[Nhận định thị trường ngày 25/07] Thị trường giằng co dòng tiền vẫn hướng đến các bluechip vốn hóa lớn – Phân tích kỹ thuật những cổ phiếu đáng lưu ý – Cập nhật TDM

ĐIỂM NHẤN THỊ TRƯỜNG

Thị trường cơ sở – VNindex giằng co

Thị trường có phiên giảm nhẹ với thanh khoản duy trì khoảng 3.600 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng, độ rộng thị trường nghiêng về phía các cổ phiếu giảm giá.

Trên sàn HSX, các cổ phiếu Bluechips tăng mạnh trong giai đoạn gần đây như VCB, BID, FPT, MWG…giảm giá. Nỗ lực của VIC, VRE, VJC, PLX, MSN là không đủ giúp thị trường giữ được đà tăng điểm. Rổ cổ phiếu VN30 có 08 mã tăng và 18 mã giảm giá. Sàn HNX diễn biến tương tự.

Các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng giao dịch khá ảm đạm, thể hiện sự thận trọng của giới đầu tư trước ngưỡng 990 điểm. Trong khi đó, nhóm khu công nghiệp phân hóa khá mạnh với NTC, BCM, SZL, TIP tăng giá, trong khi SZC, D2D, LHG, SIP… giảm giá. Nhóm dầu khí trong phiên hôm nay giao dịch khá tích cực với PVS, PVD, PVT, PXS tăng nhẹ.

Thị trường Hợp đồng tương lai chỉ số VN30

Các hợp đồng diễn biến nhịp nhàng, tương đồng với VN30 Index, thanh khoản tiếp tục ở mức cao tương dương với phiên hôm qua. Giao dịch tiếp tục tập trung hầu như toàn bộ ở F1908 (kỳ hạn 01 tháng).

Khoảng cách giữa VN30 Index và F1908 giữ nguyên, thấp hơn -2.39 điểm. F1909 đảo ngược vị thế, thấp hơn VN30 Index -0.19 điểm. Khoảng cách giữa các hợp đồng còn lại và VN30 Index được  duy trì, cao hơn từ +3.91 đến +4.41 điểm.

Điểm tin ngày

TTCK Mỹ duy trì đà tăng điểm nhờ kết quả lợi nhuận quý II tích cực từ Coca-Cola cùng United Technologies và kỳ vọng Mỹ sẽ giải quyết căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Cụ thể, về phương diện KQKD quý II, cổ phiếu Coca-Cola tăng 6,1% nhờ có lợi nhuận quý II vượt kỳ vọng. Cổ phiếu United Technologies tăng 1,5% sau khi công ty nâng triển vọng doanh thu và lợi nhuận cả năm. Mùa báo cáo lợi nhuận quý II doanh nghiệp Mỹ vẫn tiếp tục với gần 80% trong số 104 công ty thuộc S&P 500 có kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng, theo số liệu từ Refinitiv IBES. Bên cạnh đó, vào cuối phiên, NĐT cũng đón nhận tin vui từ việc Bloomberg đưa tin đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ tới Thượng Hải vào tuần sau để gặp trực tiếp các quan chức Trung Quốc, bàn về thương mại. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói đàm phán trực tiếp là một tín hiệu tích cực. Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/07, chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đồng loạt tăng lần lượt 0.65%, 0.68% và 0.58%.

Tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại Mỹ – Trung cũng lan tỏa sang các thị trường châu Á. Ngoài ra, không thể kể tới TTCK hiện đang được hỗ trợ bởi môi trường nới lỏng tiền tệ, thuận lợi cho việc mua các tài sản rủi ro. Kết thúc phiên ngày hôm nay, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương không tính Nhật Bản tăng 0.04%, chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0.8% và 1.1% trong khi chỉ số Kopsi giảm 0.9%. Nguyên nhân chính do cổ phiếu của nhà cung cấp cho Apple, LG Display, giảm hơn 3,8% vì lỗ quý II cao hơn dự kiến. Công ty này cho biết sẽ đa dạng hóa nguồn cung trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Hàn Quốc và Nhật Bản leo thang.

Theo Bloomberg, Prudential và FWD là 2 trong số các doanh nghiệp đang tìm cách giành quyền độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm thông qua mạng lưới của Vietcombank. Vietcombank, ngân hàng lớn nhất Việt Nam về giá trị thị trường, được cho là sẽ nhận khoản thanh toán ban đầu khoảng 400 triệu USD và con số có thể cao hơn dựa trên hiệu quả kinh doanh. Tháng 6/2018, Bloomberg từng đưa tin Credit Suisse Group đang tư vấn cho Vietcombank trong việc tìm một đối tác phân phối bảo hiểm mới, với tổng giá trị thỏa thuận có thể đạt 1 tỷ USD. Theo một số nguồn tin, các vòng đàm phán vẫn đang diễn ra và có thể xuất hiện thêm những nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, đại diện của Prudential, FWD và Vietcombank từ chối bình luận.

Ngân hàng BIDV vừa tuyên bố họ sẽ phát hành riêng lẻ hơn 603.3 triệu cổ phần cho KEB Hana Bank, tương đương 15% vốn điều lệ với tổng giá trị hơn 20,295 tỷ đồng, tương ứng với giá 33.640 đồng/cổ phần. Năm 2019, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 là 10,300 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 12%; đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng vốn, phấn đấu tăng trưởng 11%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Hết quý I, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 2,521 tỷ đồng, tăng 1.4% so với cùng kỳ năm 2018, tương đương 24% kế hoạch năm.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, dòng vốn FDI của Trung Quốc chảy vào Việt Nam tăng qua từng năm, song còn chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ so với các nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm 2012, tỷ trọng vốn FDI vào Việt Nam của Trung Quốc tính cả Hong Kong, Trung Quốc đại lục chiếm một phần rất nhỏ, chỉ chiếm 8%, rất khó phân biệt giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Đến năm 2019, lượng vốn này chiếm 10% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc vừa tăng quy mô vừa tăng về tỷ lệ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng đột biến. Theo đó, Hong Kong dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD và Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD.

CTCP FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu đạt 12,492 tỷ đồng – tăng trưởng 22.2% và lợi nhuận trước thuế đạt 2,139 tỷ đồng – tăng trưởng 26.8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 1,780 tỷ đồng và 1,418 tỷ đồng, tăng 26.1% và 28.5% so cùng kỳ năm 2018. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2,097 đồng, tăng 28.0%.

Quan điểm đầu tư

VN30 Index bắt đầu bước vào giai đoạn củng cố cho mặt bằng giá mới nhưng chúng tôi dự báo trong bản tin trước. Làn sóng phân hoá với các cổ phiếu vốn hoá lớn dẫn dắt thị trường đang diễn ra cân bằng với cả các cổ phiếu trong và ngoài rổ VN30. Sau một thời gian suy yếu, VN30 Index bắt đầu biến động tương tự thị trường chung nhưng chưa đủ để thay đổi trạng thái của hệ thống chỉ báo động lượng xu hướng ADX-DI – áp lực bán trên rổ VN30 vẫn ở mức cao hơn.

Các hợp đồng tương lại chỉ số đã có phiên biến động nhịp nhàng với VN30 Index nên nhiều khả năng tiếp diễn xu hướng giao dịch giằng co, không loại trừ khả năng xuất hiện các nhịp giảm mạnh trong phiên do F1908 đã thấp hơn VN30 Index trong 02 phiên liên tiếp, thể hiện tâm lý tiêu cực đang hình thành. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục ưu tiên mở trạng thái Long tại các nhịp trùng xuống và tích cực trading trong phiên để tận dụng trạng thái giằng co sắp tới.

GIAO DỊCH KHỐI NGOẠI VÀ ETFs

Các NĐTNN mua ròng trở lại +187 tỷ đồng trên HOSE

  • Trong đó chủ yếu là GT mua ròng ở VJC +120 tỷ đồng bên cạnh VIC +32.4 tỷ đồng, giá 2 cổ phiếu đều vận động tích cực.
  • HPG được mua ròng trở lại với GT +18 tỷ đồng
  • Phía bán ròng, cao nhất ở HBC và STB với GT -26.6 tỷ đồng và -21 tỷ đồng.

Tính theo KLGD thì xu hướng của khối ngoại vẫn là bán ròng (-1.7 triệu cổ phiếu)

NĐTNN tiếp tục mua ròng +17.7 tỷ đồng trên UpCom và bán ròng -10.7 tỷ đồng trên HNX.

  • GVR +12.2 tỷ đồng được mua ròng nhiều nhất
  • Phía bán ròng không có mã nào đáng kể

ETFs

VanEck ghi nhận 19 tỷ đồng giá trị mua ròng trong phiên gần nhất, tương đương với 50 nghìn CCQ.

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NHỮNG CỔ PHIẾU ĐÁNG LƯU Ý

Cập nhật TDM: Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (HOSE)

TDM vừa công bố BCTC Q2 và có sự thay đổi thời gian khấu hao dẫn tới chi phí khấu hao tăng lên khá mạnh. LNST Quý 2/2019 tăng mạnh nhờ không phải trích lập dự phòng
TDM đã công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, TDM ghi nhận 164,5 tỷ đồng doanh thu (+26,8% yoy) và 70,8 tỷ đồng LNST (+22,9% yoy). Kể từ Q2/2019, TDM bắt đầu áp dụng chính sách kế toán mới làm tăng mạnh chi phí khấu hao. Điều này làm cho biên lợi nhuận gộp của TDM giảm từ 59,8% trong Q2/2018 về 51,5% trong Q2/2019. Tuy nhiên, LNST của TDM vẫn tăng trưởng mạnh trong Q2/2019 nhờ TDM không phải trích lập dự phòng khoản đầu tư vào DNW và được hoàn nhập một phần từ khoản đầu tư này.

Nhà máy mở rộng có thể vượt tiến độ
Dự án mở rộng nhà máy Dĩ An đã được khởi công vào tháng 4/2019 và có kế hoạch hoàn thành vào tháng 4/2020. Dự án đang được triển khai nhanh chóng và dự kiến sẽ vượt kế hoạch để bắt đầu vận hành vào tháng 12/2019.

Thay đổi chính sách kế toán làm chi phí khấu hao tăng mạnh
Quỹ 2/2019, TDM thực hiện thay đổi thời gian khấu hao làm tăng mạnh chi phí khấu hao. Chính sách kế toán này đã làm cho chi phí khấu hao Q2/2019 lên tới 26,3 tỷ đồng, tăng 68,4% yoy trong khi nguyên giá tài sản cổ định chỉ tăng 4,5%.

Dự báo kết quả kinh doanh 2019
Với chính sách kế toán mới này, chi phí khấu hao năm 2019 của TDM dự kiến sẽ vào khoảng 92 tỷ đồng, cao gấp đôi so với mức dự kiến trước đó của BVSC. Do đó, chúng tôi hạ dự báo LNST năm 2019 từ mức 260 tỷ đồng về mức 220 tỷ đồng (+15,62% yoy), tương ứng với mức EPS là 1.974 VND/CP và tương đương với EPS 2.819 VND/CP với giả định hoạch toán khoản đầu tư vào BWE theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Chúng tôi giữ nguyên dự báo doanh thu năm 2019 là 367 tỷ đồng (+28,5% yoy).

Quan điểm đầu tư.
CTCP Nước Thủ Dầu Một là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh và hiệu quả hoạt động ở mức cao. Công ty có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh trong vài năm tới nhờ đầu tư thêm nhà máy mới cũng như nhu cầu nước sạch tăng ở Bình Dương. Trong dài hạn, chúng tôi vẫn duy trì đánh giá TDM là công ty hấp dẫn và có nhiều tiềm năng để trở thành một công ty rất lớn trong ngành sản xuất và cung cấp nước sạch. Mức định giá FCFF cho mục tiêu dài hạn của BVSC là 40.700 VND/CP. Tuy nhiên, với việc TDM thay đổi chính sách kế toán làm giảm lợi nhuận kỳ vọng trong những năm tới thì BVSC thực hiện đánh giá lại và đưa ra mức giá mục tiêu ngắn hạn dựa trên định giá P/E là 30.400 VND/CP. Mức giá mục tiêu này thấp hơn 6,7% so với mức giá đóng cửa ngày 23/07/2017 của TDM là 32.600 VND/CP. Do đó chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL trong ngắn hạn đối với cổ phiếu TDM.


TDM chart by admin

Tổng hợp


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.