[Nhận định thị trường ngày 11.06] Thị trường vẫn còn dư địa tăng nhưng không nhiều – Áp lực chốt lời có thể dần xuất hiện – Cập nhật SZC – NEUTRAL

BẢN TIN
TIN THẾ GIỚI

Fed kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 9 – 10/6 với dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ năm nay là 9,3%, GDP giảm 6,5%, nhất trí giữ lãi suất cận 0 ít nhất đến hết năm 2022. Dow Jones và S&P 500 liên tục tăng giảm sau thông tin này. Cụ thể, Dow Jones giảm 282,31 điểm, tương đương 1,04%, xuống 26.989,99 điểm. S&P 500 giảm 17,04 điểm, tương đương 0,53%, xuống 3.190,14 điểm. Nasdaq tăng 66,59 điểm, tương đương 0,67%, lên 10.020,35 điểm.

Theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 5/6 tăng 5,7 triệu thùng lên 538,1 triệu thùng. Tồn kho tại Mỹ tăng vượt dự báo từ giới phân tích và là tuần tăng thứ 3 liên tiếp do lượng dầu nhập khẩu từ Arab Saudi lên tới 1,5 triệu thùng/ngày. Trong cuộc chiến giá với Nga hồi tháng 3 và 4, Riyadh đã đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô.Giá dầu Brent tương lai tăng 55 cent lên 41,73 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 66 cent lên 39,6 USD/thùng, trong phiên có lúc giảm hơn 2%.

VN – INDEX

Kết thúc phiên giao dịch 10/6 sắc xanh hiện diện trên cả 3 chỉ số. VN-Index đóng cửa tăng 0,57 điểm (0,06%) lên 900 điểm, HNX-Index tăng 0,46% lên 120,68 điểm và UPCom-Index tăng 0,02% lên 57,3 điểm.

Giao dịch khối ngoại diễn ra tương đối tích cực khi họ trở lại mua ròng gần 185 tỷ đồng. Lực mua của khối ngoại tập trung vào FUEVFVND (139,04 tỷ đồng), VHM (41,5 tỷ đồng), NLG (37,6 tỷ đồng)…

      • Trên HoSE, khối ngoại đã trở lại mua ròng 7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 190,37 tỷ đồng. Mua ròng : FUEVFVND, VHM, NLG, VCB, VNM,….Bán ròng : PC1, TDH, HPG, CII, GVR,…
      • Trên HNX, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 9 liên tiếp với 1,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 11,52 tỷ đồng. Mua ròng : NTP, TIG, VCS, TAR, ICG,….Bán ròng : PVS, SHB, SHS, HLD, DGC,….
      • Trên UPCom, khối ngoại đã bán ròng hơn 200 nghìn cổ phiếu, nhưng xét về giá trị họ vẫn mua ròng 4,32 tỷ đồng. Mua ròng : VTP, VEA, MCH, OIL, CTR,…Bán ròng : KDF, QNS, VLC, LPB, NTC,….

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

Thị trường đang có dấu hiệu tiếp cận đường MA200 hội tụ với dải BB trên. Trong quá trình tăng điểm tiếp cận vùng kháng cự này, thị trường có thể có các phiên tăng giảm đan xen. Sau đó, có khả năng thị trường sẽ gặp phải áp lực điều chỉnh và có thể lùi về đường MA20 tại vùng 865-870 điểm.

Về hệ thống chỉ báo kỹ thuật, chỉ báo RSI và Stochastic Oscillator tiếp tục cho tín hiệu về trạng thái quá mua của thị trường và có khả năng chịu gặp phải các nhịp rung lắc, điều chỉnh. Chỉ báo Know Sure Thing cũng tiếp tục hướng xuống và nằm dưới đường tín hiệu cho thấy chỉ số có khả năng chịp áp lực giảm điểm trong thời gian tới.

Thị trường được dự báo có khả năng xuất hiện các nhịp rung lắc điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự 910-915 điểm. VnIndex có khả năng lùi về các vùng hỗ trợ sâu hơn tại vùng 865-870 điểm.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

VN-Index dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện các nhịp điều chỉnh, rung lắc mạnh trong những phiên còn lại của tuần khi mà trạng thái quá mua trên thị trường đang lan tỏa trên diện rộng. Về tổng thể, đà tăng ngắn hạn của thị trường vẫn đang được duy trì với đích đến nằm tại vùng kháng cự mạnh 920-940 điểm.

Tuy nhiên, nếu thị trường phá vỡ vùng hỗ trợ 883-891 điểm thì lưu ý rằng, các chỉ số có thể bước vào nhịp điều chỉnh ngắn trước khi quay lại quá trình tăng điểm. Diễn biến thị trường giai đoạn này sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ nhiều khả năng sẽ vẫn có diễn biến sôi động, tuy nhiên áp lực chốt lời có thể sẽ sớm xuất hiện khi nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này đã đạt được mức tăng trưởng đột biến chỉ trong một thời gian ngắn. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ khó tạo được sự đột biến khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đang ở phía trước. 

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 50% cổ phiếu. Nhà đầu tư nên xem xét bán giảm tỷ trọng danh mục nếu vùng 883-891 điểm của chỉ số bị xuyên thủng.

DANH MỤC CỔ PHIẾU KHUYẾN NGHỊ

TIN DOANH NGHIỆP

MWG : HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động vừa thông qua việc góp thêm 3,000 tỷ đồng vốn cho CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh nhằm phục vụ kế hoạch phát triển và mở rộng kinh doanh. Xét theo giá gốc tại BCTC, MWG đã đầu tư vào Bách Hóa Xanh trên 3.6 ngàn tỷ đồng tính đến cuối quý 1/2020. Tại Nghị quyết HĐQT vừa công bố, MWG cũng dự kiến tăng thêm 800 tỷ đồng vốn điều lệ cho CTCP Thế Giới Di Động, đơn vị vận hành hai chuỗi điện thoại và điện máy của tập đoàn. Ban lãnh đạo MWG không tiết lộ thời điểm nhưng cho biết đợt tăng vốn sẽ được thực hiện ngay trong năm 2020.

DHG : Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên (dự kiến diễn ra ngày 29/06/2020), HĐQT sẽ trình cổ đông phương án kinh doanh năm 2020 với doanh thu thuần 3,866 tỷ đồng và lãi trước thuế 720 tỷ đồng, biến động không quá 1% so với năm trước. Có thể thấy nhiều năm trở lại đây, tình hình tài chính của DHG vẫn đang trong xu hướng đi ngang, lợi nhuận của đơn vị này hầu như không có biến động lớn. Bên cạnh đó, HĐQT sẽ đệ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 30% mệnh giá.

HTI : Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 diễn ra vào sáng ngày 10/06/2020, cổ đông đã thống nhất thông qua tất cả các tờ trình. Cụ thể, cổ đông đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 với hơn 373 tỷ đồng tổng doanh thu và gần 74 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, con số này hầu như suýt soát kết quả năm 2019. Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đi ngang, HTI dự kiến tỷ lệ cổ tức 2020 tối thiểu 14%.

TCM : vừa có ước tính kết quả kinh doanh tháng 5/2020 với doanh thu 14 triệu USD, tương đương 326 triệu đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận tương ứng thu về 1,1 triệu USD, tăng đột biến 175%, tương đương gần 26 tỷ đồng. Theo đại diện TCM, kết quả khả quan trên có được nhờ đơn hàng khẩu trang và đồ bảo hộ y tế xuất đi thị trường Mỹ. Luỹ kế 5 tháng đầu năm, TCM ghi nhận 1.320 tỷ đồng doanh thu, LNST xấp xỉ 66 tỷ đồng, tăng tốt so với 5 tháng đầu năm 2019. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Công ty đã tìm kiếm đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế bù đắp cho thiếu hụt đơn hàng truyền thống.

PNJ : Sáng ngày 10/6/2020, PNJ đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020. Được biết, PNJ điều chỉnh mục tiêu doanh thu thuần đạt 14.486 tỷ đồng, giảm 31% so với kế hoạch ban đầu, LNST giảm 38% xuống còn 842 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo cho biết, ngày 11/6 PNJ sẽ đồng loạt khai trương 9 cửa hàng mới, nâng tổng số lượng cửa hàng trên toàn hệ thống lên gần 360. Song song, hệ thống PNJ Watch đến thời điểm hiện tại là 44 cửa hàng và mạng lưới này sẽ tăng lên 54 cửa hàng khi tháng 6 kết thúc. Tại Đại hội, PNJ cũng trình cổ đông thông qua việc phát hành hơn 2,55 triệu cổ phiếu ESOP với giá phát hành 20.000 đồng/cp cho các CBNV chủ chốt của Tập đoàn.

BÁO CÁO CẬP NHẬT

CTCP Sonadezi Châu Đức ( HOSE – SZC )

    1. Luận điểm đầu tư

Triển vọng trung và dài hạn nhiều tiềm năng với quỹ đất KCN và đô thị lớn

Quỹ đất thương phẩm đã đền bù còn 370-390ha và khả năng mở rộng thêm 300ha từ quỹ đất còn lại chưa đền bù. Theo số liệu BCTN 2019 và ước tính diện tích thương phẩm còn lại, tương ứng trên quỹ đất đền bù và trừ diện tích đã cho thuê, là khoảng 370-390ha. Tuy nhiên, diện tích liền thửa để khai thác giả định khoảng 80% của diện tích này ~ 315ha. Quỹ đất này đủ để SZC kinh doanh trong khoảng 4-6 năm. Chúng tôi ước tính giá trị hợp đồng quỹ đất này khoảng 5.400 tỷ. Biên GPM trung bình 55% thì lợi nhuận gộp mang lại 2.900 tỷ đồng.

Diện tích đất đô thị là ẩn số lớn về giá trị của Công ty nhìn trong dài hạn

Theo quy hoạch, dự án KCN – Đô thị Châu Đức có 689ha là đất ở để phát triển đô thị. Dự án đô thị luôn được quy hoạch bên cạnh dự án khu công nghiệp nhằm mục tiêu cung cấp sản phẩm nhà ở chuyên gia, CBCNV trong dự án. Trong 10 năm gần đây, nhiều khu đô thị lớn hình thành theo định hướng trên như khu dân cư Tân Tạo, khu đô thị Cát Lái, đô thị Việt – Sing… Một số dự án đô thị mới đựơc phát triển cũng ghi nhận thành công như khu đô thị Nam Tân Uyên, khu dân cư Mỹ Phước 1-2-3, khu dân cư Bàu Bàng, khu dân cư Phú Mỹ (DIG và HDC), khu dân cư Viva City (liền kề KCN Giang Điền)…Điều này cho thấy tiềm năng quỹ đất đô thị của SZC là hiện hữu.

Mặc dù, câu chuyện ngành khu công nghiệp và quỹ đất của SZC là khá hấp dẫn. Kết quả kinh doanh năm 2020 của doanh nghiệp có thể chưa phản ánh những yếu tố đó thông qua lợi nhuận ghi nhận. Một số nguyên nhân có thể được lý giải :

          • Việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia do Covid19 sẽ làm cho ký kết hợp đồng cho thuê (từ thỏa thuận thuê đất)/ tìm kiếm hợp đồng mới bị ảnh hưởng
          • Quan điểm thận trọng từ ban lãnh đạo SZC trong ghi nhận (BQL để ngỏ khả năng điều chỉnh giảm lợi nhuận kế hoạch trong nửa sau 2020). Từ đó, một sự thận trọng trong ước tính KQKD 2020 là cần thiết. Dự báo lợi nhuận sau thuế dự báo tăng trưởng 23%, tương đương mức 164 tỷ đồng.
    1. Định giá

Chúng tôi đánh giá cao về tiềm năng trong dài hạn của SZC với quỹ đất lớn để phát triển KCN và đô thị mà Công ty đang sở hữu. Giá trị quỹ đất này theo ước tính thận trọng là 31,000 đồng/cp. Nhìn cho năm 2020, giá hợp lý cho SZC theo NAV và phương pháp so sánh là 24,500 đồng/cp. Căn cứ giá thị trường ngày 08.6.2020, kết quả này chỉ còn mức thặng dư 13%. Do đó, chúng tôi tạm thời đánh giá NEUTRAL cho cổ phiếu SZC ở mức giá thị trường hiện tại dù triển vọng dài hạn vẫn còn hấp dẫn. Nhà đầu tư yêu thích ngành khu công nghiệp và hướng đến mục tiêu đầu tư dài hạn có thể xem xét mua 1 phần và chờ giá cổ phiếu điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng. Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục quan sát.

Rủi ro: kết quả kinh doanh 1-2 quý tới có thể thấp so với Q1.2020 do các hợp đồng mới có thể bị trì hoãn do việc hạn chế đi lại giữa Việt Nam và các đối tác lớn trên thế thời.

ThanhCongWM Team

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.