CTCP Đầu Tư Thế giới Di động (MWG): Trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2023 [Mục tiêu 61.500 đ/cp]

Chúng tôi định giá MWG theo từng chuỗi bán lẻ: TGDD&DMX, BHX và An Khang của MWG với các giả định (WACC: 13,1%, lãi suất phi rủi ro: 4,0%). Chúng tôi hạ giá mục tiêu 1 năm 21,5% so với báo cáo trước xuống còn 61.500 đồng/cp để phản ánh LN ròng của MWG trong năm 2023/24 sẽ giảm 32,5%/24,3% so với dự báo trước đây của chúng tôi.

KQKD Q4/22: Suy yếu bởi sự sụt giảm tiêu dùng nội địa

MWG đạt doanh thu Q4/22 là 30.588 tỷ đồng (-15,4% svck) do doanh thu của TGDĐ&ĐMX giảm 26,5% svck trong bối cảnh tiêu dùng sụt giảm mạnh và khan hàng một số sản phẩm hot như dòng iPhone 14 do hoạt động sản xuất của Apple bị gián đoạn trong Q4/22 bởi Covid-19 tại Trung Quốc.

Ngược lại, doanh thu của Bách Hóa Xanh tăng 27,8% svck nhờ thành công trong quá trình tái cấu trúc, mang lại doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng Bách hóa Xanh trong Q4/22 đạt 1,38 tỷ đồng, tăng 56,8% svck. Biên lợi nhuận gộp trong Q4/22 tăng lên 25,9% (+5,5% svck) do MWG giải phóng hàng tồn kho có biên lợi nhuận cao như phụ kiện, máy tính xách tay, đồng hồ và kính với khuyến mãi cao. Nhưng điều này lại khiến chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 24,9% svck (Chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp/doanh thu đạt 22,5%, +7,2 điểm % svck).

MWG cũng ghi nhận chi phí tài chính ròng là 70 tỷ đồng trong Q4/22, trong khi họ ghi nhận thu nhập tài chính ròng là 159 tỷ đồng trong Q4/21. Do đó, biên lợi nhuận hoạt động trong Q4/22 giảm 2,5 điểm % xuống 3,15% khiến lợi nhuận ròng của Q4/22 của MWG chỉ đạt 619 tỷ đồng, -60,4% svck.

Cho cả năm 2022, doanh thu MWG tăng 8,5% svck lên mức 133.405 tỷ đồng nhưng LN ròng giảm 16,3% so với cùng kỳ xuống 4.100 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 77% dự báo của chúng tôi.

Bảng cân đối tốt hơn: Cùng với việc ngừng mở rộng chuỗi cửa hàng trong bối cảnh sức tiêu thụ yếu và bất ổn vĩ mô, MWG đã giảm quy mô hàng tồn kho trong Q4/22, lần lượt giảm 10,4% so với quý trước, giảm 11,9% svck, đặc biệt là ở mặt hàng máy tính xách tay và phụ kiện với lượng hàng tồn kho của các sản phẩm này giảm giảm mạnh nhất theo quý, ở mức -29,2% và -23,9%. Ngoài ra, dòng tiền hoạt động kinh doanh Q4/22 của MWG đạt mức cao nhất kể từ năm 2019 sau khi ngừng mở rộng và hạ mức tồn kho để ưu tiên bảo vệ hoạt động kinh doanh cốt lõi, đạt giá trị 5.932 tỷ đồng.

MWG cũng cơ cấu nợ trong bối cảnh lãi suất cao, giúp tỷ lệ D/E giảm còn 0,7 lần, so với 1,1 – 1,2 lần trong năm 2019-2021. Nợ ròng trên mỗi cổ phiếu cũng được cải thiện mạnh mẽ, đạt 963 đồng vào cuối năm 2022, so với 8.794 đồng vào cuối năm 2021.

Thời điểm để BHX bắt đầu có lợi nhuận?

Chúng tôi tin rằng tiêu dùng bách hóa ít bị ảnh hưởng hơn so với các sản phẩm không thiết yếu khác trong thời kỳ suy giảm tiêu dùng, đặc biệt là ở thị trường còn nhiều tiềm năng tăng trưởng về bách hóa tại Việt Nam

Theo báo cáo của MCKinsey và dữ liệu của Euromonitor, năm 2020, 90% thị phần của thị trường bách hóa thuộc về cửa hàng truyền thống, trong khi chuỗi bán lẻ bách hóa hiện đại chỉ chiếm khoảng 1% thị phần. Chúng tôi ước tính thị phần của các chuỗi bán lẻ bách hóa hiện đại đã đạt thị phần 5% trong tổng mức tiêu thụ các sản phẩm bách hóa – khoảng 2.096 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, khẳng định tiềm năng phát triển mạnh mẽ của các chuỗi bán lẻ tạp hóa hiện đại tại Việt Nam.

Trong các giai đoạn suy thoái kinh tế trước đây, theo nghiên cứu của Bank of America, mức tiêu thụ hàng bách hóa ở Mỹ bằng hoặc cao hơn mức tiêu thụ hàng bách hóa trong 12 tháng trước đó, cho thấy phân khúc hàng bách hóa sẽ ít bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thấp hơn trong thời kỳ suy thoái. Chúng tôi kỳ vọng điều tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam và là một dấu hiệu tích cực cho các chuỗi cửa hàng bách hóa ở Việt Nam để duy trì đà tăng trưởng hoạt động kinh doanh của họ.

Chúng tôi nhận thấy sự cải thiện về lưu lượng và kết quả BHX trong quý vừa qua

Đối với BHX, theo số liệu từ Similarweb, lượng truy cập vào website Bachhoaxanh.com giai đoạn 22/11 – 23/1 gấp 3,0 lần so với giai đoạn trước tái cấu trúc (Q1/21 – Q1/22), điều này cũng tương đồng với kết quả của Bách Hóa Xanh từ 22/11 – 22/12 do doanh thu trong những tháng này duy trì xu hướng tăng trưởng đạt 1,38 tỷ đồng – 1,42 tỷ đồng so với khoảng 1,0 tỷ đồng vào đầu năm 2022, cho thấy sự cải thiện tốt trong việc thu hút khách hàng quay lại BHX.Tính đến 23/1, trong thời gian Tết, lượng truy cập vào website BHX tăng trưởng mạnh với mức tăng 32% so với tháng trước lên 23,9 triệu lượt người truy cập.

Trong Q4/2022, nếu không tính chi phí phát sinh, chúng tôi ước tính mức lỗ của BHX ở cấp công ty chỉ khoảng 350 tỷ đồng, tương đương với EBIT là -5% (so với -10 đến -12% trong Q1/22 đến Q3/22), cho thấy kết quả của sự nỗ lực mà BHX thực hiện tái cấu trúc kể từ Q2/22.

Chỉ số chính cần theo dõi: doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng

Theo chúng tôi, hiện tại, yếu tố quan trọng nhất cần theo dõi tại chuỗi Bách hóa Xanh là doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng – chỉ số quan trọng để biết khi nào MWG đạt điểm hòa vốn. Theo MWG, giá trị mỗi đơn hàng trong quý 4/22 giảm khoảng 15% so với đầu năm 2022 cho thấy ảnh hưởng của xu hướng chuyển dịch sang các sản phẩm giá thấp đã khiến tăng trưởng doanh thu của BHX không cao như kỳ vọng. Chúng tôi cho rằng giá trị đơn hàng sẽ dần cải thiện trong Q3/23, khi các yếu tố vĩ mô ổn định trở lại. Bên cạnh đó, họ có thể thu hút thêm khách hàng và tăng tần suất mua hàng thông qua phần thưởng thành viên (Quatangvip).

Bảng dưới đây là ước tính của chúng tôi cho từng kịch bản đối với biên lợi nhuận gộp và doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng Q3/23, Bách Hóa Xanh sẽ giữ biên lợi nhuận gộp ở mức 26% (tương đương mức năm 2022) và doanh thu hàng tháng/cửa hàng ở mức 1,50 tỷ đồng – 1,55 tỷ đồng (+8,7% đến 12% so với Q4/22) để đạt điểm hòa vốn.

Cho cả năm 2023/24, chúng tôi ước tính doanh thu hàng tháng của cửa hàng BHX sẽ đạt 1,4 tỷ đồng/1,56 tỷ đồng, đưa doanh thu chuỗi BHX đạt 30.145 tỷ đồng (+11,3% svck)/35.675 tỷ đồng (+18,3% svck), vẫn ghi nhận khoản lỗ 367 tỷ đồng vào năm 2023 nhưng lãi 712 tỷ đồng vào năm 2024.

Nhưng sau khi hòa vốn, từ 2024, liệu MWG có tìm ra công thức duy trì tốc độ mở rộng và khả năng sinh lời?

Trong 3 quý tái cơ cấu BHX của MWG vừa qua, chúng tôi nhận thấy MWG đã có những thay đổi quan trọng để tiếp tục mở rộng chuỗi sau khi hòa vốn, mặc dù chúng tôi ước tính tốc độ mở mới sẽ chậm hơn 5 năm qua nhưng sẽ giúp các cửa hàng mới sớm đạt hòa vốn nhờ vào:

  • Chiến lược xây dựng 1 cửa hàng kiểu chuẩn để dễ dàng quản lý, vận hành đồng bộ và thống nhất, dễ sao chép và xử lý khi gặp sự cố, thống nhất bố cục sản phẩm và không ảnh hưởng đến các cửa hàng hiện có (so với đóng cửa hàng để nâng cấp lên dạng mới ở giai đoạn trước).
  • Xây dựng bộ dữ liệu thống nhất về nhu cầu và bố cục sản phẩm theo khu vực và dễ dàng điều chỉnh thay đổi để đáp ứng sự thay đổi của nhu cầu khách hàng. Đây là số liệu thống nhất được MWG xây dựng kể từ sau khi tái cơ cấu.
  • Xây dựng lại chiến lược bán hàng tươi sống, công bố thời gian hàng tươi sống có hàng tại Bách Hóa Xanh, đẩy mạnh dịch vụ online giao hàng tận kho để đảm bảo hàng tươi ngon, tránh hủy hàng.

Do đó, chúng tôi chờ đợi điểm hòa vốn của Bách Hóa Xanh và các chiến lược tiếp theo để Bách Hóa Xanh tăng trưởng mạnh mẽ hơn kể từ năm 2024.

Điện tử tiêu dùng: Chờ tín hiệu tiêu thụ tốt hơn trong nửa cuối 2023

Chúng tôi cho rằng sự suy giảm tiêu dùng chỉ là tác động ngắn hạn: Theo dữ liệu từ Euromonitor, chúng tôi thấy rằng tốc độ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa và dịch vụ gia đình thường chậm lại, dưới 10% trong thời gian ngắn chỉ khoảng một năm (2009 / 2012 / 2016 / 2020-21) trước khi quay trở lại nhịp độ tăng trưởng mạnh trên 10% hàng năm, kéo dài khoảng 2-3 năm sau đó. Vì vậy, chúng tôi cho rằng đà suy giảm tiêu dùng kể từ Q3/22 nhiều khả năng sẽ kết thúc trong nửa cuối năm 2023, sau khi các yếu tố vĩ mô dần ổn định, trong bối cảnh tăng trưởng GDP của Việt Nam duy trì ở mức trên 6% trong năm 2023, để tạo ra mức tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng từ 5-10% vào năm 2023.

Chúng tôi kỳ vọng chu kỳ thay đổi điện thoại khoảng 2 năm sẽ tạo ra hiệu ứng nhu cầu dồn nén Q4/23: Theo báo cáo của China Mobile Terminal Lab (Via Cankaoxiaoxi) vào năm 2021, chu kỳ thay thế điện thoại thông minh sang các thiết bị mới hơn là 25,3 tháng, khoảng 2 năm. Đây cũng là khoảng thời gian các thiết bị Android ngừng hỗ trợ nâng cấp phần mềm mới và bắt đầu nhận thấy sự xuống cấp của phần cứng điện thoại. Do đó, nếu năm 2022, khi người tiêu dùng ngừng mua điện thoại mới do ảnh hưởng thu nhập giảm, thì Q4/23 sẽ là thời điểm nhu cầu đổi điện thoại bùng nổ, rơi vào thời điểm 2 năm trong chu kỳ đổi của điện thoại mà người tiêu dùng đã mua trong giai đoạn đỉnh cao doanh số điện thoại thông minh trong Q4/21 – Q1/22.

Bên cạnh đó, thời điểm ra mắt các mẫu điện thoại mới, đặc biệt là các dòng điện thoại như Iphone 15, Samsung Zfold 5,… thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 8 – tháng 12 hàng năm sẽ thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng, trong bối cảnh chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế dần phục hồi trong nửa cuối.

Do đó, chúng tôi kỳ vọng tiêu thụ điện thoại và sản phẩm điện tử sẽ phục hồi mạnh nhờ tăng trưởng vĩ mô ổn định để bắt đầu một chu kỳ tiêu dùng mới trong Q4/23. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu của chuỗi TGDD&ĐMX sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu lần lượt là 1,0% svck/13,8% svck lên 104.697 tỷ đồng/119.093 tỷ đồng trong năm 2023/24. Tuy nhiên, do sức tiêu thụ giảm khiến MWG đẩy mạnh khuyến mại hơn, chúng tôi dự báo LNTT của TGDD&ĐMX sẽ giảm 37%/4% svck trong năm 2023/24.

Thay đổi dự phóng 2023/24

Chúng tôi giảm doanh thu mỗi cửa hàng hàng tháng của BHX lần lượt 7,9%/8,2% xuống 1,40 tỷ đồng/1,56 tỷ đồng trong năm 2023/24 để phản ánh tác động của hiệu ứng mua hàng giá thấp hơn trong môi trường lạm phát gia tăng. Do đó, doanh thu của BHX giảm 8,0%/7,9% so với dự báo trước đó.

Chúng tôi giảm doanh thu của chuỗi TGDD 14,1%/14,3% cho năm 2023/24 để phản ánh tác động của tiêu thụ yếu đi kể từ Q4/22. Chúng tôi cũng giảm doanh thu chuỗi ĐMX 18,8%/0,7% trong năm 2023/24 vì lý do tương tự.

Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm doanh thu MWG trong năm 2023/24 tương ứng 15,5%/14,7% so với báo cáo trước đó.

Chúng tôi điều chỉnh thu nhập tài chính thuần là 364 tỷ đồng/205 tỷ đồng trong năm tài chính 2023/24 trong báo cáo trước thành chi phí tài chính thuần là 273 tỷ đồng/212 tỷ đồng để phản ánh mức lãi suất cao hơn chúng tôi dự kiến.

Chúng tôi giảm chi phí bán hàng & quản lý 11,4%/10,7% trong năm 2023/24 chủ yếu do doanh thu của MWG giảm.

Do đó, chúng tôi giảm lợi nhuận trước thuế 29,9%/25,7% cho năm 2023/24 so với báo cáo trước đó. Do đó, lợi nhuận ròng 2023/24 được điều chỉnh giảm 32,5%/24,3% so với báo cáo trước đó.

Định Giá

Chúng tôi định giá MWG theo từng chuỗi bán lẻ: TGDD&DMX, BHX và An Khang của MWG với các giả định (WACC: 13,1%, lãi suất phi rủi ro: 4,0%). Chúng tôi hạ giá mục tiêu 1 năm 21,5% so với báo cáo trước xuống còn 61.500 đồng/cp để phản ánh LN ròng của MWG trong năm 2023/24 sẽ giảm 32,5%/24,3% so với dự báo trước đây của chúng tôi.

Nguồn: VND


Các nguồn định giá tham khảo khác:


Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0

MWG chart. Nguồn: phowall.vn


Link tham room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638


 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.