Tổng công ty Dầu Việt Nam PVOil là doanh nghiệp đứng thứ hai trên thị trường kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam, chỉ sau PLX.
Biên lợi nhuận kênh phân phối của PVOil thấp
Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOil) có vốn điều lệ 10.884 tỷ đồng với hoạt động chính là xuất nhập khẩu dầu thô và phân phối sản phẩm dầu.
PVOil hiện nay phục vụ các khách hàng công nghiệp (chiếm 20%) và chủ yếu bán hàng qua hệ thống đại lý/tổng đại lý – DODO (chiếm 60%). Kênh bán lẻ của PVOil chỉ đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu (so với mức gần 60% của PLX).
Theo CTCK Bảo Việt, trong ba kênh phân phối, kênh đại lý/tổng đại lý của PVOil là kênh có biên lợi nhuận thấp nhất do mức chiết khấu áp dụng đối với các đại lý/tổng đại lý cao hơn.
Kênh bán lẻ qua hệ thống COCO có biên lợi nhuận cao nhất DODO khoảng 4-5%. Hiện tại, PVOil chỉ có lợi nhuận từ phần phân phối qua kênh bán lẻ tại các cửa hàng xăng dầu COCO và khách hàng công nghiệp, chịu lỗ từ kênh phân phối qua DODO.
Trong khi đó, mức biên lợi nhuận của Tập Đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX) cao hơn nhiều so với PVOil. Trong đó, biên lợi nhuận gộp kênh COCO của PLX ở mức hơn 13% và của DODO là hơn 8% và đối với khách hàng công nghiệp là khoảng 9%.
Theo BVSC, sở dĩ có sự chênh lệch này một phần do Mô hình kinh doanh của PVOil hiện chưa được tối ưu như PLX.
Trong tương lai, PVOil đặt kế hoạch dịch chuyển cơ cấu bán hàng sang kênh phân phối trực tiếp với việc phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu, tỷ trọng phân phối qua kênh bán lẻ dự kiến sẽ đạt 28% vào năm 2021. Việc chuyển dịch cơ cấu bán hàng này có thể giúp PVOil dần cải thiện khả năng sinh lời.
Ảnh hưởng tiêu cực khi nhập nguyên liệu từ NMLD Nghi Sơn
Hiện tại, hệ thống 485 cửa hàng của PVOil được phân bổ khá đồng đều với 183 cửa hàng ở phía Bắc, 149 ở miền Trung và 153 cửa hàng ở phía Nam.
Tuy nhiên, hệ thống kho chứa của PVOil với 9 tổng kho chính và 25 kho trung chuyển chủ yếu nằm ở phía Nam. Hệ thống các kho ở phía Nam chiếm khoảng 70% công suất của PVOil. Điều này sẽ làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển đối với PVOil.
Hiện tại, PVOil đang đầu tư vào dự án kho xăng dầu Nghi Sơn để chuẩn bị cho việc nhập hàng từ Nhà máy lọc dầu (NMLD) Nghi Sơn. Điều này sẽ giúp PVOil có cơ hội mở rộng hơn thị trường phía Bắc cũng như tiết kiệm chi phí vận chuyển trong những năm tới.
Theo kế hoạch, PV Oil sẽ nhập khoảng 50% từ Dung Quất và 50% từ Nghi Sơn trong những tháng cuối 2017. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng PVOil phải đẩy mạnh việc nhập từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn so với Dung Quất do theo thiết kế thì các sản phẩm của Nghi Sơn sẽ đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4 đối với toàn bộ xăng sản xuất và khoảng 40% sản lượng dầu diesel trong khi Dung Quất mới chỉ đáp ứng Euro 3 với xăng A95 và Euro 2 với xăng A92 và dầu DO.
Mặc dù toàn bộ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, nhưng ảnh hưởng đối với PV Oil sẽ lớn hơn nếu tỷ trọng nhập khẩu từ Nghi Sơn cao khiến biên lợi nhuận tác động tiêu cực nhiều hơn.
Vẫn còn dư địa tăng trưởng cho PVOil
Hiện nay, thị phần của PLX dao động từ 48-50%, trong khi luật cạnh tranh cấm hoạt động M&A nếu thị phần doanh nghiệp sau sáp nhập trên 50%. Trong khi đó, thị phần PVOil hiện chỉ khoảng hơn 19%. Do đó, Công ty có thể tiếp tục chiến lược trong suốt 9 năm là M&A doanh nghiệp cùng ngành để giành thị trường.
BVSC ước tính, đến năm 2021, thị phần PLX sẽ ở mức 48,8% và PVOil là 22,8%.
Năm 2017, HSC dự báo doanh thu của PV Oil đạt 48 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 22%) và lợi nhuận trước thuế đạt 650 tỷ đồng (tăng trưởng 3,6%).
Tổng hợp, BVSC, HSC
One thought on “So sánh PVOil với PLX: Giá hợp lý nào cho IPO PVOil ?”