[Nhận định thị trường ngày 29.05 ] Dòng tiền tiếp tục vào cổ phiếu vốn hóa lớn ( VRE, VHM, VCB,…) – Cập nhật CTI – OUTPERFORM

TIN THẾ GIỚI

  • Dow Jones giảm 147,63 điểm, tương đương 0,58%, xuống 25.400,64 điểm. S&P 500 giảm 6,4 điểm, tương đương 0,21%, xuống 3.029,73 điểm. Nasdaq giảm 43,37 điểm, tương đương 0,46%, xuống 9.368,99 điểm.
  • Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên đêm qua do hoạt động lọc dầu của Mỹ cải thiện ổn định có ảnh hưởng nhiều hơn so với tin tồn kho dầu thô, diesel tăng và lo lắng về luật an ninh mới ở Hong Kong có thể dẫn tới các trừng phạt kinh tế. Kết phiên 28/5, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 7 tăng 1,6% hay 55 US cent lên 35,29 USD/thùng. Dầu thô WTI cùng kỳ hạn tăng 2,7% hay 90 US cent lên 33,71 USD/thùng. Chênh lệch giữa dầu Brent và WTI xuống thấp nhất kể từ giữa tháng 4/2020.

TIN TRONG NƯỚC

Không có cổ phiếu nào được thêm mới vào danh mục 2 quỹ ETFs trong kỳ tái cơ cấu quý II/2020

Ngày 05/06 và 12/06, hai quỹ Vaneck Vectors® Vietnam ETF (VNM ETF) và DB xtrackers FTSE Vietnam UCITS ETF (FTSE ETF) sẽ lần lượt công bố danh mục các cổ phiếu thành phần quý II/2020. Hai quỹ này sẽ phải hoàn tất việc tái cơ cấu danh mục vào ngày 19/06.

Theo ước tính dựa trên dữ liệu giá đóng cửa của ngày giao dịch 25/05/2020, nhiều khả năng sẽ không có cổ phiếu nào được thêm mới vào danh mục của hai quỹ ETFs ngoại này trong kỳ tái cơ cấu quý II/2020. Ở chiều ngược lại, dự báo sẽ không có cổ phiếu nào bị loại khỏi danh mục của quý VNM ETF. Còn với quỹ FTSE ETF, PDR nhiều khả năng sẽ bị loại khỏi danh mục do vi phạm tiêu chí về thanh khoản.

Đối với danh mục của quỹ VNM ETF, các cổ phiếu được nâng tỷ trọng nhiều nhất là VIC, VHM và NVL với tỷ trọng tăng thêm lần lượt là 0,47%, 0,45% và 0,33%. Ngược lại, VNM là cổ phiếu bị giảm tỷ trọng nhiều nhất với mức giảm tỷ trọng là 0,61%.

Với danh mục của quỹ FTSE ETF, cổ phiếu PDR sẽ bị bán ra khoảng 2,6 triệu cổ phiếu tương đương gần 2,77 triệu USD. Ngoài ra, các cổ phiếu VNM, NVL và SSI cũng sẽ bị giảm tỷ trọng với các mức là 1,88%, 0,09% và 0,23%. Trong khi đó, VIC, VHM và HPG là những cổ phiếu được nâng tỷ trọng nhiều nhất với mức tăng lần lượt là 1,17%, 0,80% và 0,44% trong kỳ tái cơ cấu danh mục quý II/2020

VN – INDEX

Kết thúc phiên giao dịch 28/5 , VN-Index đóng cửa tăng 3,91 điểm (0,46%) lên 861,39 điểm; HNX-Index tăng 0,68% lên 109,64 điểm và UPCom-Index tăng 0,21% lên 55,01 điểm.

Giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi họ trở lại mua ròng 275 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua của khối ngoại tập trung vào các Bluechips như VCB (103,57 tỷ đồng), VHM (86,85 tỷ đồng), VRE (44,54 tỷ đồng),…

  • Trên HoSE, sau 3 phiên bán ròng liên tiếp, khối ngoại đã trở lại mua ròng 278,9 tỷ đồng trong phiên hôm qua. Mua ròng : VCB, VHM, VRE, CTG, POW,…. Bán ròng : HPG, CRE, HBC, VJC, VCI,…
  • Trên HNX, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp với 50 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 2,23 tỷ đồng. Mua ròng : NTP, SHB, IDV, BAX, VCS,…. Bán ròng: DGC, SHS, AMV, PVS, BVS,…
  • Trên UPCom, khối ngoại tiếp tục bán ròng 83 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 6,75 tỷ đồng. Mua ròng : MCH, CTR, BSR, VGI, VSN,….. Bán ròng : VEA, KDF, VTP, VLC, MIG,….

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

Vn-Index tăng 0,46% lên 861,39 điểm. Thị trường có diễn biến giằng co trong phiên hôm nay và khối lượng giảm đi và thấp hơn mức trung bình 14 ngày cho thấy tâm lý tương đối thận trọng của nhà đầu tư.

Khả năng chỉ số vượt được vùng kháng cự 860-880 vẫn còn khá thấp trong nhịp tăng hiện tại. Thị trường vẫn có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh về đường MA100 quanh vùng 840-850 điểm. Nếu VnIndex tiếp tục xuyên qua đường MA100 tại vùng 840-850 điểm thì có thể tiếp tục lùi về các vùng hỗ trợ sâu hơn tại vùng 820-830 điểm.

Về hệ thống chỉ báo kỹ thuật, đường MACD tiếp tục hướng xuống và thu hẹp khoảng cách với đường tín hiệu. Chỉ báo Stochastic Oscillator đang hướng xuống và nằm dưới đường tín hiệu cho thấy thị trường có khả năng sẽ giảm điểm trong một vài phiên tới.

Thị trường được dự báo lùi về vùng hỗ trợ quanh 840-850 trong một vài phiên kế tiếp. Nếu thị trường xuyên thủng vùng hỗ trợ này thì sẽ hướng xuống các vùng hỗ trợ sâu hơn tại 820-830 điểm.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

VN-Index dự báo có thể chịu áp lực giảm điểm trong phiên cuối tuần. Diễn biến thị trường có thể xuất hiện các nhịp biến động mạnh trong phiên kế tiếp do chịu ảnh hưởng từ hoạt động tái cơ cấu danh mục quý II của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI Frontier Market. Như đã đề cập trong các bản tin trước, thị trường khi bước vào trạng thái quá mua ngắn hạn sẽ sớm xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh. Nhịp điều chỉnh có thể về đến vùng 800-820 điểm trong ngắn hạn nếu chỉ số xuyên thủng vùng hỗ trợ 845-855 điểm.

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục mức 20-30% cổ phiếu, sau khi thực hiện bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục tại vùng kháng cự 860-880 điểm, tạm thời đứng ngoài thị trường. Đối với các nhà đầu tư vẫn duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục thực hiện bán giảm tỷ trọng tại vùng 860-880 điểm.

DANH MỤC CỔ PHIẾU KHUYẾN NGHỊ

TIN DOANH NGHIỆP

FRT : Chiều ngày 28/5, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020, thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu giảm 8% xuống 15.320 tỷ, LNTT 220 tỷ đồng, giảm 21%. Với chỉ tiêu trên, Công ty trình mức cổ tức cho năm 2020 bằng tiền mặt, tỷ lệ không quá 15%. Năm 2020 ban lãnh đạo chỉ đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng với mảng ICT. Đây cũng là điểm tựa để FRT có thể đầu tư mở rộng sang các hướng kinh doanh mới. FRT dự kiến tăng doanh thu của hệ thống cửa hàng bằng việc đưa vào bán kính mắt và đồng hồ theo hình thức shop – in – shop.

VNL : Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 vừa diễn ra sáng ngày 28/05, Ban lãnh đạo VNL lên kế hoạch doanh thu và lãi trước thuế năm 2020 lần lượt đạt 850 tỷ đồng và 20 tỷ đồng, giảm 11% và 23% so với năm trước. Ngoài ra, VNL cũng dự kiến chia cổ tức 1,500 đồng/cp.

HLD : CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản HUDLAND vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 với kế hoạch lãi sau thuế giảm 27% so với kết quả năm 2019, chỉ còn 54 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty lên kế hoạch 295 tỷ đồng doanh thu và hơn 54 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 29% và 27% so với kết quả đạt được năm 2019. Ngoài ra, giá trị sản xuất kinh doanh của HUDLAND dự kiến chỉ đạt hơn 51 tỷ đồng, tương ứng bằng 15% giá trị sản xuất năm 2019, chủ yếu đến từ các sản phẩm còn lại của Dự án CT17 (Green House). Dự kiến, HLD sẽ thực hiện chia cổ tức tỷ lệ 10%.

TNB : Ban lãnh đạo TNB nhận định tình hình thị trường thép 2020 diễn biến phức tạp, thị trường nguyên liệu phôi thép bị chi phối bởi các nhà cung cấp với sản lượng lớn. Thị trường thép thành phẩm cạnh tranh mạnh hơn do cung vẫn vượt cầu, một phần bởi có thêm nhiều nhà sản xuất mới đã hoàn thiện đầu tư đi vào sản xuất. Trong khi đó, đầu tư công hạn chế do khó khăn trong giải ngân, bất động sản có dấu hiệu kém khởi sắc. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, TNB lên kế hoạch sản xuất 170 tấn và tiêu thụ 150 tấn thép cán. Trong khi doanh thu ước tính xấp xỉ năm 2019 ở mức 1,985 tỷ đồng, lãi trước thuế năm 2020 dự kiến chỉ đem về 10 tỷ đồng, giảm đến 62%.

PRT : Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Tổng Công ty lên kế hoạch đi lùi cả về doanh thu lẫn lợi nhuận trong năm nay. Cụ thể, PRT đề ra chỉ tiêu 1,602 tỷ đồng tổng doanh thu thuần và 174 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho kế hoạch hợp nhất năm 2020, tương ứng giảm 4% về doanh thu và giảm 42% về lợi nhuận so với kết quả đạt được ở năm trước. Ngoài ra, PRT cũng dự kiến sẽ dành ra 90 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, tương ứng với tỷ lệ 3% trên mệnh giá cổ phiếu.

BÁO CÁO CẬP NHẬT

CTCP Đầu Tư Phát Triển Cường Thuận IDICO ( HSX – CTI )

  1. Cập nhật KQKD quý 1/2020

CTI cho biết doanh thu xây lắp, bán ống trong kỳ giảm do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19. Đồng thời, CTCP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang giảm doanh thu do tạm dừng thu phí trạm T2. Theo đó, doanh thu quý 1/2020 của CTI giảm 20% so cùng kỳ, xuống còn hơn 153 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp thu được hơn 75 tỷ đồng, giảm 27%. Sau khi trừ các khoản chi phí, CTI có kết quả lãi ròng hơn 17 tỷ đồng, giảm 27% so với quý 1/2019.

Tại thời điểm 31/3/2020, CTI có tổng tài sản hơn 4,615 tỷ đồng, tăng 2% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, khoản phải thu ngắn hạn của CTI gia tăng tới 86% so với hồi đầu năm lên mức 315 tỷ đồng. Chênh lệch tăng chủ yếu nằm ở khoản phải thu ngắn hạn khác. Trong kỳ, CTI ghi nhận đã thu hẹp khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 12%, xuống còn 287 tỷ đồng.

  1. Luận điểm đầu tư
  • Mỏ Tân Cang 8 đã được bán thành công cho công ty TNHH Xây dựng Hùng Vương trong tháng 4 vừa qua, với giá trị giao dịch khoảng 400 tỷ đồng. LNTT ước tính khoảng 70 tỷ đồng, sẽ được ghi nhận hoàn toàn trong Quý 2. Trong quá khứ, mỏ Tân Cang 8 (tổng công suất hàng năm 800.000 m3 ) đóng góp khoảng 70% doanh thu đá xây dựng hàng năm (~110 tỷ đồng năm 2019). Chúng tôi hiểu rằng khoản thu nhập một lần này sẽ giúp CTI giảm bớt áp lực nhu cầu vốn đối với các dự án đầu tư hiện tại như các KCN và các mỏ đá còn lại.
  • Ở kịch bản cơ sở (Covid-19 được kiểm soát cuối Quý 2), dự báo doanh thu thuần FY20 đạt 1.011,4 tỷ (+27,0% y/y) và LNST sau CĐTS đạt 157,3 tỷ (+95,4% y/y; bao gồm khoản thu từ TC8). Dự báo LNST sau CĐTS năm 2020 (không tính khoản thu từ TC8) là 101,3 tỷ (+25,4% y/y). Các nguồn thu nhập chính (thu phí; xây lắp; cống) kỳ vọng duy trì tăng trưởng khả quan. Ghi nhận KQKD từ dự án nhà ở xã hội Tam Hoà cao hơn mức sụt giảm của mảng khai thác đá khi không còn mỏ đá TC8.
  1. Định giá

CTI đóng cửa ở mức 18.850 đồng/cp ngày 26/5/2020, điều chỉnh hơn 18% YTD, hiện đang giao dịch ở mức P/E FY20F là 7,5 lần (dựa trên dự báo LNST-CĐTS FY20, bao gồm khoản thu nhập không thường xuyên từ việc bán m TC8). Khuyến nghị OUTPERFORM với mức giá mục tiêu là 23.100 đồng/cp (mức LN kỳ vọng 22,5%), định giá cổ phiếu ở mức P/E FY20F là 9,3 lần.

Chúng tôi kỳ vọng CTI ghi nhận KQKD Q2 2020 đột biến, nhờ ghi nhận khoản lợi nhuận một lần từ việc bán mỏ TC8 (Quy mô giao dịch: 400 tỷ đồng; LNTT ước tính 70 tỷ). Cùng với việc chi trả cổ tức tiền mặt 1.200 đồng/cp, sẽ thúc đẩy tâm lý tích cực đối với cổ phiếu trong thời gian tới. Việc ghi nhận KQKD của dự án nhà ở xã hội Tam Hòa và doanh thu xây dựng QL 91 sẽ mở ra câu chuyện tăng trưởng tích cực cho CTI trong 6 tháng cuối năm. Về dài hạn, chúng tôi tin rằng CTI ở vị thế tốt để hưởng lợi từ việc gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, nhờ chuỗi giá trị tích hợp mạnh theo chiều dọc, từ vật liệu xây dựng (đá, bê tông, cống và nhựa đường tự sản xuất) đến xây dựng và cơ sở hạ tầng. Theo chúng tôi, điều này sẽ củng cố lợi nhuận và nâng cao khả năng cạnh tranh đấu thầu của Công ty. CTI cũng được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhờ những nỗ lực phát triển các KCN Tân An và Phước Bình.

ThanhCongWM Team


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.