Ngành nào triển vọng trong Cơn sốt đầu tư công và Câu chuyện về EVFTA – Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu và Việt Nam

CƠN SỐT ĐẦU TƯ CÔNG VÀ CÂU CHUYỆN VỀ EVFTA

Như đã từng đề cập trong bài “ Điểm sáng trong đầu tư công ” kì trước, năm 2020 nguồn vốn đầu tư công sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và sẽ là yếu tố hỗ trợ một số ngành nghề hưởng lợi sau đại dịch Covid 19. Với sự kỳ vọng hưởng lợi từ gói giải ngân đầu tư công lên tới 700.000 tỷ đồng trong năm 2020, cổ phiếu xây dựng, hạ tầng giao thông đang thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư.

Sóng cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đặt ra với các bộ, ngành làm sao phải giải ngân hết 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) trong năm 2020 đã được thị trường đón nhận rất tích cực.

Theo thông tin mới nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa ký quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, tổng chiều dài 43 km, thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Các liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển tại dự án có tên nhiều doanh nghiệp như CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), CTCP Phát triển xây dựng và thương mại Thuận An, CTCP Licogi16 (LCG), CTCP FECON… Việc trúng thầu các dự án mới đồng nghĩa các doanh nghiệp kể trên có thêm “đơn hàng” mới, đảm bảo công việc cũng như nguồn thu ổn định ít nhất trong giai đoạn cuối năm 2020 đến năm 2021.

Những thông tin tích cực đã giúp cổ phiếu ngành xây dựng như C4G, FCN, LCG tăng mạnh và các cổ phiếu thuộc nhóm ngành vật liệu xây dựng (KSB, BMP, HPG, …), bất động sản khu công nghiệp (SZC, NTC, D2D, SZL…) thu hút dòng tiền trong thời gian vừa qua.

Trong bài viết này sẽ tiếp tục đề cập đến nhóm cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng được hưởng lợi trực tiếp như : HPG, HT1,….

CTCP TẬP ĐOÀN HÒA PHÁT ( HOSE – HPG )

    1. Cập nhật KQKD quý 1/2020

Quý I, doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trên 732.000 tấn thép xây dựng, chiếm 31,9% thị phần tiêu thụ toàn thị trường, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng thép thành phẩm xuất khẩu gần 135.000 tấn, tăng 74,8%.

Lượng phôi thép Hòa Phát cung cấp cho thị trường đạt khoảng 350.000 tấn, chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc, các nước Đông Nam Á. Với sản phẩm ống thép, Hòa Phát tiêu thụ gần 145.000 tấn, giữ thị phần 31,1%. Doanh nghiệp cũng xuất khẩu ống thép gấp 2,8 lần so với cùng kỳ 2019.

DT mảng nông nghiệp cũng ghi nhận mức tăng trưởng 58,5% so với cùng kỳ trong Q1/20, nhờ giá bán thịt lợn cao hơn (tăng 40% ), qua đó đóng góp 14,5% tổng doanh thu Tập đoàn (sv mức 11,7% trong quý 1/2019).

Như vậy kết thúc quý 1 Tập đoàn Hòa Phát đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu thuần đạt 19.230 tỷ đồng (+28,5% sv cùng kỳ) và lợi nhuận ròng đạt 2.285 tỷ đồng (+26,9% sv cùng kỳ) .

    1. Luận điểm đầu tư

Cập nhật sản lượng tiêu thụ T5/2020

Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát tháng 5 tăng trưởng tốt nhờ mức tăng trưởng ấn tượng tại thị trường miền Nam (tăng 169% so với cùng kỳ), đạt 80.650 tấn. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2020, HPG đã tiêu thụ 292.586 tấn thép xây dựng tại thị trường này, gần gấp đôi so với mức 149.270 tấn cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, thị trường miền Nam đóng góp 23,2% tổng sản lượng thép xây dựng của HPG so với mức 12,9% cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thép thành phẩm 5 tháng đạt 160.000 tấn, tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2019. Các thị trường xuất khẩu thép thành phẩm gồm Nhật Bản, Úc, Canada, Thái Lan, Campuchia, Malaysia,…Đối với phôi thép, từ đầu năm tới nay, lượng phôi xuất khẩu tăng rất mạnh so với năm 2019 với sản lượng xuất khẩu đạt 596.000 tấn, trong đó riêng Trung Quốc là 316.000 tấn, chiếm 53%, còn lại xuất khẩu sang Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Srilanka, Philippines.

Triển vọng

      • Kế hoạch năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu đạt sản lượng 3,5 – 3,6 triệu tấn thép xây dựng, trong đó đạt mốc 1 triệu tấn thép tại phía Nam. Với công nghệ sản xuất thép từ quặng chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, sản phẩm thép Hòa Phát là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà thầu, khách hàng trong và ngoài nước do đó thị trường xuất khẩu thép thành phẩm chính của Hoà Phát là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia, Lào, Campuchia.  
      • Việc đầu tư Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát Dung Quất giúp củng cố vị thế doanh nghiệp thép đầu ngành của Hòa Phát.
      • Giá nguyên vật liệu than và quặng sắt trong xu hướng giảm, giúp giảm giá thành sản xuất, tạo dư địa cho HPG giảm giá để đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng của Dung Quất .
      • Năm 2021 sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi cho HPG, khiến mặt bằng định giá sẽ về mức hấp dẫn ở P/E fw = 6.1 lần.
      • Bên cạnh đó, nhờ vào lợi thế công nghệ lò cao hiện đại, khép kín từ quặng sắt đến thép thành phẩm. Thép Hòa Phát sạch sâu tạp chất, sản xuất được nhiều mác thép chất lượng cao, đảm bảo cơ lý tính (sức bền kéo, độ giãn dài, chịu lực tốt…), phục vụ đa dạng mục đích khác nhau như xây dựng dân dụng, công trình, thép cho rút dây, thép dự ứng lực, thép làm lõi que hàn và xuất khẩu.  Thép Hòa Phát được coi là lựa chọn ưu tiên với các dự án, nhà thầu quan tâm tới chất lượng công trình. Do đó mà trong các dự án đầu tư công sắp tới đây Thép Hòa Phát sẽ là sự lựa chọn tốt được các nhà thầu hướng tới.
    1. Định giá

Kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm 2020, cho thấy Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất đang thực hiện tốt vai trò đẩy mạnh cung ứng, chiếm lĩnh thị phần cho thị trường phía Nam và xuất khẩu. Với công suất 2 triệu tấn thép xây dựng/năm, giai đoạn 1 của Hòa Phát Dung Quất dù đang quá trình vận hành thử nghiệm nhưng đã cho thấy hiệu suất thiết bị ngày càng được cải thiện.

Dự báo doanh thu và lợi nhuận thuần trong năm 2020 lần lượt là 80.130 tỷ đồng (tăng trưởng 25,9%) và 8.113 tỷ đồng (tăng trưởng 8,1%). Năm 2020, EPS dự phóng đạt 2.792đ, tương đương với P/E là 9,7 lần và P/B là 1,4 lần. Đánh giá Mua với giá mục tiêu 36.700 đồng/cp. Trên thị trường tính từ đầu tháng 4 đến phiên 9/6, cổ phiếu HPG đã tăng hơn 57%.

CTCP XI MĂNG HÀ TIÊN 1 ( HOSE – HT1 )

    1. Cập nhật KQKD quý 1/2020

Trong quý 1/2020, doanh thu HT1 đạt 1.732 tỉ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019. Giá vốn xi măng, clinker thấp hơn giúp lợi nhuận gộp đạt 295 tỉ đồng, tăng 11,5%. Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của HT1 giảm mạnh 60,5% từ 16,7 tỷ đồng xuống còn 6,6 tỷ đồng do giảm lãi tỷ giá. Chi phí bán hàng tăng nhẹ 4% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 18%.

Do phát sinh thêm 7 tỷ đồng chi phí tài trợ khiến hoạt động khác lỗ 7,2 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, kết quả HT1 lãi ròng 104,6 tỉ đồng tương đương cùng kỳ 2019.

Chúng tôi thấy nhu cầu xi măng yếu hơn khi tiêu thụ ở thị trường trong nước với mức giảm 18% và ở cả thị trường nước ngoài với mức giảm 4% . Ngay cả Trung Quốc, nhân tố tiêu thụ chính của xi măng Việt Nam trong năm 2018 và 2019, cũng giảm tiêu thụ 5.4%, xi măng và clinker trong 1Q20. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần từ HĐKD đã tăng 11.4%  lên mức 206 tỷ đồng vì Hà Tiên 1 đã tích cực tăng giá bán tại các khu vực có nhu cầu mạnh.

    1. Luận điểm đầu tư

Dự báo tình hình kinh tế vĩ mô năm 2020

      • Mục tiêu 2020: GDP tăng 6,8%; CPI bình quân dưới 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP. Dự báo nhu cầu xi măng trong nước khoảng 71 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2019.

Thuận lợi :

      • Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương có chính sách hợp lí trong việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu như điện, than, xăng, dầu; có kế hoạch cung cấp than, điện đáp ứng nhu cầu sản xuất và đảm bảo chất lượng than cho các nhà máy xi măng.
      • Đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2019 – 2025 đã được Bộ xây dựng phê duyệt.

Khó khăn :

      • Kinh tế toàn cầu được dự báo chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid – 19, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Kinh tế Việt Nam cũng chịu rủi ro lớn dưới tác động từ hai khía cạnh du lịch và thương mại; dự báo kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước giảm mạnh ảnh hưởng đến tăng trưởng chung trong Quý 1/2020.
      • Ngành xi măng Việt Nam tiếp tục đối mặt tình trạng dư cung. Nguồn cung năm 2020 dự kiến khoảng 110 triệu tấn, tăng 6,3 triệu tấn so với năm 2019.
      • Philippines (nước đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia nhập khẩu xi măng của Việt Nam (sau Trung Quốc)) áp dụng thuế tự vệ trong 03 năm đối với xi măng nhập khẩu (khoảng 4,8 USD/tấn) từ tháng 8/2019 ảnh hưởng đến sản lượng xi măng xuất khẩu và tạo áp lực cạnh tranh tại thị trường trong nước.

Kế hoạch năm 2020

Năm 2020, Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, dự án Sân bay quốc tế Long Thành… Dự kiến nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước tăng khoảng 3% (71 triệu tấn). Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu, hạn hán gay gắt và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ là những yếu tố tiềm ẩn, nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế các nước cũng như Việt Nam.

Trước những khó khăn và thuận lợi trong năm 2020, Vicem Hà Tiên đặt ra mục tiêu cho 2020 :

        • Sản xuất, gia công và tiêu thụ: 7.330.000 tấn sản phẩm, tăng 0,52% so với 2019
        • Doanh thu thuần: 8.584 tỷ đồng, giảm 2.9% so với 2019
        • Lợi nhuận trước thuế: 830 tỷ đồng, giảm 10,6% so với 2019

Tập trung xử lý các nút thắt về thiết bị và công nghệ; đầu tư nâng cao năng lực nghiền tại nhà máy xi măng Kiên Lương để nâng cao năng lực sản xuất, năng lực xuất hàng, giảm tiêu hao vật tư, sử dụng năng lượng và tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác đổi mới, sáng tạo. Triển khai việc xử lý, đốt rác thải làm nhiên liệu thay thế trong lò; sử dụng bùn thải thay thế sét trong sản xuất, nghiên cứu, sản xuất chủng loại xi măng low-carbon để giảm chi phí sản xuất, thay thế/giảm sử dụng các nguyên, nhiên liệu hóa thạch là tài nguyên không tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính CO2 và góp phần xử lý, bảo vệ môi trường. 

    1. Định giá

Duy trì khuyến nghị Outperform, giá mục tiêu HT1 là 17,490 đồng/cp. Chúng tôi ước tính HT1 sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng ở mức 6,755 tỷ đồng và 430 tỷ đồng, giảm lần lượt 12.3% và 18.5%. Tuy nhiên, chúng tôi kì vọng Hà Tiên 1 sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Cùng với khả năng cải thiện giá bán trong bối cảnh thị trường nội địa yếu, dòng tiền mạnh do vốn đầu tư thấp và chi phí lãi vay là 2 điểm cộng lớn.

CÂU CHUYỆN VỀ EVFTA

Sau 9 năm đàm phán, sáng ngày 08/6/2020, Quốc hội đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA và theo dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8 tới. Cùng với Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam – EU trong thập kỷ tới cũng như mở ra cánh cửa cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. 

Trong bài viết kì trước về “ Hiệp định EVFTA – Cơ hội và thách thức “ cũng đã có đề cập đến những ngành sẽ được hưởng lợi từ hiệp định như : thủy sản, dệt may, da giày, chế biến gỗ ,…. Cụ thể hơn là nhóm các cổ phiếu : TNG , GMC, VHC, FMC,….

Sau đợt giảm giá mạnh trong tháng 3, trong những phiên gần đây, các cổ phiếu của những ngành như thủy sản (tôm, cá tra), dệt may, bất động sản khu công nghiệp, … đã có những phiên giao dịch tích cực nhờ thông tin EVFTA được thông qua. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đây chủ yếu là tác động tâm lý và diễn ra trong ngắn hạn, chứ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chưa phản ánh ngay tức thì đối với thông tin này mà cần thời gian dài hơi hơn (từ 1 năm trở lên).

CTCP VĨNH HOÀN ( HOSE – VHC )

    1. Kết quả kinh doanh quý 1/2020

VHC đã công bố kết quả kinh doanh Q1/2020, trong đó doanh thu thuần giảm nhẹ đạt 1.636 tỷ đồng (-8,6% YoY) và lợi nhuận sau thuế giảm mạnh đạt 152 tỷ đồng (-50,5% YoY), hoàn thành 19% và 14% kế hoạch năm.

    • Trong khi sản lượng xuất khẩu phục hồi mức tăng trưởng hai chữ số, giá bán bình quân giảm đáng kể khiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm và tỷ suất lợi nhuận gộp giảm xuống 13,1% (Q1/2019: 23,5%).
    • Tình trạng thừa cung xuất phát từ nhu cầu ở Trung Quốc giảm trong mùa dịch đã kìm hãm giá bán bình quân phục hồi và khiến giá cá nguyên liệu rơi xuống mức thấp lịch sử là 18.000-19.000 đồng/kg.
    • Giá bán bình quân được kỳ vọng sẽ phục hồi trong Q3/2020 sau khi tác động của dịch Covid-19 qua đi (theo kịch bản cơ sở dịch bệnh được kiểm soát trong Q2 của chúng tôi) và gia tăng tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty trong nửa cuối năm 2020.
    • VHC đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 8,6 nghìn tỷ đồng (+9,3% YoY) và lợi nhuận ròng đạt 1.063 tỷ đồng (-9,8% YoY) theo kịch bản cơ sở, trong đó lợi nhuận ròng từ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (collagen/gelatin) dự kiến tăng 50% YoY và chiếm hơn 25% tổng lợi nhuận ròng.
    • ĐHCĐ của VHC đã phê duyệt kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt là 10-20%/mệnh giá cho năm 2020 (tỷ suất cổ tức là 2,9%-5,9%).

Cập nhật KQKD T4/2020

Tổng doanh thu tháng 4/2020 đạt 524 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kì năm trước, chủ yếu nhờ doanh thu mảng cá tra fillet được phục hồi, tăng từ 257 tỉ đồng lên 343 tỉ đồng.

Trong kì, doanh thu sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng 29%, đạt 63 tỉ đồng trong khi doanh thu sản phẩm phụ, doanh thu sản phẩm giá trị gia tăng và doanh thu sản phẩm khác ghi nhận giảm lần lượt 14%, 3% và 70%.

Thị trường tiêu thụ, châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, lên tới 68%, vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của VHC. Theo sau đó là thị trường Mỹ với mức tăng trưởng đạt 35%. Ở chiều ngược lại, thị trường Trung Quốc giảm mạnh 48%.

    1. Luận điểm đầu tư

Nhu cầu cá tra đã phục hồi nhanh hơn kỳ vọng.

Theo ban lãnh đạo, trong tháng 4, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc của VHC đã phục hồi lên 60%-70% mức thông thường, sau đó hoàn toàn quay về mức bình thường vào đầu tháng 5. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu sang Mỹ của VHC giảm khoảng 30% so với mức thông thường trong tháng 4/2020; tuy nhiên, sản lượng đã bắt đầu phục hồi vào đầu tháng 5 nhờ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại một số bang ở Mỹ dần được nới lỏng. Ban lãnh đạo kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sang Mỹ của VHC sẽ hoàn toàn quay về mức bình thường trong tháng 6, sớm hơn dự báo là bắt đầu phục hồi vào quý 3/2020. Đối với thị trường châu Âu, nhờ nhu cầu tiếp tục gia tăng trong kênh bán lẻ và tỉ trọng đóng góp tương đối cao của kênh bán hàng này tại EU, sản lượng xuất khẩu của VHC ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số trong tháng 4.

Dù nhu cầu thấp hơn từ Mỹ, giá bán trung bình (ASP) cá fillet duy trì ổn định trong tháng 4 và đầu tháng 5 và có khả năng cải thiện vào thời điểm cuối năm, theo VHC. Nguồn cung cá tra đã giảm tương ứng với nhu cầu khi giá cá tra nguyên liệu thấp ảnh hưởng hoạt động nuôi cá. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu cũng nỗ lực duy trì mức giá bán ổn định. Trong bối cảnh kỳ vọng nhu cầu cá tra sẽ phục hồi, VHC dự kiến ASP cá fillet sẽ cải thiện nhẹ vào cuối năm 2020.

Triển vọng 2020

Với việc nhà máy bột cá và mỡ cá của Vĩnh Phước đã đi vào hoạt động đầu năm 2020, nhờ đó VHC sẽ có thể tăng thêm năng lực sản xuất trong chuỗi giá trị. Theo đó, doanh số bán mỡ cá và bột cá được kỳ vọng sẽ tăng 20% so với năm trước. Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc gia tăng lợi nhuận. Trong năm 2020, VHC dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 60% doanh số sản phẩm collagen và gelatin, đạt mức 35 triệu đô đến từ việc mở rộng dây chuyển sản xuất gelatin bắt đầu hoạt động từ tháng 7. Theo đó, lợi nhuận ròng của dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ tăng khoảng 50%.

Một chiến lược mang đến lợi nhuận ngay lập tức chính là cơ hội của VHC trong việc mở rộng hình thức bán hàng trực tiếp cho các siêu thị và chuỗi nhà hàng trong năm 2020, điều này sẽ giúp cải thiện giá bán. Trong chuỗi giá trị, nhờ ổn định trong chi phí nuôi trồng và những vùng nuôi mới đã được xây dựng và vận hành vào cuối năm ngoái, VHC lên kế hoạch gia tăng số lượng cá tự nuôi với chí phí cạnh tranh và hiệu quả được cải thiện.

Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam EVFTA được ký kết từ năm 2016 chuẩn bị được thực thi vào tháng 1/8/2020. Thuế của EU đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được loại bỏ dần trong 7 năm. Khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn, mức thuế đối với cá tra phi lê sẽ ngay lập tức giảm 50% và bằng 0 trong 3 năm (mức thuế hiện tại là 5,5%). Hiệp định EVFTA này sẽ thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và EU. Trong năm 2019, việc bán hàng sang châu Âu giảm nhẹ, chủ yếu là do giá bán giảm. EU tiếp tục là thị trường chiến lược cho cá tra Việt Nam, chiếm 12% tổng sản lượng xuất khẩu cá tra năm 2019 (năm 2018: 11%).

    1. Định giá

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VHC cho mục tiêu trung và dài hạn, với giá mục tiêu cổ phiếu VHC là 41.100 đồng/cp.

Rủi ro :

        • Biến động giá cá tra nguyên liệu đầu vào
        • Rào cản thương mại và kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu: đòi hỏi sản phẩm cá tra phải đạt các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm rất nghiêm ngặt tại các thị trường xuất khẩu, ngoài ra, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam còn phải chịu mức thuế CBPG thay đổi hằng năm tại thị trường Mỹ, ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế cạnh tranh của cá tra trên phạm vi toàn cầu.

CTCP ĐẦU TƯ VÀ THƯƠNG MẠI TNG (HNX: TNG)

1.Cập nhật KQKD quý 1/2020

Trong quý 1, TNG ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ 4%, xuống còn hơn 773 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán của TNG cũng giảm 4.3%, ghi nhận hơn 628 tỷ đồng. Từ đó dẫn đến lãi gộp của TNG giảm 4%, xuống còn hơn 145 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp của TNG cũng giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn gần 50 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí lãi vay và chi phí bán hàng của TNG lại lần lượt tăng 22% và 21%, chiếm hơn 28 tỷ đồng và hơn 32 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc quý 1/2020, TNG ghi nhận lãi ròng đạt gần 34 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Theo Công ty, do tình hình dịch bệnh Covid-19, trong tháng 2, nguyên phụ liệu nhập khẩu bị chậm nên thời gian giao hàng giãn dẫn đến các chỉ tiêu Công ty xây dựng cho quý 1/2020 không đạt như kỳ vọng. Cụ thể, doanh thu giảm trong khi chi phí đầu vào, chi phí lương Công ty vẫn phải duy trì thanh toán đúng theo quy định và hợp đồng đã ký nên lãi ròng của TNG ghi nhận giảm.

    1. Luận điểm đầu tư

Triển vọng ngành

      • Xu hướng dịch chuyển hợp đồng sản xuất may mặc khỏi Trung Quốc tiếp diễn sẽ đem lại nguồn đơn hàng dồi dào hơn cho năm 2020.
      • Kỳ vọng sự phục hồi của giá sợi khi Trung Quốc giảm bán phá giá trong năm 2020.
      • Xu hướng thời trang thân thiện với môi trường.
      • Đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị để hưởng lợi từ các FTA như CPTPP hay EVFTA,…

Triển vọng TNG

      Năm 2020 – 2021

      • Năm 2019, đầu tư giai đoạn một Nhà máy may TNG Đồng Hỷ với 16 chuyền may. Năm 2021, đầu tư tiếp giai đoan hai 20 chuyền may.
      • Năm 2020, đầu tư giai đoạn một Nhà máy may TNG Võ Nhai 18 chuyền may. Năm 2021, đầu tư tiếp giai đoạn hai 18 chuyền may. Năm 2020, đầu tư Nhà máy phụ trợ với 02 dây chuyền sản xuất bông với công suất 15 triệu yard/năm (1 yard = 0,9144 m); In ấn: 64 dây chuyền với công suất 70.000 sản phẩm/ngày; Sản xuất bao bì: Sản xuất thùng cartoon 2,5 triệu m2 /năm, 2 tấn túi PE/tháng; Giặt: Công suất 7.000 sản phẩm jacket/ ngày hoặc 30.000 sản phẩm quần/ ngày.
      • Làm công tác chuẩn bị đầu tư di chuyển 02 Nhà máy May Việt Đức và Việt Thái lên Cụm công nghiệp Sơn Cẩm. Làm công tác chuẩn bị đầu tư và công tác đầu tư Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 70 ha và khu tái định cư và nhà ở thương mại tại xã Sơn Cẩm Tp. Thái nguyên 20 ha.

     Năm 2021 – 2025

      • Tiếp tục làm công tác đầu tư và đưa vào kinh doanh Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 70 ha và khu tái định cư và nhà ở thương mại tại xã Sơn Cẩm, Tp.Thái nguyên 20 ha.
      • Đầu tư hoàn chỉnh 02 Nhà máy May TNG Việt Đức và Việt Thái tại khu công nghiệp Sơn Cẩm.
      • Đầu tư kinh doanh bất động sản tại hai khu đất Việt Đức và Việt Thái.
      • Nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp theo công nghệ ERP.
      • Đầu tư cải tạo tất cả các nhà máy của TNG theo tiêu chuẩn nhà máy xanh và phát triển doanh nghiệp bền vững. ˆ Đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào trong sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả đầu tư.
      • Tiếp tục mở rộng cửa hàng tiêu thụ sản phẩm thời trang TNG tới tất cả các tỉnh/ thành phố trong cả nước và tiến tới ở nước ngoài.
      • Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào: Quản lý kho thông minh, sử dụng phần mềm ERP để quản lý năng suất chuyền may, quản lý hiệu suất hoạt động của tất cả các máy móc thiết bị, sử dụng các máy móc hiện đại nhất vào sản xuất như: Máy cắt vải tự động, máy lập trình, trần bông, tra khóa, bổ tự động,..
      • Đặc biệt, trong vòng 5 năm tới, TNG hướng mục tiêu tới doanh thu 300 triệu USD, lợi nhuận sau thuế khoảng 25 triệu USD.

3. Nhận định 

Điểm sáng cho TNG là việc Hiệp định thương mại Việt Nam –  EU kỳ vọng được chính thức áp dụng vào tháng 8 tới cũng được nhìn nhận đang mở ra cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có TNG.

Một yếu tố được nhà đầu tư đánh giá tích cực hơn ở TNG, xuất phát từ chính đặc điểm vay nợ lớn của Công ty. Tính tới ngày 31/3/2019, Công ty có tổng nợ phải trả là 1.974,3 tỷ đồng, chiếm 57,6% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp; trong đó, nợ dài hạn là 563,3 tỷ đồng. Gần đây, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại thực hiện hạ lãi suất, giãn nợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Với chính sách này, nhà đầu tư kỳ vọng, áp lực chi phí lãi vay của TNG sẽ giảm đáng kể so với 2019, từ đó giúp lợi nhuận khởi sắc.

Bên cạnh đó, để giảm phần hụt các đơn hàng dệt may, ngay từ tháng 2, TNG đã triển khai sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Ngoài tiêu thụ trong nước, từ tháng 3 Công ty đã bắt đầu xuất khẩu. Ðồng thời, Công ty sản xuất bộ đồ phòng dịch y tế, đang chuẩn bị các thủ tục để xuất khẩu sang Mỹ.

Mặc dù kết quả kinh doanh quý 1/2020 không mấy tích cực khi mà toàn ngành dệt may đều bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid 19, tuy nhiên TNG là một trong số những doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may và sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ hiệp định EVFTA khi chính thức có hiệu lực. Chính những yếu tố hỗ trợ trên mà TNG được đánh giá khá tích cực trong dài hạn. Giá mục tiêu 21.000đ/cp.

Rủi ro :

Áp lực chi phí tài chính do doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay cao. Hiện tỷ lệ nợ vay của TNG là 57,6%, cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành như May Sông Hồng (19,2%), Dệt may Ðầu tư Thương mại Thành Công (34,2%).

Áp lực dòng tiền khi doanh nghiệp có dấu hiệu bị đối tác chiếm dụng vốn, tồn kho tăng, trong khi lượng tiền mặt còn tương đối thấp, tuy nhiên công ty cũng đã có sự chuẩn bị khi triển khai một loạt giải pháp để ứng phó. Trước hết, Công ty tạm ngừng toàn bộ các hoạt động đầu tư, tập trung duy trì ổn định sản xuất – kinh doanh.

Nguồn: ThanhCongWM Team


 

Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/mudsad194

 


 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.