Hóa chất Đức Giang (DGC): Hưởng lợi từ đà tăng giá phốt pho [ Mục Tiêu: 254,000 đ/cp]

Chúng tôi nhận định trong năm 2022, doanh thu dự kiến của DGC ước đạt 12,528 tỷ VND (+31% YoY) và LNST đạt 4,141 tỷ VND (+64.7% YoY). Dựa vào triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, chúng tôi đưa ra khuyến nghị NẮM GIỮ với cổ phiếu DGC, mức giá mục tiêu 254,000 VND/CP, cao hơn 9.09% mức giá đóng cửa ngày 13/04/2022.

Giá thị trường (13/04/2022): 231,100 đ/cp

Giá mục tiêu : 254,000 đ/cp

HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH

CTCP Tập đoàn Hoá Chất Đức Giang (DGC) tiền thân là Công ty Hoá Chất Đức Giang, một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng cục Hoá chất Việt Nam (Vinachem). Với nguyên liệu đầu vào chính là quặng Apatit, sản phẩm kinh doanh chủ lực của công ty là Phốt pho vàng (chiếm ~40% tổng doanh thu), các loại axit phosphoric (chiếm ~30%) và phân bón gốc phốt pho (chiếm 20%). Các sản phẩm đầu ra của Đức Giang chủ yếu được xuất bán cho các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,… với tỷ trọng xuất khẩu chiếm đến hơn 70% tổng doanh thu trong năm 2021. Do đó, doanh thu của DGC chịu tác động trực tiếp từ diễn biến giá phốt pho trên thế giới.

Diễn biến tích cực của giá phốt pho vàng trong năm 2021 giúp cho biên gộp của DGC cải thiện đáng kể từ 23.7% trong năm 2020 lên 33.3% trong năm 2021. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DGC chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng nhờ nhu cầu tiêu thụ cao, lần lượt đạt +53.14% và +165.21% so với cùng kỳ.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra vào ngày 29/03 vừa qua, DGC đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 12,117 tỷ đồng (+26% YoY) và lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 3,500 tỷ đồng (+39% YoY). Công ty cũng công bố lợi nhuận sau thuế quý I của Công ty ước đạt 1,500 tỷ đồng, hoàn thành 42.85% kế hoạch năm.

Lợi thế cạnh tranh về giá nhờ điện công nghiệp giá rẻ và tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào.

Toàn bộ hoạt động sản xuất phốt pho vàng và các sản phẩm gốc phốt pho được thực hiện tại Tổ hợp nhà máy Đức Giang Lào Cai với 6 lò điện (công suất thiết kế 60,000 tấn/năm), 2 nhà máy axit phosphoric (350,000 tấn/năm), 2 nhà máy phân bón (200,000 tấn/năm) và 1 nhà máy phụ gia TACN (70,000 tấn/năm). Để thu được 1 tấn phốt pho vàng thành phẩm, DGC cần tiêu thụ trung bình từ 11 – 12 tấn quặng Apatit. Số quặng này được đem khử trong lò điện cùng với than cốc và silica ở nhiệt độ 1400-1600 độ C. Do chất lượng quặng chủ yếu là quặng loại III cùng với quá trình sản xuất tiêu tốn nhiều điện năng, chi phí nguyên vật liệu và chi phí điện sản xuất thường chiếm hơn một nửa tổng chi phí đầu vào.

Điện công nghiệp giá rẻ giúp phốt pho Việt Nam có sức cạnh tranh

Tại Việt Nam, giá điện công nghiệp năm 2021 chỉ ở mức 7.8 cents/Kwh, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới, 12.3 cents/Kwh (Biểu đồ 6). Nga và Ả Rập là 2 nước xuất khẩu phốt pho lớn (sản lượng khai thác năm 2021 đạt lần lượt 14 triệu tấn và 8.5 triệu tấn) có mức giá điện sản xuất cạnh tranh hơn so với Việt Nam. Mặc dù vậy, việc gián đoạn nguồn cung do các lệnh cấm vận của phương Tây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu phốt pho sang khách hàng lớn của Nga như Ấn Độ.

Cuối năm 2021, công đã hoàn thiện việc xây dựng cơ bản và đưa khai trường 25 vào vận hành. Trước đó, các mỏ quặng Apatit Lào Cai đều do Vinachem quản lý và khai thác. Việc tự chủ nguồn cung sẽ giúp DGC hạ bớt giá thành nguyên vật liệu đầu vào đồng thời cải thiện biên lợi nhuận gộp của DGC trong những năm tới. Trong năm 2022, DGC dự kiến khai thác 720 nghìn tấn quặng, đáp ứng đến 80% nhu cầu đầu vào của nhà máy.

Giá phốt pho và các loại phân bón được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực cho DGC

Theo số liệu của Cục khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, tổng trữ lượng khai thác tối ưu của đá Phốt phát đã thăm dò được trên thế giới đạt 71 tỷ tấn, tập trung phần lớn ở Ma Rốc (73%), Trung Quốc (5%) và Ai Cập (4%) (Biểu đồ 8). Việt Nam xếp thứ 24 với tổng trữ lượng khai thác tối ưu ở mức 30 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở tỉnh Lào Cai. Trong năm 2021, tổng sản lượng khai thác đá phốt phát toàn cầu tăng nhẹ lên mức 220 triệu tấn (+0.5%) nhờ việc hoàn thiện các dự án nâng công suất tại Ma Rốc, Ả Rập và Ai Cập.

Tình trạng thiếu hụt phốt pho dự kiến sẽ kéo dài đến hết quý 2

Theo báo cáo của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Nguồn cung phốt pho được dự báo sẽ tiếp tục thiếu hụt do không có dự án nâng cấp lớn nào được triển khai tại các nước xuất khẩu phốt pho lớn trên thế giới trong 3 năm tới. Giá nhiều loại mặt hàng phân bón tăng cao và đe doạ an ninh lương thực của Trung Quốc đã khiến nước này ban hành hạn chế xuất khẩu các sản phẩm phân bón, trong đó có phân lân, đến hết quý 2/2022. Đồng thời, nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, Trung Quốc cũng tiến hành đóng cửa nhiều nhà máy phốt pho cũ đồng thời cắt giảm sản lượng sản xuất do tình trạng thiếu điện ở nhiều tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây và Giang Tô. Trong giai đoạn 2016-2021, sản lượng khai thác đá Phốt phát của Trung Quốc đã giảm hơn 1/3, xuống mức 85 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt cấm vận của phương Tây cùng với lệnh hạn chế xuất khẩu của Nga làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt phốt pho toàn cầu.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phốt pho toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2022, hỗ trợ bởi ba yếu tố:

  • Nông nghiệp: Nga và Ukraine là hai trong số các quốc gia cung cấp ngũ cốc lớn nhất trên thế giới, chiếm 25% sản lượng lúa mì và 16% sản lượng ngô xuất khẩu toàn cầu. Cuộc chiến nổ ra giữa hai nước làm cắt đứt hoạt động cung ứng với các đối tác nhập khẩu và đẩy giá hai mặt hàng lên mức cao kỷ lục. Điều này khiến cho các nhà nhập khẩu nông sản toàn cầu tranh giành nguồn cung cũng như tìm kiếm mặt hàng thay thế như lúa gạo. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nâng dự phóng sản lượng sản xuất gạo toàn cầu sẽ đạt mức 510.3 triệu tấn, tăng 2.8 triệu tấn so với 2021. Điều kiện thời tiết thuận lợi kết hợp với diễn biến giá tích cực sẽ thúc đẩy việc tăng sản lượng của các nước sản xuất gạo lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và Bangladesh.
  • Linh kiện điện tử: Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu, bắt đầu từ năm 2020 đã gây tác động lớn đến giá cả, thời gian sản xuất cũng như việc ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới của các hãng điện tử tiêu dùng và xe hơi. Mặc dù các nhà sản xuất linh kiện điện tử lớn như Nhật Bản, Đài Loan,… đã đẩy mạnh đầu tư và nâng công suất của nhiều nhà máy, nguồn cung chất bán dẫn vẫn sẽ chưa thể cải được cải thiện đến hết năm 2022. Nhu cầu tiêu thụ phốt pho, silic và các nguyên liệu đầu vào của chất bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong trung hạn.
  • Pin xe điện: Các dòng pin phổ biến được được sử dụng cho các dòng xe điện hiện nay gồm có pin NMC (Nickel Manganese Cobalt Oxide), NI-MH (Nickel Metal Hydrate) và LFP (Lithium Iron Phosphate). So với 2 dòng pin trên, pin LFP cung cấp nguồn năng lượng ổn định, tuổi thọ cao, thân thiện với môi trường và tiết kiệm hơn nhờ nguyên liệu đầu vào là sắt thay vì nickel. Pin LFP chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc do các bằng sáng chế liên quan đến loại pin này đều được sở hữu bởi các tổ chức trong nước. Việc bằng sáng chế trên hết hạn trong năm 2022 sẽ tạo điều kiện cho các hãng sản xuất pin cũng như việc tích hợp pin LFP vào các phân khúc sản phẩm của các nhà sản xuất xe điện lớn như Tesla, Ford, Volkswagen.

Các dự án lớn đang được xúc tiến sẽ tạo đà tăng trưởng trong dài hạn

DGC hiện đang xúc tiến giải phóng mặt bằng cho dự án Tổ hợp Hoá chất Đức Giang – Nghi Sơn tại Thanh Hoá và sẽ đưa vào vận hành từ năm 2025. Với tổng mức đầu tư 10,000 tỷ đồng, DGC dự kiến góp 5,500 tỷ đồng tiền vốn và vay ngân hàng Vietcombank 4,500 tỷ đồng để thực hiện dự án. Các sản phẩm đầu ra chính bao gồm Xút NaOH đặt (công suất 150,000 tấn/năm), nhựa PVC (150,000 tấn/năm), bột tẩy trắng Ca(OCl)2 (34,000 tấn/năm),… Dự án được đánh giá sẽ đóng góp cho công ty 8,700 tỷ đồng doanh thu và 1,800 tỷ đồng lợi nhuận.

Ngày 21/03 vừa qua, DGC đã thông qua quyết định thành lập công ty TNHH MTV Hoá Chất Đức Giang – Đăk Nông với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Ngành nghề hoạt động chính của công ty là khai thác, chế biến quặng bô xít và sản xuất kim loại màu. Đây cũng là mảng sản xuất chiến lược tiếp theo sẽ được DGC chú trọng triển khai trong thời gian tới.

Dự báo kết quả kinh doanh

Chúng tôi dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022 trên kịch bản giá bán phốt pho vàng đạt 5,500 USD/tấn, tăng 19% so với năm 2021. Việc đưa khai trường 25 vào hoạt động trong năm 2022 dự kiến sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của DGC từ mức 33.3% trong năm 2021 lên 41% trong năm 2022. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế ước đạt lần lượt 12,528 tỷ đồng (+31% YoY) và 4,141 tỷ đồng (+64.7% YoY).

Định giá

Với vị thế là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất phốt pho và phân bón ở Việt Nam, chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh EV/EBITDA với các doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu hoạt động trong cùng lĩnh vực để xác định mức giá mục tiêu của DGC. Do đó, chúng tôi nhận định mức EV/EBITDA hợp lý của DGC là 8.5x, cao hơn mức EV/EBITDA forward trung bình của nhóm doanh nghiệp được so sánh nhằm phản ánh kỳ vọng tăng trưởng đối với các dự án DGC đang triển khai. Với EBITDA forward 2022 của DGC là 4,667 tỷ đồng, chúng tôi xác định giá mục tiêu của DGC là 254,000 VND/cp, cao hơn 9.09% so với mức giá đóng cửa ngày 13/04/2022 và đưa ra khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu DGC.

Nguồn : KBSV


Các nguồn định giá tham khảo khác


Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0

DGC chart. Nguồn: Admin


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.