Giao dịch quỹ sôi động
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết dịch vụ quỹ năm 2018, ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD cho biết, sau 5 năm triển khai, hoạt động cung cấp dịch vụ quỹ của VSD đã gặt hái được những thành công nhất định, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ quỹ tại thị trường Việt Nam với giá trị và tần suất giao dịch tăng lên rất mạnh.
Tính đến tháng 30/9/2018, số lượng tài khoản giao dịch ở các quỹ đầu tư đã đạt hơn 67.000, tăng hơn 57% so với năm 2017 và gấp 4,5 lần năm 2016. VSD cùng với các; công ty quản lý quỹ và các đơn vị cung cấp dịch vụ quỹ trong và ngoài nước tiếp tục trao đổi về việc nâng cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng để phục vụ cho các quỹ đầu tư.
Thông tin thêm về tình hình giao dịch các quỹ đầu tư, ông Nguyễn Đức Anh Tuấn, Phó phòng Dịch vụ quỹ VSD cho biết, trong năm 2018, VSD đã thực hiện 1.570 phiên giao dịch định kỳ cho các quỹ, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2017.
Ngoài ra, tỷ lệ giá trị giao dịch mua/bán cũng có sự thay đổi lớn, cho thấy sản phẩm quỹ mở ngày càng được các nhà đầu tư đón nhận.
Giá trị lệnh mua/bán cũng tăng trưởng qua các năm được tính bằng lần. Từ đầu năm 2018 đến nay, giá trị lệnh mua đạt 13.209 tỷ đồng, lệnh bán 8.357 tỷ đồng.
Sản phẩm quỹ mở đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, với số lượng tài khoản giao dịch liên tục tăng mạnh qua các năm (năm 2015 là 9.000 tài khoản, 2016 là 15.000 tài khoản; 2017 là 43.000 tài khoản và năm 2018 là 67.788 tài khoản). Trong năm nay, VSD đã thực hiện thành công hai đợt IPO cho 2 Quỹ MBGF và VFMVEI.
Điều đặc biệt là giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ sử dụng dịch vụ đại lý chuyển nhượng của VSD có sự tăng trưởng khá mạnh qua các năm, năm 2018 gấp 2 lần năm 2017 và gấp hơn 10 lần năm 2015. Nhìn biểu đồ có thể thấy, NAV các quỹ của TCBF có sự tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm, NAV năm 2018 gấp hơn 36 lần so với năm 2015.
Đối với loại hình quỹ ETF, trong năm 2018, VSD đã thực hiện 400 phiên giao dịch cho 2 quỹ ETF, trong đó 170 phiên có giao dịch với tổng số lượng chứng chỉ quỹ ETF giao dịch là 455 triệu chứng chỉ quỹ. VSD là đơn vị được cả 2 công ty quản lý quỹ lựa chọn là tổ chức cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho 2 quỹ ETF hiện có trên thị trường.
Ông Đặng Lưu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ thương đánh giá cao những nỗ lực của VSD trong việc cung cấp các dịch vụ quỹ, đồng thời kỳ vọng VSD tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ trong thời gian tới.
Năm 2019, kỳ vọng Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện sẽ đi vào hoạt động
Các công ty quản lý quỹ dành sự quan tâm rất lớn đối với sản phẩm quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (HTBSTN). Dù vậy, bên cạnh khung pháp lý, để Quỹ HTBSTN hình thành cần có sự chuẩn bị về hạ tầng cơ sở, mà cụ thể hơn là các dịch vụ cần thiết để vận hành. Bởi việc thành lập quỹ sẽ chỉ được thực hiện khi có đầy đủ các tổ chức cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, vấn đề lớn nhất cần giải quyết được để triển khai loại hình quỹ này ở Việt Nam, theo đại diện một số công ty quản lý quỹ, là có cơ chế thuế đủ hấp dẫn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, do tính chất tự nguyện của việc tham gia đóng góp vào quỹ HTBSTN, các thị trường đi trước đều có các chính sách ưu đãi thuế. Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay chưa có ưu đãi gì đáng kể về thuế đối với dòng sản phẩm này.
Theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VSD, việc ban hành cơ chế ưu đãi thuế để thúc đẩy sự ra đời của quỹ HTBSTN thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Về phía VSD, với vị thế là tổ chức cung cấp các dịch vụ quỹ sẵn sàng đầu tư về hệ thống công nghệ để cung cấp cho thị trường.
Nhìn nhận về triển vọng của loại hình quỹ mới, ông Sơn dẫn ra câu chuyện, dịch vụ e-voting đã được luật hóa và triển khai rộng rãi tại thị trường chứng khoán Đài Loan, song kinh nghiệm từ Trung tâm Lưu ký Đài Loan cho thấy, cũng mất 5 năm để đưa dịch vụ này vào áp dụng và khẳng định, việc đưa một dịch vụ áp dụng một cách chuyên nghiệp cần phải có thời gian để chuẩn bị, phổ biến đến các thành viên thị trường. VSD đang cung cấp dịch vụ quỹ mở, quỹ ETF và tiến tới cung cấp quỹ HTBSTN.
“Chúng ta kỳ vọng triển khai ứng dụng quỹ HTBSTN, tạo ra tiện ích và an sinh cho xã hội. Quỹ HTBSTN sẽ có đầy đủ cấu phần như quỹ khác. Hiện chúng tôi đã test với các thành viên và sẽ sớm đưa vào áp dụng” ông Nguyễn Sơn nói.
Ông Thanh cũng cho biết, hiện tại, hai cấu phần là quản trị quỹ và dịch vụ cho Quỹ HTBSTN đang tiến hành kiểm thử với thành viên và cũng sẽ sớm đưa vào hoạt động theo đúng tiến độ dự kiến năm 2019. Hệ thống quỹ mới giúp cho VSD và các thành viên mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ, đáp ứng được các thành viên; hệ thống mới giảm thiểu các hoạt động thủ công.
Ngành quản lý quỹ đang ở ngưỡng phát triển mạnh
Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của VSD trong việc xây dựng hệ thống kế toán và hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (HTBSTN). Việc hình thành Quỹ HTBSTN không chỉ đơn thuần là một sản phẩm đầu tư như các quỹ mở khác. Hiện nay, nhu cầu về hưu trí bổ sung tự nguyện rất lớn, trong khi hiện chỉ có khoảng 3,3 triệu người được hưởng lương hưu.
Hệ thống an sinh xã hội không thể nằm trên một trụ cột (hưu trí nhà nước), mà phải bổ sung thành hệ thống 3 trụ cột, trong đó quỹ HTBSTN là một trong 3 trụ cột quan trọng và VSD sẽ là đơn vị phù hợp trong việc quản lý dịch vụ quỹ hưu trí tự nguyện cho thị trường.
Ngành quản lý quỹ đang ở ngưỡng phát triển mạnh, nhìn vào thu nhập bình quân các thành phố lớn tại Việt Nam (trên 5.000 USD/năm) và nhận thức về các quỹ đầu tư đã thay đổi. Ngành quản lý quỹ Việt Nam đã đủ các điều kiện cần thiết về nhân lực và vật lực để thành lập Quỹ HTBSTN. Nếu triển khai thành công, Quỹ HTBSTN có thể sẽ tạo tiền đề phát triển dài hạn cho ngành quản lý quỹ.
Ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM)
|