CẬP NHẬT VĨ MÔ
Thế giới
Biến động các chỉ số thị trường thế giới và Việt Nam
Tuần qua, diễn biến thị trường tài chính thế giới rất tiêu cực, xuất phát từ căng thẳng đột ngột tăng cao giữa Mỹ và Trung Quốc sau bài phát biểu chấn độngcủa Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence tố cáo Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. Bài phát biểu này cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ – Trung chỉ là phần nhỏ của tảng băng và khó có thể kết thúc trong một sớm một chiều. Cùng lúc đó, rủi ro thị trường trở nên rõ ràng hơn khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ở một số kỳ hạn ngắn đột ngột tăng cao và đường cong lãi suất gần như bằng phẳng. Như phân tích trong nhiều báo cáo trước, rủi ro đường cong lãi suất phẳng là dấu hiệu tiêu cực về trung hạn của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, nhiều loại lãi suất đi vay của nền kinh tế Mỹ tăng cao khiến sức ép trả lãi của cả nền kinh tế trở nên căng thẳng hơn trong thời gian tới.
Việt Nam
Theo sau thị trường tài chính thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên sụt giảm mạnh vào phiên ngày 11/10/2018 khiến nhiều người liên tưởng đến sự kiện Thiên nga đen có thể gây đổ vỡ thị trường. Tuy nhiên nguồn gốc đằng sau là chưa rõ ràng khiến nhiều nhà đầu tư rất khó đưa ra quyết định. Bất chấp rủi ro kinh tế thế giới từ cuộc chiến ngày càng căng thẳng của thương mại Mỹ – Trung, kinh tế Việt Nam được coi là hưởng lợi từ cuộc chiến này ở cả khía cạnh thương mại và đầu tư khi các nhà sản xuất và nhập khẩu thay thế cho Trung Quốc. Lợi thế từ nhân công lớn và địa lý nằm sát Trung Quốc, Việt Nam được coi là nền kinh tế sáng nhất trong ngắn hạn và trung hạn. Xu hướng giá dầu những phiên gần đây mang lại một tín hiệu tích cực cho các lãnh đạo Chính phủ Việt Nam trong việc điều hành kinh tế. Áp lực lạm phát có thể là rủi ro lớn nhất cho kinh tế Việt Nam trong năm sau.
Thị trường chứng khoán Việt Nam: VN-Index và VN30-Index vào ngày 11/10/2018 đóng cửa lần lượt tại 945,89 điểm và 920,02 điểm, giảm mạnh 48,07 điểm (-4,84%) và 46,25 điểm (-4,79%) so với phiên trước. Phiên giảm điểm này đã lấy đi hầu hết số điểm phục hồi của các chỉ số từ đầu tháng 8 đến nay. Áp lực bán giá thấp diễn ra trên diện rộng, chỉ có 30 mã hiếm hoi tăng điểm trên HOSE và 28 mã trên HNX, đây đều là các mã không phổ biến trên thị trường. Chịu tác động trực tiếp từ diễn biến tiêu cực của thị trường thế giới, cụ thể là TTCK Mỹ đêm qua và TTCK Châu Á đồng loạt giảm mạnh trong cùng thời gian, TTCK Việt Nam đã phản ứng dứt khoát theo xu hướng chung trong bối cảnh các chỉ báo kỹ thuật đang cho tín hiệu tiêu cực. Tuy nhiên, đây là một phiên bán bất thường do phản ứng tâm lý thái quá đến từ nhà đầu tư trong nước trong khi khối ngoại giao dịch ổn định hơn.
Nguồn: Bloomberg, SSIAM.
CẬP NHẬT NAV (ĐƠN VỊ: ĐỒNG)
BIỂU ĐỒ TĂNG GIẢM NAV (*)
(*) NAV được nối ngang giữa 2 ngày gần nhất
TÌNH HÌNH PHÂN BỐ TÀI SẢN
*Chi tiết báo cáo tổng hợp NAV các quỹ mở vui lòng xem ở đây.
CHI TIẾT HOẠT ĐỘNG QUỸ MỞ SSI SCA ĐẾN NGÀY 11/10/2018
Hoạt động Quỹ trong tháng 9/2018
Giá Trị Tài Sản Ròng/Chứng chỉ quỹ của Quỹ tăng 4,3% trong tháng 9 trong khi VN-Index tăng 2,8%.
Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu ước tính cho quý 3/2018. Nhìn chung, các chỉ số kinh tế vẫn tích cực với GDP tăng mạnh, chỉ số CPI được kiểm soát tốt và cán cân thanh toán duy trì ở mức cao. GDP quý 3 của Việt Nam tăng 6,88% n/n, nâng mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm lên 6,98% n/n, cao nhất kể từ năm 2011. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ ngành sản xuất (tăng 12,65% n/n), xây dựng (8,46% n/n) và doanh số bán lẻ (8,8% – số sau khi điều chỉnh lạm phát).
Một điểm sáng giúp cho đồng tiền của Việt Nam có diễn biến tích cực hơn so với các nước trung khu vực là Cán cân vãng lai của Việt Nam có mức thặng dư cao với giá trị 9,5 tỷ USD. Cán cân thanh toán của Việt Nam cũng ở mức cao trong 5 năm với giá trị 10,7 tỷ USD, bao gồm thặng dư thương mại 5,4 tỷ USD, vốn FDI 13,25 tỷ USD và vốn FII 2,66 tỷ USD. CPI tăng 3,57% n/n sau 9 tháng đầu năm so với mức kế hoạch đặt ra là 4,0%. Trong năm nay, chỉ tiêu lạm phát nhiều khả năng vẫn sẽ theo kế hoạch của Chính phủ tuy nhiên chỉ tiêu này vẫn cần quan sát trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh giá một số hàng hóa tăng gây áp lực cho năm sau.
Hiện tại, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang là chủ đề thu hút rất nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư. Ảnh hưởng cuối cùng của cuộc chiến này sẽ còn mất nhiều thời gian để đánh giá, tuy nhiên chúng tôi cho rằng ảnh hưởng của cuộc chiến này lên Việt Nam không phải hoàn toàn tiêu cực. Việt Nam thậm chí có những cơ hội được hưởng lợi từ xu hướng này, dựa trên nền kinh tế đang có nhiều thuận lợi từ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Trong tháng 9, FTSE Russell đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi bậc 2. Việc này cũng cho thấy lộ trình nâng hạng của TTCK Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng và tăng thêm kỳ vọng cho việc được đưa vào danh sách của MSCI trong năm 2019. Để đạt được mục tiêu nâng hạng, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có những cải tổ hợp lý giúp tăng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán và sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư lớn. Đây vẫn là yếu tố giúp cho thị trường chứng khoán có sự tăng trưởng về quy mô trong dài hạn
SSI Research
Công ty Quản Lý Quỹ SSI (SSI AM)