MPC: LNST 2018 tăng trưởng vượt trội 58% so với 2017, kế hoạch tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi các thị trường xuất khẩu vẫn thuận lợi

Kết quả kinh doanh năm 2018

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội so với năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD (+7% YoY). Sản lượng xuất khẩu đạt 67.646 tấn (+19% YoY). Doanh thu bán tôm thành phầm tăng 15% YoY, đạt hơn 18.000 tỷ đồng. LNST tăng 58% YoY đạt 1.129 tỷ đồng, tương ứng với EPS 8.154 đồng/cổ phiếu (-12% YoY).

Năm 2018, tình trạng dư cung tại Ấn Độ (nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới) đã kéo giá tôm nguyên liệu thế giới giảm mạnh. Tại Việt Nam, thời tiết năm 2018 ổn định làm tôm ít bệnh, chi phí nuôi tôm giảm nên giá tôm nguyên liệu trong nước chỉ cao hơn giá tôm nguyên liệu thế giới 20-30% trong khi các năm trước mức chênh lệch lên đến 40-50%. Nhờ đó, công ty đã giảm được chi phí đầu vào và hạ giá bán để tăng sức cạnh tranh với tôm Ấn Độ và Thái Lan.

Trong năm, do Mỹ đặt kế hoạch nâng thuế nhập khẩu từ mức 10% trong năm 2018 lên 25% từ 1/1/2019 đối với một số hàng hóa Trung Quốc, Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu tôm và nhiều loại thực phẩm khác vào Mỹ  nhằm tránh mức thuế mới. Cung tôm Trung Quốc tại Mỹ dư thừa làm nhu cầu tôm Việt Nam tăng chậm. Vì Mỹ là thị trường chính của tôm Minh Phú nên tình trạng trên đã làm hàng tồn kho của công ty tăng mạnh trong năm 2018 (chiếm 55% tổng tài sản cuối quý 3/2018, so với 42% cuối năm 2017). Ngoài ra, việc tăng xuất khẩu tôm của Trung Quốc cũng làm giá bán trung bình của Minh Phú năm 2018 (11,1 USD/kg) giảm 10% so với giá bán trung bình năm 2017 (12,3 USD/kg).

Trong khi đó, tổng sản lượng xuất khẩu tăng mạnh 19% so với cùng kỳ nhờ áp dụng thử nghiệm công nghệ nuôi mới. Tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng (GTGT) cũng tăng lên mức 50% doanh thu trong khi năm ngoái chỉ chiếm 42% doanh thu. Kết quả là mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm 2018 chỉ tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp tăng mạnh 13%, biên lợi nhuận gộp tăng từ 12% lên 13%.

Nhờ kết quả kinh doanh tích cực, công ty dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt năm 2018 với tỷ lệ 50-70%. Phương án này sẽ được trình ĐHĐCĐ thông qua trong cuộc họp ngày 29/1 sắp tới.

Kế hoạch năm 2019

Về nguyên liệu tự nuôi: Theo Minh Phú, công nghệ nuôi mới cho năng suất gấp 10 lần công nghệ cũ nếu nuôi 3 vụ/năm (công nghệ cũ nuôi 2 vụ/năm) hoặc 17 lần công nghệ cũ nếu nuôi 5 vụ/năm. Năm 2019, công ty sẽ triển khai công nghệ nuôi mới trên diện tích 200 ha trong tổng số 900 ha vùng tự nuôi. Sản lượng tự nuôi năm 2019 dự kiến đạt 11.080 tấn, đáp ứng 10% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến. LNTT mảng nuôi tôm dự kiến đạt 300 tỷ đồng. Đến 2021, công ty sẽ triển khai công nghệ mới trên toàn bộ vùng tự nuôi. Tỷ lệ tự chủ nguyên liệu dự kiến đạt mức mục tiêu 50% vào năm 2033. Với biên lợi nhuận gộp hoạt động nuôi tôm là 30% trong năm 2018, chúng tôi cho rằng công ty vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận khi mức độ tự chủ nguyên liệu đạt 50%.

Về nguyên liệu mua ngoài: Nhiều nhà máy chế biến tôm thua lỗ lớn và ngưng hoạt động trong năm 2018 do giá tôm thành phẩm giảm mạnh theo giá thế giới trong khi giá tôm nguyên liệu thu mua từ các hộ nông dân không giảm nhiều. Minh Phú kỳ vọng điều này sẽ giúp  nguồn cung tôm cho các nhà máy của công ty năm nay dồi dào hơn trong khi giá sẽ giảm so với năm 2018. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, giá tôm thẻ nguyên liệu (tôm thẻ chiếm 70% cơ cấu tôm nguyên liệu của Minh Phú) đã tăng từ tháng 9/2018 đến nay về mức giá đầu năm 2018. Nguyên nhân có thể là do các tháng cuối và đầu năm thường là thời điểm vụ nghịch nuôi tôm do thời tiết trở lạnh. Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi sát diễn biến giá tôm nguyên liệu trong các tháng tiếp theo nhắm đánh giá ảnh hưởng của yếu tố này đối với chi phí đầu vào của Minh Phú.

Về giá bán tôm thành phẩm, do nguồn cung từ Ấn Độ sẽ giảm trở lại do nhiều nông dân treo ao sau khi thua lỗ trong năm 2018, mặt bằng giá tôm thành phẩm thế giới nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại. Mức tăng không lớn do Ấn Độ vẫn phải cạnh tranh với nhiều nước sản xuất tôm khác như Thái Lan, Trung Quốc và Ecuador. Minh Phú dự báo giá bán của công ty có thể đạt 11,2 USD/kg so với mức 11,1 USD/kg trong năm 2018.

Triển vọng tại thị trường Mỹ

  • Chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu (SIMP), có hiệu lực vào 31/12/2018. Đây là một rào cản kỹ thuật phức tạp và khó vượt qua so với rào cản về thuế chống bán phá giá (CBPG) . Theo Minh Phú, việc khai báo thông tin nhập khẩu vào Mỹ sẽ do một pháp nhân là công ty con MSeafood đảm nhiệm và thông tin về toàn bộ quá trình từ nuôi trồng đến thu hoạch sẽ được lưu trữ và cho phép truy xuất trực tuyến bởi phần mềm quản lý mua từ Microsoft. Nhờ vậy, công ty không gặp trở ngại nào đối với SIMP. Đa số các công ty tôm Việt Nam khác do không đủ sức mạnh về tài chính nên nhiều khả năng sẽ không thể đáp ứng yêu cầu về đại diện khai báo của SIMP và do đó xuất khẩu vào Mỹ sẽ bị hạn chế.
  • Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Mặt hàng tôm tẩm bột của Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế quan 10% hiện tại. Nếu Mỹ và Trung Quốc không thể đạt được một thỏa thuận đáng kể nào trước tháng 3/2019, tôm tẩm bột Trung Quốc sẽ bị áp thuế 25% và không thể vào Mỹ. MPC sẽ tận dụng cơ hội này để chiếm thị phần tôm tẩm bột của Trung Quốc tại Mỹ. Theo công ty, mảng này sẽ mang lại doanh thu 250-300 triệu USD/năm từ năm 2020 và lợi nhuận ròng tối thiểu 20% nhờ sử dụng công nghệ tự động hóa. Trong trường hợp căng thẳng Mỹ-Trung chấm dứt và Minh Phú phải cạnh tranh với Trung Quốc, công ty dự kiến mức lợi nhuận ròng của mảng này khoảng 15%.
  • Mức thuế CBPG cuối cùng đối với tôm Việt Nam cho kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR 12) (từ 1/2/2016 đến 31/1/2017) đánh vào các công ty tôm Việt Nam (trừ Minh Phú) là 4,58%. Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với mức thuế sơ bộ của POR 12 (25,39%) và mức thuế cuối cùng của POR 11 (25,76%). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đa số các công ty sẽ không tận dụng được cơ hội từ mức thuế thấp kỳ này do ảnh hưởng của chương trình SIMP. Minh Phú với lợi thế không bị áp thuế CBPG tại Mỹ, do đó, sẽ hưởng lợi rất lớn.

Hiệp định EVFTA

Do Ủy ban Châu Âu đã dời ngày kiểm tra vấn đề thẻ vàng IUU đến tháng 5/2019, chúng tôi kỳ vọng thời điểm sớm nhất hiệp định EVFTA có hiệu lực là khoảng đầu năm 2020. Mức thuế đánh vào tôm Việt Nam hiện tại là 4,2% đối với tôm nguyên liệu đông lạnh (mã HS 03); tôm chế biến (mã HS 16) là 7%. Khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế đối với tôm nguyên liệu đông lạnh sẽ giảm về 0% và đối với tôm chế biến sẽ giảm dần về 0% trong vòng 7 năm. Nhu cầu tiêu thụ theo đó sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và tôm Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội tại thị trường này, do tôm là một mặt hàng thủy sản được ưa chuộng tại châu Âu.

Tuy nhiên, vì Minh Phú xác định sẽ không tập trung vào thị trường châu Âu, chúng tôi không kỳ vọng EVFTA sẽ có tác động đáng kể lên doanh số của công ty tại thị trường này.

Kế hoạch phát hành riêng lẻ

Thương vụ phát hành cho đối tác chiến lược có giá trị khoảng 230-250 triệu USD cho 75,72 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu sau phát hành là 35,1%. Hiện tại Minh Phú có 3 đối tác tiềm năng là Misui & Co. Ltd, Hanwa Co. Ltd và Royal Holdings Co. Ltd và đang cân nhắc phát hành cho một hoặc cả ba đối tác. Trường hợp đối tác muốn sở hữu từ 51% trở lên, giá phát hành sẽ cao hơn 20%. Thông tin chi tiết hơn sẽ được công ty thảo luận với các cổ đông trong lần đại hội bất thường ngày 29/1 sắp tới.

Quan điểm

Nhu cầu đối với tôm Việt Nam tại Mỹ và các lợi thế của Minh Phú về thuế CBPG và chương trình SIMP sẽ đảm bảo cho Minh Phú khả năng cạnh tranh tốt với các công ty tôm Việt Nam khác. Lợi nhuận có tiềm năng tăng trưởng rất lớn khi tỷ lệ tự chủ nguyên liệu tăng dần cũng như khi dự án nhà máy tôm tẩm bột tự động hóa đi vào hoạt động.

Trong ngắn hạn, khi mức độ tự chủ về nguyên liệu còn thấp, chúng tôi cho rằng đầu vào của công ty vẫn sẽ chịu rủi ro về biến động giá tôm nguyên liệu trên thị trường. Về đầu ra, do sản lượng chưa tăng mạnh để tạo lợi thế cạnh tranh lớn với các nước khác, giá xuất khẩu của Minh Phú vẫn sẽ phụ thuộc vào giá thế giới.


Các nguồn định giá tham khảo khác


MPC chart. Nguồn: Admin


Nguồn: VDSC

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.