UpCom: QNS, ACV, VEA, NTC

Ngắn hạn: theo dõi các cổ phiếu có KQKD thực hiện 2018 vượt trội so với bình quân ước tính từ các nhà phân tích trên thị trường. Cập nhật đến thời điểm hiện tại có 23 cổ phiếu: ACB, VCB, GAS, TCM, HT1, DXG, NLG, DHC, PVT, STK, TNG, PPC, VHC, PHR, REE, VSC, DPM, PAN, MSN, GMD, KBC, KDH, MSH.

Chiến thuật giao dịch phái sinh

Vị thế MUA ngắn hạn                              

  • Vị thế Mua: VN30 tiếp tục vận động trên mốc 905 điểm
  • Đóng vị thế: Quanh 912 – 916 điểm hoặc đạt mức lợi nhuận kỳ vọng
  • Stoploss: VN30 bẻ gãy trở lại mốc 905 điểm

Vị thế BÁN ngắn hạn 

  • Vị thế bán: VN30 phá vỡ hỗ trợ 905 điểm
  • Đóng vị thế: Quanh 895 – 900 điểm hoặc đạt mức lợi nhuận kỳ vọng
  • Stoploss: VN30 vận động trở lại lên trên 905 điểm

CẬP NHẬT CÔNG TY

HT1: Kể từ báo cáo gần nhất của chúng tôi trong tháng 10, giá cổ phiếu HT1 tăng 33%. Ở mức giá hiện tại, HT1 đang giao dịch mức PE và EV/EBITDA 2019 lần lượt là 8,7x và 5,0x, đây là mức giá hợp lý theo quan điểm của chúng tôi. Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị của cổ phiếu từ MUA thành trung lập với giá mục tiêu 1 năm là 16.700 đồng/cp dựa trên mức PE và EV/EBITDA mục tiêu là 8x và 6x. Mặc dù chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu phản ánh phần lớn triển vọng tăng trưởng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của HT1, các nhà đầu tư vẫn nên theo dõi chặt chẽ tiến độ các dự án bất động sản của HT1 ở Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh và đợt IPO sắp tới của Vicem trong năm 2019 có thể hỗ trợ đến giá cổ phiếu.

* Xem chi tiết ở đây

HOẠT ĐỘNG KHỐI NGOẠI

Giao dịch tích cực trở lại

Khối ngoại hôm qua quay lại hoạt động tích cực khi gia tăng 31.2% GT mua vào trong khi giữ nguyên GT bán ra so với phiên trước, đưa GT giao dịch ròng của khối này trên HOSE lên +215 tỷ đồng, trong đó nhóm VN30 +175.4 tỷ đồng.

MSN +81.6 tỷ đồng, HPG +44.6 tỷ đồng, E1VFVN30 +31.8 tỷ đồng, EIB +30 tỷ đồng, VNM +27.3 tỷ đồng là các cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất.

Ở nhóm bán ròng, ghi nhận nhiều nhất ở các mã VJC -51.3 tỷ đồng, HDB -26.3 tỷ đồng, DHG -21.3 tỷ đồng và HBC -18.9 tỷ đồng.

Cập nhật ETF

Trong phiên 18/02, DB FTSE tiếp tục ghi nhận 51.9 tỷ đồng giá trị mua ròng, tương ứng với 70.000 CCQ.

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Các chỉ số chứng khoán Hoa Kỳ đảo chiều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba nhờ sự tiến triển của đàm phán thương mại Mỹ – Trung. DJ và S&P 500 tăng lần lượt 0.03% và 0.15% lên mức 25,891.32 điểm và 2,779.76 điểm. Có 9/11 nhóm ngành thuộc nhóm S&P 500 tăng điểm trong phiên 19/02, dẫn đầu là nhóm Nguyên vật liệu (+ 0.58%), Tiện ích (+ 0.54%)

Theo thông tin từ phía Hoa Kỳ, tổng thống D.Trump đang yêu cầu Trung Quốc (i) thực hiện chính sách bình ổn đồng nhân dân tệ; (ii) nhập khẩu thêm nông sản từ Hoa Kỳ, đặc biệt là ngô. Trước đó, tổng thống Mỹ cũng xem xét khả năng dời thời hạn 01/03 thêm 60 ngày để Trung Quốc có thể thực hiện các cam kết.

CBOE VIX giảm 0.2% còn 14.88 điểm sau khi tăng mạnh vào đầu phiên, mức trung lập cho thấy rủi ro thị trường thấp. CNNMoney – Fear and Greed Index (FGI – phản ánh chỉ số VIX và 6 thước đo khác về tâm lý NĐT) ở mức 68 điểm, đang tiến gần đến vùng  Extreme Greed (Rất Lạc quan).

Dollar Index giảm 0.4% về mức 96.52 điểm trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm điều chỉnh 1.08% về mức 2.63%.

Giá vàng tăng phiên thứ 4 liên tiếp, thêm 1.04% lên ngưỡng 1,340.96 USD/ounce.

Giá dầu diễn biến trái chiều. Brent giảm 0.08% về mức 66.45 USD/thùng trong khi giá dầu WTI tăng 0.9% lên mức 56.09 USD/thùng.

Thị trường châu Á diễn biến tích cực trong phiên sáng ngày thứ Tư nhờ ảnh hưởng tâm lý từ Hoa Kỳ, tính đến 7h30, Nikkei 225 và KOSPI tăng lần lượt 0.22% và 0.48%.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này giảm 8.4% YoY trong tháng 1, cao hơn so với mức dự báo giảm 5.5%. Giá trị nhập khẩu giảm 0.6%, thấp hơn so với mức ước tính giảm 2.8%.

Nguồn: SSI Research, admin


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.