VPB: Cập nhật ước tính LN – Điều chỉnh giảm LNTT so với kế hoạch ban đầu năm 2018 do chính sách của NHNN và sự thận trọng của ban lãnh đạo

SSI Research – Dựa trên kế hoạch tỷ lệ nợ xấu mục tiêu của ngân hàng, chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo trong năm 2018 và 2019 với lợi nhuận trước thuế tăng 13,6% YoY lên 9.238 tỷ đồng trong năm 2018 và 10% YoY lên 10.163 tỷ đồng trong năm 2019. BVPS sẽ tăng lần lượt lên 14.247 đồng và 17.572 đồng trong năm 2018 và 2019. Ở mức giá hiện tại là 22.500 đồng/ cổ phiếu, cổ phiếu đang được giao dịch ở mức PB 2018 và 2019 lần lượt là 1,58x và 1,28x, thấp hơn so với bình quân các ngân hàng cùng hệ thống là 1,72x và 1,44x.

>> VPB: Tài chính tiêu dùng lấn át mảng ngân hàng – Ngân hàng có hệ số NIM cao nhất Việt Nam (hệ số thu nhập lãi thuần)

>> [Daily Stock Calls 09/11/2018] VPB: 9T2018 tăng trưởng chậm hơn ước tính, xem xét đầu tư khi chi phí dự phòng và tỷ lệ nợ xấu giảm

VPB gần đây đã tổ chức cuộc họp nhà đầu tư để cập nhật kết quả kinh doanh 9T2018. Tuy nhiên, hầu hết thông tin đã được cung cấp trong báo cáo trước của chúng tôi tại đây. Dưới đây là những thông tin chính từ sự kiện:
1. Điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận năm 2018: VPB ước tính tổng dư nợ cho vay năm 2018 ở mức 224,3 nghìn tỷ đồng, (+14% YoY) và lợi nhuận trước thuế là 9.234 tỷ đồng, (+13,6% YoY). Cụ thể, tổng dư nợ cho vay và lợi nhuận trước thuế ở công ty mẹ dự báo đạt tương ứng 175 nghìn tỷ đổng, (+15% YoY) và 5,1 nghìn tỷ đồng (+29,4% YoY). Trong khi đó, tại FE Credit, tổng dư nợ cho vay và lợi nhuận trước thuế dự báo ở mức 49,3 nghìn tỷ đồng (+10% YoY) và 4,13 nghìn tỷ đồng, (-1,6% YoY). Ước tính dựa trên giả định rằng tỷ lệ nợ xấu có thể giảm xuống dưới 3% đối với ngân hàng mẹ và dưới 6,3% đối với FE Credit theo chuẩn mực kế toán VAS (giảm từ mức thực tế là 6,36% trong quý 3/2018 và dự báo 6,6% trước khi kết toán cuối năm 2018). Tỷ lệ Nợ xấu tại FE Credit hiện tại là 5,7% theo IFRS. Kế hoạch cho lợi nhuận trước thuế năm 2018 điều chỉnh giảm do (1) tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với kế hoạch ban đầu, là 21% YoY đối với ngân hàng mẹ và hơn 20% đối với FE Credit. Tăng trưởng tín dụng thực tế bị chậm lại do chính sách của Ngân hàng Nhà nước và chính sách điều chỉnh của ban lãnh đạo. (2) VPB đã không thu được 1 nghìn tỷ đồng từ các hoạt động huy động vốn trong tháng 9 như kế hoạch đề ra tại ĐHCĐ năm 2018. Theo Tổng giám đốc (CEO), do không có phần vốn chủ sở hữu này, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm 400-500 tỷ đồng do chi phí lãi vay phát sinh để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
2. Ban lãnh đạo VPB cho biết rằng tỷ lệ nợ xấu cao chủ yếu do hoạt động kinh doanh thẻ tín dụng và các khoản cho vay cá nhân tín chấp tại FE Credit. VPB cũng là ngân hàng đầu tiên tham gia phân khúc cho vay tín chấp cho doanh nghiệp SME, phục vụ các khách hàng vi mô. Phân khúc tài chính vi mô có rủi ro cao hơn so với phân khúc SME quy mô lớn truyền thống như các ngân hàng cùng hệ thống. Nếu không bao gồm các khoản cho vay tín chấp, vốn hiện chiếm 35% tổng cho vay trong quý 3/2018, tỷ lệ nợ xấu ở ngân hàng mẹ tương đối thấp, ở mức 1% đối với ngân hàng bán lẻ và dưới 1,5% đối với cho vay mua nhà.
3. Mặt khác, nếu Ngân hàng Nhà nước thông qua, tăng trưởng tín dụng có thể được nâng lên 17-18% YoY ở ngân hàng mẹ và nếu nhu cầu hồi phục tốt, tăng trưởng tín dụng có thể tăng lên 14-15% ở FE Credit vào cuối năm. Hoạt động thu hồi nợ và xử lý tài sản đảm bảo đang được đẩy nhanh và có thể mang lại thu nhập lớn trong quý 4.
4. VPBank đã nộp hồ sơ cho NHNN, xin cấp chứng nhận đáp ứng đầy đủ Thông tư 41/2016 (Basel II). Nếu điều này được thực hiện trong năm 2018, VPB có thể được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn cho năm nay và năm sau. Đồng thời, VPB là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS 9 với các quy định chặt chẽ hơn về phân loại nợ và trích lập dự phòng. Ban lãnh đạo VPB cho rằng việc áp dụng chuẩn mực IFRS 9 sẽ cung cấp cho nhà đầu tư thông tin minh bạch để đưa ra quyết định đầu tư tối ưu.
Quan điểm của chúng tôi
Trong báo cáo mới nhất của chúng tôi, chúng tôi dự báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPB trong năm 2018 sẽ tăng trưởng 8,8% YoY, đạt 8.776 tỷ đồng, thấp hơn 5% so với ước tính của ngân hàng là 9.234 tỷ đồng. Dự báo của chúng tôi dựa trên giả định rằng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm còn 3% ở ngân hàng mẹ và 5% ở FE Credit. Chúng tôi cho rằng kế hoạch của VPB là khả thi bởi vì tỷ lệ nợ xấu theo kế hoạch của ngân hàng cao hơn ở mức 3% và 6,3% tại ngân hàng mẹ và FE Credit.
VPB đang nộp đơn xin cấp thêm tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng mẹ từ mức hiện tại là 15% YoY. Chúng tôi cho rằng ngân hàng mẹ sẽ có hạn mức tín dụng mới lên lến 16,5% trong năm nay. Dựa trên kế hoạch tỷ lệ nợ xấu mục tiêu của ngân hàng, chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo trong năm 2018 và 2019 với lợi nhuận trước thuế tăng 13,6% YoY lên 9.238 tỷ đồng trong năm 2018 và 10% YoY lên 10.163 tỷ đồng trong năm 2019. BVPS sẽ tăng lần lượt lên 14.247 đồng và 17.572 đồng trong năm 2018 và 2019.
Ở mức giá hiện tại là 22.500 đồng/ cổ phiếu, cổ phiếu đang được giao dịch ở mức PB 2018 và 2019 lần lượt là 1,58x và 1,28x, thấp hơn so với bình quân các ngân hàng cùng hệ thống là 1,72x và 1,44x.

SSI Research


Các nguồn báo cáo tham khảo khác


VPB chart. Nguồn: Admin

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.