PLX: Dẫn đầu lĩnh vực xăng dầu VN, dư địa tăng trưởng từ chiến lược kênh bán lẻ toàn diện hiện đại – [Mục tiêu 56.000]

Ứớc tính giá mục tiêu của PLX là 56.300đ; tương đương P/E dự phóng năm 2017 là 17 lần; ngang với P/E của GAS (GAS độc quyền phân phối khí tự nhiên và là nhà bán buôn LPG lớn nhất).

PLX sẽ niêm yết cổ phiếu trên HSX vào đầu tháng 4

Petrolimex, doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối xăng dầu lớn nhất và lâu đời nhất ở Việt Nam với khoảng 50% thị phần trong nước, sẽ được niêm yết trên HSX với mã chứng khoán PLX trong khoảng đầu tháng 4 tới. Có thể là từ ngày 10-12/4. Giá tham chiếu vẫn chưa được công bố, dù vậy thông thường giá tham chiếu sẽ theo sát giá cổ phiếu trên thị trường OTC. Cổ phiếu gần đây được rất nhiều NĐT quan tâm trên thị trường OTC và giá cổ phiếu đã tăng mạnh từ khoảng 30.000đ lên khoảng 51.000đ trong 3 tháng qua. Theo đó, vốn hóa thị trường của công ty là 58.226 tỷ đồng (tương đương 2.554 tỷ USD).

Tổng cộng 1.293,9 triệu cổ phiếu sẽ được niêm yết nhưng tỷ lệ free float thấp, chỉ là 4,14% tổng số cổ phiếu đang lưu hành

PLX sẽ niêm yết 1.293.878.081 cổ phiếu nhưng lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp, là 53,6 triệu cổ phiếu, tương 4,14% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Các cổ đông lớn của PLX bao gồm Bộ Công thương nắm 75,87% cổ phần, JX Nippon Oil & Energy Corporation nắm 8,0% cổ phần. Trong số 208,6 triệu cổ phần còn lại, PLX nắm giữ 155 triệu cổ phiếu là cổ phiếu quỹ. Do đó, lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thực tế sau niêm yết chỉ là 53,6 triệu đơn vị.

Tỷ lệ free float của PLX là 4,14% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, so với mức 0,87% đối với Habeco (BHN) và 3,4% đối với Sabeco. Điều này cho thấy giá cổ phiếu sau niêm yết có thể sẽ có những biến động tương tự như diễn biến của hai cổ phiếu đề cập trên. Cụ thể là do thiếu người bán, đẩy giá cổ phiếu tăng trong ít nhất một vài ngày.

Petrolimex nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu cũng như cung cấp các dịch vụ liên quan khác

Ngành kinh doanh chính của Petrolimex là kinh doanh các sản phẩm xăng dầu và liên quan đến xăng dầu.

  • Công ty nhập khẩu các sản phẩm xăng, dầu, mỡ, sản phẩm hóa dầu, khí hóa lỏng cho thị trường trong nước.
  • Công ty vận hành tổng cộng 2.352 trạm xăng trên cả nước đồng thời sở hữu hệ thống khoảng 2.800 đại lý xăng dầu.
  • Công ty cũng bán xăng dầu trực tiếp cho khách quan lớn như các công ty khai thác than lớn hoặc các nhà máy năng lượng.
  • Bên cạnh xăng dầu, công ty cũng tham gia lĩnh vực vận tải xăng dầu, bán lẻ khí hóa lỏng, kinh doanh sản phẩm hóa dầu và bảo hiểm.

Các công ty con hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến xăng dầu của Petrolimex đã niêm yết bao gồm PJT, VTO, VIP, PTS và PJC (vận tải), PLC (sản phẩm hóa dầu), PGC (bán lẻ khí hóa lỏng) và PGI (bảo hiểm).

Bộ Công thương sẽ giảm cổ phần tại PLX xuống 65% sau niêm yết mặc dù thời gian cụ thể vẫn chưa được công bố

Bộ Công thương có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tại PLX xuống 65% sau niêm yết. Mặc dù ở thời điểm hiện tại chưa có thời gian thực hiện cũng như cách thức thoái vốn cụ thể. Thông thường nhiều khả năng sẽ thực hiện thông qua đấu giá (hoặc phát hành riêng lẻ dưới hình thức đấu giá). Và giả định Bộ sẽ giảm sở hữu thông qua phát hành sơ cấp giúp công ty tăng vốn, số lượng cổ phiếu phát hành sẽ là khoảng 215 triệu cổ phiếu.

NĐT chiến lược Nhật Bản sẽ giữ vai trò chủ chốt trong phát triển ngành kinh doanh chủ chốt

Vào tháng 5  năm ngoái, Petrolimex đã bán hơn 103,5 triệu cổ phiếu cho NĐT chiến lược nước ngoài, công ty JX Nippon Oil & Energy Vietnam, với giá 39.017đ/cp. Theo đó, vốn điều lệ của PLX tăng lên 11.388 tỷ đồng (tương đương 517 triệu USD). Và JX Nippon Oil & Energy Vietnam nắm 8% cổ phần. Số cổ phiếu này không được chuyển nhượng trong vòng 5 năm cho đến năm 2021. JX Nippon Oil & Energy Vietnam áp đảo về phân phối các sản phẩm xăng dầu tại thị trường Mỹ với 43% thị phần và rõ ràng sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành kinh doanh chính của Petrolimex trong tương lai thông qua: (1) chuyển giao công nghệ và (2) hỗ trợ vốn giúp PLX mở rộng.

Chúng tôi tin rằng đối tác chiến lược này trong tương lai sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại PLX lên tới 20% trong khoảng thời gian 12-24 tháng. Và do đó, Nippon Oil & Energy Corporation sẽ là đối tác quan trọng tham gia các đợt đấu giá hay phát hành riêng lẻ trong tương lai.

Lợi nhuận năm 2016 tăng trưởng mạnh

Trong năm 2016, PLX công bố doanh thu dạt 123,1 nghìn tỷ đồng (giảm 16,2%) và LNST của cổ đông công ty mẹ là 4,67 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 71,2%) với doanh số bán hàng đạt 11,55 triệu tấn (tăng trưởng 10,3%) xăng. Tăng trưởng LNST mạnh chủ yếu là nhờ PLX được hưởng lợi từ Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định về các hoạt động kinh doanh xăng dầu, cụ thể cho phép các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong nước như PLX tính giá bán trong nước theo sát giá dầu thế giới hơn là tuân thủ các quy định của Bộ Công thương như trước đó. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/11/2014.

Mặc dù Nghị định trên đã có hiệu lực trong Q4/2014, chúng tôi vẫn lưu ý rằng trong năm 2015, Bộ Công thương vẫn có những quy định theo từng giai đoạn về giá bán lẻ đối với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Trên thực tế, Bộ đã ban hành tổng cộng 20 hướng dẫn như vậy trong năm 2015. Trái lại, trong năm ngoái, Bộ áp dụng chính sách quản lý linh hoạt hơn. Điều này rõ ràng đã tạo nên sự khác biệt về lợi nhuận ở đây.

PLX đặt kế hoạch kinh doanh năm 2017 với tăng trưởng doanh thu khá nhưng LNST giảm 12,2%

Cho năm 2017, PLX đặt kế hoạch doanh thu là 163,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 32,6%) và LNST là 4,1 nghìn tỷ đồng (giảm 12,2% so với năm 2016).

Triển vọng tương lai có vẻ khiêm tốn ở thời điểm hiện tại và HSC dự báo LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2017 giảm 10,1% so với năm 2016

Dự báo cho năm 2017 PLX sẽ tạo doanh thu 169,9 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 38,0%) và LNST của cổ đông công ty mẹ là 4,19 nghìn tỷ đồng (giảm 10,1%).

  1. Dự báo sản lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân đạt 13.286.000 m3 (tăng trưởng 15,0%).
  2. Dáo doanh thu từ kinh doanh xăng dầu là 141 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 38,5%. Doanh thu tăng trưởng là nhờ giá xăng tăng khoảng 23% và sản lượng tiêu thụ xăng cũng tăng 15%.
  3. Dự báo LNTT từ kinh doanh xăng dầu là 3,29 nghìn tỷ đồng (giảm 14,6%). Giả định tỷ suất LNTT từ kinh doanh xăng dầu là 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3,78% trong năm 2016 do 90% chi phí của PLX được tính theo USD trong khi đó gần 100% doanh thu là bằng tiền đồng và chúng tôi lo ngại một thay đổi nhỏ của tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của PLX.
  4. Dự báo PLX sẽ tạo 6.116 tỷ đồng doanh thu (tăng trưởng 27,4%) và LNTT đạt 920 tỷ đồng (tăng trưởng 10%) từ kinh doanh các sản phẩm hóa dầu.
  5. Dự báo doanh thu mảng vận tải đạt 3.780 tỷ đồng (tăng trưởng 10%) và LNTT đạt 340 tỷ đồng, giảm 10% vì giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận mảng vận tải.
  6. Về mảng LPG, giả định PLX sẽ tiêu thụ tổng cộng 151,5 triệu tấn LPG (tăng 5%). Doanh thu dự báo đạt 3.211 tỷ đồng (tăng trưởng 35%) và LNTT đạt 145 tỷ đồng (tăng trưởng 6,6%).
  7. Dự báo PGI, công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm của PLX sẽ đạt doanh thu là 2.533 tỷ đồng (tăng trưởng 14,1%) và đạt LNTT là 165,7 tỷ đồng (tăng trưởng 17,6%).
  8. Dự báo BP Castrol Petco LLC, liên doanh giữa BP Group (nắm 65% cổ phần) và Petrolimex (nắm 35% cổ phần) sẽ đóng góp 535 tỷ đồng (tăng trưởng 5,5%) vào LNTT của PLX.

Tổng cộng, dự báo PLX sẽ đạt 169,9 tỷ đồng doanh thu (tăng trưởng 38%) và 5.649 tỷ đồng LNTT (giảm 10,3%). HSC dự báo LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 4.192 tỷ đồng (giảm 10,1%); EPS đạt 3.310đ.

Triển vọng trung dài hạn có vẻ khả quan

HSC tin tưởng rằng từ năm 2017 trở đi, lợi nhuận mảng kinh doanh chính sẽ tăng trưởng nhờ sản lượng tăng, hiệu quả quản trị hàng tồn kho được cải thiện và công ty có các biện pháp tiết kiệm chi phí. Công ty sẽ không còn lợi nhuận tăng trưởng đột biến những thay đổi chính sách lợi cho công ty. Tuy nhiên việc có thành phần kinh tế tư nhân tham gia sẽ khiến cho cơ cấu hoạt động của PLX được tinh giản và mô hình hoạt động có xu hướng được tối ưu hóa hơn.

Chiến lược của PLX là mở rộng mạng lưới trạm xăng và nâng cao dịch vụ giá trị gia tăng tại mỗi trạm xăng; theo đó doanh thu từ các hoạt động khác ngoài bán xăng có thể sẽ đóng góp 30-50% tổng doanh thu tại mỗi trạm xăng. Hiện các trạm xăng của PLX cũng đã bán bảo hiểm cho các phương tiện vận tải, thẻ mua xăng dầu flexi card, dầu nhờn và dịch vụ chăm sóc xe ô tô/xe máy. Công ty còn cho thuê chỗ kinh doanh chẳng hạn như kinh doanh dịch vụ rửa xe, hiệu thuốc… Hiện PLX còn nhiều dư địa để xây dựng một chiến lược bán lẻ toàn diện bao gồm cho thuê chỗ và kinh doanh các mặt hàng/dịch vụ có liên quan.

PLX có thể tận dụng thương hiệu và địa điểm kinh doanh để cải thiện doanh thu trong tương lai

Thế mạnh chính và các nhân tố giúp tạo ra tăng trưởng trong tương lai của PLX là:

  • Thương hiệu Petrolimex là thuộc top 10 thương hiệu tại Việt Nam nhờ có nhiều cơ hội bán chéo hàng hóa/dịch vụ.
  • Mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước đối với các sản phẩm xăng dầu giúp PLX dễ dàng nâng cao được chỗ đứng cho sản phẩm của công ty.
  • Việc tối ưu hoá mạng lưới trạm xăng dầu nhằm tăng doanh thu trên 1 m2 sẽ thúc đẩy PLX chuyển dịch sang bán lẻ hiện đại với tư cách đơn vị cho thuê mặt bằng hoặc vận hành bán lẻ, hoặc cả hai.

Ngoài ra, công ty còn hưởng lợi từ những xu hướng cơ bản như công nghiệp hóa, tỷ lệ sở hữu ô tô tăng và kênh bán lẻ hiện đại gia tăng; giúp cho nhu cầu đối với sản phẩm hiện tại của PLX tăng lên; đồng thời đem lại nhiều cơ hội mới cho công ty trong những năm tới. Lãnh đạo PLX có kinh nghiệm và nhanh nhạy; đồng thời hiểu rõ tiềm năng của công ty trong tương lai.

HSC ước tính giá mục tiêu là 56.300đ

Ứớc tính giá mục tiêu của PLX là 56.300đ; tương đương P/E dự phóng năm 2017 là 17 lần; ngang với P/E của GAS (GAS độc quyền phân phối khí tự nhiên và là nhà bán buôn LPG lớn nhất).

Tổng hợp HSC

 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.