Chỉ số tài chính cơ bản về định giá cổ phiếu của một doanh nghiệp EPS, P/E, P/B, ROA, ROE, Beta, Cổ tức

  • EPS – Earnings Per Share – Lãi Cơ Bản Trên 1 Cổ Phiếu

    EPS và P/E có ý nghĩa thế nào trong đầu tư?

    EPS (Earning Per Share) là lợi nhuận (thu nhập) trên mỗi cổ phiếu.

    Đây là phần lợi nhuận mà công ty phân bổ cho mỗi cổ phần thông thường đang được lưu hành trên thị trường. EPS được sử dụng như một chỉ số thể hiện khả năng kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp, được tính bởi công thức:

    EPS = (Thu nhập ròng – cổ tức cổ phiếu ưu đãi) / lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành

    Trong việc tính toán EPS, sẽ chính xác hơn nếu sử dụng lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ để tính toán vì lượng cổ phiếu thường xuyên thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên trên thực tế người ta thường hay đơn giản hoá việc tính toán bằng cách sử dụng số cổ phiếu đang lưu hành vào thời điểm cuối kỳ. Có thể làm giảm EPS dựa trên công thức cũ bằng cách tính thêm cả các cổ phiếu chuyển đổi, các bảo chứng (warrant) vào lượng cổ phiếu đang lưu thông.

    EPS thường được coi là biến số quan trọng duy nhất trong việc tính toán giá cổ phiếu. Đây cũng chính là bộ phận chủ yếu cấu thành nên tỉ lệ P/E. Một khía cạnh rất quan trọng của EPS thường hay bị bỏ qua là lượng vốn cần thiết để tạo ra thu nhập ròng (net income) trong công thức tính trên.

    Hai doanh nghiệp có thể có cùng tỷ lệ EPS nhưng một trong hai có thể có ít cổ phần hơn tức là doanh nghiệp này sử dụng vốn hiệu quả hơn. Nếu như các yếu tố khác là cân bằng thì rõ ràng doanh nghiệp này tốt hơn doanh nghiệp còn lại. Vì doanh nghiệp có thể lợi dụng các kỹ thuật tính toán để đưa ra con số EPS hấp dẫn nên các nhà đầu tư cũng cần hiểu rõ cách tính của từng doanh nghiệp để đảm bảo “chất lượng” của tỉ lệ này. Tốt hơn hết là không nên dựa vào một thước đo tài chính duy nhất mà nên kết hợp với các bản phân tích tài chính và các chỉ số khác.

  • PE – PRICE/EPS – THỊ GIÁ/ EPS

    Hệ số giá trên thu nhập (P/E) là một trong những chỉ số phân tích quan trọng trong quyết định đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư. Thu nhập từ cổ phiếu sẽ có ảnh hưởng quyết định đến giá thị trường của cổ phiếu đó. Hệ số P/E đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường (Market Price – P) và thu nhập của mỗi cổ phiếu (Earning Per Share – EPS) và được tính như sau: P/E = P/EPS

    Trong đó giá thị trường P của cổ phiếu là giá mà tại đó cổ phiếu đang được mua bán ở thời điểm hiện tại; thu nhập của mỗi cổ phiếu EPS là phần lợi nhuận ròng sau thuế mà công ty chia cho các cổ đông thường trong năm tài chính gần nhất.

    P/E cho thấy giá cổ phiếu hiện tại cao hơn thu nhập từ cổ phiếu đó bao nhiêu lần, hay nhà đầu tư phải trả giá cho một đồng thu nhập bao nhiêu. P/E được tính cho từng cổ phiếu một và tính trung bình cho tất cả các cổ phiếu và hệ số này thường được công bố trên báo chí.

    Nếu hệ số P/E cao thì điều đó có nghĩa là người đầu tư dự kiến tốc độ tăng cổ tức cao trong tương lai; cổ phiếu có rủi ro thấp nên người đầu tư thoả mãn với tỷ suất vốn hoá thị trường thấp; dự đoán công ty có tốc độ tăng trưởng trung bình và sẽ trả cổ tức cao.

    Hệ số P/E rất có ích cho việc định giá cổ phiếu. Giả sử người đầu tư có cổ phiếu AAA không được giao dịch sôi động trên thị trường, vậy cổ phiếu đó có giá bao nhiêu là hợp lý? Lúc đó cần nhìn vào hệ số P/E được công bố đối với nhóm các loại cổ phiếu tương tự với cổ phiếu AAA, sau đó nhân thu nhập của công ty với hệ số P/E sẽ cho chúng ta giá của loại cổ phiếu AAA.

  • P/B – PRICE/BOOKVALUE – GIÁ HIỆN TẠI/GIÁ SỔ SÁCH

    Chỉ số P/B (Price-to-Book ratio – Giá/Giá trị sổ sách) là tỷ lệ được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu so với giá trị ghi sổ của cổ phiếu đó. Tỷ lệ này được tính toán bằng cách lấy giá đóng cửa hiện tại của cổ phiếu chia cho giá trị ghi sổ tại quý gần nhất của cổ phiếu đó.

    Công thức tính như sau:

    P/B = Giá cổ phiếu / (Tổng giá trị tài sản – giá trị tài sản vô hình – nợ)

    Ví dụ: Giả sử một công ty có giá trị tài sản ghi nhận trên bảng cân đối kế toán là 200 tỷ VND, tổng nợ 150 tỷ VND, như vậy giá trị ghi sổ của công ty là 50 tỷ . Hiện tại công ty có 2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, như vậy giá trị ghi sổ của mỗi cổ phiếu là 25.000 VND. Nếu giá thị trường của cổ phiếu đang là 75.000 VND, thì P/B của cổ phiếu được tính như sau: P/B = 75.000/25.000 = 3

    Đối với các nhà đầu tư, P/B là công cụ giúp họ tìm kiếm các cổ phiếu có giá thấp mà phần lớn thị trường bỏ qua.

    Nếu một doanh nghiệp đang bán cổ phần với mức giá thấp hơn giá trị ghi sổ của nó (tức là có tỷ lệ P/B nhỏ hơn 1), khi đó có hai trường hợp sẽ xảy ra: hoặc là thị trường đang nghĩ rằng giá trị tài sản của công ty đã bị thổi phồng quá mức, hoặc là thu nhập trên tài sản của công ty là quá thấp.

    Nếu như điều kiện đầu tiên xảy ra, các nhà đầu tư nên tránh xa các cổ phiếu này bởi vì giá trị tài sản của công ty sẽ nhanh chóng được thị trường điều chỉnh về đúng giá trị thật.

    Còn nếu điều thứ hai đúng, thì có khả năng lãnh đạo mới của công ty hoặc các điều kiện kinh doanh mới sẽ đem lại những triển vọng kinh doanh cho công ty, tạo dòng thu nhập dương và tăng lợi nhuận cho các cổ đông.

    Ngược lại, nếu một công ty có giá thị trường của cổ phiếu cao hơn giá trị ghi sổ thì đây thường là dấu hiệu cho thấy công ty làm ăn khá tốt, thu nhập trên tài sản cao.

    Chỉ số P/B chỉ thực sự có ích khi nhà đầu tư xem xét các doanh nghiệp có mức độ tập trung vốn cao hoặc các công ty tài chính, bởi giá trị tài sản của các công ty này tương đối lớn.

    Vì công tác kế toán phải tuân thủ những tiêu chuẩn ngặt nghèo, nên giá trị ghi sổ của tài sản hoàn toàn không tính tới các tài sản vô hình như thương hiệu, nhãn hiệu, uy tín, bằng sáng chế và các tài sản trí tuệ khác do công ty tạo ra. Giá trị ghi sổ không có ý nghĩa nhiều lắm với các công ty dịch vụ vì giá trị tài sản hữu hình của họ không lớn.

  • ROE & ROA – Tỷ Số Lợi Nhuận Ròng

    ROA là tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (Return on Assets)

    ROA đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng tài sản của công ty.

    Công thức:

    ROA = Lợi nhuận ròng dành cho cổ đông thường/Tổng tài sản

    ROA cung cấp cho nhà đầu tư thông tin về các khoản lãi được tạo ra từ lượng vốn đầu tư (hay lượng tài sản). ROA đối với các công ty cổ phần có sự khác biệt rất lớn và phụ thuộc nhiều vào ngành kinh doanh. Đó là lý do tại sao khi sử dụng ROA để so sánh các công ty, tốt hơn hết là nên so sánh ROA của mỗi công ty qua các năm và so giữa các công ty tương đồng nhau.

    Tài sản của một công ty được hình thành từ vốn vay và vốn chủ sở hữu. Cả hai nguồn vốn này được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của công ty. Hiệu quả của việc chuyển vốn đầu tư thành lợi nhuận được thể hiện qua ROA. ROA càng cao thì càng tốt vì công ty đang kiếm được nhiều tiền hơn trên lượng đầu tư ít hơn.

    Ví dụ nếu công ty A có thu nhập ròng là 1 triệu USD, tổng tài sản là 5 triệu USD, khi đó ROA là 20%. Tuy nhiên nếu công ty B cũng có khoản thu nhập tương tự trên tổng tài sản là 10 triệu USD, ROA của B sẽ là 10%. Như vậy công ty A hiệu quả hơn trong việc biến đầu tư thành lợi nhuận.

    Các nhà đầu tư cũng nên chú ý tới tỷ lệ lãi suất mà công ty phải trả cho các khoản vay nợ. Nếu một công ty không kiếm được nhiều hơn số tiền mà chi cho các hoạt động đầu tư, đó không phải là một dấu hiệu tốt. Ngược lại, nếu ROA mà tốt hơn chi phí vay thì có nghĩa là công ty đang bỏ túi một món hời.

    ROE là tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (Return on Equity)

    ROE là tỷ số quan trọng nhất đối với các cổ đông, tỷ số này đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường.

    Công thức:

    ROE = Lợi nhuận ròng dành cho cổ đông thường /Vốn cổ phần thường

    Chỉ số này là thước đo chính xác để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy tạo ra bao nhiêu đồng lời. Hệ số này thường được các nhà đầu tư phân tích để so sánh với các cổ phiếu cùng ngành trên thị trường, từ đó tham khảo khi quyết định mua cổ phiếu của công ty nào.

    Tỷ lệ ROE càng cao càng chứng tỏ công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, có nghĩa là công ty đã cân đối một cách hài hòa giữa vốn cổ đông với vốn đi vay để khai thác lợi thế cạnh tranh của mình trong quá trình huy động vốn, mở rộng quy mô. Cho nên hệ số ROE càng cao thì các cổ phiếu càng hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.

    Khi tính toán được tỷ lệ này, các nhà đầu tư có thể đánh giá ở các góc độ cụ thể như sau:

    – ROE nhỏ hơn hoặc bằng lãi vay ngân hàng, vậy nếu công ty có khoản vay ngân hàng tương đương hoặc cao hơn vốn cổ đông, thì lợi nhuận tạo ra cũng chỉ để trả lãi vay ngân hàng. – ROE cao hơn lãi vay ngân hàng thì phải đánh giá xem công ty đã vay ngân hàng và khai thác hết lợi thế cạnh tranh trên thị trường chưa để có thể đánh giá công ty này có thể tăng tỷ lệ ROE trong tương lai hay không.

  • BETA – Hệ Số Beta

    Beta hay còn gọi là hệ số beta, đây là hệ số đo lường mức độ biến động hay còn gọi là thước đo rủi ro hệ thống của một chứng khoán hay một danh mục đầu tư trong tương quan với toàn bộ thị trường. Hệ số beta là một tham số quan trọng trong mô hình định giá tài sản vốn (CAPM). Beta được tính toán dựa trên phân tích hồi quy, và bạn có thể nghĩ về beta giống như khuynh hướng và mức độ phản ứng của chứng khoán đối với sự biến động của thị trường.

    Một chứng khoán có beta bằng 1, muốn ám chỉ rằng giá chứng khoán đó sẽ di chuyển cùng bước đi với thị trường. Một chứng khoán có beta nhỏ hơn 1 có nghĩa là chứng khoán đó sẽ có mức thay đổi ít hơn mức thay đổi của thị trường. Và ngược lại, beta lớn hơn 1 sẽ chúng ra biết giá chứng khoán sẽ thay đổi nhiều hơn mức dao động của thị trường.

    Nhiều cổ phiếu thuộc các ngành cung cấp dịch vụ công ích có beta nhỏ hơn 1. Ngược lại, hầu hết các cổ phiếu dựa trên kỹ thuật công nghệ cao có beta lớn hơn 1, thể hiện khả năng tạo được một tỷ suất sinh lợi cao hơn, những cũng đồng thời tiềm ẩn rủi ro cao hơn

  • CỔ TỨC – Dividends

    Cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế được chia cho các cổ đông của một công ty cổ phần. Cổ tức có thể được trả bằng tiền hoặc bằng cổ phiếu.

    Mục đích, ý nghĩa

    Mục đích cơ bản của bất kỳ công việc kinh doanh nào là tạo ra lợi nhuận cho những chủ sở hữu của nó, và cổ tức là cách thức quan trọng nhất để việc kinh doanh thực hiện được nhiệm vụ này. Khi công việc kinh doanh của công ty tạo ra lợi nhuận, một phần lợi nhuận được tái đầu tư vào việc kinh doanh và lập các quỹ dự phòng, gọi là lợi nhuận giữ lại, phần lợi nhuận còn lại được chi trả cho các cổ đông, gọi là cổ tức. Việc thanh toán cổ tức làm giảm lượng tiền lưu thông đối với công việc kinh doanh, nhưng việc chia lời cho các chủ sở hữu, sau tất cả mọi điều, là mục đích chính của kinh doanh. Một số công ty trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt, trong trường hợp này các cổ đông nhận được các cổ phiếu phát hành bổ sung thay vì nhận tiền mặt.

    Giá trị danh định

    Giá trị của cổ tức được xác định theo từng năm tại đại hội cổ đông hàng năm của công ty, và nó được thông báo cho các cổ đông hoặc là bằng lượng tiền mặt mà họ sẽ nhận được tính theo số cổ phiếu mà họ đang sở hữu hay số phần trăm trong lợi nhuận của công ty; xem thêm Quyết định chia cổ tức. Cổ tức là như nhau cho mọi cổ phiếu của cùng một loại, hoặc cổ phiếu ưu đãi hoặc cổ phiếu phổ thông (cổ phiếu thường). Sau khi đã được thông báo, cổ tức trở thành khoản phải trả của công ty. Khi cổ phiếu được bán ngay trước khi cổ tức được thanh toán một khoảng thời gian cụ thể nào đó thì người bán cổ phiếu sẽ là thể nhân hay pháp nhân được nhận cổ tức chứ không phải là người mua những cổ phiếu đó. Điều này có nguyên nhân là do trong danh sách cổ đông của công ty cổ phần chưa có sự thay đổi về các cổ đông do không thể cập nhật kịp thời các thay đổi đó. Tại thời điểm mà người mua chưa có quyền nhận cổ tức, cổ phiếu được gọi là rơi vào tình trạng cựu cổ tức. Điều này thông thường xảy ra trong phạm vi hai (2) ngày trước khi cổ tức được chi trả, tùy theo các quy tắc của thị trường chứng khoán mà công ty cổ phần đó tham gia. Khi cổ phiếu rơi vào tình trạng cựu cổ tức, giá của nó trên thị trường chứng khoán nói chung sẽ giảm theo tỷ lệ của cổ tức. Cổ tức được tính toán chủ yếu trên cơ sở của lợi nhuận chưa sử dụng đến của công ty cũng như viễn cảnh kinh doanh trong những năm kế tiếp. Sau đó nó được đề xuất bởi Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát (Ủy ban, hay Hội đồng Kiểm soát) trước Đại hội cổ đông hàng năm. Tuy nhiên, phần lớn các công ty cổ phần cố gắng duy trì cổ tức không thay đổi. Điều này giúp cho công ty có được sự tái bảo đảm của các nhà đầu tư, đặc biệt khi thu nhập ở mức thấp do suy thoái kinh tế hay các nguyên nhân khác (phần bổ sung sẽ được lấy ra từ các quỹ dự phòng) cũng như để gửi thông điệp tới các cổ đông là công ty đang lạc quan về viễn cảnh của nó trong tương lai. Một số công ty có các kế hoạch tái đầu tư cổ tức. Các kế hoạch này cho phép các cổ đông sử dụng cổ tức của họ để mua một cách có hệ thống một lượng nhỏ cổ phiếu của công ty, thông thường không có tiền hoa hồng.

    Các lý do không chi trả

    Các công ty có thể không chi trả cổ tức trong một số trường hợp vì một số lý do sau: Hội đồng Quản trị công ty cũng như đại hội cổ đông tin rằng công ty sẽ có ưu thế trong việc nắm bắt cơ hội nhờ có nhiều vốn hơn và việc tái đầu tư cuối cùng sẽ đem lại lợi nhuận cho các cổ đông hơn là việc thanh toán cổ tức tại thời điểm hiện tại. Lý do này đôi khi là quyết định đúng đắn nhưng đôi khi cũng là sai lầm, và những người chống lại điều này (chẳng hạn như Benjamin Graham và David Dodd, những người phản đối thông lệ này trong tham chiếu tới Phân tích chứng khoán cổ điển năm 1934) thông thường lưu ý rằng trong nhiều trường hợp thì Hội đồng Quản trị hiện hành của công ty đã ép buộc các chủ sở hữu trong việc đầu tư tiền của họ (lợi nhuận từ kinh doanh). Khi cổ tức được chi trả, các cổ đông tại nhiều quốc gia (trong đó có Hoa Kỳ) phải thanh toán thuế kép từ các cổ tức này: công ty đã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước khi công ty có lợi nhuận, và sau khi cổ tức được thanh toán thì các cổ đông lại phải chi trả thuế thu nhập cá nhân cho nhà nước một lần nữa trên số tiền cổ tức mà họ nhận được. Điều này thường được tránh bằng cách điều chỉnh phần lợi nhuận giữ lại hay bằng việc mua lại cổ phiếu của công ty, bằng cách này các cổ đông không phải nộp thuế do Nhà nước không đánh thuế những giao dịch như vậy.

Investopedia

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.