FPT đang giao dịch ở PE 2018 là 11x, đây là mức thấp so với PE thị trường và các cổ phiếu vốn hóa lớn khác. Chúng tôi nhắc lại khuyến nghị MUA đối với FPT, tại mức giá mục tiêu 1 năm là 58.300 đồng/cổ phiếu tương đương PE mục tiêu là 13x.
Công ty Cổ phần FPT (FPT: HOSE)
Số lượng cổ phiếu đang lưu hành: 531 triệu cp; Vốn hóa: 26.332 tỷ đồng; Giá trị giao dịch trung bình 3 tháng: 45,83 tỷ đồng, Giá hiện tại: 49.600 đồng/cp; và Tỷ lệ sở hữu nước ngoài: 49%.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017
FPT công bố doanh thu và lợi nhuận ròng 9T2017 đạt 31,13 nghìn tỷ đồng (+9% YoY) và 1,507 nghìn tỷ đồng (+13% YoY). Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng chủ yếu từ Fsoft và mảng bán lẻ.
Kết quả kinh doanh theo phân khúc
Gia công phần mềm vẫn giữ tăng trưởng mạnh mẽ trong 9T2017. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu thấp hơn so với ước tính của chúng tôi là 25%/năm do tăng trưởng tại thị trường Mỹ và EU hầu như không đổi. Trong nửa cuối 2017, Fsoft đã ký thêm nhiều hợp đồng tại Mỹ, do đó công ty kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ hồi phục vào năm 2018. Tuy nhiên, do quy định đối với các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Mỹ ngày càng siết chặt, công ty đẩy nhanh việc xin visa cho nhân viên tại Hoa Kỳ, công ty cũng lên kế hoạch mua lại các công ty nội địa Mỹ để có thêm hợp đồng.
FIS vẫn hoạt động kém thuận lợi do thị trường trong nước tăng trưởng chậm cũng như một số dự án ở Bangladesh bị trì hoãn. Chúng tôi cho rằng FPT có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả hoạt động của FIS vào quý 4/2017.
Dịch vụ viễn thông trong 9T2017 cũng có mức tăng trưởng tương tự như 6T2017, nhưng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chậm lại. Công ty đã trích lập dự phòng thanh toán phí dịch vụ trong quý 3/2017 trong trường hợp Chính phủ yêu cầu thanh toán phí vào cuối năm. Năm 2017, công ty có thể trích 1,5% doanh thu hoặc 10% lợi nhuận trước thuế vào khoản quỹ này.
Phân khúc phân phối phục hồi mạnh về lợi nhuận, giúp lợi nhuận trước thuế tăng 9%YoY trong 9T2017 so với mức tăng trưởng âm trong 6T2017. Quý 3/2017 là mùa tựu trường, đây là dấu hiệu tích cực cho mảng kinh doanh thiết bị CNTT.
Phân khúc bán lẻ tiếp tục đạt tăng trưởng mạnh mẽ trong 9T2017. Tỷ suất lợi nhuận cải thiện, nhờ công ty dần mở rộng và tập trung nhiều hơn vào việc tối ưu hóa chi phí. Trong 9T2017, FRT mở khoảng 7 cửa hàng/tháng so với trung bình 13 cửa hàng/tháng vào năm 2016.
Trong quý 3/2017, công ty đã chuyển nhượng thành công 30% cổ phần FRT cho Dragon Capital và Vinacapital. Ngoài ra, Synnex đầu tư mua lại 47% cổ phần FPT Trading trong quý 3/2017. FPT ước tính ghi nhận 800 tỷ đồng lợi nhuận ròng từ hai thương vụ trong quý 4/2017.
Ước tính năm 2017 & 2018
Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng đạt 44,08 nghìn tỷ đồng (tăng 9% YoY) và 2,94 nghìn tỷ đồng (tăng 48% YoY) trong năm 2017, tương ứng EPS đạt 5.008 đồng.
Năm 2018, doanh thu có thể giảm đáng kể -48% YoY xuống còn 23,03 nghìn tỷ đồng do thiếu vắng doanh thu đóng góp từ FTG và FRT. Lợi nhuận ròng ước tính giảm khoảng -10%YoY còn 2,659 nghìn tỷ đồng, tương ứng EPS đạt 4.507 đồng. Nếu không bao gồm tác động từ việc chuyển nhượng cổ phần của FTG và FRT, doanh thu và lợi nhuận ròng ước tính tăng 19% và 17% YoY vào năm 2018.
Quan điểm đầu tư
FPT đang giao dịch ở PE 2018 là 11x, đây là mức thấp so với PE thị trường và các cổ phiếu vốn hóa lớn khác. Chúng tôi nhắc lại khuyến nghị MUA đối với FPT, tại mức giá mục tiêu 1 năm là 58.300 đồng/cổ phiếu tương đương PE mục tiêu là 13x.
SSI Research
4 thoughts on “Công ty Cổ phần FPT (FPT: HOSE): Cập nhật Quý 3 – Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng chủ yếu từ Fsoft và mảng bán lẻ – [MUA – Mục tiêu 58.300]”