[Nhận định thị trường ngày 24.07] Áp lực điều chỉnh trong phiên giao dịch cuối tuần – Cập nhật FPT

BẢN TIN

TIN THẾ GIỚI

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/7, chỉ số Dow Jones rớt 353.51 điểm (tương đương 1.3%) xuống 26,652.33 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 1.2% xuống 3,235.66 điểm, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số Nasdaq Composite mất 2.2% còn 10,461.42 điểm, khi đà bán tháo ở các công ty công nghệ lớn mạnh hơn.

Chốt phiên giao dịch 23/7, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex lùi 83 xu (tương đương 2%) xuống 41.07 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 trên sàn Luân Đôn mất 98 xu (tương đương 2.2%) còn 43.31 USD/thùng.

VN – INDEX

Kết thúc phiên giao dịch , chỉ số VnIndex tăng 1,67 điểm tương đương 0,20% lên 856,75 điểm.
Trên sàn HNX, chỉ số HnxIndex đóng cửa ở mức 113,87 điểm, giảm 1,45 điểm tương đương 1,26% so với phiên trước. Trong rổ VN30, số mã giảm tăng và giảm điểm khá cân bằng khi có 16 mã tăng và 12 mã giảm điểm. Trong phiên hôm nay, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VnIndex lần lượt là VHM, VRE và GAS khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 1,24, 0,90 và 0,49 điểm tăng.

Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số là SAB, GVR và HNG khi lấy đi lần lượt 0,42, 0,29 và 0,25 điểm. Thanh khoản trên sàn HSX đạt 220 triệu cổ phiếu, tăng so với phiên trước. Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có phiên bán ròng trên sàn HSX với giá trị hơn 82 tỷ đồng.

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

Thị trường vẫn tiếp tục dao động trong kênh giá song song hướng xuống hình thành từ đầu tháng 06. VnIndex đang không có xu hướng trong giai đoạn hiện tại khi chỉ báo ADX tiếp tục giảm xuống và dưới mức 20 điểm.

Trong giai đoạn tới, chỉ số có thể tiếp tục có các phiên tăng giảm đan xen và hướng xuống vùng hỗ trợ quanh 820-830 điểm sau khi đã xuyên qua đường MA20. Về hệ thống chỉ báo kỹ thuật, các chỉ báo cho hiệu quả cao trong giai đoạn vừa qua là Variable MA và Weighted MA đang cho tín hiệu về thị trường có thể giảm điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Chỉ báo MACD cũng đã bắt đầu cắt xuống dưới đường tín hiệu củng cố thêm khả năng giảm điểm của thị trường trong một vài phiên tới.

Thị trường được dự báo sẽ tiếp tục giảm điểm và hướng về vùng hỗ trợ quanh 820-830 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Giai đoạn hiện tại, xu hướng của chỉ số đang tương đối không rõ ràng.
 
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

VnIndex có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp về vùng hỗ trợ quanh 820-830 điểm khi tâm lý nhà đầu tư vẫn tương đối thận trọng.

VnIndex sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh quý 2 được công bố trong thời gian tới. Kết quả kinh doanh có thể sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu các danh mục của các quỹ ETFs tracking theo các chỉ số như Vn30, VnDiamond và VnFinLead cũng có thể sẽ tạo ra những biến động khó lường trên thị trường.

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 25-40% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung, dài hạn.
Đối với các vị thế ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét mở các vị thế mua tại các vùng hỗ trợ chúng tôi đề cập.

TIN DOANH NGHIỆP

D11 : CTCP Địa ốc 11 vừa công bố BCTC quý 2/2020. Cụ thể, do không có doanh thu từ kinh doanh bất động sản mà tổng doanh thu của Công ty chỉ đạt vỏn vẹn 5 tỷ đồng trong quý 2, giảm đến 97% so với cùng kỳ. Thực tế, không chỉ riêng quý 2 mà đã nửa năm qua D11 không có doanh thu từ việc kinh doanh bất động sản, điều này đã kéo tổng mức doanh thu của Công ty sau 6 tháng đầu năm sụt giảm đến 91% so với cùng kỳ, đạt 19 tỷ đồng. Ngoài ra, các mảng khác của Công ty như bán hàng hóa, xây dựng, cho thuê kho, cửa hàng, doanh thu cũng có sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ. Qua đó, lãi ròng của Công ty đạt hơn 5 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, tương ứng thực hiện 33% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

CTR : Tổng CTCP Công trình Viettel vừa thông báo chốt ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 26% vào ngày 4/8/2020. Với hơn 60,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Công trình Viettel sẽ chi gần 61 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10% (01 cổ phiếu nhận về 1.000 đồng). Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 18/8/2020. Bên cạnh đó, Công trình Viettel cũng dự kiến phát hành thêm 9,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 16%) để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông, tương ứng tổng giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 97 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện trích từ lợi nhuận chưa phân phối.

VOC : Doanh thu giảm nhưng nhờ chi phí giảm mạnh hơn, vẫn báo lãi trước thuế và lãi ròng lần lượt tăng 30% và 15% trong quý 2. Cụ thể, do sản lượng giảm làm cho doanh thu bán hàng quý 2 giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá bình quân tồn kho quý 2 giảm 14% so với cùng kỳ nên tác động làm lãi gộp tăng 85%, đạt hơn 11 tỷ đồng. Biên lãi gộp của VOC tuy tăng từ 1% lên 2% nhưng vẫn ở mức thấp. Lợi nhuận trước và sau thuế cổ đông Công ty mẹ lần lượt tăng 30% và 29% so với quý 2/2019 chủ yếu do chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng loạt giảm và doanh thu tài chính từ cổ tức tăng 20%. Tính chung 6 tháng đầu năm, VOC ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 111 tỷ đồng, tăng 12% và lãi ròng đạt 110 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

BÁO CÁO CẬP NHẬT

CÔNG TY CỔ PHẦN FPT ( HOSE – FPT )

1.    Luận điểm đầu tư

Trong nửa đầu năm 2020, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 13.611 tỷ và 2.428 tỷ, tăng trưởng 9,0% và 13,5% so với cùng kỳ, đạt 95% và 99% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế công ty đạt 2.021 tỷ đồng, tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ. Biên LNTT đạt 17,8% so với 17,1% của năm 2019.Trong đó:

      • Khối công nghệ: Doanh thu và LNTT Khối công nghệ trong nửa đầu năm 2020 lần lượt đạt 7.527 tỷ và 967 tỷ, tăng trưởng 8,1% và 13,3%, đạt 95% và 93% kế hoạch.
      • Khối viễn thông: Doanh thu và LNTT lần lượt đạt 5.439 tỷ và 938 tỷ, tăng trưởng 10,5% và 14,2% đạt 96% và 99% kế hoạch.
      • Khối giáo dục: Nhờ vào hệ thống hạ tầng công nghệ có sẵn, FPT đã thành công trong việc chuyển dịch mô hình sang môi trường học trực tuyến nhanh chóng trong mùa dịch, đảm bảo hoạt động dạy và học cũng như tuyển sinh của toàn khối. Tổng số lượng học sinh hiện đạt 44.497, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ.

Triển vọng :
Xuất khẩu phần mềm :

Thị trường Mỹ: 15,8% yoy (so với 47,1% yoy năm 2019)

      • Nhật Bản: 15,9% yoy (so với 17,9% yoy năm 2019 – thị trường Nhật Bản tái cơ cấu năm      2019, 2014 – 2018 CAGR =29%)
      • Châu Âu: 15,5% yoy (so với 26,6% năm 2019)
      • APAC: 40,9% yoy (so với 43,5% năm 2019)

Giải pháp phần mềm

      • Có thể hồi phục trong hai quý cuối năm do tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát

Dịch vụ viễn thông

      • Mảng Broadband: 10% yoy nhờ tăng trưởng thuê bao
      • Doanh nghiệp: 15% yoy chủ yếu nhờ nhu cầu data center trong nước
      • Truyền hình số: 40% yoy nhờ nhu cầu giải trí trong nước

Nội dung số

      • -10% yoy do nhu cầu quảng cáo của các doanh nghiệp giảm mạnh

2.    Định giá
Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN với giá mục tiêu là 57,880 đồng/CP, EPS 2020F: 4.650. Hiện tại FPT đang giao dịch với hệ số P/E 2020/2021 lần lượt là 12,4x/10,9x so với các công ty công nghệ trong khu vực là 18,6x/16x.
FPT tập trung vào mảng chuyển đổi số, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành, giúp cải thiện biên lợi nhuận. Xây dựng được hệ sinh thái các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số đa dạng.
Tái cấu trúc danh mục khách hàng, tập trung vào các khách hàng lớn và nâng cao chất lượng.
Đầu tư vào hạ tầng viễn thông giúp doanh nghiệp mở rộng được vùng phủ sóng, phát triển thuê bao mới.

Rủi ro
– Dịch COVID-19 tại các thị trường nước ngoài ảnh hưởng đến quyết định cắt giảm chi phí, xem xét lại các đối tác CNTT.
– Cạnh tranh ngành viễn thông ngày càng khốc liệt.
– Mảng quảng cáo trực tuyến bị sụt giảm do các công ty cắt giảm chi phí quảng cáo. 

 ThanhCongWM Team


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/mudsad194

 


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.