CTCP Xây dựng Coteccons (CTD): Giảm chi phí dự phòng giúp thúc đẩy lợi nhuận [Mục tiêu: 76.500 đ/cp]

Áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền và P/B mục tiêu, chúng tôi xác định giá trị hợp lý của CTD ở mức 76,500 VND/cổ phiếu, tương ứng với mức upside 19% so với giá đóng cửa ngày 08/12/2023

Cập nhật KQKD

Trong Q1 FY2024, CTD ghi nhận 17 tỷ VND thu nhập từ hoạt động kinh doanh (chưa tính thu nhập tài chính ròng), chấm dứt 8 quý thua lỗ liên tiếp. Chúng tôi cho rằng đây là dấu hiệu tích cực, đánh dấu sự hồi phục trong hiệu quả kinh doanh của CTD sau giai đoạn tái cơ cấu toàn diện.

Luận điểm đầu tư

1. Định hướng tham gia vào mảng công nghiệp trong dài hạn

Trong điều kiện kinh tế bình thường, chúng tôi ước tính biên lãi gộp mảng công nghiệp của CTD xấp xỉ 6-8%, cao hơn biên lãi gộp của mảng dân dụng và hạ tầng (4-6% tùy dự án) nhờ (1) yêu cầu kỹ thuật cao hơn so với mảng dân dụng do việc thi công cần đáp ứng yêu cầu, kế hoạch sản xuất, vận hành của chủ đầu tư, (2) tỉ trọng chi phí nguyên vật liệu thấp hơn so với loại hình dân dụng.
Chúng tôi kỳ vọng biên lãi gộp có thể đạt mức 2.9% trong FY2024 nhờ tỉ trọng backlog mảng công nghiệp tăng so với cùng kỳ (cuối FY2023, tỉ trọng backlog mảng công nghiệp chiếm 21% cơ cấu so với 14% tại cuối năm 2022), trong đó, nhà máy Lego dự kiến sẽ được bàn giao trong giai đoạn T8-10/2024.

11T2023, giá trị vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tăng 15% so với cùng kỳ, bất chấp xu hướng suy giảm về dòng vốn đầu tư tại các thị trường đang phát triển. Chúng tôi cho rằng mảng công nghiệp, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư FDI là một thị trường hấp dẫn với các nhà thầu xây dựng khi Việt Nam được hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng trong trung và dài hạn. Theo đó, chúng tôi cũng cho rằng CTD sẽ có lợi thế khi đấu thầu và thi công các dự án nhà máy, nhà xưởng có vốn đầu tư nước ngoài nhờ (1) dự án Lego sẽ là một điểm sáng trong hồ sơ năng lực của CTD với các chủ đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, (2) đội ngũ lãnh đạo được dẫn dắt bởi các chuyên gia người nước ngoài sẽ có lợi thế cạnh tranh khi tham gia đấu thầu và triển khai thi công các dự án FDI nhờ vào kinh nghiệm làm việc tại các thị trường phát triển. Điều này sẽ giúp CTD có thể thuận lợi đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật mà các chủ đầu tư nước ngoài đưa ra.

(1) Với lượng tiền mặt lớn và ít vay nợ, CTD có nguồn lực để đảm bảo tiến độ thi công và bàn giao dự án cho chủ đầu tư. Chúng tôi cho rằng đây là điểm sáng cho CTD khi triển khai dự án cho các chủ đầu tư FDI do các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng ưu tiên chất lượng công trình và tiến độ bàn giao nhiều hơn là giá thầu cạnh tranh. Thêm vào đó, (2) năng lực tài chính của CTD cũng đã được kiểm chứng khi CTD đã được xếp hàng tín nhiệm ở mức Ổn định (BBB) bởi FiinRatings trong 2023, khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành Xây dựng với rủi ro tài chính ở mức thấp, tính thanh khoản cao. (3) Thu nhập từ hoạt động động kinh doanh (loại trừ lãi/lỗ tài chính) đã quay trở lại dương trong Q1 FY2024, khẳng định khả năng hoạt động và vận hành của CTD trong tương lai.

CTD vừa công bố thông tin về chủ trương mua lại 100% một công ty hoạt động trong lĩnh vực Cơ điện (mechanical & engineering). Đặc biệt, đối với mảng công nghiệp sản xuất, M&E có thể chiếm từ 40-60% khối lượng công việc của dự án. Qua trao đổi với doanh nghiệp, chúng tôi kỳ vọng giao dịch trên sẽ được hoàn tất trong Q2 FY2024 và kỳ vọng việc gia tăng nguồn lực trong mảng M&E sẽ giúp nâng cao năng lực đấu thầu và thi công của Coteccons trong tương lai.

2. Backlog lớn đảm bảo khối lượng công việc cho FY2024

Tính tới đầu FY2024, CTD ghi nhận giá trị backlog 20,000 tỷ VND, tương đương 1.4x doanh thu năm 2022. Chúng tôi cho rằng đây là một con số ấn tượng so sánh với các đối thủ khác trong ngành, trong bối cảnh thị trường Bất động sản Dân cư còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, (1) số lượng dự án được cấp phép mới trong 3Q2023 chỉ đạt 15 dự án (so với 36 dự án cùng kỳ năm 2022) khiến nguồn cung công việc của nhóm doanh nghiệp xây dựng bị hạn chế. Từ đó, (2) sức cạnh tranh trong thị trường Xây dựng cũng trở nên gay gắt hơn khi doanh nghiệp có xu hướng hạ giá đấu thầu, khiến biên lãi gộp bị ảnh hưởng.

Repeat sales là chiến lược tái ký các dự án mới với các chủ đầu tư hiện hữu, trong đó, chủ đầu tư sẽ có lợi thế khi tái ký với nhà thầu thi công khi năng lực nhà thầu đã được kiểm chứng thông qua dự án trước đó, từ đó đảm bảo khả năng triển khai, bàn giao dự án đạt yêu cầu kỹ thuật, kịp tiến độ. Bên cạnh đó, việc tái ký cũng giúp chủ đầu tư có thể thương lượng những hình thức ưu đãi thanh toán (chiết khấu, trả chậm, etc.) có lợi, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của thị trường. Đối với nhà thầu, repeat sales giúp tiết kiệm chi phí đấu thầu, giảm thiểu rủi ro phát sinh công nợ nhờ nắm bắt được sức khoẻ tài chính của dự án cũng như chủ đầu tư. Một số chủ đầu tư tích cực tái ký và trở thành đối tác lớn của CTD bao gồm Vingroup – Vinhomes (Ocean Park, Smart City, Grand Park, Vinfast Hải Phòng, etc.), Doji (Diamond Crown, Golden Crown), Ecopark (Swan Lake Residences, Sky Forest), Apache (giai đoạn 1-2).

Đối với triển vọng của lĩnh vực Bất động sản Dân cư, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ dần hồi phục từ Q2/2024 nhờ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ giúp hạ lãi suất và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục pháp lý cho các dự án, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn và nhanh chóng mở bán các sản phẩm mới. Cùng với đó là xu hướng cải thiện tỷ lệ hấp thụ trên thị trường trong bối cảnh nguồn cung gia tăng và giá bán thứ cấp đang dần ổn định.

Với chiến lược repeat sales và triển vọng hồi phục từ thị trường Bất động sản, chúng tôi kỳ vọng giá trị hợp đồng ký mới của CTD trong FY2024 có thể tăng 30- 40% nhờ vào chiến lược repeat sales trong môi trường cạnh tranh cao hiện tại.

3. Giảm chi phí dự phòng giúp cải thiện LNST

 

Kết thúc Q1 FY2024, CTD đã trích lập 70% các khoản phải thu khó đòi, trong đó, các khoản nợ xấu liên quan tới nhóm công ty thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đều đã được trích lập 100% dư nợ trong giai đoạn 2021 – 2022. Chúng tôi kỳ vọng chi phí dự phòng sẽ tiếp tục có xu hướng suy giảm, ước tính chi phí dự phòng FY2024 ở mức 104 tỷ VND (so với kế hoạch của CTD là 90 tỷ VND), từ đó giúp biên SG&A giảm về 2% trong kỳ. Trong tương lai, chúng tôi cho rằng CTD có thể thu hồi được khoản nợ xấu 484 tỷ VND từ nhóm doanh nghiệp Tân Hoàng Minh (chiếm 31% tổng nợ xấu) sau khi công ty này đã có những dấu hiệu tích cực trong việc giải quyết và thanh toán gốc trái phiếu cho các trái chủ, tuy nhiên sẽ cần thời gian xử lý.

Như đã trình bày ở trên, thông qua các dự án đã triển khai, chiến lược repeat sales giúp nhà thầu thu thập thông tin về tình hình tài chính của dự án và chủ đầu tư từ sớm, lựa chọn những chủ đầu tư có mối quan hệ uy tín lâu năm, giúp nhà thầu đưa ra được kế hoạch theo dõi và quản trị rủi ro khi triển khai thi công, từ đó hạn chế phát sinh nợ xấu. Thêm vào đó, việc áp dụng bảo lãnh thanh toán (chủ đầu tư thế chấp tài sản với ngân hàng để đảm bảo khả năng thanh toán cho nhà thầu khi dự án tới ngày nghiệm thu, bàn giao) cũng là một công cụ giúp CTD quản trị công nợ hiệu quả hơn. Với hình thức này, chủ đầu tư sẽ thực hiện chi trả lãi vay trực tiếp cho ngân hàng/ tổ chức tín dụng trong trường hợp thanh toán chậm. Thực tế, bảo lãnh thanh toán đã được áp dụng trong ngành xây dựng từ lâu, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường xây dựng trầm lắng và cạnh tranh cao, chúng tôi cho rằng việc chủ đầu tư đồng ý thực hiện bảo lãnh toán cho CTD đã chứng tỏ (1) năng lực và chất lượng thi công hàng đầu của CTD, (2) lợi thế đàm phán lớn của CTD nhờ sở hữu lượng tiền mặt cao, giúp đảm bảo khả năng và tiến độ thi công, bàn giao dự án.

Chúng tôi cho rằng hoạt động quản trị rủi ro của CTD đang được thực thi sát sao từ cấp dự án cho tới chủ đầu tư, thể hiện sự cẩn trọng trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn về nguồn vốn.

Dự phóng KQKD

Định giá

Chúng tôi cho rằng cổ phiếu CTD có sự hấp dẫn nhờ chất lượng tài sản cải thiện đáng kể và tình hình tài chính vượt trội so với các đối thủ trong ngành, cùng với đó là tiềm năng tăng trưởng nhờ backlog lớn và khả năng cạnh tranh khi tham gia đấu thầu nhờ lượng tiền mặt lớn trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.

Áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền và P/B mục tiêu, chúng tôi xác định giá trị hợp lý của CTD ở mức 76,500 VND/cổ phiếu, tương ứng với mức upside 19% so với giá đóng cửa ngày 08/12/2023.

Nguồn: KBSV


Các nguồn định giá tham khảo khác


Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0

CTD chart. Nguồn: Admin


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.