[KQKD QUÝ 2] Ngành Ngân Hàng: Vietcombank (VCB) hoàn thành 60% kế hoạch 2018, VPbank (VPB) lãi 6T tăng 34%, MBbank (MBB) lãi 6T tăng 52%

Vietcombank hoàn thành 60% kế hoạch sau nửa năm, thu hẹp hoạt động trên liên ngân hàng

Tỷ lệ nợ xấu chỉ nhích từ 1,14% lên 1,15%, song nợ có khả năng mất vốn đã tăng gấp đôi so với đầu năm lên 4.000 tỷ đồng. Dù trích hơn 3.200 tỷ đồng chi phí dự phòng, lợi nhuận của Vietcombank vẫn tăng gấp rưỡi cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với lợi nhuận 6 tháng đầu năm gấp rưỡi cùng kỳ, EPS 6 tháng đạt 1.787 đồng. Quy mô tài sản giảm tuột khỏi mốc triệu tỷ đồng, chủ yếu do thu hẹp hoạt động vay/cho vay trên liên ngân hàng.

Theo giải trình của Vietcombank, ba động lực chính đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm là nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ (tăng 28%), hoạt động góp vốn (gấp 5,5 lần) và hoạt động khác (gấp 2,26 lần).

Lãi hoạt động khác đạt 780 tỷ đồng trong riêng quý II và 2.382 tỷ đồng lũy kế 6 tháng. Một phần trong số tiền thu được này đến từ việc thu hồi các khoản nợ đã xử lý.

Thu nhập lãi thuần vẫn tiếp tục là “nồi cơm chính” của ngân hàng với 6.800 tỷ đồng thu được trong quý II và gần 13.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Thu từ kinh doanh ngoại hối dù giảm nhẹ so với 6 tháng đầu năm nhưng vẫn mang về cho nhà băng này hơn 1.000 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng tương đương năm trước còn chi hoạt động tăng hơn 25%, nhất là chi cho nhân viên. Dù vậy, lợi nhuận của Vietcombank vẫn tăng gấp rưỡi, hoàn thành hơn 60% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của Vietcombank đạt 6.431 tỷ đồng.

Thu hẹp đáng kể (khoảng 40%) hoạt động trên thị trường 2, tổng tài sản của Vietcombank đến quý II chỉ còn 977.682 tỷ đồng, giảm 5,56% so với mức hơn triệu tỷ đồng đầu năm.

Tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng vẫn tăng gần 63.000 tỷ đồng (11,52%), lên hơn 606.000 tỷ đồng. So với đầu năm, trong khi dư nợ nhóm 4 giảm thì nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng gấp đôi lên 4.083 tỷ đồng. Việc chuyển nhóm nợ cũng góp phần khiến chi phí dự phòng của Vietcombank vẫn tương đương năm trước dù nhà băng này đã không còn khoản nợ đã bán tại VAMC.

Huy động từ tiền gửi khách hàng tăng hơn 56.000 tỷ đồng (7,9%) lên 764.497 tỷ đồng. Vietcombank cũng tích cực huy động trên kênh giấy tờ có giá thêm gần 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Theo cơ cấu vốn hiện tại, mỗi 1.000 đồng vốn của Vietcombank thì có 940 đồng vốn nợ và 60 đồng vốn tự có. Vốn chủ sở hữu đến cuối quý II của ngân hàng đạt 58.600 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ đồng so với đầu năm chủ yếu nhờ tăng lợi nhuận để lại.

VPBank báo lãi 6 tháng tăng 34% cùng kỳ năm trước, hệ số NIM tiếp tục cải thiện lên 9,4%

Mặc dù chi phí dự phòng trong 6 tháng đầu năm 2018 trích 5.400 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với cùng kỳ (3.995 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận của ngân hàng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ.

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB-HoSE) sáng ngày 20/7 cho biết tổng thu nhập hoạt động hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 14.511 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ tiêu cả năm. Lợi nhuận hợp nhất nửa đầu năm 2018 đạt hơn 4.375 tỷ đồng, tăng 34% so với 6 tháng năm 2017, đạt 41% kế hoạch.

Tổng tài sản đến cuối quý II đạt 293.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm và tăng 18% cùng kỳ. Dư nợ huy động cuối quý II tăng xấp xỉ 8% và tăng 10% so với cùng kỳ. Kênh trái phiếu cũng được ngân hàng tích cực sử dụng để huy động vốn.

Tăng trưởng tín dụng bao gồm cả cho vay và trái phiếu đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2017 và tăng 19% so với số liệu cùng kỳ. Trong đó, FECredit đóng góp 22% dư nợ.

Tỷ lệ tín dụng/ huy động (LDR) đạt 73%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 29,3%, thấp nhiều so với quy định hiện hành (45%). Tới cuối tháng 6, các chỉ số đều an toàn so d với quy định. trong đó CAR 13,2%, CAR tính toán theo Basel II đạt 12,4%. Hệ số CAR chỉ tính trên vốn cấp 1 đạt 11,4%.

Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 14.511 tỷ đồng, trong đó thu nhập ngoài lãi khả quan. Phí thu được trong hợp tác bán bảo hiểm AIA đạt 70% kế hoạch cả năm đề ra. Theo đại diện VPBank, đây là cơ sở để tin tưởng việc hợp tác mang lại kết quả khả quan các năm tới.

Chi phí dự phòng trong 6 tháng đầu năm 2018 trích 5.400 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với cùng kỳ (3.995 tỷ đồng). Việc thu hồi nợ hợp nhất trong nửa đầu năm đạt 724 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ 2017, trong đó hơn 520 tỷ đồng thu được từ FECredit.

Lợi nhuận hợp nhất nửa đầu năm 2018 đạt hơn 4.375 tỷ đồng, tăng 34% so với 6 tháng năm 2017. FECredit đang đóng góp 36% trong cơ cấu lợi nhuận trước thuế.

Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) giảm từ 35,54% cuối năm 2017 xuống 32,31% nửa đầu năm 2018. NIM tăng từ 9,26% cuối năm 2017 lên 9,42% nửa đầu năm 2018.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) của VPBank tính đến hết quý II đang ở mức 2,46% và 22,36%. Mặc dù ROE điều chỉnh một phần do ảnh hưởng từ việc tăng vốn.

Về hoạt động kinh doanh nửa đầu năm, Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank Lưu Thị Thảo cho biết tổng số khách hàng active đạt gần 5,4 triệu người, tổng số lượng thẻ đạt 2,8 triệu thẻ chiếm 27% thị phần và xếp thứ 3 trong hệ thống, dẫn đầu về số lượng thẻ mới phát hành. Kênh onboarding online credit card đã phát hành hơn 8.900 thẻ.

Chi tiêu thẻ của VPBank đạt gần 10 triệu đồng/ thẻ, chiếm hơn 20% thị phần chi tiêu thẻ. Trong năm 2017, doanh số chi tiêu thẻ của VPBank cũng đứng số 1 tại Việt Nam với 17% thị phần tính đến cuối năm 2017.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, VPBank triển khai mảng afluent banking (khách hàng VIP), đưa vào VPBank Dream vào hoạt động và trở thành nền tảng số giúp mang về đáng kể lượng khách hàng mới. Số lượng tiền gửi bình quân mỗi khách hàng qua kênh VPBank Dream tại 30/6 đạt 6,2 triệu đồng.

MBBank lãi hợp nhất 6 tháng tăng 52%, dư nợ cho vay của ngân hàng tăng 11,2% sau nửa đầu năm

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, mã MBB-HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế cao gấp rưỡi trong nửa đầu năm, riêng quý II tăng 35,3%.

Thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ là hai mảng kinh doanh mang về nguồn thu lớn nhất cho nhà băng này. Lãi thuần từ dịch vụ tăng gấp rưỡi, đạt 992 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Riêng hoạt động bảo hiểm bật mạnh góp ròng 409 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi từ hoạt động này chỉ đạt 186 tỷ đồng.

Hoạt động khác cũng thu về gấp đôi cùng kỳ với hơn 723 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Lãi từ chứng khoán đầu tư cũng đạt gấp 2,5 lần.

Các mảng hoạt động đều tăng trưởng giúp tổng thu nhập hoạt động nửa đầu năm đạt 9.038 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ thu về 6.380 tỷ đồng. Do đó, dù chi phí hoạt động và dự phòng tăng nhưng lợi nhuận trước thuế của MBBank vẫn tăng 52% lên 3.829 tỷ đồng.

Ngân hàng này cho biết đã chi tổng cộng 2.013 tỷ đồng để trả lương và phụ cấp cho nhân viên, tăng 46,5%. Cùng với việc mở rộng quy mô nhân sự thêm 1.870 người trong năm qua, thu nhập bình quân mỗi nhân viên MBBank cũng tăng lên 25,15 triệu đồng/tháng từ mức 19 triệu đồng bình quân nửa đầu năm 2017.

Đến cuối quý II, tổng tài sản của MBBank tăng 6,16% lên 333.203 tỷ đồng. Trong đó, giá trị các khoản cho vay khách hàng xấp xỉ 204.829 tỷ đồng. Trong danh mục cho vay của MBBank, cho vay cá nhân chiếm 34,43% với dư nợ 70.500 tỷ đồng, tăng 10.400 tỷ đồng so với đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý II tăng khá lên 1,29% từ mức 1,2% hồi đầu năm chủ yếu do nợ nhóm 3 và nhóm 5 tăng. Giá trị khoản phải thu sau khi tăng vọt trong quý I lên 18.644 tỷ đồng hiện đã giảm còn 10.305 tỷ đồng, chỉ còn tăng 14,8% so với số dư đầu năm.

Trong khi tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 11,2%, huy động vốn từ kênh tiền gửi khách hàng tăng 6,64%, lên xấp xỉ 234.800 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động qua phát hành giấy tờ có giá đến cuối quý II đạt 11.622 tỷ đồng. Trong cơ cấu vốn của nhà băng này cuối quý II, cứ mỗi 1.000 đồng vốn thì 906 đồng vốn nợ, còn lại 94 đồng là vốn tự có. Quy mô vốn chủ sở hữu của MBBank hiện đã tăng lên 31.331 tỷ đồng.

dautugiatri.vn

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.