[Nhận định thị trường ngày 23.07] Thị trường di chuyển theo hướng sideway đi xuống với khối lượng giảm dần – Cập nhật DHC

BẢN TIN

TIN THẾ GIỚI

Dow Jones tăng 165,44 điểm, tương đương 0,62%, lên 27.005,84 điểm. S&P 500 tăng 18,72 điểm, tương đương 0,57%, lên 3.276,02 điểm. Nasdaq tăng 25,76 điểm, tương đương 0,24%, lên 10.706,13 điểm.
 
Giá dầu thế giới hôm 22/7 chốt phiên giảm điểm khi thông tin về tồn kho tại Mỹ bất ngờ tăng. Giá dầu Brent tương lai giảm 3 cent xuống 44,29 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 2 cent xuống 41,9 USD/thùng.
 
VN – INDEX

Phiên giao dịch ngày 22/7, lực bán bất ngờ tăng cao trong phiên chiều khiến nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn như BID, VHM, BVH, PLX, TCB, GAS… quay đầu giảm giá và mất hơn 1%. VN-Index đóng cửa ở mức 855,08 điểm, giảm 6,61 điểm (-0,77%). HNX-Index giảm 0,77 điểm (-0,66%) xuống 115,32 điểm.
 
Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 165 tỷ đồng trên cả 3 sàn, thấp hơn so với mức 319 tỷ đồng của phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài đều giảm lượng mua vào và bán ra phiên hôm 22/7. Cụ thể, nhóm này mua vào 373 tỷ đồng, giảm 36,7% so với phiên trước và bán ra 538 tỷ đồng, giảm 40,8%.
 
Đối với HoSE, dòng vốn ngoại bán hơn 149 tỷ đồng, giảm gần 51% so với phiên trước. Mua ròng : VCB, CMX, KDC, DHC, TLG, TVS,….Bán ròng : VNM, HPG, VHM, DXG, NVL,….
Trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài bán 4,2 tỷ đồng, cao hơn mức 2,1 tỷ đồng của phiên trước. Mua ròng : DHT, IDV, VCS, BVS, SEB,….Bán ròng : SHB, HUT, DNP, DZM, INN,…..
Tại UPCoM, khối này bán ròng hơn 11,2 tỷ đồng, giảm 11,5% so với phiên trước. Mua ròng : LTG, VEA, BSR, NTC, BCM,….Bán ròng : ACV, VLC, KDF, QNS, UDJ,….
 
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

Trong ngắn hạn, thị trường vẫn tiếp tục di chuyển theo hướng sideway đi xuống với khối lượng giảm dần. Chỉ báo MACD đã chính thức cắt xuống dưới đường tín hiệu sau phiên giao dịch ngày hôm nay, dù vẫn ở trên mức 0. Điều này cảnh báo rủi ro thị trường có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm trong những phiên giao dịch tới.
Thêm vào đó, chỉ báo dòng tiền Chaikin Money Flow tiếp tục giảm mạnh xuống dưới mức 0, trong khi chỉ báo RSI vẫn đang duy trì đà giảm. Diễn biến của 2 chỉ báo này củng cố khả năng thị trường tiếp tục điều chỉnh trong những phiên giao dịch tới. Tuy vậy, chỉ báo Stochastic Oscillator đã tiến vào vùng quá bán, do đó có khả năng nỗ lực hồi phục của thị trường sẽ xuất hiện trong phiên giao dịch ngày mai. Tuy nhiên, nhiều khả năng nỗ lực này sẽ không đủ để có thể ngăn ngừa hoàn toàn áp lực giảm điểm của thị trường, nhất là trong bối cảnh VnIndex vừa cắt xuống dưới cùng lúc cả 2 đường SMA20 và SMA50 trong phiên giao dịch ngày 22/7.

Vùng 825-830 được kỳ vọng sẽ là vùng hỗ trợ gần nhất giúp thị trường hồi phục. Mặt khác, nỗ lực hồi phục của thị trường sẽ cần phải vượt qua vùng kháng cự xung quanh mốc 860 điểm.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Sau khi xuyên thủng xuống dưới vùng hỗ trợ quanh mốc 860 vào ngày hôm qua, nhiều khả năng VnIndex sẽ tiếp chịu áp lực giảm điểm về vùng hỗ trợ quanh mức 825-830.
Trong giai đoạn này, VnIndex được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng bởi yếu tố liên quan đến kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp – vốn được cho là chịu ảnh hưởng tương đối tiêu cực do tác động của dịch Covid-19.
Ngoài ra, việc tái cơ cấu các danh mục của các quỹ ETFs tracking theo các chỉ số như Vn30, VnDiamond và VnFinLead cũng có thể sẽ tạo ra những biến động khó lường trên thị trường.

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 25-50% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung, dài hạn. Đối với các vị thế ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét mở các vị thế mua tại các vùng hỗ trợ chúng tôi đề cập.

TIN DOANH NGHIỆP

TDM : CTCP Nước Thủ Dầu Một vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2020 với doanh thu thuần 96 tỷ đồng và lãi ròng 47 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 35% so cùng kỳ. Nhờ giá vốn cung cấp nước thu hẹp 2%, Công ty thu được hơn 53 tỷ đồng lãi gộp, tăng 16%. Sau cùng, TDM ghi nhận kết quả lãi ròng hơn 47 tỷ đồng, tăng 35% so với quý 2/2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp cung cấp nước này đem về 179 tỷ đồng doanh thu và 78 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 9% và 10% so cùng kỳ.
 
LHG : Công ty cổ phần Long Hậu đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2020 với doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 181,2 tỷ đồng tăng 68% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 387,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 106,8 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 38% và 35% so với 6 tháng đầu năm 2019. Năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu là 916 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 122,5 tỷ đồng, theo đó kết thúc nửa đầu năm 2020 LHG đã hoàn thành được 42% mục tiêu về doanh thu và 87% mục tiêu về lợi nhuận.

STB : Sacombank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II, ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 1.428 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập lãi thuần tăng gần 31% so với cùng kỳ, đạt 2.637 tỷ đồng. Đây là mức tăng cao hơn nhiều so với các ngân hàng khác dù trong bối cảnh giảm mạnh lãi suất cho vay. Lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng có kết quả khả quan, đạt 165 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, lãi trước thuế quý II của Sacombank đạt 441 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 1.428 tỷ đồng, hoàn thành gần 56% kế hoạch năm. Cuối tháng 6, tổng tài sản đạt 481.898 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng gần 5% đạt 310.695 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng tăng hơn 6% đạt 426.236 tỷ đồng.

BLF : CTCP Thủy sản Bạc Liêu vừa công bố BCTC quý 2/2020 với đa phần các chỉ tiêu đều giảm. Tính riêng trong quý 2, BLF ghi nhận doanh thu thuần và giá vốn hàng bán lần lượt giảm 18% và 3% so với cùng kỳ, xuống còn 146 tỷ đồng và 109 tỷ đồng. Từ đó dẫn đến lãi gộp của BLF giảm 44%, ghi nhận 37 tỷ đồng. Kết thúc quý 2, BLF ghi nhận lãi ròng giảm 57% so với cùng kỳ, xuống còn 2 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của BLF ghi nhận tăng nhẹ 6% so với dùng kỳ năm trước, lên 293 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng đầu năm, lãi ròng của BLF giảm 35%, chỉ còn gần 4 tỷ đồng.

PTS : Theo BCTC hợp nhất quý 2/2020 vừa công bố, CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng ghi nhận doanh thu thuần giảm 9%, xuống còn 78 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn giảm mạnh hơn đã giúp kéo lãi gộp tăng 9%, lên gần 11 tỷ đồng. Các chi phí của PTS cũng đồng loạt giảm như chi phí lãi vay (giảm 30%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 18%).
Khép lại quý 2, PTS ghi nhận lãi ròng gấp 29 lần so với cùng kỳ, lên gần 2 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, PTS ghi nhận doanh thu thuần và giá vốn đồng loạt giảm 4% so với cùng kỳ, xuống còn 160 tỷ đồng và 138 tỷ đồng. Từ đó dẫn đến lãi gộp giảm nhẹ 3%, ghi nhận hơn 21 tỷ đồng, lãi ròng của PTS ghi nhận hơn 3 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ.

BÁO CÁO CẬP NHẬT

CTCP Đông Hải Bến Tre ( HOSE – DHC )
 
1.    Cập nhật KQKD quý 2/2020
 
DHC công cố kết quả Q2 2020 với doanh thu đạt 649 tỷ đồng (+181% yoy) và lợi nhuận sau thuế đạt gần 79 tỷ đồng (+212% yoy). Như vậy sau 6 tháng DHC đã hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu và 84% kế hoạch lợi nhuận năm. So với báo cáo lần trước, kết quả này đạt lần lượt 57% dự báo doanh thu và 79% dự báo lợi nhuận. Chúng tôi cập nhật các điểm nhấn chính trong kết quả kinh doanh Q2 2020 như sau:

    • Sản lượng tiêu thụ giấy của DHC không bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19.

Sản lượng tiêu thụ chỉ giảm trong tháng 4 do giãn cách xã hội và hầu như đã phục hồi hoàn toàn trong các tháng sau đó. Qua đó khả năng sản lượng cả năm 2020 của Giao Long 2 có khả năng vẫn đạt 100% so với dự báo 77-80% lần trước. So sánh tương quan, BVSC cũng nhận thấy tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chung của ngành đã hồi phục rất nhanh kể từ tháng 5/2020.
 
Lượng hàng lớn của các doanh nghiệp FDI xuất khẩu đi Trung Quốc gặp khó khăn nên phải bán trong nước nhìn chung đã kéo giảm mặt bằng giá đầu ra trong Q2. Theo dõi giá xuất khẩu, chúng tôi thấy có thời điểm giá bán đã giảm gần 20% so với cuối 2019. Tuy nhiên với việc Việt Nam cũng như các nước trên thế giới mở cửa nền kinh tế trở lại, giá giấy thành phẩm đã hồi phục đáng kể và đang quay lại mặt bằng đầu năm.

    • Giá đầu vào bắt đầu giảm mạnh sau 1H 2020 đầy biến động.

Dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn cung giấy thu hồi OCC từ Mỹ, Nhật Bản và EU tới Châu Á. Qua đó, giá OCC đã tăng mạnh và đạt đỉnh vào tháng 5/2020. Tuy nhiên, sau khi các nền kinh tế khởi động trở lại thì giá OCC đã giảm gần 25%. Chúng tôi kỳ vọng giá OCC sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong 6 tháng cuối 2020 và thậm chí sang năm 2021 do Trung Quốc vẫn giữ quan điểm môi trường cứng rắn và hướng tới dừng phụ thuộc vào giấy thu hồi nhập khẩu.

    •   Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh trong Q2 2020 chỉ mang tính thời điểm.

DHC ghi nhận mức biên gộp chỉ 14,7%, giảm mạnh so với 24,2% của Q1 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do giá đầu vào đạt mức cao điểm và giá đầu ra đạt mức thấp điểm cùng lúc trong Q2. Ảnh hưởng tiêu cực này đặc biệt phản ánh rõ nhất trong tháng 6 với lợi nhuận sau thuế chỉ 10 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận bình quân tháng thấp nhất kể từ đầu năm. Tuy nhiên với xu hướng bình ổn của giá đầu ra / đầu vào như chúng tôi vừa phân tích ở trên, BVSC cho rằng biên lợi nhuận sẽ cải thiện từ giữa Q3 2020 trở đi; nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng biên lợi nhuận khó sẽ quay trở về được mức cao như Q1 2020 do thời điểm đó DHC vẫn sử dụng còn tồn kho giá thấp kỷ lục từ Q4 2019.
 

    • Hoàn thuế trong Q2 2020 đã hỗ trợ rất nhiều cho KQKD chung.

Nhà máy Giao Long 2 được miễn thuế 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo tính từ đầu năm 2020. Do trong Q1 DHC vẫn tạm tính thuế suất 20% cho tổng lợi nhuận nên đã ghi nhận hoàn thuế trong Q2, phần điều chỉnh này khoảng gần 17 tỷ đồng.

    • Điều chỉnh tăng dự báo 2020.

Dựa trên những cập nhật trong Q2 2020, dự báo doanh thu cả năm đạt 2.576 tỷ đồng (+80% yoy) và lợi nhuận sau thuế đạt 280 tỷ đồng (+84% yoy). Các chỉ tiêu trên cao hơn dự báo lần trước 11% về doanh thu và 32% về lợi nhuận. EPS dự phóng 5.012 đồng/cp tương ứng với P/E 8,5 lần.
 
2.    Định giá

Cổ phiếu DHC đã tăng hơn 20% kể từ đầu tháng 7 phản ánh lợi nhuận Q2 tích cực và cũng như là sự giải toả sau khi cổ đông lớn Daiwa và SSIAM đã thoái vốn thành công.
 
Bên cạnh đó, với việc Giao Long 2 đã hoạt động tối đa công suất và lợi nhuận tăng trưởng mạnh như kỳ vọng của thị trường, chúng tôi cho rằng động lực trong ngắn hạn đối với cổ phiếu là không còn nhiều. Tuy nhiên, BVSC vẫn cho rằng DHC thích hợp cho các nhà đầu tư nắm giữ lâu dài: (i) nền tảng tài chính vững mạnh và dòng tiền hoạt động dồi dào sẽ giúp DHC duy trì chính sách cổ tức ổn định trong tương lai; (ii) công ty sẽ trả hết nợ vay trung hạn trong năm 2021 qua đó tiết kiệm thêm chi phí lãi vay; (iii) câu chuyện sản xuất giấy Kraftliner và xa hơn là nhà máy Bao bì số 1 sẽ là những động lực tăng trưởng khác trong tương lai, tiếp tục duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với DHC trên mức giá mục tiêu 50.000 đồng/cp theo phương DCF như báo cáo lần trước ngày 23/04/2020 của chúng tôi.
 

 ThanhCongWM Team


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/mudsad194

 


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.