[Weekly Report 15.02] Thông tin Vĩ Mô – Tổng hợp khuyến nghị DHG VSC QNS STB

VĨ MÔ

FDI tiếp tục tăng trong tháng đầu tiên của năm 2017

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến ngày 20/01/2017 cả nước có 175 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 1,244 tỷ USD (+23% yoy). Và có 76 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 179,1 triệu USD, bằng 55,4% yoy. Bên cạnh đó, Bộ cũng mới công bố thêm số liệu NĐTNN góp vốn hoặc mua của cổ phần. Theo đó, trong tháng 01 vừa qua, NĐTNN đã có 194 lượt góp và mua cổ phẩn với tổng giá trị đạt 165 triệu USD. Tính chung trong tháng 01 năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 1,58 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Tương tự năm 2016, Singapore đứng thứ nhất về tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam trong tháng 1, với khoảng 477,8 triệu USD, chiếm 30,1% tổng vốn đầu tư (295,47 triệu USD, chiếm 22,1% của năm 2015). Hàn Quốc và Trung Quốc ở vị trí thứ hai và ba ( Malaysia và Trung Quốc ở cùng kỳ 2016) với VĐT đăng ký là 471,2 triệu USD (~ 29,7% tổng VĐT) và 338,3 triệu USD, chiếm 21,3% tổng VĐT.

Trong 16 ngành lĩnh vực, ngành nghề được NĐTNN quan tâm, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 1,04 tỷ USD, chiếm đến 65,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tháng 01. Đặc biệt có một số dự án lớn được cấp phép đăng ký trong lĩnh vực này:

  • Dự án KCN Việt Nam – Singapore III, tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD do Singapore đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
  • Dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD do Kolon Industries Inc đầu tư tại Bình Dương.
  • Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và nhà máy nhựa Khải Hồng Việt, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD do Công ty Wenzhou Hendy Mechanism and Plastics Co., Ltd (Trung Quốc) đầu tư tại Bắc Giang.
  • Dự án Công ty cổ phần Tetra Pak Bình Dương, tổng vốn đầu tư 124 triệu USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm dạng lỏng

Nhiều dự án trên, Bình Dương là tỉnh thu hút vốn FDI nhất trong tháng 1, tổng số vốn đăng ký là 696,3 triệu USD, chiếm 43,8% tổng vốn đầu tư. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 201,2 triệu USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư. Bắc Giang đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký là 159,4 triệu USD chiếm 10% tổng vốn đầu tư.

Nhiều đề xuất để tái cơ cấu hệ thống các TCTD trong giai đoạn 2016-2020

Một trong những nỗ lực để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc hệ thống, NHNN gần đây đã công bố dự thảo đầu tiên của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Trong đó, các biện pháp để tái cấu trúc hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu có những đề xuất như sau:

  1. Với các TCTD yếu kém:
  • NHNN đề nghị sửa đổi khung pháp lý hiện tại để có thể nhanh chóng cơ cấu lại các Ngân hàng yếu kém, gồm (i) các TCTD yếu kém có thể vay tái cấp vốn hoặc các khoản vay đặc biệt từ NHNN (hiện tại chỉ có các TCTD có khả năng vỡ nợ mới được vay tái cấp vốn trong ngắn hạn từ phía NHNN), (ii) có cơ chế hoạt động riêng cho các ngân hàng yếu kém, (iii) phương án hỗ trợ từ các Ngân hàng hỗ trợ. NHNN chỉ ra hiện tại vẫn chưa có cơ chế khuyến khích các ngân hàng tham gia hỗ trợ tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém.
  • NHNN có thể cho phá sản đối với các ngân hàng yếu kém nhưng sẽ cố gắng đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
  1. Về vấn đề xử lý nợ xấu
  • VAMC hoặc các TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo thoả thuận hai bên giữa người cho vay và người đi vay
  • NHNN đề xuất VAMC có thể nhận thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Thực tế hiện nay, theo Luật Đất Đai 2013, đối tượng được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, chỉ có thể là các TCTD.
  1. Về vấn đề quản trị ngân hàng và nguồn vốn có thể mua cổ phần trong các tổ chức tín dụng
  • NHNN đề xuất nâng cao tiêu chuẩn đối với các vị trí chủ chốt của ngân hàng như các vị trí Chủ tịch, thành viên HĐQT…
  • NHNN đề xuất cấm ngân hàng cho tổ chức, cá nhân vay để mua cổ phần ngân hàng…

Tổng hợp khuyến nghị trong tuần

DHG: Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2016.

Năm 2017, chúng tôi dự báo doanh thu thuần có thể tăng 13,0% YoY, đạt 4.275 tỷ đồng, dựa trên giả định rằng trong năm 2017, doanh thu hàng khuyến mãi sẽ tương đương mức của năm 2016. Chúng tôi dự báo tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu có thể sẽ tiếp tục tăng lên mức 25,5% vào năm 2017 (năm 2015: 24,9%). Tuy nhiên, thuế TNDN có thể sẽ giảm xuống mức 4,5% trong năm 2017 (so với 5,8% trong năm 2016) vì nhà máy betaclactam sẽ hoạt động trong cả năm 2017 so với chỉ một quý trong năm 2016. Như vậy, lợi nhuận ròng có thể đạt 800 tỷ đồng, tăng 12,3% YoY.

Không tính quỹ khen thưởng và phúc lợi 10%, EPS có thể đạt 8.265 đồng trong năm 2017 và 9.123 đồng trong năm 2018. DHG đang được giao dịch ở mức PE 2017 là 13,7x và PE 2018 là 12,4x. Giá cổ phiếu DHG đã tăng ~15% trong tháng trước do thông tin trên thị trường về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành cổ phiếu thưởng. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu ở mức giá mục tiêu 1 năm là 125.100 đồng / cổ phiếu (PE mục tiêu là 15x).

VSC: Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2016

Cụ thể trong năm 2016, doanh thu hợp nhất đạt 1.082 tỷ đồng, +16,7% YoY, sát với mức ước tính của chúng tôi là 1.075 tỷ đồng. Khai thác cảng biển vẫn là mảng tiếp tục đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận, (~60% doanh thu và ~80% lợi nhuận).

Ban lãnh đạo cũng cho biết các con số kế hoạch trong năm 2017 sẽ trình ĐHCĐ thường niên, theo đó, doanh thu sẽ tăng 10% YoY, lên 1.155 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 5% YoY, lên 326 tỷ đồng.

Tại mức giá thị trường hiện tại 61.200 đồng/cp, VSC đang giao dịch tại PE 2017 là 9,1x, tương đối rẻ đối với một cổ phiếu cảng biển với quản lý hiệu quả và tiềm năng phát triển cao. PE của các công ty cùng ngành khoảng 10x. Chúng tôi nhắc lại khuyến nghị MUA với VSC, với giá mục tiêu 1 năm là 71.400 đồng/cp.

Chi tiết tại đây

QNS: Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2016- Vượt kỳ vọng

QNS công bố doanh thu thuần đạt 6.971 tỷ đồng (-10,5% YoY) và 1.408 tỷ đồng lợi nhuận ròng (+14,5% YoY) trong năm 2016. Mặc dù lợi nhuận 9T2016 thấp (-8,7% YoY), chúng tôi dự báo lợi nhuận ròng của QNS đạt tăng trưởng nhẹ. Kết quả kinh doanh thực tế lại vượt kỳ vọng của chúng tôi do (1) tỷ suất lợi nhuận gộp cao và (2) chi phí quản lý giảm do hoàn nhập chi phí quỹ phát triển khoa học công nghệ.

Ở mức giá 110.500 đồng/cp, QNS đang giao dịch tại PE 2017 là 13,3x (dựa trên ước tính hiện tại) mức hấp dẫn đối với một thương hiệu hàng tiêu dùng nổi tiếng. Chúng tôi sẽ đưa báo cáo chi tiết và cập nhật ước tính sau khi báo cáo tài chính sau kiểm toán được công bố.

STB: Kết quả kinh doanh năm 2016

KQKD và chất lượng tài sản của STB trong năm 2016 vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc mua lại ngân hàng Phương Nam. Lợi nhuận trước thuế của STB giảm 63,8% YoY xuống còn 532 tỷ đồng trong  năm 2016 do thu nhập lãi ròng giảm (-22,6% YoY) và áp lực chi phí hoạt động kinh doanh tăng (+19,7% YoY, hệ số CIR là 82,5%). Hệ số NIM của ngân hàng tiếp tục đà giảm từ năm 2012, và giảm xuống chỉ còn 2,3% trong năm 2016 so với con số 3,5% trong năm trước với nguyên nhân chủ yếu do tài sản xấu gia tăng (tỷ lệ nợ xấu là 5,4% và lãi suất và phí phải thu chiếm 8% trên tổng tài sản,…).

STB chưa công bố BCTC được kiểm toán năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016; do đó, chúng tôi không thể đánh giá mức độ thực sự của các khoản nợ xấu cũng như các vấn đề khác. Tuy nhiên, tài sản xấu cao, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp (hệ số CAR chưa hợp nhất là 9,61% vào cuối năm 2016), và gánh nặng chi phí hoạt động sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng của STB trong tương lai. Giá cổ phiếu đã hồi phục khoảng 38% sau khi chạm mức thấp nhất 1 năm là 7.400 đồng/cp, và đang được giao dịch tại PB 2017 là 0,8x hoặc thấp hơn khoảng 33% so với mức trung bình của các ngân hàng niêm yết khác là 1,2x.

SSI Research

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.