PGS: Thích hợp cho nhà đầu tư theo chiến lược cổ tức và tìm kiếm sự ổn định [Phù hợp thị trường]

Ở mức giá hiện tại là 16.500 đồng/cp, PGS đang giao dịch tại PE 2016 và 2017 là 2,5x và 9,2x, trong khi đó PB 2016 và 2017 là 0,8x. Với PE và PB mục tiêu không đổi đối với mảng kinh doanh chính là 8,5x và 0,7x, chúng tôi đặt giá mục tiêu 1 năm là 16.700 đồng/cp.

Vì vậy. PGS phù hợp cho nhà đầu tư theo chiến lược cổ tức và tìm kiếm sự ổn định. (SSI Research)

Lợi nhuận 6T2016 được hỗ trợ nhờ thu nhập tài chính tăng

Trong 6T2016, PGS công bố doanh thu thuần đạt 2.052 tỷ đồng (+3,1% so với cùng kỳ năm trước), hoàn thành 41,5% kế hoạch 2016.

Đối với phân khúc LPG, giá bán trung bình là 656 USD/tấn, trong khi đó sản lượng tiêu thụ ở mức 116 nghìn tấn, tăng trưởng sản lượng LPG của PGS, Miền Đông Gas và VT Gas trong 6T2016 đạt 9% so với cùng kỳ năm trước.

Khí nén tự nhiên (CNG) có sản lượng tiêu thụ đạt 46 triệu sm3 (+15% so với cùng kỳ năm trước). Sản lượng tiêu thụ của Samsung CE chiếm khoảng 7 triệu sm3, đây là nguồn đóng góp chính cho tăng trưởng sản lượng tiêu thụ CNG trong 6T2016 (Samsung CE là khách hàng của PGS từ quý 4/2015). Giá bán trung bình đạt 8,02 USD/mmbtu (-38% so với cùng kỳ năm trước), giảm theo giá dầu thế giới. Trong 6T2016, giá dầu thô Brent trung bình ở mức 40 USD/thùng (-31% so với cùng kỳ năm trước). Mặc dù sản lượng tiêu thụ tăng đáng kể, giá bán trung bình giảm dẫn đến doanh thu phân khúc này giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên 64,4% trong 6T2016 từ mức 51,6% trong 6T2015. Trong bối cảnh giá dầu ở mức thấp, PGS nhận mức chiết khấu cao hơn (từ giá FO trong nước), khiến tỷ suất lợi nhuận gộp tăng. Tỷ lệ chiết khấu trong quý 2/2016 tương đương quý 1/2016. Trước khi thoái vốn khỏi CNG Việt Nam, phân khúc khí nén tự nhiên chiếm khoảng 70% lợi nhuận gộp, trong khi đó số liệu 6T2016 là 56%. Sản lượng tiêu thụ 6T2016 của CNG Việt Nam tại miền Nam đạt 47 triệu sm3 (+14% so với cùng kỳ năm trước), không chênh lệch đáng kể so với PGS là 46 triệu sm3 (+15% so với cùng kỳ năm trước).

Với chính sách của PVN là không duy trì công ty con cấp 3 trong bộ máy cơ cấu, trong quý 1/2016, PGS đã bán 55,2% cổ phần tại CNG Việt Nam và ghi nhận 310 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Cùng với đó, PGS chuyển đổi 2 công ty con 100% vốn cổ phần (VT Gas và Miền Đông Gas) thành chi nhánh của PGS. Theo đó, PGS ghi nhận 55 tỷ đồng lợi nhuận từ Miền Đông Gas và lỗ 49 tỷ đồng từ VT Gas. Nhìn chung, PGS ghi nhận 365 tỷ đồng tổng lợi nhuận vào thu nhập tài chính và lỗ 49 tỷ đồng vào chi phí tài chính. Đáng chú ý, thu nhập lãi tăng 3,4 tỷ đồng (+7 lần so với cùng kỳ năm trước) nhờ số tiền thu được từ việc thoái vốn khỏi CNG Việt Nam.

Lợi nhuận từ HĐKD đạt 52,3 tỷ đồng giảm 45,8% so với cùng kỳ năm trước do tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu tăng.

Quan điểm đầu tư

Lợi nhuận năm 2017 sẽ không bao gồm lợi nhuận bất thường do đó sẽ ổn định trở lại. Nếu chỉ tính mảng kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận ròng năm 2017 của PGS vẫn có khả năng tăng 17% nhờ (1) giá dầu hồi phục nhẹ, (2) công suất chưa tận dụng ở phân khúc CNG với biên lợi nhuận cao, (3) tỷ suất lợi nhuận gộp phân khúc LPG có thể hồi phục hơn nữa nhờ mảng bán lẻ tăng trưởng và (4) thu nhập lãi ổn định nhờ nguồn thu từ hoạt động thoái vốn.

Ở mức giá hiện tại là 16.500 đồng/cp, PGS đang giao dịch tại PE 2016 và 2017 là 2,5x và 9,2x, trong khi đó PB 2016 và 2017 là 0,8x. Với PE và PB mục tiêu không đổi đối với mảng kinh doanh chính là 8,5x và 0,7x, chúng tôi đặt giá mục tiêu 1 năm là 16.700 đồng/cp. Giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong quý 1/2016 ngay trước khi thoái vốn. Bên cạnh đó, PGS trả cổ tức khá cao: cổ tức 2016 là 30% trên mệnh giá (tỷ suất cổ tức là 18,4%) trong đó PGS đã trả 15% trên mệnh giá (tỷ suất cổ tức 9,2%). Sau đó, chúng tôi ước tính cổ tức có thể vào khoảng 14-15% trên mệnh giá.

Vì vậy. PGS phù hợp cho nhà đầu tư theo chiến lược cổ tức và tìm kiếm sự ổn định.

SSI Research

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.