[Nhận định thị trường ngày 21.07] Thị trường giao dịch cầm chừng theo KQKD quý 2 và các ETF dựa theo rổ VN30 sắp cơ cấu – Cập nhật VPB

BẢN TIN

 

TIN THẾ GIỚI

Dow Jones tăng 8,92 điểm, tương đương 0,03%, lên 26.680,87 điểm. S&P 500 tăng 27,11 điểm, tương đương 0,84%, lên 3.251,84 điểm. Nasdaq tăng 263,9 điểm, tương đương 2,51%, lên 10.767,09 điểm, vượt đỉnh lịch sử 10.617,44 điểm hôm 10/7.

Giá dầu được hỗ trợ sau khi ba nhóm nghiên cứu thông báo vắc xin của họ có kết quả thử nghiệm hứa hẹn. Giá dầu Brent tương lai tăng 14 cent, tương đương 0,3%, lên 43,28 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 22 cent, tương đương 0,5%, lên 40,81 USD/thùng.

TIN TRONG NƯỚC

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM công bố danh mục cổ phiếu thành phần, khối lượng lưu hành tính chỉ số, tỷ lệ free float và giới hạn tỷ trọng vốn hóa của VN30-Index có hiệu lực vào ngày 3/8/2020.
 
Trong lần cập nhật này, 2 cổ phiếu KDH của Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) và TCH của Tài chính Hoàng Huy (HoSE: TCH) được thêm mới trong khi CTD của Coteccons (HoSE: CTD) và BVH của Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) bị loại ra khỏi danh mục. Các cổ phiếu dự phòng của chỉ số VN30 gồm có GEX, PDR, PHR, KBC và DXG.
 
Về tỷ trọng vốn hóa, cả ba cổ phiếu họ “Vin” là VHM, VIC và VRE được tăng từ 45,38% lên 47,32%. Trong khi đó, VNM bị giảm tỷ trọng từ 63,42% xuống 61,71%. 
 
Bên cạnh đó, CTG, ROS, VCB, VIC được tăng tỷ lệ free-float. Việc tăng tỷ lệ free-float và giới hạn tỷ trọng vốn hóa đồng nghĩa với việc tỷ trọng các cổ phiếu này trong danh mục VN30 được nâng lên. Ở chiều ngược lại MSN, REE, SBT, STB đều bị giảm tỷ lệ free-float.
 
Việc thay đổi tỷ trọng của các cổ phiếu trong danh mục VN30 sẽ có tác động lớn đến hoạt động mua bán của quỹ mô phỏng chỉ số này là VFMVN30 (HoSE: E1VFVN30). Hoạt động tái cơ cấu danh mục ETF sẽ diễn ra vào ngày giao dịch trước đó (31/7). Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ ETF nội đạt hơn 5.418 tỷ đồng tại thời điểm 20/7.
 
VN – INDEX

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/7, chỉ số VnIndex giảm -10,62 điểm – tương đương – 1,22%, xuống 861,40 điểm. Chỉ số HnxIndex giảm -1,09 điểm – tương đương -0,93%, đóng cửa ở mức 115,72 điểm. VIC, VHM và BID là 3 mã cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất lên VnIndex, lấy đi lần lượt -1,25, -1,24 và -0,92 điểm.

Mặt khác, GTN, ITA và KBC là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất lên chỉ số, đóng góp +0,08, +0,06 và +0,05 điểm. Giá trị giao dịch đạt 4.768,93 tỷ VNĐ trên sàn HSX và 523,11 tỷ VNĐ trên sàn HNX. Khối ngoại bán ròng -239,88 tỷ VNĐ trên sàn HSX và -0,88 tỷ VNĐ trên sàn HNX.

Về diễn biến nhóm ngành, 10 trên 10 nhóm ngành giảm điểm trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Dẫn đầu là ngành Dầu Khí (-1,66%) – chịu ảnh hưởng tiêu cực từ GAS (-1,39%), PLX (-2,32%) và PVD (-1,90%). Theo sau là ngành Dịch Vụ Tiêu Dùng (-1,51%) – do sự giảm điểm của VRE (-2,42%), VJC (-1,38%) và HVN (-0,76%).
 
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

VnIndex giảm -1,22% xuống 861,40 điểm. Diễn biến thị trường phiên hôm nay phản ánh tâm lý có phần đầy thận trọng của các nhà đầu tư sau phiên giảm điểm cuối tuần trước.

Về mặt xu hướng chung, VnIndex vẫn tiếp tục di chuyển theo hướng sideway trong vùng 830-890. Tuy nhiên, chỉ báo MACD dù vẫn ở trên mức 0 và đường tín hiệu nhưng đã có sự đảo chiều trong phiên hôm nay. Điều này cảnh báo về sự suy yếu của xung lực thị trường trong ngắn hạn. Chỉ báo Stochastic Oscillator đã cắt xuống dưới đường tín hiệu sau phiên giao dịch 20/7 .

Trong khi đó, chỉ báo dòng tiền Chaikin Money Flow đã chính thức giảm xuống dưới mức 0 cho thấy thị trường không nhận được sự hỗ trợ từ yếu tố dòng tiền. Do vậy, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm trong những phiên giao dịch tới.

Vùng 855-860 – nơi có sự hiện diện của đường SMA20 và SMA50 sẽ là vùng hỗ trợ gần nhất đối với VnIndex. Trong trường hợp vùng này bị xuyên thủng, chỉ số có thể sẽ lùi về tìm kiếm sự hỗ trợ quanh vùng 820-830.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Vn-Index dự báo sẽ hồi phục trở lại trong phiên kế tiếp khi lùi về vùng hỗ trợ 850-860 điểm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng, nếu vùng hỗ trợ trên bị xuyên thủng thì chỉ số nhiều khả năng sẽ giảm về vùng hỗ trợ mạnh 800-820 điểm trong ngắn hạn.

Trong giai đoạn tương đối thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại, thị trường sẽ chịu sự chi phối chính bởi yếu tố thông tin kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư tham chiếu theo các bộ chỉ số như VN30, VNDiamond, VNFinlead… Diễn biến của các cổ phiếu trong các rổ chỉ số trên dự kiến sẽ có sự sôi động hơn trong những tuần cuối tháng 07. Ngoài ra, ảnh hưởng từ dịch Covid19 nhiều khả năng sẽ khiến cho lợi nhuận của các công ty không được tích cực trong quý II, qua đó có thể tạo ra áp lực giảm điểm với các nhóm cổ phiếu trên thị trường.

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 25-50% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung, dài hạn.
Đối với các vị thế ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét mở các vị thế mua tại các vùng hỗ trợ chúng tôi đề cập.

TIN DOANH NGHIỆP

DXG : Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh đã công bố BCTC quý 2/2020. Cụ thể, riêng quý 2 doanh thu thuần đạt 478 tỷ đồng giảm 43% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán cũng giảm mạnh nên sau khi trừ giá vốn lãi gộp đạt 357 tỷ đồng giảm 25% so với quý 2/2019. Sau khi trừ các khoản chi phí và ghi nhận 35 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác DXG lãi ròng 58,5 tỷ đồng giảm mạnh 84% so với cùng kỳ trong đó cổ đông không kiểm soát nhận lãi 88 tỷ đồng và công ty mẹ chịu lỗ 29,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, DXG đạt 1.080 tỷ đồng doanh thu thuần giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, LNST đạt 152 tỷ đồng thấp hơn rất nhiều so với con số 789 tỷ đồng của nửa đầu năm 2019 trong đó công ty mẹ chỉ có lãi 38 tỷ đồng tương đương EPS vỏn vẹn 73 đồng.
 
VCS : Công ty cổ phần VICOSTONE đã công bố BCTC quý 2/2020 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ. Theo đó riêng quý 2 doanh thu thuần đạt 1126,7 tỷ đồng giảm 19,2% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán chỉ giảm 10,8% nên lợi nhuận gộp đạt 359,3 tỷ đồng giảm 32,7% so với quý 2/2019. Sau khi trừ các khoản chi phí và lỗ khác 1,2 tỷ đồng VCS báo lãi ròng 256,7 tỷ đồng giảm 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, VCS đạt 2495 tỷ đồng giảm nhẹ so với cùng kỳ, LNST đạt 561 tỷ đồng giảm 16,3% so với nửa đầu năm 2019.

CTD : Xây dựng Coteccons vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2020 với doanh thu thuần 3.971,5 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ. Giá vốn tương ứng giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp Coteccons tăng đáng kể, từ mức 184 tỷ lên gần 244 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 6,1%, tiếp tục tăng quý thứ 5 liên tiếp. Khấu trừ chi phí, Coteccons thu về 199 tỷ LNTT và hơn 158 tỷ LNST, cùng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019. Luỹ kế nửa đầu năm 2020, Công ty ghi nhận hơn 7.525 tỷ đồng doanh thu, trong đó chiếm phần lớn là nguồn thu từ dịch vụ xây dựng với hơn 7.513 tỷ, còn lại là doanh thu cho thuê văn phòng và cho thuê thiết bị xây dựng. Lợi nhuận trước thuế tương ứng đạt 354 tỷ đồng, thực hiện 59% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ nửa đầu năm thu về 282 tỷ, cùng kỳ đạt 313 tỷ đồng.
 
DGC : Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh thông báo về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên. Theo đó, toàn bộ hơn 129,36 triệu cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa Chất Đức Giang sẽ được niêm yết trên HoSE. Ngày giao dịch đầu tiên 28/7/2020. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 39.700 đồng/cổ phiếu. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +-20% so với giá tham chiếu. Trước đó toàn bộ hơn 129 triệu cổ phiếu DGC đã bị hủy niêm yết trên HNX để chuyển sàn niêm yết sang HoSE. Phiên giao dịch cuối cùng trên HNX vào 17/7/2020.
 
DBC : Tập đoàn Dabaco Việt Nam vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2020 với doanh thu 2.290 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ. Tương ứng lợi nhuận gộp thu về gần 670 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần; lợi nhuận sau thuế tăng cao gấp 54 lần cùng kỳ với 401 tỷ đồng. Phía Dabaco cho biết, quý 2/2020 ngành chăn nuôi nói chung có sự phục hồi tốt, dẫn đến kết quả kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi trong Tập đoàn hoạt động có hiệu quả cao. Trong khi, cùng kỳ năm 2019 ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi. Mặt khác, quý 2 năm nay một số dự án hoàn thành được đưa vào sản xuất gồm: Nhà máy dầu thực vật Dabaco, Nhà máy chế biến trứng ăn liền DeVi, Khu chăn nuôi gà giống đã đóng góp tích cực vào KQKD chung của Tập đoàn.
 
DHC : Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre đã công bố BCTC quý 2/2020 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ. Theo đó riêng quý 2/2020 doanh thu thuần đạt 649 tỷ đồng cao gấp 2,8 lần so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán cũng tăng cao nhưng lãi gộp vẫn đạt 95,6 tỷ đồng tăng 114% so với quý 2/2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần đạt 1.320 tỷ đồng cao gấp 3 lần cùng kỳ, LNST đạt 168 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 46,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019 tương đương EPS đạt 2.942 đồng. Năm 2020, DHC đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.338 tỷ đồng (tăng 63% cùng kỳ năm trước), lợi nhuận sau thuế 200 tỷ (tăng 10,5% năm trước).
 
RAL : Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã công bố BCTC quý 2/2020 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó riêng quý 2 doanh thu thuần đạt 929 tỷ đồng tăng 17% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán chỉ tăng thêm 12,3% nên lợi nhuận gộp đạt 313,5 tỷ đồng tăng 27% so với quý 2/2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, RAL đạt 2036 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 13% so với cùng kỳ, sau khi trừ chi phí LNST đạt 138 tỷ đồng tăng 43,5% so với nửa đầu năm 2019 tương đương EPS đạt 12.024 đồng – Nằm trong top các doanh nghiệp có EPS cao nhất sàn niêm yết tính đến thời điểm này.
 
BÁO CÁO CẬP NHẬT

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng ( HOSE – VPB )

1.    Luận điểm đầu tư

Cập nhật KQKD 6 tháng/2020

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng công bố KQKD hợp nhất trong 6 tháng 2020 với LN ròng đạt tổng cộng 5,3 nghìn tỷ đồng (+51,7% YoY). Thu nhập lãi ròng (NII) 6 tháng 2020 tăng 8,8% và NIM hợp nhất đạt 8,47% .Tăng trưởng thu nhập ròng hợp nhất mạnh mẽ trong 6 tháng 2020 đến từ (1) CIR giảm (- 4,8 điểm % YoY) và (2) chi phí dự phòng được kiểm soát (-0,6% YoY).

Tăng trưởng cho vay hợp nhất 6 tháng 2020 đạt 5,0% tính từ đầu năm (YTD), đến từ tăng trưởng cho vay 7,0%/-0,5% YTD tại ngân hàng mẹ/FE Credit (FEC). Tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 9,8% tính đến 6 tháng 2020 khi số dư trái phiếu doanh nghiệp tăng 96% YTD.

Dư nợ vay của FEC không tăng trưởng YTD đạt 60,2 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng công ty đã giảm cho vay các khách hàng mới chưa từng sử dụng dịch vụ ngân hàng và gia tăng tỷ trọng khách hàng hiện hữu trong dư nợ cho vay.

Tỷ lệ nợ xấu tại FEC được kiểm soát đạt 5,36% tính đến 6 tháng 2020 so với 5,37% trong cùng kỳ 2019 và 5,98% vào cuối 2019, với tỷ lệ xử lý nợ trên khoản vay gộp giảm còn 13,0% so với 14,0% trong năm 2019 và 13,4% trong 6 tháng 2019.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ đạt 2,61% với tỷ lệ xử lý nợ trên khoản vay gộp đạt 2,29% so với 1,90% cùng kỳ 2019 và 2,89% trong quý 1/2020.
Đà tăng trưởng thu nhập từ thu hồi nợ đã xử lý tại cả ngân hàng mẹ và FEC duy trì mạnh mẽ trong quý 2 với thu nhập từ thu hồi nợ hợp nhất trong 6 tháng 2020 đạt 1 nghìn tỷ đồng (+37% YoY).

Tích cực

    •  NIM đặc biệt cao so với mặt bằng chung của nhóm ngân hàng nhờ vào cơ cấu cho vay tín dụng tiêu dùng lớn;
    • Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động như ROE, ROA, và CIR được duy trì ở mức cao
    • Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao và ổn định tạo động lực tăng trưởng tín dụng tốt, đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế;
    • Tăng trưởng bảng cân đối cũng như thu nhập đều đặn qua các năm
    • Kỳ vọng sẽ có một khoảng thu nhập bất thường lớn trong nửa cuối năm 2020 hoặc đầu 2021 từ bán một phần công ty tài chính;
    • Thị giá đợc hỗ trợ thường xuyên qua việc mua cổ phiếu quỹ khi giá điều chỉnh sâu

Tiêu cực:

    • Tỉ lệ nợ xấu liên tục duy trì ở mức cao và không có nhiều sự cải thiện đi kèm với tỉ lệ bao phủ nợ xấu thấp.
    • Chi phí tín dụng cao nhất trong nhóm ngân hàng là hệ quả của chiến lược đánh đổi rủi ro lấy lợi nhuận, nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh cũng như nền kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn.
    • CASA thấp dẫn đến chi phí huy động cao;
    • Định giá đang ở mức cao so với nhóm ngân hàng tư nhân

2.    Định giá

BVSC ước tính tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 13% trong 2020, trong đó NH mẹ tăng 14% FEC tăng 10%. NIM dự báo giảm từ 9.5% trong 2019 xuống 9% do lãi suất giảm ở cả NH mẹ và FEC . Mặc dù VPB đã xử lý xong trái phiếu VAMC trong 2019, BVSC vẫn dự báo chi phí tín dụng tăng 12.4% trong 2020 do dự báo nợ xấu phát sinh tăng nhanh.  Ngoài ra chúng tôi e ngại khả năng IPO của VPB trong năm nay, khi mô hình tài chính tiêu dùng sẽ bộc lộ điểm yếu khi kinh tế đi xuống.
 
Giá cổ phiếu VPB tại ngày 20/7 là 22.700 đồng/cp, giá mục tiêu là 29.000 đồng/cp. EPS dự phóng 2020 là 3,576 nghìn đồng/cp và P/E là 5.72 lần.

ThanhCongWM Team


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/mudsad194

 


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.