Chúng tôi phát hành báo cáo lần đầu với cổ phiếu IDI với khuyến nghị MUA và giá mục tiêu 29,600 đồng. Cổ phiếu được định giá bằng phương pháp P/E với hệ số 7.0x áp dụng trên EPS dự phóng trung bình giai đoạn 2022/23.
Giá thị trường( 22/07/2022): 19.150 đ/cp
Giá mục tiêu: 29.600 đ/cp
Lợi nhuận kỳ vọng: 54.6%
6T2022 – Xuất khẩu cao kỷ lục, khả năng thiếu nguyên liệu trong nửa cuối năm
6T2022, IDI đạt tổng doanh thu 4,200 tỷ đồng và LNST ước đạt 450 tỷ đồng (+955% so CK), tương đương 50% kế hoạch lợi nhuận 2022. Cần lưu ý IDI đặt kế hoạch LNST cả năm 2022 900 tỷ đồng, tăng 559% so CK nhờ nhu cầu cao của thị trường thế giới trong bối cảnh hậu COVID-19 và chiến tranh Nga – Ukraina dẫn đến nguồn cung cá thịt trắng đến Mỹ, Châu Âu bị thiếu hụt.
Cuối tháng 6/2022, giá cá tra xuất khẩu trung bình của Việt Nam giảm nhẹ xuống 2.93USD/kg sau khi đạt đỉnh điểm 3.03USD/kg trong tháng trước đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giá cá tra xuất khẩu có thể sẽ sớm tăng trở lại vì thực tế sản lượng cá tra cả nước năm 2022 chỉ tăng dưới 10% so CK trong khi đó lượng xuất khẩu 6T2022 đã tăng vượt 25% so CK. Dự tính 6 tháng cuối năm sẽ thiếu hụt nguồn cá nguyên liệu do sức cầu vẫn lớn và các hộ nuôi cá không tăng diện tích nuôi do thận trọng.
Mục tiêu tăng trưởng LNST 2022 hơn 5 lần – đã hoàn thành 50% sau 6 tháng
Top 5 DN xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam với sản phẩm chính là phi lê đông lạnh. Việt Nam đứng thứ đầu thế giới về xuất khẩu cá tra, thường chiếm 90-94% lượng cá tra xuất khẩu toàn cầu. Năm 2021, 736,000 tấn cá tra (chủ yếu cá tra đông lạnh) đã được xuất khẩu từ Việt Nam với tổng kim ngạch 1.6 tỷ USD. Trong đó IDI đứng thứ 5 trong số các doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất với doanh thu xuất khẩu đạt 90 triệu USD tương ứng với 5.6% thị phần. Vị trí này của IDI vẫn được giữ vững trong 5 tháng đầu năm 2022.
Hiện tại vùng nuôi cá tra liên kết của IDI có tổng điện tích 350ha tại tỉnh Đồng Tháp – Thủ phủ cá tra của Việt Nam. Vùng nuôi liên kết rộng lớn này giúp đảm bảo 85%-90% tổng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho 2 nhà máy chế biến (tổng công suất 450 tấn cá/ngày).
Tốc độ tăng trưởng doanh thu cao liên tục trong nhiều năm bị gián đoạn bởi Covid-19. Bên cạnh doanh thu lớn nhất đến từ xuất khẩu cá tra chiếm 41% doanh thu hợp nhất của IDI năm 2021, công ty còn có hai mảng doanh thu khác là phụ phẩm cá tra (bột cá, mỡ cá) chiếm 39% và thức ăn chăn nuôi chiếm 20%. Bột cá được sử dụng trong chăn nuôi gia súc còn mỡ cá được tinh luyện để sử dụng trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình. Riêng thức ăn chăn nuôi (thủy sản) là sản phẩm thương mại được IDI nhập từ doanh nghiệp trong cùng tập đoàn để cung cấp cho các hộ nuôi cá tra trong vùng nguyên liệu liên kết của công ty. Năm 2021, IDI kinh doanh 77,000 tấn thức ăn chăn nuôi, thu về 1,011 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp 10.5%.
Thị trường lớn nhất của IDI là Trung quốc, nhưng đang có sự chuyển dịch trong 6T2022. Năm 2021, công ty xuất khẩu tổng cộng 47,291 tấn các sản phẩm cá tra đông lạnh đi 41 quốc gia trên thế giới, trong đó các quốc gia châu Á và châu Mỹ là các khách hàng lớn nhất chiếm lần lượt 61% và 28% tổng giá trị. Trung Quốc là thị trường truyền thống và cũng là thị trường lớn nhất của IDI với doanh thu 2021 chiếm 44.5% tổng giá trị. Tuy nhiên cơ cấu thị trường của IDI đã có sự thay đổi lớn trong năm 2022 do ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ukraina và chính sách Zerocovid của Trung Quốc.
Theo thông tin từ doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu đi thị trường châu Mỹ của IDI đã tăng lên mức gần 40% trong 5 tháng đầu năm 2022 và doanh thu từ thị trường Trung Quốc chỉ còn chiếm 15% tổng kim ngạch so với mức 44.5% của cả năm trước đó. Nguyên nhân của việc sản lượng xuất khẩu đi Trung Quốc sụt giảm do chính sách ZeroCovid của nước này liên tục áp các lệnh cấm lên hàng thủy sản Việt Nam sau khi một số nhỏ sản phẩm dương tính với SARS–COVI-2 trên bao bì. Chính sách này kéo dài từ năm 2021 và lệnh cấm gần nhất có hiệu lực trong 7 ngày và mới được thu hồi ngày 21/7/2022. Việc chuyển dịch tỷ trọng thị trường này giúp biên lợi nhuận của IDI tăng lên do thị trường Châu Mỹ và Châu Âu thường có giá bán tốt hơn nhiều so với thị trường Trung Quốc.
Hưởng lợi kép trong bão giá cá tra 2022 nhờ khoán thu nhập cho các hộ nuôi liên kết và mua gom nguyên liệu giá rẻ trong đỉnh dịch COVID-19 tại Việt Nam. Các hộ nuôi cá trong vùng nuôi liên kết của IDI được cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi và các loại vật tư khác và nhận về khoản thu nhập 4.000 đồng – 7,000 đồng/mỗi kg cá thu hoạch được.
Thông thường hợp đồng khoán thu nhập này có giá trị trong một vụ cá tra, kéo dài khoảng 9 tháng. Năm 2021, vùng nguyên liệu do công ty bao tiêu cung cấp 50,731 tấn cá nguyên liệu tương đương 85% nguyên liệu đầu vào của tổ hợp nhà máy chế biến của công ty với giá thu mua trung bình 22,533 đồng/kg và giá xuất khẩu trung bình 1.9 USD/kg (gross). Đặc biệt, tại đỉnh dịch Covid-19 vào Q3/2021, giá cá tra nguyên liệu rớt mạnh xuống 18,000đ/kg trong một thời gian ngắn và phục hồi trở lại mức 22,000 đồng/kg. IDI đã thu mua được 24,000 tấn nguyên liệu trong giai đoạn này (tương đương 20% nhu cầu nguyên liệu năm 2022) nhờ hệ thống kho lạnh lớn. Qua năm 2022, chiến tranh Nga – Ukraina làm nhu cầu cá tra các khu vực Bắc Mỹ và EU tăng đột biến khiến giá xuất khẩu cũng như cá nguyên liệu tăng đột biến.
Trong tình hình này, IDI được hưởng lợi trực tiếp từ việc giá xuất khẩu tăng mạnh, đồng thời cũng hưởng lợi nhờ cơ chế khoán lợi nhuận cho các hộ nuôi cá tra liên kết. Chúng tôi ước tính giá cá nguyên liệu trung bình của IDI năm 2022 sẽ dao động quanh mức 23,000 đồng – 24,000 đồng/Kg, thấp hơn nhiều so với mức giá trung bình 29,000 đồng/kg trên thị trường. Hơn nữa, xu hướng tăng giá của đồng USD cũng sẽ có sự hỗ trợ cho IDI khi doanh nghiệp này chủ yếu xuất khẩu bằng USD.
Hoàn thành 50% kế hoạch LNST sau 6 tháng – sản lượng xuất khẩu dự báo vượt kế hoạch 15%. IDI đã công bố doanh thu và LNST 6T2022 sơ bộ đạt lần lượt 4,200 tỷ đồng (+31% so CK) và LNST 450 tỷ đồng (+955% so CK) tương đương hoàn thành ½ chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận kế hoạch năm. Cũng theo doanh nghiệp, 6T2022 là mùa thấp điểm của xuất khẩu cá tra và điểm rơi sản lượng xuất khẩu sẽ vào nửa cuối năm. Theo kế hoạch thận trọng của IDI, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu 24,700 tấn phi lê cá tra trong nửa cuối năm 2022, chiếm 52% sản lượng kế hoạch xuất khẩu cả năm là 47,300 tấn. Tuy nhiên doanh nghiệp đã đạt được kết quả này ngay trong nửa đầu 2022 trong khi sản lượng xuất khẩu đi Trung Quốc – thị trường chính của IDI – đang hạn chế xuất khẩu do chính sách zero-covid. Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu 47,300 tấn là lượng thấp nhất IDI xuất khẩu trong 5 năm trở lại đây. Do đó chúng tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ xuất khẩu vượt con số này từ 10-15%, tương đương 54,400 tấn trong năm 2022 trước nhu cầu cá tra cao của thế giới.
Dự phóng vượt kế hoạch lợi nhuận 2022 – các điều kiện có lợi vẫn kéo dài tới 2023/24
Doanh thu hợp nhất kỳ vọng đạt 8,751 tỷ đồng trong 2022 nhờ nhu cầu cao của thị trường. Chúng tôi kỳ vọng thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại trong nửa cuối năm 2022 giúp sản lượng xuất khẩu của IDI đạt 54,300 tấn với doanh thu 3,633 tỷ đồng (+57% so CK). Doanh thu từ phụ phẩm cá tra dự phóng đạt 3,320 tỷ đồng với mức tăng 50% so CK nhờ sản lượng tăng và giá tăng trước áp lực của lạm phát và giá cá nguyên liệu cao. Chúng tôi dự phóng doanh thu từ kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng ghi nhận mức tăng 53% so CK đạt 1,725 tỷ đồng do các hộ nuôi cá tăng đàn khi giá cá tra nguyên liệu đạt mức cao.
LNST dự phóng 2022 đạt 960 tỷ đồng nhờ biên lợi nhuận gộp tăng mạnh. Giá xuất khẩu dự kiến duy trì ở mức trên 2.9 USD/kg giúp biên lợi nhuận gộp mảng xuất khẩu cá tra bật từ 8.9% năm 2021 lên 16.5% năm 2022. Nhờ sự cải thiện mạnh mẽ này của xuất khẩu, lợi nhuận gộp hợp nhất của IDI ước đạt 1,501 tỷ đồng (+194% so CK) với biên lợi nhuận gộp hợp nhất cải thiện 8.2 điểm phần trăm lên 17.2%. Kết quả, Lợi nhuận sau thuế được dự báo tăng mạnh lên mức 960 tỷ đồng, tăng 563% so CK với biên lợi nhuận sau thuế đạt 11.0% tăng 8.5 điểm phần trăm so CK.
Giá cá tra được kỳ vọng sẽ giữ vững ở mức cao trong thời gian dài do chiến tranh và nguồn cung hạn chế. Chiến tranh Nga – Ukraina được các chuyên gia trên thế giới tin rằng sẽ không kết thúc sớm. Không chỉ vậy, các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến 2025. Hiện tại các sản phẩm thủy sản xuất khẩu lớn của Nga đang bị các nước Châu Âu cấm vận, hoặc tẩy chay đã giúp nhu cầu cũng như giá cá tra duy trì tốt. Mặt khác, nguồn cung cá tra dự báo sẽ không tăng ít nhất đến quý 2/2023. Mỗi vụ cá tra kéo dài 9 tháng và vụ kế tiếp sẽ được thu hoạch vào cuối quý 2/2023. Tuy nhiên, diện tích thả nuôi cá tra tại Việt Nam khả năng vẫn chỉ ở mức khoảng 3,200ha (+6% so với 2021 và tương đương 6T2022). Theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu cá tra 6T2022 tăng mạnh chủ yếu nhờ các doanh nghiệp lớn có lượng tồn kho lớn từ năm 2021, trong khi sản lượng nuôi cá tra Việt Nam không tăng. Như vậy, nhiều khả năng giá cá tra sẽ tiếp tục quay trở lại mức cao khi nguồn cung hạn chế trong nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu số 3 chuẩn bị được xây dựng và dự kiến đi vào vận hành đầu 2023 sẽ đảm bảo tăng trưởng cho giai đoạn 2023/24. Nhà máy chế biến cá tra số 3 được IDI ấp ủ từ năm 2019 với công suất dự kiến 400 – 500 tấn nguyên liệu/ngày/12h. Tuy nhiên dự án bị tạm hoãn trong giai đoạn 2020-21 do COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng cá tra toàn cầu.
Năm 2022, trước nhu cầu cao của thị trường, IDI thông báo sẽ xây dựng nhà máy số 3 trong nửa cuối năm để mở rộng công suất và đảm bảo tăng trưởng cho doanh nghiệp trong giai đoạn 5 năm tới. Bên cạnh đó, vùng nuôi cá tra liên kết của IDI cũng được đầu tư mở rộng từ mức 350ha hiện tại lên 450ha để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy số 3. Khi năng lực chế biến của nhà máy số 3 tăng, IDI cũng sẽ nâng cấp cả năng lực chế biến của dây chuyền phụ phẩm cá tra (bột cá, mỡ cá) và cả doanh thu từ bán thức ăn chăn thủy sản cho các hộ nuôi liên kết cũng tăng lên. Chúng tôi ước tính nếu nhà máy thủy sản số 3 được vận hành đầu năm 2023, IDI sẽ cần khoảng 164,000 tấn cá nguyên liệu cho cả năm và sản lượng thành phẩm ước tính đạt 93,800 tấn, tăng 65% so với sản lượng ước tính 2022.
Định giá
Chúng tôi phát hành báo cáo lần đầu với cổ phiếu IDI với khuyến nghị MUA và giá mục tiêu 29,600 đồng. Cổ phiếu được định giá bằng phương pháp P/E với hệ số 7.0x áp dụng trên EPS dự phóng trung bình giai đoạn 2022/23.
Nguồn: Mirae Asset
Các nguồn định giá tham khảo khác:
Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0
IDI chart. Nguồn: Admin.vn
Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638