[Nhận định thị trường ngày 6/03 ] Tâm lý vẫn chưa ổn định, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi – Cập nhật HPG IMP

ĐIỂM NHẤN THỊ TRƯỜNG

VN-INDEX

    • Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,94 điểm (0,44%) lên 893,31 điểm. HNX-Index tăng 1,01 điểm (0,89%) lên 115,03 điểm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa tương đối mạnh và khiến cho biến động của các chỉ số không quá lớn.
    • Khối ngoại dù vẫn duy trì trạng thái bán ròng nhưng giá trị giảm đáng kể ở sàn HoSE. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 18,2 triệu cổ phiếu, trị giá 491 tỷ đồng, trong khi bán ra 41,5 triệu cổ piếu, trị giá 780,5 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 23,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng gần 290 tỷ đồng.
    • Trên sàn HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 18 liên tiếp, nhưng giá trị giảm 97% so với phiên trước và chỉ còn hơn 10,4 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 1,9 triệu cổ phiếu.
    • Ở sàn HNX, khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng 303,4 tỷ đồng (gấp đôi so với phiên trước), tương ứng khối lượng bán ròng 23 triệu cổ phiếu. Khối ngoại sàn này bán ròng trong 14 phiên liên tiếp với giá trị tổng cộng 703 tỷ đồng.
    • Ở sàn UPCoM, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp, với giá trị đạt 24,3 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 1,7 triệu cổ phiếu. 

TIN THẾ GIỚI

    • Dow Jones giảm 969,58 điểm, tương đương 3,58%, xuống 26.121,28 điểm. S&P 500 giảm 106,18 điểm, tương đương 3,39%, xuống 3.023,94 điểm. Nasdaq giảm 279,49 điểm, tương đương 3,1%, xuống 8.738,6 điểm.
    • Thị trường năng lượng đi xuống trong bối cảnh OPEC nhất trí hạ sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong quý II, mức giảm sâu nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Giá dầu Brent tương lai giảm 1,14 USD, tương đương 2,2%, xuống 49,99 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 88 cent, tương đương 1,9%, xuống 45,9 USD/thùng.

TIN TRONG NƯỚC

    • Theo tin từ MSCI, sau đợt cơ cấu tháng 2 vừa qua, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong các rổ chỉ số thị trường cận biên (MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index) đều tiếp tục sụt giảm. Cụ thể, với rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 2/2020 chỉ còn 15,09%, giảm so với mức 16,96% tại thời điểm cuối tháng 11/2019. Đây là lần thứ 2 liên tiếp tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index sụt giảm. Trước đó vào cuối tháng 8/2019, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số này lên tới 18,48%, con số cao nhất từ trước tới nay.

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

    • Duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 20-30% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường và các cổ phiếu để bán giảm tỷ trọng, đặc biệt là khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự 905-910. 
    • Nhà đầu tư sau khi đã thực hiện giải ngân tại vùng hỗ trợ 860-880 điểm, có thể tiếp tục xem xét thực hiện mua nâng tỷ trọng khi thị trường điều chỉnh quanh vùng 880-885.

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP

HTP : vừa thông qua chủ trương chiến lược phát triển bằng việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ với quy mô phát hành trên 1.000 tỷ đồng. Mục tiêu là bổ sung vốn để công ty tập trung vào 3 lĩnh vực in ấn, bất động sản và công nghệ thông tin. Hiện nay công ty ngành in ấn này có quy mô tổng tài sản 20 tỷ đồng và vốn điều lệ hơn 18 tỷ đồng. Như vậy với phương án tăng 1.000 tỷ đồng, vốn điều lệ của HTP dự kiến tăng khoảng 55 lần so với mức hiện nay.

PIT : vừa công bố BCTC hợp nhất sau kiểm toán năm 2019. Cụ thể, năm 2019 PIT mang về 912 tỷ đồng doanh thu thuần, sụt giảm gần 40% so với năm trước. Trong đó, doanh thu bán hàng xuất khẩu của Công ty giảm mạnh 52% về còn 447 tỷ đồng, doanh thu bán hàng nội địa giảm 25% còn 478 tỷ đồng, và doanh thu cung cấp dịch vụ còn gần 555 triệu đồng. Qua đó kéo theo sự thay đổi trong cơ cấu doanh thu khi doanh thu bán hàng xuất khẩu không còn chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 61%) như năm trước, mà lùi về vị trí thứ 2 sau doanh thu bán hàng nội địa. Tuy nhiên, nhờ thanh lý tài sản cổ định mà PIT có thêm gần 25 tỷ đồng lợi nhuận khác, qua đó kéo kết quả kinh doanh của cả Công ty đi lên. Đồng thời thực hiện 86% kế hoạch lợi nhuận trước thuế khi đạt hơn 11 tỷ đồng.  Nhờ đó mà Công ty đã thoát lỗ và tránh được nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.

NNC : ước tính doanh thu năm 2020 vào mức 416 tỷ đồng, và lợi nhuận gần 121 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 32% và 30% so với thực hiện năm 2019. Ban lãnh đạo NNC đã đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2020 đi lùi so với thực hiện năm 2019. Trong đó, sản lượng đá khai thác ước đạt 2.08 triệu m3, giảm gần 23%, sản lượng tiêu thụ ước đạt 2.45 triệu m3, giảm 20%.

VRE : Ngày 05/03/2020, CTCP Vincom Retail công bố dành 300 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống.  Chương trình hỗ trợ được áp dụng cho đối tác ở tất cả các ngành hàng đang kinh doanh tại 79 TTTM trên toàn quốc, có hợp đồng thuê giá cố định đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổng mức ngân sách gói hỗ trợ dự kiến lên đến 300 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn của gói hỗ trợ sẽ được dành cho việc giảm giá tiền thuê mặt bằng cho đối tác, một phần dành cho việc phát hành các voucher ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng tới mua sắm tại Vincom. Gói hỗ trợ 300 tỷ dành cho đối tác ở tất cả các ngành hàng đang kinh doanh tại 79 TTTM trên toàn quốc.

SRC : công bố quyết định thành lập CTCP Sao Vàng – Hoành Sơn để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất săm lốp Cao su Sao Vàng tại Hà Tĩnh. Vốn điều lệ ban đầu của Sao Vàng – Hoành Sơn là 500 tỷ đồng, trong đó cao su Sao Vàng góp 50% vốn, Tập đoàn Hoành Sơn góp 49% vốn và 1% còn lại thuộc về bà Nguyễn Thị Hằng Nga.

PGI : Ngày 5/3/2020, PGI và Công ty Tài chính TNHH MTV LOTTE Việt Nam (LOTTE Finance) đã ký kết thỏa thuận hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm sức khỏe PJICO tới các khách hàng của LOTTE Finance. Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác được ký kết, PJICO và LOTTE Finance cùng xây dựng những lợi ích gia tăng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng về bảo hiểm trọn gói, nhanh chóng và tiện lợi. Theo đó, LOTTE Finance sẽ triển khai tích hợp “Bảo hiểm sinh mạng cho người vay” đối với dịch vụ tài chính dành cho khách hàng của mình tại các điểm giới thiệu dịch vụ (SIP) trên cả nước trong tháng 3 này.

PHÂN TÍCH CỔ PHIẾU QUAN TÂM

CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP)

  1. Cập nhật KQĐT 2019

Ngành dược Việt Nam là ngành có triển vọng tích cực trong dài hạn nhờ tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy vậy “quả ngọt” không chia đều cho tất cả mọi người. Trong xu hướng chung của ngành là chuyển dịch từ thuốc ngoại sang thuốc nội và đẩy mạnh phổ cập BHXH toàn dân, chỉ những doanh nghiệp có tiêu chuẩn sản xuất cao và thế mạnh vào kênh bệnh viện (ETC) là có thể hưởng lợi nhiều nhất.

  • Giá trị trúng thầu năm 2019 của IMP đạt 800 tỷ, con số này gấp đôi giá trị trúng thầu trong 2 năm 2017-2018 (400 tỷ), trong đó gần 90% là trúng vào Nhóm 2. Tuy giá trị trúng thầu không hoàn toàn là doanh thu kênh bệnh viện do còn phụ thuộc vào nhu cầu thực tế tại bệnh viện, kết quả trúng thầu tăng vọt của IMP cũng thể hiện tăng trưởng doanh thu kênh ETC của công ty trong 2  năm tới là rất cao.
  1. Triển vọng năm 2020
  • Đối với kênh nhà thuốc (OTC), 2020 sẽ tiếp tục là một năm không mấy khởi sắc khi thị trường bán lẻ thuốc đã phần nào bão hòa và việc đẩy mạnh thực thi Thông tư 02 của Bộ Y Tế sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực lên kênh nhà thuốc. Chúng tôi cho rằng kênh OTC của IMP sẽ không tăng trưởng và tỷ trọng đóng góp doanh thu của kênh này vào tổng doanh thu sẽ giảm xuống dưới 50%.
  • Về hệ thống sản xuất, chúng tôi dự phóng công suất các nhà máy EU-GMP (IMP2, IMP3) sẽ tăng mạnh trong năm 2020 và đóng góp vào tăng trưởng doanh thu kênh ETC. Nhà máy IMP4 mới theo kế hoạch sẽ xét xong EU-GMP trong Q2 và đi vào sản xuất từ Q3, ước tính sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu từ Q4/2020 với giá trị ước đạt dưới 100 tỷ đồng. Trong khi đó 2 nhà máy cũ ở Đồng Tháp sẽ giảm doanh thu do tái cấu trúc lại danh mục sản phẩm theo hướng loại bỏ các sản phầm không hiệu quả (biên lợi nhuận thấp).
  • Như vậy câu chuyện tăng trưởng của IMP trong các năm tới sẽ xoay quanh kênh ETC và các nhà máy EU-GMP. Chúng tôi ước tính 3 nhà máy IMP2, IMP3, IMP4 khi đạt công suất thiết kế (vào năm 2023 theo dự phóng của chúng tôi) sẽ đóng góp khoảng 2.000 tỷ đồng cho IMP, trong khi 2 nhà máy cũ tiêu chuẩn WHO sẽ duy trì đóng góp 800 tỷ.
  1. Định giá
  • Trên thị trường, giá cp IMP đã tăng 10% so với thời điểm chúng tôi khuyến nghị mua vào T12/2019. Thời điểm này chúng tôi đưa ra khuyến nghị TÍCH LŨYvới lợi nhuận kỳ vọng 18%, giá mục tiêu cho IMP trong năm 2020 là 67.000 đồng/cp

CTCP TẬP ĐOÀN HÒA PHÁT (HOSE: HPG)

  1. Cập nhật kết quả kinh doanh năm  2020
  • Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tháng 2/2020 cải thiện chậm, và đạt 205.000 tấn (tăng 2,3% so với cùng kỳ và 16,6% so với tháng liền trước).

Theo quan điểm của chúng tôi, sản lượng tiêu thụ ở mức có thể chấp nhận được trong bối cảnh dịch bệnh coronavirus. Sự bùng phát của dịch bệnh đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn lao động và tiến độ xây dựng bị chậm lại sau dịp Tết. Bên cạnh đó, nhu cầu về vật liệu xây dựng cũng suy giảm do sự bùng phát của dịch bệnh.

Chúng tôi đã thấy dấu hiệu tích cực với sản lượng tiêu thụ trong nửa cuối tháng 2 khả quan hơn so với nửa đầu tháng. Chúng tôi hy vọng rằng sản lượng tiêu thụ sẽ tiếp tục cải thiện trong tương lai.

  • Sản lượng tiêu thụ trong 2 tháng vẫn thấp

Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 1 – tháng 2/2020 đạt 380.806 tấn (giảm 15,4% so với cùng kỳ), chủ yếu là do mức giảm mạnh 29,6% so với cùng kỳ trong tháng 1/2020.

Sau 2 tháng, chỉ hoàn thành 10,9% kế hoạch sản lượng tiêu thụ thép xây dựng cho cả năm là 3,5 triệu tấn (tăng 26% so với năm 2019).

  • Sản lượng tiêu thụ phôi thép là một điểm sáng từ đầu năm đến nay

Như đã đề cập trong báo cáo phân tích trước, từ khi lò cao thứ 2 của khu liên hợp thép Dung Quất đi vào hoạt động vào cuối tháng 11/2019, HPG đã có thể bán các sản phẩm phôi thép nhờ công suất tăng. Để bù đắp cho nhu cầu về sản lượng tiêu thụ của thành phẩm không đạt kỳ vọng, HPG đã thành công bán được ít nhất là 110.000 tấn phôi thép trong tháng 2/2020, từ mức bằng 0 trong tháng 2 năm ngoái.

Sản lượng tiêu thụ phôi thép của 2 tháng đạt 210.000 tấn, hoặc cao hơn, từ mức gần như bằng 0 trong cùng kỳ năm 2019.

  • Giảm giá bán các sản phẩm thép để hỗ trợ doanh thu

Ngày 19/2/2020, đối mặt với nhu cầu suy giảm đối với sản phẩm thép xây dựng, HPG đã quyết định giảm 200.000 đồng/tấn giá bán thép thanh và thép dây cuộn xuống lần lượt là 11,34 triệu đồng/tấn và 11,2 triệu đồng/tấn, tương đương với mức giảm 1,7% -1,8% giá bán.

Hơn nữa, hôm qua HPG cũng giảm giá bán sản phẩm thép dây cuộn thêm 100.000 đồng/tấn xuống còn 11,1 triệu đồng/tấn, tương đương với mức giảm 0,9% giá bán.

  1. Định giá
  • Chúng tôi duy trì đánh giá Mua vào với giá mục tiêu là 28.196đ/cp dựa trên phương pháp P/E, tiềm năng tăng giá là 26,2%.
  • Quan điểm của chúng tôi trong dài hạn đối với cổ phiếu HPG vẫn gần như giữ nguyên mặc dù hiện có những vấn đề đáng lo ngại liên quan đến dịch cúm. Theo quan điểm của chúng tôi, bất kỳ sự điều chỉnh nào trong giá cổ phiếu trong Q1/2020 sẽ là cơ hội tốt cho các NĐT tích lũy cổ phiếu. Việc gia hạn thuế tự vệ đối với thép dài (nhiều khả năng diễn ra vào tháng 3/2020) có thể coi là động lực ngắn hạn cho giá cổ phiếu.

Tổng hợp


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.