[Nhận định thị trường ngày 29/01] Cung cầu cân bằng, Nhóm cổ phiếu có KQKD thực hiện 2018 vượt ước tính, Khối ngoại mua ròng trở lại trên HOSE – Cập nhật DPM, KDC

ĐIỂM NHẤN THỊ TRƯỜNG

Diễn biến ngược chiều với các chỉ số trên thị trường châu Á, VN Index duy trì sắc xanh trong toàn bộ thời gian giao dịch. VHM tăng thêm 3.3%, trở thành động lực chính hỗ trợ mức tăng của VN Index trong khi áp lực bán đối với nhóm Ngân hàng, bao gồm TCB, VCB, VPB hạn chế đà tăng của chỉ số. VN Index và VN30 Index đóng cửa tăng lần lượt 0.36% và 0.12%, lên mức 912.18 điểm và 868.76 điểm.

Lĩnh vực bất động sản thu hút dòng tiền khi DXG, NLG, KDH, NVL, KBC đều đóng cửa tăng điểm. Giao dịch khởi sắc cũng quay trở lại với nhóm Dầu khí bất chấp diễn biến điều chỉnh của giá dầu thế giới. PVD, PVS tăng lần lượt 2.8% và 2.2% trong khi mức tăng của BSR và PVB là 3.3% và 2%.

Nhóm Phân bón hồi phục trở lại. BFC lấy lại 2% sau khi cổ phiếu mất gần 15% giá trị do LNTT 2018 giảm 27.4% YoY, DPM và DCM tăng lần lượt 0.1% và 1.4%.

Phân hóa là diễn biến chủ đạo của nhóm Dệt may và Thủy sản. MSH giao dịch bứt phá với mức tăng 4.2% nhờ lực mua từ NĐTNN trong khi TCM, TNG và STK giảm điểm. VHC giảm mạnh 6.3% mặc dù doanh nghiệp vừa công bố LNST Q4/2018 gấp 2.1 lần so với cùng kỳ.

Thanh khoản trên sàn HOSE cải thiện tốt, thêm 13.3% lên mức 133.3 triệu đơn vị, hỗ trợ GTGD tăng 14.5%, lên ngưỡng 3,059 tỷ đồng.

NĐTNN mua ròng trở lại trên sàn TP.HCM, thêm 116.5 tỷ đồng, tập trung vào VNM, TVS, VIC với giá trị từ 23 đến 26 tỷ đồng trong khi đó khối ngoại chủ yếu bán ròng đối với DHG (31 tỷ đồng) và PLX (16.7 tỷ đồng)

Sàn Hà Nội ghi nhận diễn biến điều chỉnh của các chỉ số do áp lực bán tại ACB (-1%). HNX Index và HNX30 Index giảm 0.42% và 0.1% về mức 102.31 điểm và 185.65 điểm. Khối ngoại mua ròng 23.9 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giao dịch tại PVS (21.9 tỷ đồng).

Thị trường phái sinh: Tất cả các hợp đồng tương lai đều giảm điểm, vận động trái chiều so với chỉ số cơ sở. VN30F1902 giảm 2.9 điểm, ghi nhận mức chênh lệch – 3.76 điểm với VN30. Thanh khoản thị trường phái sinh sụt giảm trong bối cảnh chỉ số cơ sở  tăng điểm phiên thứ tư liên tiếp. KLGD đạt 113,791 HĐ, giảm 12.2% so với phiên liền trước.

Thống kê toàn thị trường

DỰ BÁO XU HƯỚNG VN30-INDEX

Nhận định kỹ thuật

Chỉ số VN30 giằng co trong phiên giao dịch hôm qua, có lúc vượt mốc kháng cự ngày 870 điểm rồi lùi lại, nhưng đóng cửa chỉ số vẫn có thêm phiên tăng nhẹ 1.06 điểm lên mưc 868.76. Nến ngày của VN30 tăng điểm với một nến giằng co nhẹ về xu hướng nhưng quán tính tăng điểm vẫn đang mạnh hơn.

KLGD tiếp tục giảm về mức hơn 24.7 triệu đơn vị, thấp hơn 10 triệu đơn vị so với phiên trước, đồng thời cũng thấp hơn so với KLGD bình quân 20 phiên 10 triệu đơn vị. Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) tiếp tục vượt nhẹ mốc 50 và dải Bollinger Bands mở rộng nhẹ theo đà hồi phục hiện tại.

KLGD tuần giao dịch trước kỳ nghỉ Lễ Tết nguyên đán thường sụt giảm giảm, do vậy khả năng phiên giao dịch hôm nay chỉ số VN30 vẫn có khả năng tăng nhẹ theo dải Upper Band, đồng thời KLGD tiếp tục ở mức thấp. Chúng tôi tăng mức hỗ trợ ngắn hạn đảo chiều phiên lên nhẹ mốc 866 điểm cho phiên giao dịch hôm nay.

Hỗ trợ ngắn hạn: 863-866 – Kháng cự ngắn hạn: 872-875

VN30index

Quan điểm đầu tư

Trong điều kiện thanh khoản hạn chế, TTCK Việt Nam có thể diễn biến đồng thuận giảm theo TTCK Mỹ đêm qua và các TTCK khu vực Châu Á sáng nay. Chiều ngược lại, động thái tích cực của khối ngoại sẽ giúp cung cầu thị trường cân bằng.

Dài hạn:  CTI, FPT, GAS, GMD, HPG, KSB, MWG, PNJ, PTB, QNS, TCM, KBC, POW, STK, MSH – UpCom: QNS, ACV, VEA, NTC

Ngắn hạn: do thanh khoản hạn chế nên thị trường sẽ có xu hướng tìm đến các cổ phiếu có KQKD thực hiện 2018 vượt trội so với bình quân ước tính từ các nhà phân tích. Cập nhật đến thời điểm hiện tại có các cổ phiếu: ACB, VCB, GAS, TCM, HT1, DXG, NLG, DHC, PVT, STK, TNG, PPC. (các báo cáo phân tích cơ bản về những cổ phiếu này có thể xem bằng chức năng “Tìm kiếm” ở đầu trang web)

Chiến thuật giao dịch phái sinh

Vị thế MUA ngắn hạn                              

  • Vị thế Mua: VN30 tiếp tục vận động trên mốc 866 điểm
  • Đóng vị thế: Quanh 872 – 875 điểm hoặc đạt mức lợi nhuận kỳ vọng
  • Stoploss: VN30 bẻ gãy trở lại mốc 866 điểm

Vị thế BÁN ngắn hạn 

  • Vị thế bán: VN30 phá vỡ hỗ trợ 866 điểm
  • Đóng vị thế: Quanh 860 – 863 điểm hoặc đạt mức lợi nhuận kỳ vọng
  • Stoploss: VN30 vận động trở lại lên trên 866 điểm

CẬP NHẬT CÔNG TY

DPM: Với mức giá hiện tại là 22.800 đồng/ cp, DPM đang được giao dịch ở mức PE 2019 là 14,3x. Giá mục tiêu 1 năm của chúng tôi cho DPM là 22.600 đồng/cp, giảm 1% so với giá hiện tại.

KDC: Với mức giá hiện tại 20.350 đồng/ cổ phiếu, KDC đang giao dịch P/E 2019 ở mức 60x, là mức định giá rất đắt theo quan điểm của chúng tôi. Kể từ Khuyến nghị Bán vào tháng 10/2018, giá cổ phiếu đã giảm 21,5%. Chúng tôi giữ quan điểm cổ phiếu kém hấp dẫn ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, rủi ro liên quan đến dự án Lavenue (giá trị đầu tư sổ sách là 1 nghìn tỷ đồng) khi các cơ quan có thẩm quyền tại TP.HCM có thể thu hồi lô đất do sai phạm của UBND TP.HCM trước đó.

* Xem chi tiết ở đây

HOẠT ĐỘNG KHỐI NGOẠI

Quay lại mua ròng

Thanh khoản trên sàn HOSE hôm qua cải thiện tốt, thêm 13.3% lên 133.3 triệu đơn vị, hỗ trợ GTGD tăng 14.5%, lên 3,059 tỷ đồng.

NĐTNN mua ròng trở lại 116.5 tỷ đồng, tập trung vào VNM, TVS, VIC với giá trị từ 23 đến 26 tỷ đồng trong khi đó chủ yếu bán ròng đối với DHG (31 tỷ đồng) và PLX (16.7 tỷ đồng).

Khối ngoại cũng mua ròng 23.9 tỷ đồng trên HNX, chủ yếu nhờ giao dịch tại PVS (21.9 tỷ đồng).

Cập nhật ETF

Động thái mua ròng quay lại đối với Van Eck ETF với giá trị 53.4 tỷ đồng, tương ứng với 150.000 chứng chỉ quỹ.

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Shanghai Composite hôm qua điều chỉnh trở lại trong phiên đầu tuần, giảm 0.18% về mức 2,596.98 điểm. Đồng nhân dân tệ ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp so với USD, hiện đang giao dịch tại mức 1 USD đổi 6.7453 CNY.

Chứng khoán Hoa Kỳ đêm qua cũng giảm trở lại do ảnh hưởng từ KQKD quý 4/2018 kém tích cực của Caterpillar và Nvidia, cùng lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu gia tăng khi lợi nhuận của ngành công nghiệp Trung Quốc sụt giảm.

DJ và S&P 500 mất lần lượt 0.84% và 0.78% giá trị, về mức 24,528.22 điểm và 2,643.85 điểm.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp giảm 1.9% YoY trong tháng 12. Tính cả năm 2018, lợi nhuận ngành công nghiệp tăng 10.3% YoY, thấp hơn mức tăng 21% trong năm 2017.

CBOE VIX tăng 8.32% lên 18.87 điểm, mức trung lập cho thấy rủi ro thị trường thấp. CNNMoney – Fear and Greed Index (FGI – phản ánh chỉ số VIX và 6 thước đo khác về tâm lý NĐT) có lùi nhẹ nhưng vẫn duy trì ở vùng Greed (Lạc quan).

Dollar Index giảm nhẹ 0.05% về mức 95.746 điểm trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm mất 0.53% giá trị, về mức 2.744%

Giá vàng tăng nhẹ lên mức 1,303.38 USD/ounce.

Giá dầu Brent giảm 2.77% về mức 59.93 USD/thùng do số liệu vĩ mô kém tích cực của Trung Quốc, bất chấp thông tin Arab Saudi cam kết cắt giảm sản lượng trong tháng 1 và tháng 2/2019.

Chịu ảnh hưởng từ diễn biến thị trường Hoa Kỳ, chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên sáng ngày thứ Ba, tính đến 7h30, Nikkei 225 và KOSPI giảm 1.01% và 0.48%.

Nguồn: SSI Research, chart bởi Admin


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.