CTCP Nhựa Bình Minh (BMP): Lợi nhuận Q4/2022 tăng trưởng ấn tượng [Mục tiêu: 68.500 đ/cp]

Năm 2023, trên quan điểm thận trọng, chúng tôi dự phóng lợi nhuận đạt 528.4 tỷ đồng (-24.2% YoY) và doanh thu 5,391 tỷ đồng (-7% yoy). Khuyến nghị NẮM GIỮ đối với BMP, giá mục tiêu 68,500 VND.

Hoạt động kinh doanh

Nhựa Bình Minh ghi nhận KQKD quý 4/2022 với lợi nhuận đạt 248.4 tỷ đồng , tăng 42% QoQ và 117% YoY và doanh thu đạt 1,415 tỷ đồng, giảm 6% QoQ và 1% YoY. Lợi nhuận tích cực nhờ giá nhựa đầu vào giảm mạnh trong khi giá bán tiếp tục duy trì ở mức cao giúp biên lợi nhuận gộp tăng đáng kể lên mức 34%, cao hơn so với mức 26% trong 9T 2022 và 15% của năm 2021. Ngoài ra, trong Q4/2022, sản lượng tiêu thụ sụt giảm so với cùng kỳ xuống 24 nghìn tấn (-9% YoY) do nhu cầu thấp khi thị trường bất động sản và xây dựng gặp nhiều khó khăn và giá bán bình quân được duy trì trên 59 triệu đồng/tấn, tăng 9% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận của BMP đạt 696 tỷ đồng (+225% YoY), tăng mạnh từ mức nền thấp trong năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giá PVC cao, doanh thu đạt 5,808 tỷ đồng (+28% YoY) và sản lượng đạt 97.7 nghìn tấn (tăng 5.5% YoY) với giá bán bình quân là 59,4 triệu đồng/tấn (tăng 21% YoY).

Giá PVC dù đã hồi phục so với vùng đáy nhưng vẫn giao dịch ở mức thấp hỗ trợ biên lợi nhuận trong khi giá bán đầu ra vẫn ở mức cao

Giá PVC – nguyên liệu đầu vào chính của BMP hiện đã hồi phục về quanh mức trung bình giai đoạn 2018-2020 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức nền cao 2021/2022. Năm 2023, chúng tôi duy trì dự báo giá PVC hồi phục lên mức trung bình 1,050 USD/tấn, do kỳ vọng nhu cầu PVC cải thiện từ thị trường Trung Quốc sau khi Trung Quốc dần hoạt động bình thường trở lại, thị trường bất động sản và xây dựng Trung Quốc hồi phục sau khi Chính Phủ công bố nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường để vực dậy nền kinh tế. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức giá trung bình trong lịch sử và đảm bảo biên lợi nhuận vẫn ở mức tốt khi giá bán đầu ra đã tăng đáng kể so với giai đoạn trước. Trên giả định giá bán trung bình giảm 8% YoY thì giá bán vẫn tăng hơn 20% so với giai đoạn 2018-2020. Theo đó, giai đoạn đầu năm 2023 biên lợi nhuận của Nhựa Bình Minh vẫn duy trì được mức cao.

Trong điều kiện nhu cầu vẫn ở mức thấp, có khả năng doanh nghiệp sẽ hạ giá bán hoặc tăng chiết khấu để tăng tính cạnh tranh so với đối thủ

Mặc dù vậy, doanh nghiệp đã công bố biểu giá áp dụng từ 1/1/2023 với mức giá trước thuế giữ nguyên. Với diễn biến giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh và nhu cầu khó có tăng trưởng đột biến khi thị trường bất động sản và xây dựng được dự báo vẫn trải qua khó khăn trong năm 2023 và một số doanh nghiệp cùng ngành đã bắt đầu hạ giá bán, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng BMP có thể giảm giá bán để hỗ trợ khách hàng và duy trì thị phần hoặc ít nhất là tăng chiết khấu. Giai đoạn nửa sau năm 2022, một số doanh nghiệp cùng ngành đã hạ giá bán 8-10% trong khi BMP không điều chỉnh giá bán. Việc giữ nguyên giá bán ở mức cao tác động tích cực đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng sẽ làm giảm cạnh tranh so với các doanh nghiệp cùng ngành có giá bán tốt và chiết khấu tốt hơn. Ở chiều hướng tích cực, chúng tôi kỳ vọng đầu tư công sẽ là động lực cho BMP khi nhiều dự án đầu tư trọng điểm tập trung cao ở phía Nam, nơi BMP chiếm thị phần chính khi nhiều dự án tại khu vực phía Nam đang được đẩy manh hơn. Đây có thể là yếu tố thay đổi đáng kể về kết quả kinh doanh BMP 2023. Dù cần thêm thời gian để đánh giá nhưng cân nhắc với đà chững lại của thị trường bất động sản, xây dựng, trên kịch bản cơ sở, chúng tôi cho rằng sản lượng tiêu thụ năm 2023 sẽ đi ngang so với cùng kỳ.

Với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022, dòng tiền mạnh, công ty hiện chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản lớn, chúng tôi cho rằng BMP tiếp tục duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt năm 2022 ở mức cao trong khoảng 7,000– 8,000 VND/cp, tương ứng lợi suất cổ tức ở mức hơn 10%.

Dự phóng kết quả kinh doanh 

Năm 2023, trên quan điểm thận trọng, chúng tôi dự phóng lợi nhuận đạt 528.4 tỷ đồng (-24.2% YoY) và doanh thu 5,391 tỷ đồng (-7% yoy) với giả định giá bán giảm 7.8% xuống mức trung bình khoảng 54.8 triệu đồng/tấn bởi áp lực từ nhu cầu giảm, giá nguyên liệu xuống mức trung bình 7 năm và cạnh tranh cao hơn, sản lượng tiêu thụ đi ngang mức 98 triệu tấn. Tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức 24.7% với dự báo giá nguyên vật liệu biến động quanh mức trung bình 7 năm và giá bán giảm. Bên cạnh đó, chiết khấu thanh toán tiếp tục được dự phóng ở mức cao theo doanh thu để duy trì thị phần.

Định giá

Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với BMP, giá mục tiêu là 68,500 VND, tăng 14.2% so với mức giá đóng cửa ngày 03/02/2023 sau khi điều chỉnh thời gian chiết khấu, lãi suất chiết khấu và lợi nhuận dự phóng. Mức giá mục tiêu được tính toán dựa trên hai phương pháp DCF và phương pháp chiết khấu cổ tức DDM với tỷ lệ tương ứng 50/50. Hiện BMP đang giao dịch với mức P/E trailing 7.1x và F/e FW2023 là 9.3x.

Nguồn: KBSV


Các nguồn định giá tham khảo khác


Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0

BMP chart. Nguồn: Admin


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.