[Market Recap] Vietnam FM Monitor – Báo cáo Thị trường Tài chính Tiền tệ tháng 9/2018

Thị trường tiền tệ tạm bình ổn trong tháng 9

Chính sách tiền tệ với trọng tâm ổn định tỷ giá

Kiểm soát tăng trưởng tín dụng vì mục tiêu ổn định, bền vững

VNIndex quay lại ngưỡng 1000 điểm

Khối ngoại mua ròng trở lại

Dệt may thu hút dòng tiền

Cân nhắc tỷ lệ margin trên thị trường phái sinh

Nhà đầu tư quay trở lại thị trường trái phiếu

THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

Thị trường tiền tệ tạm bình ổn trong tháng 9

Trong tháng 9, kinh tế thế giới tiếp tục xoay quanh các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và đối tác. Mỹ và Hàn Quốc đã ký FTA song phương trong khi các quốc gia Bắc Mỹ cũng đạt được thỏa thuận cải tổ và thay thế NAFTA bằng Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) sau khi Canada và Mexico chịu nhượng bộ một số điều khoản

Căng thẳng quan hệ Mỹ – Trung leo thang khi Mỹ quyết định áp mức thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 24/9 và thuế suất sẽ nâng lên 25% từ đầu năm 2019. Mỹ cũng đe dọa sẽ đánh thuế lên 267 tỷ USD còn lại nếu Trung Quốc có hành động đáp trả. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn đáp trả bằng cách đánh thuế lên gói hàng hóa 60 tỷ USD từ Mỹ, với thuế suất từ 5-10%.

Thị trường tiền tệ thế giới không phản ứng mạnh với những diễn biến trên. Giá trị đồng USD duy trì khá ổn định trong tháng 9. Chỉ số USD Index sau khi chạm đỉnh 96.7 điểm trong tháng 8 đã giảm trở lại và dao động quanh vùng 94 – 95 điểm trong tháng 9. Sau khi chạm đáy ở mức 93.9 điểm vào ngày 20/9, USD Index mới bắt đầu tăng trở lại và đặc biệt bật tăng khá mạnh lên vượt ngưỡng 95.5 sau phiên họp tháng 9 của Fed diễn ra vào ngày 26/9.

Tại phiên họp này, Fed đã chính thức nâng lãi suất thêm 25bps lên mức 2%-2.25%. Đây là lần nâng lãi suất thứ 3 trong năm 2018 và cũng là lần thứ 8 kể từ tháng 12/2015. Fed cũng đưa ra thông điệp khá lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ. Với tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức thấp nhất trong gần 20 năm (3.9%), trong khi lạm phát ở mức mục tiêu 2%, Fed nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2018 lên 3.1% từ mức 2.8%, và lên 2.5% từ 2.4% cho năm 2019. Fed cũng liên tục đưa ra các thông điệp cho biết Fed sẽ kiên định với chính sách thắt chặt tiền tệ để đưa lãi suất về mức cân bằng. Xác suất nâng lãi suất lần thứ 4 vào tháng 12 càng được củng cố lên mức 78%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt ngưỡng 3% và duy trì khá vững ở ngưỡng này. Đây là mốc rất quan trọng mà nhà đầu tư quan sát để xác định xu hướng thị trường chứng khoán. Kể từ năm 2011, lợi suất trái phiếu 10 năm mới chạm ngưỡng 3% trong năm 2013 và 2014 rồi nhanh chóng quay đầu giảm cho tới gần đây. Tại ngày 4/10, lợi suất đã tăng mạnh lên ngưỡng 3.2% là mức cao nhất kể từ tháng 5/2011.

Tại Châu Âu, Anh và EU vẫn chưa tìm được lời giải cho vấn đề Brexit. Cùng với đó, vấn đề ngân sách của Italy đang làm nhà đầu tư lo ngại khi khi Chính phủ nước này đưa ra kế hoạch bội chi 2.4% GDP cho năm 2019, một con số quá cao và rủi ro và đi ngược với những thỏa thuận với EU. Phản ứng với thông tin này, tỷ giá EUR/USD đã giảm gần 2% xuống 1.15 trong tuần cuối tháng càng làm gia tăng sức mạnh đồng USD.

Đồng CNY của Trung Quốc giữ ổn định ở trên ngưỡng 6.8 trong cả tháng 9. Sau đợt mất giá mạnh từ tháng 5 – tháng 8, Ngân hàng TW Trung Quốc (PBOC) đã nỗ lực can thiệp để giữ tỷ giá bằng nhiều cách. Từ tháng 4, PBOC đã bắt đầu bán ra dự trữ ngoại hối với tổng giá trị 33.1 tỷ USD, đưa dự trữ về mức 3.109 tỷ USD. Từ đầu tháng 8, PBOC đã nâng mức dự trữ bắt buộc từ 0% lên 20% đối với các hợp đồng forward ngoại tệ. Công cụ này đã được áp dụng từ tháng 7/2016 tới tháng 9/2017 và mới được áp dụng trở lại nhằm siết chặt các giao dịch ngoại hối và bình ổn tỷ giá.

Tuy nhiên, tỷ giá CNY chỉ thực sự được kiểm soát sau khi PBOC áp dụng “yếu tố phản chu kỳ” (Counter Cyclical Factor) trong tính toán tỷ giá tham chiếu từ cuối tháng 8. Trong tháng 9, tỷ giá USD/CNY gần như đi ngang và chỉ tăng nhẹ 0.5%. Điều này có ảnh hưởng tích cực tới tỷ giá đồng VND bởi diễn biến tỷ giá VND có liên hệ mật thiết tới tỷ giá CNY.

Chính sách tiền tệ với trọng tâm ổn định tỷ giá

Nhờ sự ổn định trên thị trường thế giới, tỷ giá USD/VND trong nước dao động quanh ngưỡng 23.260/23.340 trong gần hết tháng 9. Tỷ giá bắt đầu tăng vào cuối tháng cùng những tín hiệu tăng của đồng USD và lợi suất TPKB Mỹ. Tỷ giá USD/VND kết thúc tháng 9 ở mức kỷ lục mới 23.310/23.390, tăng +50đ so với tháng 8. Trong khi đó, tỷ giá tự do giảm khá mạnh về 23.400 sau đó lại tăng trở lại ngang mức cuối tháng 8 là 23.470/23.500.

Biến động lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng khá nhạy với tỷ giá. Chênh lệch lãi suất VND-USD được kéo giãn đã giúp tỷ giá hạ nhiệt từ giữa tháng 7. Trong thời gian này, NHNN đã điều hành thị trường tiền tệ để duy trì lãi suất VND qua đêm ở mức 4%, trong khi lãi suất liên ngân hàng USD vẫn khá ổn định ở mức 2%. Chênh lệch 2% là mức khá an toàn để không gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, lãi suất VND giảm trở lại về sát 2% vào nửa cuối tháng 9, khiến chênh lệch lãi suất được thu hẹp, tỷ giá cũng có xu hướng tăng trở lại trong thời gian này.

Giao dịch thị trường mở tháng 9 khá ổn định và nhịp nhàng thể hiện quan điểm rất thận trọng của NHNN. Tổng khối lượng tín phiếu mà NHNN phát hành đạt 52.950 tỷ đồng, chủ yếu để bù lại khối lượng đáo hạn là 50.000 tỷ đồng, trong đó có một phần là lượng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày phát hành trong tháng 6. Tổng khối lượng OMO cho vay ra là 8.155 tỷ đồng, trong khi có 15.401 tỷ OMO đáo hạn. Như vậy NHNN đã hút ròng 10.196 tỷ đồng trong tháng 9. Thanh khoản dồi dào đã đưa lãi suất VND liên ngân hàng về khoảng 2.6%, cao hơn khoảng 60bps so với lãi suất USD.

Nhìn chung, diễn biến tỷ giá tháng 9 chịu tác động chủ yếu từ các yếu tố thị trường trong khi các cân đối vĩ mô vẫn cho những tín hiệu tích cực. Về hoạt động xuất nhập khẩu, xuất siêu bất ngờ tăng mạnh trong tháng 8 với giá trị 2.2 tỷ USD, ước tính tiếp tục duy trì ở mức 0.7 tỷ USD trong tháng 9, nâng thặng dư thương mại từ đầu năm lên 6 tỷ USD so với mức 324 triệu USD cùng kỳ năm 2017.

Trên thị trường chứng khoán, cả hai thị trường cổ phiếu và trái phiếu được khối ngoại mua ròng trở lại với tổng giá trị 1,1 nghìn tỷ đồng sau 3 tháng bán ròng liên tục. Dòng vốn ngoại đảo chiều tuy không lớn nhưng cũng phần nào tác động tích cực tới tâm lý thị trường.

Cán cân tổng thể tiếp tục thặng dư trong Quý II/2018 với giá trị 1.18 tỷ USD, trong đó cán cân vãng lai thặng dư 1.24 tỷ USD, cán cân tài chính thặng dư 2.29 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, cán cân tổng thể đạt mức thặng dư 8.45 tỷ USD là mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Kiểm soát tăng trưởng tín dụng vì mục tiêu ổn định, bền vững

Trong những năm gần đây, tín dụng tăng nhanh đã đẩy dư nợ tín dụng lên mức 7 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP so với mức 100% GDP vào cuối năm 2014. Chênh lệch giữa tín dụng và GDP (Credit-to-GDP ratio) đã liên tục tăng từ mức âm trong năm 2014 lên 30% trong năm 2018. Tỷ lệ tín dụng/GDP tăng nhanh là một chỉ báo rủi ro cần phải kiểm soát để không gây lạm phát như đã từng xảy ra trong năm 2008 và 2010.

CPI 9 tháng 2018 tăng 3.2% so với cuối năm 2017, mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Rủi ro lạm phát chi phí đẩy là đã rõ trong môi trường lãi suất và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng. Giá dầu thô đã tăng 60% chỉ trong 1 năm và tỷ giá diễn biến khó lường là những nhân tố bên ngoài rất khó kiểm soát nên chính sách ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát trong nước cần phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Tăng trưởng tín dụng vì vậy cần được kiểm soát chặt nhằm giảm bớt lượng sức ép thanh khoản, thu hẹp chênh lệch tín dụng/GDP và giữ lạm phát ở mức hợp lý.

Mặc dù không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% trong năm 2018, NHNN đã đưa ra những thông điệp hướng tới việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn, bằng cách ban hành Chỉ thị 04 với điều khoản không điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Định hướng này phù hợp với khuyến nghị của IMF rằng cần phải hạ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng xuống dưới 17% và hướng tới giảm xuống dưới 14% nhằm củng cố sự ổn định vĩ mô.

Theo ước tính của Tổng cục thống kê, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt 9.52%, khá thấp so với mức tăng 12.16% cùng kỳ năm 2017 và thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng hiện vào khoảng 14% yoy, mức thấp nhất kể từ năm 2015. Mức tăng trưởng hiện tại có thể coi là phù hợp với định hướng hạn chế nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế.

Một điểm tích cực là cơ cấu vốn vay đang có sự dịch chuyển. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm về 27.67% trong tháng 5/2018 so với mức 33.35% cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả của việc NHNN hạ tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40% từ đầu năm 2019, buộc các NHTM phải đẩy mạnh thu hút dòng vốn dài hạn nhằm tái cơ cấu nguồn vốn. Tháng 9 chứng kiến lãi suất huy động tăng ở kỳ hạn dài trên 12 tháng, trong khi các kỳ hạn ngắn vẫn khá ổn định. Tăng trưởng huy động đạt 9.15% trong 9 tháng đầu năm, thấp hơn so với mức 10.66% trong năm 2017.

THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH

VNIndex quay lại ngưỡng 1000 điểm

Nhiều yếu tố được cho là tiêu cực như kỳ cơ cấu danh mục ETF, FED nâng lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang đã không ngăn được đà tăng của VN Index trong tháng 9. Chỉ số điều chỉnh ở giai đoạn đầu tháng trước khi hồi phục và vượt mốc 1000 điểm trong phiên 20/09 – đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1, VN Index quay lại vùng giá này. VN Index đóng cửa ngày 28/09 tại mức 1017.13 điểm, tương ứng với mức tăng 27.59 điểm so với cuối tháng 8 và tính chung quý III, VN Index tăng 56.35 điểm (+5.87%).

Hai cổ phiếu có đóng góp lớn nhất cho đà tăng của VNIndex là GAS (PV GAS) và VNM (Vinamilk). GAS tăng +12.33% MoM, đóng góp 27.7 điểm tăng cho VN Index. Giá dầu thô tăng mạnh gia tăng kỳ vọng của giới đầu tư về GAS vì kết quả kinh doanh của GAS tỷ lệ thuận với biến động giá dầu thô. Giá dầu Brent tăng 1 USD thì LNTT của GAS có thể tăng 150 tỷ VND. VNM tăng +6.5% MoM, đóng góp 14.13 điểm tăng cho VN Index. Thị trường kỳ vọng vào biên lãi gộp 6 tháng cuối năm của VNM có thể cải thiện nhờ nguyên liệu đầu vào giảm giá.

Giá trị giao dịch trên sàn HOSE tháng 9 đạt 4,707 tỷ đồng, tăng lần lượt 7.9% và 12.9% so với tháng 8 và tháng 7. Mặc dù vậy, nếu tính chung quý III, thanh khoản sàn HOSE chỉ đạt 4,310 tỷ đồng, giảm 31.1% so với quý 2. VN Index điều chỉnh mạnh trong thời gian trước đó khiến nhiều nhà đầu tư trở nên thận trọng và hạn chế tham gia thị trường.

Tháng 9 kết thúc với thông tin FTSE Russell chính thức đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi bậc 2. Đây là một thông tin tích cực và thực tế trong 2 tháng qua những thông tin liên quan đến nâng hạng luôn được thị trường hào hứng đón nhận. Hiện tại thị trường Việt Nam đã đáp ứng toàn bộ 9 yêu cầu của FTSE Russell và cần ít nhất 1 năm xem xét để chính thức đưa vào nhóm thị trường mới nổi. Tuy vậy chặng đường phía trước sẽ không đơn giản và 1 năm có lẽ vẫn là khoảng thời gian quá ngắn cho Việt nam.

VN Index hồi phục kéo theo mức định giá của thị trường. Chốt phiên cuối tháng 9, P/E của VN Index đạt mức 18.3 lần, tăng 6.63% kể từ đầu quý III. Đây cũng là xu hướng chung của các chỉ số trong khu vực như Thái Lan và Malaysia. Đáng chú ý, P/E của thị trường Trung Quốc đang rơi về vùng thấp nhất trong năm 2018. Ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ khiến cho Shanghai Composite giảm hơn 20% kể từ mức đỉnh được thiết lập trong năm 2018.

Khối ngoại mua ròng trở lại

Tính riêng kênh khớp lệnh, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 294 tỷ đồng – đây là đợt mua ròng đầu tiên của nhóm này kể từ tháng 1/2018. HPG đứng đầu trong top mua ròng của khối ngoại, với giá trị 359.2 tỷ đồng. Tăng trưởng 6 tháng cuối năm của Hòa Phát dự kiến cao hơn so với nửa đầu năm nhờ vận hành trở lại lò cao thứ hai sau thời gian bảo trì và nhà máy cán Dung Quất bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2018.

Trong khi đó, NVL và MSN đứng đầu danh sách bán ròng, giao dịch chủ yếu được thực hiện thông qua phiên tái cơ cấu của ETF trong ngày 21/09. Giá trị bán ròng lần lượt là 264.7 tỷ đồng và 187.4 tỷ đồng.

Tính chung quý III, NĐTNN vẫn bán ròng trên HOSE với giá trị 3,2 nghìn tỷ đồng (tính theo cả 2 kênh khớp lệnh và thỏa thuận). Tinh từ đầu năm, nếu loại trừ giao dịch đột biến tại VHM trong quý II và VRE trong quý 1, khối ngoại bán ròng hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Nhóm Vingroup đứng đầu trong danh sách bán ròng quý III với VIC (-3,312 tỷ đồng) và VHM (-1,030 tỷ đồng) tuy nhiên giá cổ phiếu VIC và VHM đều không biến động đáng kể nếu so với thời điểm đầu quý.

Trong quý 3, nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh VCB, DXG với giá trị lần lượt là 598 tỷ đồng và 449 tỷ đồng. Giá trị mua ròng của NĐTNN tăng ở DXG sau khi giá cổ phiếu điều chỉnh sâu trong tháng 7. Thông tin điều tra về vụ chuyển nhượng đất công từ CTCP Kim Khí TP.HCM khiến cho một bộ phận nhà đầu tư khối nội lo ngại và bán mạnh cổ phiếu này.

Dệt may thu hút dòng tiền

Vốn hóa của nhóm ngành Dệt may này tăng thêm 21% chỉ riêng trong tháng 9. Ngành dệt may đang được hưởng lợi từ tăng trưởng số lượng đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu. Một ví dụ là TCM. Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu kỷ lục trong tháng 8 với giá trị 19.75 triệu USD, trong khi mức doanh thu bình quân hàng tháng của đơn vị này là 14-15 triệu. Nhờ vậy, TCM ghi nhận LNST 8 tháng ở mức 7.9 triệu USD, hoàn thành 98% kế hoạch năm.

Tăng trưởng đơn hàng của ngành dệt may được giải thích nhờ vào hai yếu tố. Thứ nhất là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Hoa Kỳ áp thuế suất 10% đối với nhiều sản phẩm dệt may từ Trung Quốc khiến nhiều khách hàng Hoa Kỳ có xu hướng chuyển sang sử dụng hàng may mặc của Việt Nam. Thứ hai là Việt Nam tham gia vào các FTAS như VKFTA (Việt Nam – Hàn Quốc) và sắp tới đây là CPTPP, EVFTA. Các hiệp định này sẽ giúp ngành dệt may được hưởng lợi lớn từ mức thuế suất thấp, khiến cho các sản phẩm dệt may cạnh tranh hơn nếu so sánh với các nhà sản xuất khác tại Trung Quốc. Ví dụ đối với sợi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, thuế suất đối với sản phẩm Việt Nam là 0% trong khi sản phẩm Trung Quốc là 8%.

Cân nhắc tỷ lệ margin trên thị trường phái sinh

Thanh khoản thị trường phái sinh tăng mạnh trong giai đoạn từ 09/04 đến 12/07 khi thị trường cơ sở điều chỉnh. Từ mức giao dịch bình quân 2,000 – 3,000 tỷ đồng vào đầu quý II, thị trường phái sinh chứng kiến những phiên giao dịch với thanh khoản vượt ngưỡng 10,000 tỷ đồng trong tháng 6 và tháng 7. Ở thời điểm bùng nổ của phái sinh, ngày 18/7, tỷ lệ đòn bẩy đối với các công cụ phái sinh được nâng từ mức 10% lên 13%, tương ứng với tỷ lệ ký quỹ thực tế tại các CTCK phải trên 16%.

Cùng với sự phục hồi của thị trường cơ sở, thanh khoản của thị trường phái sinh giảm mạnh. Từ mức bình quân 11,711 tỷ đồng trong tháng 7, giá trị giao dịch các hợp đồng phái sinh giảm về mức 7,547 tỷ đồng trong tháng 8 và 7,866 tỷ đồng trong tháng 9. Mức độ biến động biến động của thị trường cũng giảm rõ rệt.

Từ sau ngày 18/7, biên độ dao động trong phiên của chỉ số VN30 đã giảm mạnh xuống mức trung bình 11.4 điểm, so với mức 25.8 điểm trong giai đoạn thị trường phái sinh bùng nổ (từ 10/4 – 18/7) và 19.2 điểm trong giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh từ đầu năm tới phiên lập đỉnh 9/4. Tương tự, phân tích độ lệch chuẩn của biến động giá trong các giai đoạn trên cũng thể hiện cùng kết quả. Độ lệch chuẩn của biến động chỉ số VN30 đã giảm về mức 0.78% sau phiên ngày 18/7, so với mức 1.94% và 1.45% trong hai giai đoạn trước đó.

Diễn biến thị trường phái sinh đã có sự thay đổi rõ rệt nhờ sự đảo chiều xu hướng trên thị trường cơ sở kết hợp với động thái kịp thời của các cơ quan quản lý. Việc nâng tỷ lệ ký quỹ giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro trong bối cảnh thị trường cơ sở đang có diễn biến phức tạp với mức biến động trong phiên lớn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi VN Index đã ổn định hơn, việc giảm tỷ lệ ký quỹ cần được cân nhắc để việc đầu tư trên thị trường phái sinh có khả năng sinh lời tốt hơn, từ đó giúp phái sinh tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, thị trường phái sinh duy trì giá trị thanh khoản cao, tạo nền tảng thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài.

Nhà đầu tư quay trở lại thị trường trái phiếu

Thị trường trái phiếu không có nhiều diễn biến mới. Tổng khối lượng trái phiếu được KBNN phát hành trong tháng đạt 15.700 tỷ đồng, gần bằng tháng trước và chỉ tập trung vào hai kỳ hạn 10 và 15 năm với lãi suất trúng thầu tăng dần qua từng phiên. Các kỳ hạn ngắn không trúng thầu do lãi suất cung và cầu không gặp nhau, trong khi cầu trái phiếu dài hạn rất thấp trong môi trường lãi suất tăng.

Tính tới hết tháng 9, KBNN đã phát hành được 121.761 tỷ đồng trái phiếu, hoàn thành 61% kế hoạch năm, với kỳ hạn bình quân đạt 12.6 năm. Trong đó riêng hai kỳ hạn 10 và 15 chiếm 73.5% tổng giá trị phát hành và đã vượt kế hoạch phát hành năm, trong khi các kỳ hạn còn lại đều chưa đạt 40% kế hoạch.

Lợi suất trái phiếu thứ cấp đã chạm đỉnh trong tháng 9, ngừng tăng và chuyển xu hướng đi ngang sau một thời gian tăng khá mạnh. Diễn biến này đã kích thích nhà đầu tư tham gia trở lại vào thị trường, giúp thanh khoản cải thiện đang kể so với tháng 8 (trung bình 9.400 tỷ đồng/phiên, tăng +53% so với tháng 8). Đáng chú ý, khối ngoại cũng mua ròng trở lại với giá trị 624 tỷ đồng sau 3 tháng bán ròng liên tiếp.

SSI Research

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.