[Nhận định thị trường ngày 15.07] Kỳ vọng vào đà tăng ngắn hạn của thị trường, có thể canh các nhịp điều chỉnh của thị trường để mở các vị thế mua trading

TIN THẾ GIỚI

Dow Jones tăng 556,79 điểm, tương đương 2,13%, lên 26.642,59 điểm. S&P 500 tăng 42,3 điểm, tương đương 1,34%, lên 3.197,52 điểm. Nasdaq tăng 97,73 điểm, tương đương 0,94%, lên 10.488,58 điểm.

Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng, cơ quan đánh giá sản lượng OPEC+, sẽ họp vào ngày 15/7 và cân nhắc có tiếp tục duy trì mức giảm 9,7 triệu thùng/ngày hay tăng sản lượng hiện tại thêm 2 triệu thùng/ngày như đề xuất từ Arab Saudi, đã giúp cho giá dàu phiên 14/7 tăng trước thềm cuộc họp diễn ra. Giá dầu Brent tương lai tăng 18 cent, tương đương 0,4%, lên 42,9 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 19 cent, tương đương 0,6%, lên 40,29 USD/thùng.
 
VN – INDEX

Kết thúc phiên hôm nay, chỉ số VnIndex giảm 0,61 điểm tương đương 0,07% về 868,11 điểm. Trên sàn HNX, chỉ số HnxIndex đóng cửa ở mức 116,14 điểm, tăng 0,49 điểm tương đương 0,42% so với phiên trước.

Trong rổ VN30, số mã tăng và giảm điểm khá cân bằng khi có 11 mã tăng và 12 mã giảm điểm. Trong phiên 14/7, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số lần lượt là GAS, SAB và MSN khi lấy đi của chỉ số lần lượt 1,47, 0,91 và 0,20 điểm.

Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VnIndex là VHM, GVR và VNM khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 1,34, 0,23 và 0,20 điểm tăng. Thanh khoản trên sàn HSX đạt 204 triệu cổ phiếu, tăng so với phiên trước. Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có phiên bán ròng trên sàn HSX với giá trị hơn 72 tỷ đồng.

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

Thị trường tiếp tục dao động trong kênh giá song song hướng xuống hình thành từ đầu tháng 06. Chỉ số vẫn đang trong xu hướng hướng xuống đường MA20 tại vùng quanh 855 điểm, nếu xuyên thủng vùng này, chỉ số có thể sẽ hướng xuống dải BB dưới tại vùng quanh 820-830 điểm.

Về hệ thống chỉ báo kỹ thuật, chỉ báo ADX đang tiếp tục giảm và thấp hơn ngưỡng 20 điểm cho thấy thị trường trong giai đoạn hiện tại đang không có xu hướng. Chỉ báo Stochastic Oscillator lại đang hướng xuống và nằm dưới đường tín hiệu cho thấy rủi ro giảm điểm của thị trường trong một vài phiên kế tiếp.

Thị trường được dự báo có thể gặp phải áp lực điều chỉnh trong một vài phiên kế tiếp và lùi về thử thách vùng 850-860 điểm, nếu xuyên qua vùng này, chỉ số có thể sẽ lùi về vùng hỗ trợ thấp hơn.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Vn-Index dự báo sẽ tăng điểm trở lại trong phiên kế tiếp sau khi đã xuất hiện nỗ lực hồi phục tương đối tốt từ vùng hỗ trợ 860-862 điểm. Về tổng thế, chúng tôi vẫn kỳ vọng vào đà tăng ngắn hạn của thị trường với đích đến nằm tại vùng kháng cự quanh 888±5 điểm trong ngắn hạn.

Giai đoạn hiện tại, thị trường vẫn sẽ chịu sự chi phối chủ yếu từ thông tin KQKD Q2 của các doanh nghiệp niếm yết. Ảnh hưởng từ dịch Covid19 nhiều khả năng sẽ khiến cho lợi nhuận của các công ty không được tích cực trong quý 2. Yếu tố này dự kiến có thế ảnh hướng không tốt đến diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp, đặc biệt là khi thị trường tiếp cận các vùng kháng cự mạnh.
 
CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 50-65% cổ phiếu. Đối với các vị thế ngắn hạn, nhà đầu tư có thể canh các nhịp điều chỉnh của thị trường để mở các vị thế mua trading.
Một số nhóm ngành đáng chú ý: ngân hàng: ACB, CTG…,chứng khoán : HCM.., công nghệ thông tin : FPT , thép, phân bón : HPG,..

TIN DOANH NGHIỆP

PPC:  vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2020 với doanh thu thuần gần 2,267 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% so cùng kỳ. Do giá vốn tăng 6% dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ giảm về mức 366 tỷ đồng, giảm 38%. Đơn giá điện bình quân quý 2/2020 ghi nhận thấp hơn cùng kỳ. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu và chi phí sửa chữa lớn gia tăng so với quý 2/2019. Về hoạt động tài chính, PPC ghi nhận 142 tỷ đồng cổ tức từ khoản đầu tư vào CTCP Nhiệt điện Hải Phòng, cao hơn 110 tỷ đồng so cùng kỳ. Tuy nhiên, Công ty đã hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư với số tiền 136 tỷ đồng (quý 2/2019 chỉ hoàn nhập gần 9 tỷ đồng). Kết quả, PPC lãi ròng gần 280 tỷ đồng trong quý 2/2020, giảm 18% so cùng kỳ.

PGN : Kết thúc quý 2/2020, CTCP Phụ Gia Nhựa ước đạt doanh thu 40 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.1 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 79% và 111% so cùng kỳ năm 2019. Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Công ty ước tính đạt 76 tỷ đồng doanh thu và 3.2 tỷ đồng lãi sau thuế. So với các chỉ tiêu cổ đông giao phó, PGN đã thực hiện được 50% về doanh thu và 48% về lợi nhuận. Công ty cũng dự kiến kết quả kinh doanh quý 3/2020 tích cực hơn quý 2 với doanh thu 50 tỷ đồng và lãi sau thuế 2 tỷ đồng. Điều này đến từ dự báo sản lượng sản phẩm cũ tăng, đóng góp của doanh thu sản phẩm mới cùng việc Nhà máy sản xuất số 2 đi vào hoạt động.

TMC : CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2020 với doanh thu thuần gần 292 tỷ đồng, giảm 53% so cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh xăng dầu trong kỳ chỉ đem về chưa tới 265 tỷ đồng doanh thu, giảm 53% so với quý 2/2019.Do đó dù đã tiết giảm các khoản chi phí, TMC vẫn lỗ ròng 3.8 tỷ đồng trong quý 2/2020 (cùng kỳ lãi 10.8 tỷ đồng). Như vậy lũy kế 2 quý đầu năm, TMC ghi nhận doanh thu gần 714 tỷ đồng, giảm 41% so cùng kỳ và lỗ ròng 3.3 tỷ đồng. Trong khi năm 2020, TMC đặt kế hoạch doanh thu 2,396 tỷ đồng và lãi sau thuế 17.6 tỷ đồng.

HND : CTCP Nhiệt điện Hải Phòng vừa công bố KQKD quý 2 với doanh thu ghi nhận ở mức 3,127 tỷ đồng, giảm 6% so cùng kỳ; lãi gộp thu được hơn 589 tỷ đồng, đi lùi 4%. Sản lượng điện thực phát trong quý giảm 153.3 triệu kWh so cùng kỳ. Kết quả tăng trưởng lãi ròng 31% trong quý 2/2020, lên mức 546 tỷ đồng chủ yếu đến từ việc tiết giảm các khoản chi phí. Việc điều chỉnh giảm chi phí giúp HND gia tăng lãi trước thuế tổng cộng 325 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, HND có doanh thu gần 6,151 tỷ đồng và lãi ròng 785 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 45% so cùng kỳ. So với kế hoạch đề ra, HND đã thực hiện 75% về doanh thu và 83% về lợi nhuận.

BÁO CÁO CẬP NHẬT
Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan ( HOSE – MSN )
 
1.    Luận điểm đầu tư

MSN đã tổ chức ĐHCĐTN ngày 30/6. Tại ĐHCĐ, MSN đã thông qua kế hoạch năm 2020:

MSN đặt kế hoạch doanh thu thuần 75 – 85 nghìn tỷ đồng (tăng 101 – 128%) và kế hoạch lợi nhuận ròng 1 – 3 nghìn tỷ đồng (giảm 46 – 82%). Kế hoạch của công ty phản ánh việc hợp nhất VCM với doanh thu cao nhưng lỗ cũng đáng kể. Ban lãnh đạo ước tính công ty sẽ có lợi nhuận trong Q2 sau khi báo cáo lỗ trong Q1.
Cổ tức 1.000đ/cp bằng tiền (lợi suất cổ tức là 1,8%) cho năm 2019. Công ty dự kiến sẽ tiếp tục trả cổ tức bằng tiền mặt thường xuyên trong tương lai, trái ngược với thông lệ trước đó.

Kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 9,99% số cổ phiếu đang lưu hành đã được thông qua và sẽ hoàn thành vào ĐHCĐTN năm 2021. Phát hành cổ phiếu ESOP giới hạn ở mức 0,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
 
Kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2021 VinCommerce:

    • VCM : Sau khi MSN tham gia, VCM đã công bố những con số khả quan về tăng trưởng doanh thu lẫn hiệu quả hoạt động. Đối với chuỗi siêu thị Vinmart và chuỗi cửa hàng Vinmart+, MSN hướng tới hòa vốn EBITDA trong năm 2020. VCM đã hòa vốn EBITDA tại Hà Nội và có thể báo cáo lãi trong các quý tới. Trong Q1/2020, tỷ suất EBITDA của VCM đã tăng lên -5.1% từ -9.1% vào Q1/2019. Theo chúng tôi, việc VCM có thể hòa vốn EBITDA trong năm nay khá là thách thức. Kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn và dự báo VCM sẽ đạt biên EBITDA dương từ năm 2022.
    • Masan Consumer: Tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định với chiến lược cao cấp hoá sản phẩm. Kỳ vọng mảng nước uống, đặc biệt là nước tăng lực sẽ là một trong nhưng yếu tố dẫn dắt tăng trưởng chính.
    •  Masan MeatLife: Chúng tôi đánh giá cao giá trị mang đến cho người tiêu dùng của sản phẩm thịt mát MeatDeli và kỳ vọng vào sự thành công của mô hình này. MML đặt kế hoạch doanh thu 16 – 18 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, (tăng 16 – 31%). Kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2020 là 200 – 500 tỷ đồng (tăng 73 – 334%). Sự sụt giảm doanh thu thức ăn cho lợn do tác động của dịch tả lợn châu Phi sẽ được bù trừ bởi doanh thu từ thức ăn gia cầm. Do hậu quả của dịch tả lợn châu Phi, MML đang xem xét lại kế hoạch xây dựng trang trại lợn ở miền Nam. Trước đó Công ty dự kiến khởi công xây dựng trong năm 2020. Dự báo MML sẽ tiếp tục tăng nhanh điểm bán và doanh thu thịt sẽ vượt ngưỡng 10.000 tỷ trong 2 năm tới.
    • Masan Resources: Masan Resource (MSR) đã đổi tên thành Masan High-Tech Materials (MHTM). MHTM vừa hoàn thành thương vụ mua lại 100% cổ phần của H.C. Starck – một công ty chuyên về các sản phẩm trung nguồn vonfram. Chi phí tiền mặt là 41 triệu USD. Trong khi triển vọng của vonfram năm nay là không mấy sáng sủa do tác động của COVID 19, MHTM đặt kế hoạch doanh thu 8.000 – 9.000 tỷ đồng (tăng 70 – 91%) và kế hoạch lợi nhuận ròng 200 – 500 tỷ đồng (năm 2019 lỗ ròng khoảng gần 600 tỷ đồng, không bao gồm các khoản thu nhập bất thường). Số liệu tài chính của H.C. Starck sẽ được hợp nhất vào MHTM từ tháng 6/2020. Kỳ vọng giá kim loại hồi phục trong năm 2021 giúp HĐKD của MSR cải thiện hơn. Việc sở hữu nền tảng của H.C Starck sẽ giúp MSR tiếp tục phát triển sâu trong chuỗi giá trị Tungsten.

Ngoài ra, nghị quyết HĐQT đã phê duyệt việc mua lại tối đa 15% cổ phần của CrownX. Thương vụ này dự kiến sẽ hoàn thành trong Q2 hoặc Q3/2020 với số tiền tối đa mà MSN sẽ bỏ ra là 1 tỷ USD. Sau thương vụ này, Sherpa sẽ nắm giữ tối đa 85% cổ phần của CrownX. CrownX sẽ nắm giữ 85,7% cổ phần của Masan Consumer Holdings và 83,7% cổ phần của Vincommerce (VCM) – công ty hiện đang sở hữu chuỗi siêu thị Vinmart và chuỗi cửa hàng Vinmart+. Hiện tại, 1% doanh thu của mảng hàng tiêu dùng tới từ các cửa hàng Vinmart và Vinmart+.

2.    Định giá
Trong năm 2020, chúng tôi dự báo doanh thu thuần của MSN đạt 77.846 tỷ đồng, (tăng trưởng 108,4%), và dự báo lợi nhuận ròng đạt 848 tỷ đồng, (giảm 84,5%). Chúng tôi hiện đánh giá OUTPERFORM đối với cổ phiếu MSN với mức giá mục tiêu là 55.500đ/cp, thấp hơn thị giá 5,7%.

ThanhCongWM Team


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/mudsad194

 


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.