CTCP Tập Đoàn Masan (MSN: HOSE): Kỳ vọng vào trụ cột bán lẻ – tiêu dùng [Mục tiêu 88.400 đ/cp]

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu MSN, mức giá mục tiêu 88,400 VNĐ/cp, cao hơn 18% giá đóng cửa ngày 29/05/2023 với kỳ vọng trụ cột bán lẻ – tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng, tăng trưởng mạnh của công ty liên kết TCB và kỳ vọng sự phục hồi của MHT.

Nhìn lại 2023: Lợi nhuận chạm đáy do gánh nặng chi phí tài chính và các mảng kinh doanh không cốt lõi kém khả quan

Kết thúc 1Q2024, MSN ghi nhận doanh thu thuần đạt 18,855 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Mảng kinh doanh cốt lõi là bán lẻ – tiêu dùng gồm các công ty MCH, WCM, MML tăng trưởng tích cực bù đắp cho sự sụt giảm của các công ty còn lại như MHT, PLH. LNST ghi nhận đạt 479 tỷ đồng, tăng trưởng 9.1% YoY.

MCH tham vọng bước vào thị trường lớn hơn tạo động lực tăng trưởng dài hạn
Tại Đại hội cổ đông vừa qua, ban lãnh đạo công bố MCH sẽ xây dựng mô hình FMCG mới, sẵn sàng bước vào những thị trường rộng lớn hơn nhằm mở rộng quy mô doanh thu cho công ty, tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Trước đây, MCH đã ra mắt nhiều dòng sản phẩm bắt đầu từ nhà bếp đến tủ lạnh, phòng khách, phòng tắm, về cơ bản đã phục vụ cơ bản đầy đủ các nhu cầu thiết yếu tại nhà. Dù quy mô thị trường hiện tại công ty đang phục vụ khoảng 8 tỷ USD có thể coi là rất lớn, nhưng với quy mô toàn thị trường FMCG tại Việt Nam lên đến 32 tỷ USD thì thị phần của MCH mới chưa đến 5%. Do đó MCH đang hướng đến thị trường lớn hơn là thị trường out-of-home mở đầu với dòng sản phẩm lẩu tự sôi, cơm tự chín với thương hiệu OMACHI. Chúng tôi đánh giá với kinh nghiệm lâu năm cộng thêm sự bổ trợ của hệ thống WCM, MCH sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tại thị trường trong nước trong thời gian tới bằng chiến lược mở rộng danh mục sản phẩm tại các ngành hàng cũ, cao cấp hoá sản phẩm và tham gia ngành hàng mới.
Ngoài việc mở rộng quy mô thị trường trong nước, MCH cũng đặt mục tiêu xuất khẩu ra toàn thế giới với chiến lược “Go Global”, hướng tới thị trường toàn cầu với 8 tỷ người tiêu dùng. Bước đầu với dòng sản phẩm CHIN-SU đã đạt được thành công trên các sàn thương mại lớn như Amazon (Mỹ), Coupang (Hàn Quốc), đặt mục tiêu doanh thu quốc tế chiếm từ 10-20% tổng doanh thu.

Tái cơ cấu đem lại tín hiệu tích cực

Sau tái cấu trúc các mô hình cửa hàng phù hợp với từng khu vực và phân khúc khách hàng khác nhau, các mô hình đều cho thấy tăng trưởng doanh thu LFL (Tăng trưởng LFL: tăng trưởng doanh thu tại các cửa hàng mở trước 2023 và đang hoạt động, không tính các cửa hàng mở mới trong 2023 do chưa hoạt động đủ thời gian). Cụ thể Winmart+ tăng LFL 6.4% YoY, Winmart tăng LFL 4.2% YoY, WIN tăng LFL 7.3% YoY, Winmart+ Rural tăng LFL 11.2% YoY.

Thay đổi chiến lược giá cạnh tranh

Trước đây, WCM được đánh giá là không cạnh tranh về giá với các hệ thống bán lẻ khác. Ban lãnh đạo cho biết trong thời gian tới WCM sẽ thực hiện chiến lược giá cả cạnh tranh bằng (1) chương trình hội viên WIN kết hợp với Techcombank đưa ra các ưu đãi về giá và tích điểm, (2) đẩy mạnh các nhãn hàng riêng mang thương hiệu Winmart (các sản phẩm nhãn hàng riêng có biên lợi nhuận cao hơn 3-5% nhưng giá lại rẻ hơn 5-10%) và các sản phẩm trong hệ sinh thái của MCH và MML, (3) lợi thế quy mô cũng giúp tăng khả năng đàm phán giá với các nhà cung cấp.

Mục tiêu WCM có lãi sau thuế năm 2025

Chúng tôi nhận định WCM sẽ duy trì tăng trưởng doanh thu nhờ liên tục mở cửa hàng và gia tăng doanh thu LFL tại các cửa hàng cũ. Biên lợi nhuận nhờ những chiến lược kể trên cũng sẽ duy trì mức cao hơn so với trước đây. Về CAPEX (chi phí đầu tư tài sản cố định), WCM đã giảm được 40% về chi phí đầu tư cửa hàng nhờ tăng khả năng đàm phán khi mua sản lượng lớn. Chi phí logistic cũng ngày càng được tối ưu nhờ công ty con Supra. Hiện tại WCM đã có lợi nhuận hoạt động (EBIT) trong 3 quý liên tiếp, ban lãnh đạo cho biết mục tiêu hiện tại là đạt lợi nhuận ròng vào năm 2025.

MML hưởng lợi từ giá lợn tăng cao

MML hưởng lợi nhờ giá lợn tăng cao, doanh thu mảng thịt lợn trang trại và lợn có thương hiệu tăng 23% YoY nhưng bù lại mảng gà trang trại giảm 29.7% do công ty tối ưu lại các trang trại gà, muốn cơ cấu tập trung hơn vào mảng lợn. Biên lợi nhuận tăng vọt lên 23.3% so với cùng kỳ chỉ ở mức 11.7%. Mặc dù vậy chi phí SG&A của công ty cũng tăng mạnh do vẫn đang đẩy mạnh tiếp thị các sản phẩm thịt chế biến. Kết thúc Q1/2024 công ty vẫn ghi nhận lỗ 47 tỷ đồng, tuy nhiên mức lỗ đã giảm mạnh so với cùng kỳ và có xu hướng thu hẹp trong các quý gần đây.

Chúng tôi nhận định giá thịt lợn sẽ tiếp tục neo ở mức giá cao trong năm 2024 khi nguồn cung đang tương đối hạn chế sẽ giúp mảng thịt lợn hưởng lợi, các sản phẩm thịt chế biến sau một thời gian ra mắt cũng được đón nhận tích cực từ thị trường, kỳ vọng MML sẽ tiến gần tới điểm hoà vốn trong những quý tiếp theo.

MHT kỳ vọng qua đáy kết quả kinh doanh

Sau một thời gian ngưng nổ mìn tại mỏ Núi Pháo ảnh hưởng đến sản lượng hầu hết các loại khoáng sản chính của công ty thì vào tháng 3/2024 công ty đã bắt đầu nổ mìn trở lại sau khi đạt được thoả thuận với đơn vị cung cấp dịch vụ nổ mìn mới với chi phí giảm 20% với hợp đồng cũ, kỳ vọng giúp kết quả sản xuất của mỏ Núi Pháo cải thiện trong thời gian tới.
Thương vụ bán 100% vốn của H.C. Starck Holding (công ty con của MHT) cho Mitsubishi Materials Corporation Group (định giá thương vụ chưa được công bố) cũng sẽ giúp MHT giảm đòn bẩy tài chính và MHT có thể ghi nhận khoản thu nhập bất thường vào năm 2024. Ngoài ra 2 bên còn có thoả thuận bao tiêu sản phẩm vonfram, từ đó giúp MHT ổn định và tối đa hóa số lượng đơn hàng.

Dự phóng và định giá

Chúng tôi tiến hành định giá cổ phiếu MSN với phương pháp Tổng các giá trị thành phần (Sum of the part) để đưa ra mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu MSN. Chúng tôi tiến hành định giá các công ty có đóng góp phần lớn đến doanh thu bao gồm WCM, MCH, MML, MHT, TCB, PLH. Các công ty con có đóng góp nhỏ hơn tạm thời chúng tôi chưa đưa vào định giá này. Sau khi định giá giá trị cổ phần chúng tôi tiến hành chiết khấu 20% do đây là mô hình tập đoàn.

(1) Với MCH, chúng tôi sử dụng phương pháp P/E với P/E dự phóng ở mức 15 lần, điều chỉnh tăng nhẹ so với mức trung bình 5 năm (14 lần) nhờ tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong những năm gần đây của công ty khi mở rộng thị trường và danh mục sản phẩm.
(2) Với WCM, chúng tôi sử dụng phương pháp P/S với P/S dự phóng 1.2 lần, điều chỉnh phù hợp với định giá của một số chuỗi bán lẻ bách hoá trong khu vực (Bách Hoá Xanh, Alfamart).
(3) Với MML, chúng tôi sử dụng giá trị thị trường tại ngày báo cáo.
(4) Với PLH, chúng tôi sử dụng giá trị thương vụ MSN mua lại PLH
(5) Với MHT, chúng tôi sử dụng giá trị thị trường tại ngày báo cáo
(6) Với TCB, chúng tôi sử dụng định giá dự phóng của KBSV

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu MSN, mức giá mục tiêu 88,400 VNĐ/cp, cao hơn 18% giá đóng cửa ngày 29/05/2023 với kỳ vọng trụ cột bán lẻ – tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng, tăng trưởng mạnh của công ty liên kết TCB và kỳ vọng sự phục hồi của MHT.

Nguồn: BVSC


Các nguồn định giá tham khảo khác


Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0

MSN chart. Nguồn: Admin


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.