Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền DCF, chúng tôi đưa ra mứcgiá mục tiêu 40,000/cổ phiếu, tương ứng với mức upside 23% so với giá đóngcửa ngày 27/12/2022.
KẾT QUẢ KINH DOANH QUÝ 3/2022
Doanh thu thuần Quý 3/2022 Coteccons ghi nhận 3,113.5 tỷ VND (+190.8%YoY). Lợi nhuận sau thuế Quý 3 tiếp tục ghi nhận lỗ 3.5 tỷ VND so với mức lỗ 23.8 tỷ VND trong quý 2 và 11.8 tỷ VND cùng kỳ năm 2021.
Biên lợi nhuận gộp của Coteccons tiếp tục bị thu hẹp đáng kể chỉ đạt 1.0% do (1) Giá nguyên vật liệu tăng cao (2) Các hoạt động xây dựng trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, mức độ cạnh tranh cao khiến các chủ đầu tư xây dựng phải cạnh tranh về giá thầu để duy trì hoạt động.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của CTD đạt 8,306.6 tỷ (+34.2%YoY), trong đó 7,700 tỷ đến từ backlog của 2021 và 600 tỷ đến từ các dự án ký được trong năm 2022. LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 1.8 tỷ VND (-97.9%YoY). Kết quả kinh doanh đạt lần lượt 55.3% và 9.6% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm 2022.
CTD đã trích lập 299 tỷ VND chi phí dự phòng trong chi phí quản lý doanh nghiệp, cao gấp 5.4 lần so với cùng kỳ, trong đó khoản phải thu hơn 242 tỷ VND từ dự án D’Capitale của chủ đầu tư Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Ngành bất động sản dân dụng sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn 2022-2023
Kết quả kinh doanh của CTD đã phản ánh những khó khăn ngành xây dựng đang phải đối mặt. Cụ thể, ngành BĐS gặp nhiều thách thức khi: 1) Lãi suất cho vay mua nhà dự kiến tiếp tục tăng khi lãi suất huy động tăng ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của người mua nhà (2) Các vấn đề về pháp lý thường mất nhiều thời gian và tồn tại nhiều rủi ro có thể làm chậm quá trình phê duyệt và cấp phép xây dựng dự án và (3) Các chủ đầu tư cũng gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn khi hạn chế vốn vay ngân hàng vào lĩnh vực BĐS và thị trường trái phiếu chưa ổn định. Cùng với đó, lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức nền cao có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tài chính của các chủ đầu tư bất động sản, gây khó khăn trong việc thực hiện các hợp đồng xây dựng theo đúng tiến độ đã đề ra.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, ngành xây dựng dân dụng có rào cản gia nhập ngành thấp, do đó các doanh nghiệp mới thành lập không ngừng gia tăng. Các doanh nghiệp lớn như Coteccons cũng sẽ phải hạ giá thầu để tăng khả năng cạnh tranh, qua đó tác động đến tỷ suất biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.
Chi phí dự phòng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của Coteccons
Chất lượng các khoản phải thu Coteccons cũng là vấn đề đáng lo ngại khi công ty liên tục phải trích lập các khoản nợ phải thu khó đòi. Tại thời điểm cuối quý 3/2022, CTD đã trích lập dự phòng 960.7 tỷ VND cho các khoản phải thu của khách hàng mà Công ty đã ghi nhận doanh từ năm 2020 trở về trước bao gồm Công ty TNHH Đầu tư Ngôi Sao Việt (Tân Hoàng Minh), CTCP Đầu tư Minh Việt mà một số chủ đầu tư khác. Chi phí dự phòng tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của Coteccons.
Giá trị backlog khó đạt mức tăng trưởng như giai đoạn trước
Trong 3 quý đầu năm 2022, Coteccons đã trúng thầu một loạt dự án cao cấp có vốn đầu tư lớn như tòa Ecopark CT06, Diamond Crown của Doji Land, Nhà máy Lego… Giá trị backlog mới của CTD (không tính các hợp đồng MoU và không thực hiện) đạt 17,700 tỷ VND. Chúng tôi kỳ vọng, giá trị backlog mới sẽ giúp kết quả kinh doanh của CTD từ năm 2023 hồi phục sau khi đã trích lập đáng kể các khoản phải thu tồn đọng.
Trước những khó khăn hiện hữu, chúng tôi ước tính giá trị backlog trong giai đoạn 2023-2026 đạt 18,000 tỷ VND, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2016- 2018.
Kỳ vọng đẩy mạnh đầu tư công là điểm sáng với hoạt động kinh doanh của Coteccons
Đầu tư công vẫn được coi là giải pháp then chốt nhằm kích thích kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác trong dài hạn. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt 275.9 nghìn tỷ đồng, bằng 52.5% kế hoạch năm. Cho năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022. Tỷ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công kỳ vọng cải thiện dự báo đạt trên 80% kế hoạch (so với mức dự báo đạt được 65% của năm 2022), giúp khơi thông nguồn vốn bị tắc nghẽn ở kho bạc, hỗ trợ thanh khoản nền kinh tế. Các động lực thúc đẩy đầu tư công cho năm 2023 bao gồm: giá hàng hoá nguyên vật liệu xây dựng hạ nhiệt; năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm nên thường có tỷ lệ giải ngân thấp; các động lực tăng trưởng khác của năm 2023 suy yếu khiến đầu tư công quay trở lại làm điểm tựa.
DỰ PHÓNG KẾT QUẢ KINH DOANH
KBSV ước tính doanh thu ước tính năm 2022 của Coteccons đạt 11,238 tỷ VND (+24% YoY). Chúng tôi dự báo Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 181 tỷ VND do công ty tăng cường trích lập dự phòng cho các khoản phải thu tồn đọng từ năm 2020.
Doanh thu ước tính năm 2023 của Coteccons đạt 12,342 tỷ VND (+11% YoY). Chúng tôi kỳ vọng, LNST của cổ đông công ty mẹ hồi phục đạt 28 tỷ VND sau khi đã trích lập phần lớn các khoản phải thu trong năm 2022.
Định giá
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền DCF, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu 40,000/cổ phiếu, tương ứng với mức upside 23% so với giá đóng cửa ngày 27/12/2022.
Giá cổ phiếu CTD đã có mức điều chỉnh đáng kể hơn 50% trong 3 tháng gần đây, hiện đang giao dịch ở mức P/B forward 2023 là 0.32x, phần nào đã phản ảnh triển vọng khó khăn của ngành xây dựng trong thời gian tới. Mặc dù định giá đang ở mức tương đối hấp dẫn, tuy nhiên triển vọng của ngành xây dựng nói chung và CTD nói riêng đang chưa rõ ràng. Do vậy, các hoạt động giao dịch ngắn trung hạn cần quản lý rủi ro chặt chẽ.
Nguồn: KBSV
Các nguồn định giá tham khảo khác
Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0
CTD chart. Nguồn: Admin
Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638