Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2019 với doanh thu tăng hơn 14% lên 9.804 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tương ứng tăng đến 29% lên 2.399 tỷ đồng. Về hoạt động tài chính, doanh thu tăng đáng kể từ mức 174 tỷ lên 251 tỷ đồng, trong khi chi phí được tiết giảm (bao gồm chi phí lãi vay). Kết quả, Sabeco ghi nhận lãi ròng quý 3/2019 ở mức 1.459 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1.035 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu 28.322 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng 4.279 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,5% và 23% so với 9 tháng đầu năm 2018. Theo giải trình phía Sabeco, doanh thu trong kỳ tăng do tăng sản lượng và giá bán. Cùng với doanh thu tài chính tăng, tiết kiệm chi phí thúc đẩy lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.
So với kế hoạch 38.871 tỷ doanh thu và 4.717 tỷ LNST, 3 quý đầu năm Sabeco đã lần lượt thực hiện được 73% chỉ tiêu doanh thu và gần 91% chỉ tiêu lợi nhuận.
Thay đổi nhân sự chủ chốt marketing, chuỗi cung ứng… Thaibev đang đi sâu vào công cuộc tái cấu trúc trong năm thứ 2 tiếp quản – tức định vị thương hiệu rõ ràng hơn bao gồm hình ảnh và phân khúc giá cả.
Không dừng lại ở công ty mẹ, Thaibev cũng tích cực tái cơ cấu tại các đơn vị trực thuộc tiềm năng, đáng chú ý nhất là Nước giải khát Chương Dương và tiếp đến lần này tại Bia Sài Gòn – Miền Tây.
Không vội vàng thúc đẩy xuất khẩu, không giành thị phần bằng cạnh tranh giá cả, Thaibev chọn cách đầu tư mạnh cho marketing, tăng hoạt động bán hàng thông qua quảng cáo và khuyến mãi một các hiệu quả. Trong đó, hoạt động marketing của Sabeco dự kiến sẽ tập trung vào các dự án quy mô lớn, thay vì thực hiện các sự kiện ở quy mô nhỏ.
Công cuộc đang dần mang lại những tín hiệu tích cực, biên lợi nhuận 2 quý liên tiếp cải thiện tốt, thậm chí quý 2 lợi nhuận Sabeco thiết lập kỷ lục giá trị mới. Biên lợi nhuận quý 3 tiếp đà tăng trưởng, đạt 24,5% (so với mức 21,7% hồi quý 3/2018).
Hiện, hoạt động phân phối Sabeco đang tiến hành cắt giảm số lượng và thời lượng hàng tồn; ngược lại với hành động đẩy hàng mạnh xuống hệ thống phân phối vào dịp cuối năm trước đây. Hành động này sẽ bảo sản phẩm tươi mới hơn khi đến tay người tiêu dùng từ đó thúc đẩy tiêu thụ, song song giúp Công ty giải phóng một số vốn lưu động.
Hiện, Sabeco là doanh nghiệp bia nắm khoảng 40% thị phần nội địa. 9 tháng đầu năm 2019, 4,4 tỷ lít bia được bán ra tại Việt Nam, Thaibev nuôi tham vọng đẩy con số lên lại mức 45%, thậm chí cao hơn đến năm 2021.
Tính đến thời điểm 30/9/2019, Sabeco ghi nhận tổng tài sản 24.778 tỷ đồng, tăng so với mức 22.367 đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 17.576 tỷ đồng, Sabeco đang có số dư tiền mặt, tiền gửi dồi dào với 14.760 tỷ đồng, hàng tồn được tiết giảm về 1.788 tỷ đồng. Nợ phải trả hiện vào mức 5.797 tỷ đồng, vốn chủ 18.981 tỷ đồng, Công ty đang có gần 10.302 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Liên quan đến thông tin Sabeco bán vốn cho Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải mới đây khẳng định, mọi thông tin liên quan đến việc Sabeco bị bán cho Trung Quốc là không đúng sự thật. Hiện nay tại Sabeco chỉ có 2 cổ đông chính là Công ty TNHH MTV Vietnam Beverage nắm 53,59% và Bộ Công Thương đại diện vốn Nhà nước nắm 36% vốn điều lệ, các cổ đông khác nắm 10,41%.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, ban lãnh đạo Sabeco cũng đã phản hồi thông tin bán mình cho Trung Quốc là không chính xác.