Ngành Ngân hàng: Kết quả kinh doanh Quý 4 và cả năm 2018 của VCB BIDV VPB MBB HDB VIB STB LPB (phần 1)

Vietcombank: Lãi kỷ lục cao nhất hệ thống, nợ xấu giảm, thu nhập nhân viên tiếp tục tăng cao

BIDV báo lãi hơn 9.600 tỷ đồng, đặt mục tiêu không phát sinh nợ xấu mới

VPBank Lãi kỷ lục nhưng vẫn chưa hoàn thành kế hoạch, thu nhập bình quân của nhân viên cũng sụt giảm

MBBank lãi hơn 7.700 tỷ, thu nhập bình quân nhân viên lên 26 triệu/tháng

HDBank báo lãi 4.005 tỷ đồng, tăng 65,7% so với 2017Sacombank báo lãi quý IV/2018 kỷ lục

VIB lợi nhuận trước thuế 2018 cao kỷ lục 2.741 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2017, tăng trưởng gần 100% năm thứ 2 liên tiếp

LPB LienVietPostBank lãi hơn 1.200 tỷ năm 2018

[Click vào tab để xem thông tin]

  •  

    Vietcombank: Lãi kỷ lục cao nhất hệ thống, nợ xấu giảm, thu nhập nhân viên tiếp tục tăng cao

    Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) vừa công bố BCTC Quý 4/2018. Như thông tin đã được lãnh đạo ngân hàng công bố trước đó, Vietcombank có lãi trước thuế đạt 18.300 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay.

    Thu nhập nhân viên tiếp tục tăng cao

    BCTC của Vietcombank cũng cho thấy nhiều thông tin thú vị khác. Trong đó đáng chú ý là tình hình thu nhập của cán bộ nhân viên ngân hàng này.

    Đến cuối năm 2018, ngân hàng (hợp nhất) có 17.216 nhân viên, tăng thêm 989 nhân sự, trong đó nhân viên của ngân hàng mẹ là 16.712 người, tăng 946 người.

    Tổng chi phí cho nhân viên Vietcombank trong năm 2018 là 7.671 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm 2017. Trong đó, chi lương và phụ cấp đạt 6.912 tỷ đồng, tăng 10%. Theo đó, ước tính, thu nhập bình quân của nhân viên Vietcombank (bao gồm cả các công ty con) trong năm 2018 là gần 34,5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này cao hơn 2 triệu so với năm 2017 và cũng là mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt hiện nay.

    Việc Vietcombank tiếp tục tăng chi cho nhân viên cũng khá dễ hiểu khi tổng thu nhập hoạt động của nhà băng tăng 34% trong năm qua đạt 39.406 tỷ đồng. Theo đó, ước tính trung bình mỗi nhân viên Vietcombank tạo ra được hơn 2,35 tỷ doanh thu và 1,09 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; cải thiện khá nhiều so với năm trước (năm 2017, LNTT bình quân trên mỗi nhân viên là hơn 700 triệu đồng).

    Lãi từ hoạt động khác và thu nhập góp vốn cổ phần tăng đột biến

    Ngoại trừ hoạt động mua bán chứng khoán có lãi giảm 19% so với cùng kỳ, các mảng kinh doanh còn lại của Vietcombank đều có kết quả tích cực.

    Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong năm tăng 29,5% đạt 28.409 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ có lãi đạt 3.401 tỷ, tăng 34%; lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 2.266 tỷ, tăng 11%.

    Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác và thu nhập góp vốn mua cổ phần tăng đột biến, lần lượt đạt 3.234 tỷ đồng và 1.727 tỷ đồng, tăng 54% và 420% so với năm 2017. Điều này được lý giải bởi việc thu nhập từ các khoản cho vay đã xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro tăng mạnh (tăng 50%) và Vietcombank thu được hơn 1.500 tỷ đồng nhờ thoái vốn khỏi OCB, Eximbank và MBB.

    Nhờ các khoản thu đột biến này, tỷ trọng đóng góp của hoạt động phi tín dụng trong tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank tăng lên 28% (năm 2017 là khoảng 25%).

    Trong khi tổng thu nhập tăng trưởng mạnh mẽ, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro của Vietcombank tăng nhẹ hơn, lần lượt tăng 14,7% và 19,1% lên 13.600 tỷ đồng và 7.379 tỷ đồng.

    Lợi nhuận chưa phân phối tăng lên hơn 20.000 tỷ, tương đương 56% vốn điều lệ

    Tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Vietcombank đạt 1,07 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 3,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 16,3% đạt 622.358 tỷ đồng. Huy động tiền gửi đạt 802.223 tỷ, tăng 13,2%.

    Liên tục lãi kỷ lục những năm gần đây đã giúp phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Vietcombank gia tăng nhanh chóng, hiện đã lên hơn 20.000 tỷ đồng, tương đương 56% vốn điều lệ.

    Tổng nợ xấu cuối năm 2018 là 6.215 tỷ đồng, tăng nhẹ 7 tỷ so với cuối năm 2017. So với thời điểm cuối tháng 9/2018, nợ xấu tại nhà băng này đã giảm mạnh hơn 1.000 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank giảm từ 1,14% xuống còn 0,98% sau một năm.

  •  

    BIDV báo lãi hơn 9.600 tỷ đồng, đặt mục tiêu không phát sinh nợ xấu mới

    Thông tin từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt trên 9.625 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017. Mức lợi nhuận này cũng vượt kế hoạch đề ra hồi đầu năm (9.300 tỷ đồng).

    Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng khối ngân hàng đạt 8.959 tỷ đồng, tăng trưởng 12%. Các công ty, liên doanh, liên kết hoạt động ổn định, đóng góp 666 tỷ đồng vào lợi nhuận chung của toàn hệ thống với điểm nhấn nổi trội là của Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, Công ty BSC, Công ty BIC…

    Đến cuối năm 2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 1,28 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 9,1% so với 2017, theo đó BIDV vẫn là ngân hàng thương mại có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam.

    Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1,214 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6,8%; trong đó cho vay nền kinh tế hơn 977.000 tỷ đồng, tăng trưởng 13,3%, chiếm khoảng 13% quy mô tín dụng toàn ngành ngân hàng.

    Tổng nguồn vốn huy động đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 9%; trong đó tiền gửi tổ chức kinh tế và dân cư hơn 1.036.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11%, chiếm khoảng 12,5% huy động vốn toàn ngành ngân hàng.

    Trong năm 2018, ngân hàng cũng đã phát hành thành công 4.586 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn và Ký hợp đồng tín dụng 300 triệu USD với ADB, đây là khoản vay thương mại lớn nhất mà ADB cung cấp cho một ngân hàng thương mại Châu Á từ trước đến nay.

  •  

    VPBank: Lãi kỷ lục nhưng vẫn chưa hoàn thành kế hoạch, thu nhập bình quân của nhân viên cũng sụt giảm

    Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – VPB) vừa công bố BCTC Quý 4/2018. Nhìn chung hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong quý cuối năm có kết quả khả quan hơn so với diễn biến trong 9 tháng trước đó khi lợi nhuận bứt tốc, FE Credit trở lại đóng góp nhiều hơn, nợ xấu giảm bớt.

    Lợi nhuận tăng vọt trong quý 4, FE Credit trở lại đóng góp nhiều hơn cho VPBank

    Trong quý 4/2018, lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt 3.074 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. So với 3 quý đầu năm 2018, kết quả kinh doanh của nhà băng này trong những tháng cuối năm đã có sự bứt tốc đáng kể. Lợi nhuận quý 4 tăng hơn 50% so với trung bình 3 quý đầu năm và đóng góp tới hơn 1/3 cho lợi nhuận cả năm.

    Công ty con FE Credit đã trở lại đóng góp nhiều hơn cho VPBank. BCTC cho thấy ngân hàng mẹ thực tế chỉ đóng góp 1.232 tỷ đồng lợi nhuận, phần còn lại hơn 1.800 tỷ là từ các công ty con (FE Credit và VPBank AMC).

    Lợi nhuận “khủng” nhưng vẫn chưa hoàn thành kế hoạch năm

    Mặc dù có sự bứt tốc mạnh mẽ trong quý 4, lợi nhuận trước thuế của VPBank cả năm 2018 mới chỉ đạt gần 9.200 tỷ đồng, còn cách kế hoạch năm 1.600 tỷ mới hoàn thành. Mặc dù vậy, VPBank vẫn đứng thứ 4 trong Top những ngân hàng có lợi nhuận cao nhất năm nay.

    Theo tính toán từ BCTC riêng lẻ, ngân hàng mẹ có lãi trước thuế khoảng hơn gần 5.100 tỷ đồng, đồng nghĩa 2 công ty con FE Credit và AMC đóng góp hơn 4.100 tỷ đồng (khoảng 45%).

    Tổng thu nhập lãi thuần trong năm đạt 24.702 tỷ đồng, tăng 19,8%. Hoạt động dịch vụ có lãi 1.612 tỷ, tăng 10,3% so với năm 2017. Hoạt động mua bán chứng khoán có phần kém khả quan hơn, có lãi 193 tỷ đồng, giảm 63% so với năm trước.

    Trong khi đó, lãi từ hoạt động khác của ngân hàng tăng đột biến 84,6% lên 4.681 tỷ đồng chủ yếu nhờ khoản thu từ nợ đã xử lý rủi ro (hơn 3.100 tỷ, tăng hơn 3 lần). Thu từ hoạt động mua bán nợ cũng tăng hơn 2,6 lần đạt 758 tỷ đồng.

    Thu nhập bình quân của nhân viên sụt giảm 

    Chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 19,6% trong năm qua lên 10.634 tỷ đồng. Trong đó, chi cho nhân viên tăng gần 1.000 tỷ lên 6.021 tỷ đồng. Theo VPBank, thu nhập bình quân tháng của nhân viên năm 2018 sụt giảm gần 1,7 triệu xuống còn 17,68 triệu đồng/tháng. Riêng cán bộ nhân viên ngân hàng mẹ có mức thu nhập bình quân cao hơn (20,46 triệu đồng) nhưng cũng đã giảm gần 2 triệu so với năm 2017.

    Trong năm 2018, VPBank cũng đã tuyển thêm 3.603 nhân viên mới, nâng số lượng nhân viên tại 31/12/2018 lên 27.429 người, tương đương tăng hơn 15%.

    Chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng tăng mạnh 40,6% trong năm qua lên 11.253 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2018 chỉ tăng 13,1%, mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây của nhà băng này.

    Tín dụng tăng mạnh, nợ xấu giảm trong quý 4/2018

    Tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của VPBank đạt 323.308 tỷ đồng, tăng 16,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 21,4% đạt 217.893 tỷ đồng.

    Trước đó, tăng trưởng cho vay khách hàng tại VPBank 9 tháng đầu năm mới chỉ đạt 11,5%, có nghĩa tốc độ giải ngân trong quý 4 là rất lớn. Điều này cũng giải thích cho sự đột phá về lợi nhuận của ngân hàng trong những tháng cuối năm.

    Huy động tiền gửi khách hàng tăng 27,9% so với đầu năm đạt 170.851 tỷ đồng. So với thời điểm cuối quý 3/2018, huy động tiền gửi của VPBank đã tăng khá mạnh (9%), ngân hàng này liên tục niêm yết lãi suất ở nhóm cao nhất trên thị trường.

    Cuối năm 2018, nợ xấu của ngân hàng hợp nhất là 7.766 tỷ đồng, giảm hơn 1.600 tỷ so với cuối tháng 9/2018. Tuy nhiên so với hồi đầu năm, nợ xấu đã tăng 25%, theo đó tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 3,39% lên 3,51%. Tỷ lệ này ở ngân hàng mẹ là khoảng 2,7%.

    Ngân hàng cũng còn nắm giữ hơn 3.100 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, giảm 21,9% so với đầu năm.

  •  

    MBB: MBBank lãi hơn 7.700 tỷ, thu nhập bình quân nhân viên lên 26 triệu/tháng

    Năm 2018, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, HoSE:MBB) báo lãi ròng 7.767 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.767 tỷ đồng, tăng 68% và vượt 14% so với kế hoạch 6.800 tỷ đồng đề ra đầu năm.

    Cú bật mạnh từ thu kinh doanh bảo hiểm

    Các nguồn thu của ngân hàng đều tăng trưởng. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng gấp 2,26 lần, mang về 2.564 tỷ đồng. Riêng mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm tăng hơn 1.000 tỷ đồng. MBBank có 2 doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc. Gia tăng bán chéo, đẩy mạnh doanh thu bảo hiểm có thể đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng này.

    Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng mang về nguồn thu gấp đôi năm trước (hơn 300 tỷ đồng). Thu nhập lãi thuần vẫn là mảng đóng góp chính vào tổng thu nhập cũng tăng trưởng gần 30%. Cùng đó, chi phí trích lập dự phòng năm nay giảm đáng kể, nhất là trong quý IV (giảm 43%).

    Chi hoạt động tăng mạnh, cao hơn tốc độ tăng tổng thu nhập, chủ yếu do tăng chi lương, chi hoạt động khác và chi phí quản lý doanh nghiệp. Quy mô nhân sự của MBBank đã tăng lên gần 14.000 người từ mức bình quân 11.800 người trong năm trước. Đồng thời, thu nhập bình quân của CBCNV đã được cải thiện, nâng lên gần 26 triệu đồng/tháng,

    Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn tăng lên 33%

    Đến cuối năm 2018, tổng tài sản MBBank đạt 362.361 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cuối năm trước. Phần lớn tài sản của ngân hàng phân bổ vào các khoản cho vay khách hàng. Tăng trưởng dư nợ tín dụng và huy động vốn từ khách hàng năm 2018 lần lượt là 16,97% và 8,99%.

    Ngoài nguồn tiền huy động từ dân cư, MBBank cũng tăng huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng. Số trái phiếu phát hành năm 2018 lên tới 7.577 tỷ đồng. Vốn tự có của ngân hàng tăng gần 14% nhờ gia tăng tích lũy lợi nhuận. Trong năm, vốn điều lệ của MBBank đã tăng lên 21.605 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối xấp 1/3, đạt hơn 7.100 tỷ đồng.

  •  

    HDB: HDBank báo lãi 4.005 tỷ đồng, tăng 65,7% so với 2017

    Thu nhập từ dịch vụ và ngoại tệ tăng trưởng mạnh mẽ

    HDBank vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2018 với mức tăng trưởng ấn tượng ở hầu hết các chỉ tiêu hoàn thành, trong đó chỉ tiêu về lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua đầu năm. Các hệ số khả năng sinh lời ROE và ROA đạt lần lượt 20,27% và 1,58%. Tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ của HDBank được kiểm soát chặt ở mức 0,97%, mức thấp nhất toàn ngành.

    Cụ thể, riêng trong quý IV/2018, ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 1.121 tỷ đồng, tăng 122,1% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 2.161 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ; riêng thu nhập lãi thuần của ngân hàng mẹ đạt 1.430 tỷ tăng 35,8%. Bên cạnh đó, thu nhập từ dịch vụ và các hoạt động kinh doanh ngoại tệ cũng tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần đưa tổng thu nhập hoạt động tăng 37,8%.

    Với bước bứt phá mạnh mẽ trong quý cuối năm, tính chung cả năm 2018 HDBank đã ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 4.005 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tăng 65,7% so với năm 2017. Trong đó, hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, khi đạt mức lãi thuần 438 tỷ đồng, gấp hơn hai lần năm 2017. Tương tự, thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng hơn 2 lần, lên 298 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần đạt 7.646 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước dù dư nợ tín dụng trong năm chỉ tăng 18,2%. Tổng thu nhập hoạt động đạt 9.438 tỷ đồng, tăng 25.7%.

    Quy mô tài sản của HDBank đến 31/12/2018 đạt 216.108 tỷ đồng, tăng trưởng 14,1% so với năm 2017. Tổng huy động đạt 191.588 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 14,0% lên 16.828 tỷ đồng và đã sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II khi được ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

    Trong năm, HDBank đã hoàn tất việc tăng thêm 45 chi nhánh/phòng giao dịch, nâng quy mô mạng lưới lên 285 điểm. Số lượng điểm giao dịch tài chính tiêu dùng cũng tăng thêm 2.323, đạt 13.825 điểm giao dịch, tiếp tục dẫn đầu toàn ngành tài chính tiêu dùng về quy mô mạng lưới. Hệ thống mạng lưới rộng lớn giúp HDBank và HD Saison phục vụ hiệu quả gần 7 triệu khách hàng, đặc biệt tại các khu vực nông thôn.

    Năm 2019, HDBank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên 328.588 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt 303.043 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 210.839, không vượt quá hạn mức tăng trưởng do NHNN phê duyệt; lợi nhuận trước thuế 5.077 tỷ đồng; mạng lưới điểm giao dịch đạt 308 điểm.

    Bên cạnh hoạt động kinh doanh, năm 2018 HDBank có nhiều sự kiện nổi bật. Cổ phiếu HDB vừa niêm yết trên sàn chứng khoán nằm trong nhóm 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán TPHCM và nhà đầu tư nước ngoài mua ròng liên tục. HDBank đón Huân chương lao động Hạng 2 nhân dịp kỷ niệm 28 năm thành lập, Moody’s nâng bậc xếp hạng tín nhiệm và xếp hạng tín nhiệm đối tác lên B1; là 1 trong 37 doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM đóng góp ngân sách Nhà nước lớn nhất được UBND TP. HCM vinh danh; top những thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam do Fosbes bình chọn; tổ chức HR Asia bình chọn là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất châu Á; Giải Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu năm 2018 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) trao tặng; giải “Ngân hàng có dịch vụ quản lý tiền mặt tốt nhất châu Á – Thái Bình Dương” do tổ chức Euromoney đánh giá…

    Bên cạnh hoạt động kinh doanh, HDBank còn hướng đến các hoạt động an sinh xã hội – cộng đồng vói các chương trình tặng 1.000 suất học bổng cho trẻ em; tặng thẻ BHYT cho người cận nghèo, tài trợ hàng ngàn ca phẫu thuật đục thủy tinh thể cho người nghèo…. Đồng hành cùng sự phát triển của thể thao Việt Nam, năm thứ 8 liên tiếp tổ chức, Giải Cờ vua Quốc tế HDBank tiếp tục gây tiếng vang trên làng cờ thế giới. Số lượng kỳ thủ tham dự giải đông nhất từ trước đến nay với 271 kỳ thủ từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 125 kỳ thủ quốc tế.

    Song song đó, trong lần thứ hai tổ chức, Giải Futsal HDBank (Vô địch Quốc gia và Cup Quốc gia) với những trận cầu đẹp mắt, chất lượng thi đấu đỉnh cao đã góp phần vào sự trưởng thành của Futsal Việt Nam năm 2018 trên đấu trường quốc tế.

  •  

    STB: Sacombank báo lãi quý IV/2018 kỷ lục

    Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE:STB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV với lợi nhuận sau thuế đạt mức cao nhất theo số liệu thống kê từ năm 2006 tới nay. Điều này giúp ngân hàng lãi ròng cả năm 2018 vươn lên 1.790 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế cao gấp rưỡi, đạt 2.247 tỷ đồng và hoàn thành vượt 22,25% kế hoạch.

    Chi phí dự phòng trong quý cuối cùng giảm 30% là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận sau thuế quý IV của Sacombank đạt 859 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.

    Cả năm tăng hơn 35% lên 11.677 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng chính đến từ thu nhập lãi thuần và lãi hoạt động khác. Thu nhập lãi thuần đạt 7.634 tỷ đồng, tăng gần 45% so với năm trước. Hoạt động khác bao gồm cả các khoản thu hồi nợ đã xử lý thu về 932 tỷ đồng, gấp 2,95 lần. Lãi thuần từ mảng dịch vụ đi ngang, thậm chí giảm mạnh hơn 30% trong quý IV. Tuy vậy, đây vẫn là mảng đóng góp cao thứ hai trong tổng thu nhập.

    Tính đến 31/12, tổng tài sản của Sacombank đạt 406.041 tỷ, tăng 10,2% so với cuối năm trước. Tăng trưởng cho vay và huy động tiền gửi khách hàng lần lượt là 15,11% và 9,17%.

    Phần lớn ngân hàng phân bổ vào các khoản cho vay khách hàng (256.622 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 4,67% xuống còn 2,11%. Nợ xấu giảm đều ở các nhóm nợ, đặc biệt là nợ nhóm 3, nhóm 5. Đáng chú ý, các khoản lãi, phí phải thu đã giảm gần 1.600 tỷ đồng, xuống còn 23.154 tỷ đồng.

  •  

    VIB: lợi nhuận trước thuế 2018 cao kỷ lục 2.741 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2017, tăng trưởng gần 100% năm thứ 2 liên tiếp

    Năm thứ 2 liên tiếp VIB đạt lợi nhuận trước thuế tăng trưởng gần gấp đôi.

    Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam công bố kết quả kinh doanh năm 2018, với chỉ số lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.741 tỷ, tăng 95% so với năm 2017 và vượt 37% so với con số do Đại hội đồng cổ đông giao từ đầu năm. Đây là năm thứ 2 liên tiếp lợi nhuận của VIB tăng trưởng xấp xỉ 100%/năm.

    Doanh thu tăng gần gấp rưỡi, thu nhập ngoài lãi tăng hơn 90%

    Cụ thể, doanh thu của ngân hàng tăng trưởng 48% so với năm trước, trong đó thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng lần lượt 40% và 92%. Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng nhanh nhờ việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu, hiện chiếm 20% trong tổng doanh thu. Doanh thu tăng trưởng mạnh trong khi chi phí được quản lý tốt cho hệ số hiệu quả chi phí trên doanh thu (CIR) đạt mức hiệu quả tốt 44%, giảm 13%.

    Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VIB tăng mạnh lên 22,5%, ở nhóm cao nhất của thị trường. Mảng ngân hàng bán lẻ tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của VIB, với doanh thu bán lẻ tăng 90% so với năm 2017. Khối Khách hàng và doanh nghiệp và khối Nguồn vốn và ngoại hối cũng đạt được hiệu quả tăng trưởng cao, với LN tăng 22% và 49% so với năm 2017.

    Chi phí dự phòng đạt 661 tỷ, tăng 73% so với năm 2017, nguyên nhân chính là VIB đã mua về toàn bộ các khoản VAMC, lập dự phòng và xử lý phần lớn các khoản nợ này ra khỏi bảng tổng kết tài sản.

    Tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 140.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 22,7% so với năm 2017. Dư nợ tín dụng đạt 98.933 tỷ đồng, tăng 17,5%. Trong đó dư nợ khối ngân hàng bán lẻ đạt 74.300 tỷ, tăng 48% trong năm 2018 sau khi đã tăng 83% năm 2017.

    Các chỉ số an toàn của VIB được kiểm soát hiệu quả, đảm bảo tuân thủ các quy định của Nhà nước. Cụ thể, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 36,5% (quy định tối đa 45%). Hệ số an toàn vốn (CAR) theo TT36 đạt 13,0% so với quy định tối thiểu 9%. Tỷ lệ nợ xấu chỉ còn ở mức 2,2%.

    Đối tác chiến lược của VIB hiện là CBA – ngân hàng bán lẻ số 1 của Australia và là ngân hàng trong nhóm 15 ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu, với tỷ lệ sở hữu 20% vốn của VIB.

    Nhiều dấu ấn quan trọng

    Năm 2018, VIB ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng. Tại thời điểm tháng 7/2018, VIB trở thành 1 trong 5 ngân hàng đầu tiên mua lại 100% nợ VAMC

    Trong tháng 12/2018, VIB được NHNN cấp chứng nhận áp dụng Basel II từ ngày 1/1/2019. Theo Ban lãnh đạo VIB, chỉ số CAR theo Basel II của VIB tại ngày 31/12/2018 là trên 10,2%, cao hơn quy định tối thiểu là 8%. Với việc trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận triển khai Basel II vào hoạt động, VIB đã và đang thu hút sự chú ý giới tài chính, đầu tư, sự tin tưởng của khách hàng.

    Trong năm 2018, VIB còn nằm ở top 3 các ngân hàng được Bộ tài chính xếp hạng đánh giá thành viên đấu thầu trái phiếu chính phủ có tổng giá trị giao dịch cao nhất trong số các ngân hàng cổ phần, dựa trên cơ sở VIB là một trong số ít các ngân hàng tham gia tạo lập thị trường (market maker) và giao dịch với quy mô lớn.

    2018 VIB còn 2 lần được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng hạng tín nhiệm. Theo đó tín nhiệm cơ sở lên b1, chỉ số đánh giá rủi ro đối tác lên mức Ba3, và xếp hạng tiền gửi dài hạn nội tệ và ngoại tệ của VIB lên mức b1, ở nhóm ngân hàng có thứ hạng tín nhiệm cao trên thị trường.

    VIB tiếp tục được các định chế quốc tế đánh giá cao trong nhóm ngân hàng cổ phần hàng đầu. Trong năm 2018, IFC (thành viên nhóm Ngân hàng thế giới) đã trao giải “Đối tác Ngân hàng phát hành có nghiệp vụ tài trợ thương mại tốt nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương” cho VIB, ADB ghi nhận VIB là “Ngân hàng hàng đầu Việt Nam về tài trợ thương mại cho doanh  nghiệp SME”.

    Ngân hàng kỹ thuật số chất lượng hàng đầu Việt Nam

    Về công nghệ ngân hàng kỹ thuật số, trong năm 2018, Tạp chí Thương hiệu toàn cầu (Global Brands Magazine/GBM) ghi nhận VIB là “Thương hiệu ngân hàng sáng tạo” (Most Innovative Banking Brand) của Việt Nam năm 2018.

    Với kỳ vọng trở thành ngân hàng công nghệ số tiên phong, VIB tiếp tục đầu tư lớn cho các ứng dụng MyVIB, Internet Banking, website vib.com.vn và công cụ bán hàng tự động. Các ứng dụng mobile banking và internet banking áp dụng hàng loạt các tính năng tiên tiến hiện đại như “Mở tài khoản tức thì (Real time account opening), công nghệ bảo mật sinh trắc học (bio metric login), quản lý chi tiêu 360%, giải pháp bảo mật OTP thông minh (Smart OTP solution), Thanh toán qua QR code, Đặt vé máy bay, khách sạn, giao dịch tiền trực tiếp với tài khoản chứng khoán.

    Các chức năng trên đã được VIB tích hợp tất cả trong một trên ứng dụng điện thoại mobile apps MyVIB, trở thành ứng dụng mobile banking hàng đầu trong công nghệ ngân hàng kỹ thuật số. Nhờ các công nghệ hàng đầu và giao diện sử dụng tiện lợi này, số lượng khách hàng sử dụng MyVIB của VIB ngày càng tăng mạnh, thu hút số lượng đông khách hàng về VIB mở tài khoản. Số lượng khách hàng sử dụng giao dịch qua các kênh ngân hàng số đã chiếm hơn 70% tổng số lượng các giao dịch tại VIB. Số dư tài khoản giao dịch digital gấp 3 lần số dư các tài khoản giao dịch truyền thống.

    Thẻ tín dụng với các ưu đãi và tính năng ưu việt hàng đầu trên thị trường

    Đầu tháng 12/2018, Ngân hàng VIB cho ra mắt đồng loạt 5 sản phẩm thẻ tín dụng, được đánh giá là cạnh tranh nhất với các ưu đãi và tính năng ưu việt dành tặng chủ thẻ. Các dòng thẻ này đều có các tính năng nổi trội như: VIB Financial Free cho phép chủ thẻ rút tối đa 100% hạn mức và miễn phí thường niên trọn đời, VIB Rewards và VIB Cashback tặng 5 lần điểm và hoàn tiền lên đến 12 triệu/năm cho mọi giao dịch chi tiêu; VIB Travel Elite ưu đãi với phí giao dịch ngoại tệ thấp nhất chỉ 1.75% cùng nhiều quyền lợi tặng dặm bay và 4 lần phòng chờ VIP miễn phí.

    Ngoài ra, lần đầu tiên trên thị trường có dòng thẻ tín dụng ưu đãi lên đến 14 triệu/năm cho các chủ xe ô tô – với tên gọi VIB Happy Drive: giảm 30% phí bảo trì bảo dưỡng xe trên toàn quốc và tặng đến 500 lít xăng/năm. Các dòng thẻ tín dụng này đang gây tiếng vang lớn trên thị trường nhờ các tính năng độc đáo, ưu đãi vượt trội dành cho chủ thẻ của VIB.

    VIB dự kiến tổ chức Đại Hội Cổ Đông 2019 vào cuối tháng 3 tại TP HCM.

  •  

    LPB: LienVietPostBank lãi hơn 1.200 tỷ năm 2018

    Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, UPCoM:LPB) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 đạt 1.213 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đã được điều chỉnh hồi giữa năm (1.200 tỷ đồng).

    Kết quả kinh doanh quý IV và cả năm đều giảm so với cùng kỳ. Riêng trong quý IV, chi phí dự phòng tăng cùng khoản lỗ từ chứng khoán đầu tư là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm. Thu nhập lãi vẫn duy trì và tăng gần 8% dù tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại so với năm trước trong bối cảnh NHNN thận trọng trong kiểm soát tín dụng.

    Tuy nhiên, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh gấp 2,3 lần năm 2017, giúp mang về cho ngân hàng 148 tỷ đồng.

    Lũy kế cả năm 2018, lợi nhuận trước thuế LienVietPostBank đạt 1.212 tỷ đồng, giảm hơn 31%; lợi nhuận sau thuế cũng giảm gần 30% về 1.368 tỷ đồng.


    Kết quả kinh doanh LienVietPostBank

    Đến hết năm 2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 175.094 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2017. Cho vay khách hàng tăng gần 18,5%, trong khi huy động vốn từ dân cư lại tăng trưởng âm 2,6%. Nguồn vốn của LienVietPostBank ghi nhận sự gia tăng đáng kể trên thị trường liên ngân hàng (tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng). Vốn huy động từ kênh trái phiếu cũng gia tăng, chủ yếu từ quý I.

    So với cuối năm trước, LienVietPostBank cũng tăng đầu tư thêm 3.600 tỷ đồng vào trái phiếu của các tổ chức tín dụng khác. Dư nợ tín dụng tăng, nhưng nợ xấu cũng tăng gấp rưỡi so với hồi cuối năm 2017, chủ yếu do tăng nợ nhóm 3 và 5. Đây là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,07% lên 1,41%.

Tổng hợp


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.