Giá thị trường(30/03/2022): 47,000 đ/cp
Giá mục tiêu: 59,900 đ/cp
Lợi nhuận kì vọng: 27,4%
Kết Quả Kinh Doanh
Trong Q4/2021, VIB đạt tổng thu nhập hoạt động (TOI) 4,502 tỷ đồng (+33.6% YoY), trong đó thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi lần lượt đạt 3,400 tỷ đồng (+32.7% YoY) và 1,102 tỷ đồng (+36.4% YoY). Chi phí hoạt động trong Q4/2021 giảm -12.0% YoY, giúp tỷ lệ CIR trong Q4/2021 đạt mức thấp kỷ lục 25.5%. Luỹ kế cho cả năm 2021, TOI đạt 14,890 tỷ đồng (+32.8% YoY); thu nhập từ lãi và thu nhập ngoài lãi đạt lần lượt 11,816 tỷ đồng (+39.1% YoY) và 3,074 tỷ đồng (+13.1% YoY). Chi phí hoạt động tăng +18.3% YoY, thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng TOI đưa mức CIR (tỷ lệ chi phí hoạt động/ tổng thu nhập hoạt động) đạt 35.5%, thấp hơn 430 bps so với năm 2020.
Tăng trưởng tín dụng đạt 19.1%, tuy thấp hơn đáng kể so với mức 29.5% trong năm 2020. Điều này là do các mảng cho vay của VIB tập trung vào phân khúc bán lẻ, nhóm khách hàng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi giãn cách trong Q3, khiến tăng trưởng tín dụng bị chậm lại. Tuy nhiên, đây cũng là lợi thế của VIB khi nền kinh tế mở cửa trở lại, tốc độ phục hồi của nhóm khách hàng này cũng sẽ nhanh hơn, điển hình trong Q4 khi tăng trưởng tín dụng đạt hơn 7.3%, cao gấp 3 lần so với quý trước đó.
NIM trong năm 2021 đạt 4.7%, tăng 50 bps so với năm 2020. Mặc dù lãi suất cho vay trung bình trong năm suy giảm nhẹ do chính sách giảm lãi chủ động hỗ trợ khách hàng, việc NHNN duy trì môi trường lãi suất thấp đã giúp chi phí vốn của VIB giảm mạnh từ mức 4.6% xuống còn 3.6%, từ đó giúp NIM gia tăng mạnh.
Chất lượng tài sản có sự suy giảm so với năm 2020 khi tỷ lệ nợ xấu (NPL) hợp nhất đạt 2.32%, tăng đáng kể so với mức 1.74% của năm trước đó. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng gia tăng lên mức 2.62% so với 1.49% của năm 2020. Điều này là do tỷ lệ cho vay bán lẻ của ngân hàng khá lớn, khiến chất lượng tài sản bị suy giảm trong thời gian đại dịch. Tuy nhiên, xét tổng tỷ lệ cho vay dưới chuẩn đã có sự cải thiện đáng kể so với Q3/2021. Tỷ lệ này tại thời điểm cuối năm 2021 đạt 4.94%, thấp hơn 52 bps so với mức 5.46% trong Q3/2021. Điều này thể hiện ngân hàng đã có những biện pháp hiệu quả nhằm đưa các khoản nợ tái cơ cấu trở thành các khoản nợ tiêu chuẩn, do đó sẽ giảm được áp lực trích lập dự phòng cho những năm sau.
Bên cạnh chất lượng danh mục cho vay, chỉ lệ bao nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2021 cũng có sự suy giảm so với năm 2020 khi chỉ đạt 51.4% so với mức 59.1% của năm trước. Tuy vậy, ngân hàng cũng đã chủ động trích lập dự phòng rất cao trong năm 2021 khi đạt 1,598 tỷ đồng (+68.6% YoY), điều này sẽ giúp ngân hàng có nhiều dư địa xử lý các khoản nợ tái cơ cấu cũng như nợ xấu nếu phát sinh, từ đó cải thiện chất lượng tài sản trong những năm sau.
Tăng trưởng tín dụng cao với động lực chính từ mảng cho vay bán lẻ
Tỷ lệ cho vay bán lẻ của VIB gia tăng từ mức hơn 45% trong năm 2016 lên hơn 87% vào cuối năm 2021 với tốc độ tăng trưởng CAGR hơn 32%. Trong đó cho vay BĐS và cho vay mua ô tô là 2 mảng chính chiếm hơn 76.5% tổng danh mục cho vay bán lẻ của VIB. Mức tỷ trọng cho vay bán lẻ cao giúp cho VIB có thể dễ dàng triển khai các giải pháp chuyển đổi số cũng như gia tăng quy mô tệp khách hàng.
Lợi nhuận từ mảng cho vay bán lẻ đóng góp 62.8% tổng LNTT hợp nhất của VIB trong năm 2021 và đóng góp trung bình hơn 60% kể từ năm 2018. VIB cũng là ngân hàng có được mức tăng trưởng mảng cho vay bán lẻ cao nhất thị trường.
Trong cơ cấu cho vay bán lẻ, cho vay BĐS và cho vay xe ô tô là 2 mảng kinh doanh lớn nhất với tỷ trọng hơn 73%. Đặc biệt, VIB cũng đứng đầu về thị phần cho vay xe ô tô trên thị trường với thị phần hơn 20%. Trong mảng cho vay BĐS, cho vay mua nhà và cho vay sửa nhà chiếm phần lớn với tỷ trọng trung bình hơn 99%, trong khi các khoản cho vay dự án lại chiếm tỷ trọng khá nhỏ. Chúng tôi đánh giá đây là một lợi thế của VIB khi mà thị trường BĐS hiện tại đang bị siết chặt bởi các quy định của NHNN về cho vay cũng như phát hành trái phiếu cho các dự án BĐS, khiến cho các DN có tỷ trọng cho vay dự án ít như VIB không bị ảnh hưởng nhiều và có lợi thế trong việc cạnh tranh với những ngân hàng cho vay dự án khác.
Trong năm 2021, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt 19.1%, sử dụng toàn bộ hạn mức tín dụng được cấp trong năm nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các mảng cho vay trong Q4/2021 khi nền kinh tế mở cửa. Trong năm 2022, VIB kế hoạch tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 30% đạt hơn 265 ngàn tỷ đồng, trong đó mảng cho vay bán lẻ tiếp tục dẫn dắt và kỳ vọng sẽ đạt khoảng 90% tổng danh mục cho vay trong năm 2022.
NIM được kỳ vọng duy trì trong năm 2022
Mặc dù tăng trưởng tín dụng có phần chậm lại so với năm 2020 cùng với việc ngân hàng cần chủ động giảm lãi nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, NIM của ngân hàng vẫn tăng nhẹ 20 bps so với năm 2020 khi đạt 4.7% trong năm 2021. Điều này đạt được đến từ sự tăng trưởng CASA mạnh mẽ của ngân hàng trong quý cuối năm 2021 cũng như môi trường lãi suất thấp giúp cho chi phí vốn của ngân hàng giảm mạnh từ mức 4.3% của năm 2020 xuống còn 3.4% của năm 2021.
Một trong những chiến lược chủ đạo của ngân hàng trong những năm tới là gia tăng tỷ lệ CASA của mình khi mà tỷ lệ này của VIB còn khá thấp so với các ngân hàng trong cùng phân khúc. Đặc biệt, khi mà nhóm KHDN vốn không phải là thế mạnh của VIB khiến cho ngân hàng chưa có được thị phần CASA lớn thông qua các hoạt động chuyển lương, thưởng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng với thế mạnh về mảng kinh doanh thẻ sở hữu liên kết với nhiều đối tác lớn, sẽ thu hút được các nhóm khách hàng cá nhân sử dụng các sản phẩm thẻ của ngân hàng, từ đó lấy được thị phần CASA vốn còn rất nhiều dư địa và tăng trưởng nhanh. Ngoài ra, những hiệu quả chuyển đổi số giúp gia tăng trải nghiệm người dùng cũng như tăng cường bán chéo các sản phẩm cũng sẽ giúp VIB gia tăng tỷ trọng CASA trong cơ cấu huy động của mình.
Thu nhập ngoài lãi tiếp tục tăng trưởng cao nhờ phí bảo hiểm và phí giao dịch
Trong cơ cấu thu nhập ngoài lãi, thu nhập từ hoạt động dịch vụ trung bình chiếm hơn 90% tổng thu nhập ngoài lãi. Trong đó, đóng góp đáng kể nhất đến từ các khoản thu phí thanh toán và phí dịch vụ bảo hiểm (bancasurance), chiếm hơn 70% tổng thu nhập từ dịch vụ.
Tỷ lệ nguồn khách hàng đến từ kênh số hoá có sự tăng trưởng vượt bậc và chiếm 90% nguồn khách hàng hiện tại của VIB. Điều này giúp số lượng thẻ lưu hành của ngân hàng có sự gia tăng mạnh mẽ từ mức 259 ngàn thẻ vào cuối năm 2020 lên hơn 417 ngàn thẻ tại cuối năm 2021, tăng 61%. Bên cạnh đó, mức chi tiêu trên mỗi thẻ cũng gia tăng từ mức 19.1 triệu đồng/thẻ tại cuối năm 2020 lên hơn 23.6 triệu đồng/thẻ tại cuối năm 2021. Đây là nguồn thu phí dồi dào cho VIB bổ sung vào nguồn thu nhập ngoài lãi của ngân hàng.
Về mảng bancasurance, hiện tại VIB đang là ngân hàng có APE lũy kế và mức doanh thu/chi nhanh cao nhất thị trường. Điều này giúp VIB có được 12% thị phần banca toàn thị trường tại cuối Q3/2021. Các hoạt động bán chéo được tăng cường cùng với hoạt động cho vay bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ sẽ giúp hoạt động bancassurance của ngân hàng tiếp tục giữ được vị thế số 1, đóng góp đáng kể vào khoản thu ngoài lãi của VIB.
Chất lượng tài sản kỳ vọng cải thiện nhờ tăng cường trích lập dự phòng trong năm 2021
Việc mở cửa trở lại nền kinh tế trong quý cuối năm 2021 giúp các mảng cho vay chủ lực của VIB có được mức tăng trưởng cao khi mà tăng trưởng tín dụng trong Q4 cao hơn mức tăng trưởng của tổng 2 quý trước đó. Điều này giúp VIB có nhiều dư địa để gia tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu gia tăng mạnh. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (DPRRTD) trong Q4 đat hơn 683 tỷ đồng, chiếm 42.9% tổng chi phí DPRRTD trong cả năm 2021, đẩy tỷ lệ trích lập/TOI trong quý lên 15.2%, cao hơn mức trung bình chỉ 8.8% trong 4 quý trước đó.
Hệ số an toàn vốn (CAR) của VIB liên tục được cải thiện trong những năm gần đây, tăng từ mức 9.4% trong Q1/2020 lên hơn 11.7% tại cuối Q4/2021 (theo BASEL II, mức tối thiểu là 8%). Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, ngân hàng cũng đặt ra kế hoạch sẽ đạt được các trụ cột của tiêu chuẩn BASEL III, từ đó có thể có nhiều lựa chọn hơn trong việc lựa chọn các nguồn huy động giá rẻ cũng như có được hạn mức tăng trưởng cao hơn từ NHNN.
Dự phóng KQKD năm 2021 và 2022
Chúng tôi dự phóng TOI của của VIB trong năm 2022 đạt 18,313 tỷ đồng (+23.0% YoY), LNTT đạt 10,440 tỷ đồng (+30.3% YoY), chi phí DPRRTD đạt 1,921 tỷ đồng (+20.2% YoY). Thu nhập từ lãi chiếm 79% TOI. Chi phí hoạt động đạt 5,951 tỷ đồng (+12.7% YoY), tỷ lệ CIR đạt mức 32.5%.
Điều này giúp ROE và ROA lần lượt đạt mức 29.5% và 2.43% trong năm 2021.
Định Giá
Chúng tôi định giá cổ phiếu VIB với mức giá mục tiêu 59,900 VND/cp dựa theo 2 Phương pháp Giá trị thặng dư và so sánh P/B. Đối với Phương pháp giá trị thặng dư, chúng tôi sử dụng một số giả định chính như sau:
- Chi phí vốn cổ phần ở mức 15.2% nhằm phản ánh những rủi ro của thị trường khi mức
chỉ số đang ở mức cao lịch sử. - Mức tăng trưởng g=2%
Đối với Phương pháp so sánh P/B chúng tôi sử dụng mức P/B cho VIB là 2.43x, với mức premium 20% so với mức bình quân của ngành ngân hàng hiện tại là 2.0x vì VIB luôn được định giá cao hơn so với mức bình quân của ngành nhờ có thể duy trì được ROE dẫn đầu.
Rủi ro đầu tư
Chúng tôi cho rằng, giá hàng hoá toàn cầu vẫn sẽ duy trì ở mức cao do các lệnh trừng phạt của Phương Tây đôi với Nga khiến giá dầu vẫn chưa thể quay về mức giá cũ. Do đó, áp lực lạm phát lên nền kinh tế toàn cầu là rất rõ ràng, từ đó gây áp lực lên lãi suất của toàn thị trường. Đây là rủi ro hệ thống có thể ảnh hưởng trực tiếp tới NIM của các ngân hàng trong nước, đặc biệt nếu mục tiêu tăng trưởng tín dụng không đạt được như kỳ vọng. Ngoài ra, các ngân hàng có tỷ trọng CASA trong cơ cấu huy động chưa cao như VIB sẽ khó duy trì chi phí vốn thấp.
Nguồn: MBS
Các nguồn định giá tham khảo khác:
Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0
VIB chart. Nguồn: Admin
Link tham room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638