TỔNG CTCP DỊCH VỤ KỸ THUẬT DẦU KHÍ VIỆT NAM(PVS): Các mảng kinh doanh chính từng bước khởi sắc [ Mục tiêu 33.900 đ/cp ]

Chúng tôi giảm giá mục tiêu khoảng 4,5% xuống 33.900 đồng/cp sau khi điều chỉnh giảm dự phóng EPS năm 2022-23 xuống 13,1%/3,4%. Chúng tôi tin rằng phương pháp định giá DCF có thể phản ánh hiệu quả các khía cạnh nội tại cơ bản của doanh nghiệp. Nhìn chung, chúng tôi duy trì khuyến nghị Khả quan đối với PVS vì chúng tôi vẫn tin tưởng vào KQKD tốt hơn trong những quý sắp tới khi các hoạt động kinh doanh chính của PVS đều đang trên đà phục hồi.

Giá thị trường(09/08/2022): 25.000 đ/cp

Giá mục tiêu: 33.900 đ/cp

Lợi nhuận kỳ vọng: 35.7%

Lợi nhuận Q2/22 ảm đạm do chi phí QLDN tăng đột biến

Doanh thu Q2/22 tăng 24,7% svck lên 3.811 tỷ đồng nhờ mảng Cơ khí xây lắp (+19,7% svck) và mảng Vận hành bảo dưỡng (+5 lần svck). Tuy nhiên, biên LN gộp giảm 3,9 điểm % svck xuống 4,0% do chi phí đầu vào tăng mạnh. Đáng chú ý, PVS ghi nhận chi phí QLDN cao đột biến là 352 tỷ đồng (+54,3% svck và +134% so với quý trước) do quỹ lương tính theo KQKD công ty mẹ cao hơn so với Q2/21. Do đó, mặc dù thu nhập từ các liên doanh (+14,6% svck) và LN tài chính ròng (+127% svck) đều tăng, LN ròng Q2/22 vẫn giảm 92% svck xuống 12 tỷ đồng. Trong 6T22, DT tăng 33,7% svck đạt 7.581 tỷ đồng, nhưng LN ròng giảm 23% svck xuống 228 tỷ đồng, hoàn thành 24,3% dự phóng năm của chúng tôi.

Triển vọng 2022-24: Chờ đợi một chu kỳ đầu tư mới vào ngành năng lượng

Hợp đồng gia hạn mới cho tàu FPSO Lam Sơn, củng cố triển vọng mảng đóng góp chủ lực vào KQKD của PVS

Vào tháng 7, PVS và đối tác Yinson Holdings đã đạt thỏa thuận gia hạn 12 tháng đối với hợp đồng thuê tàu FPSO Lam Sơn bắt đầu từ ngày 01/07/2022. Với hợp đồng gia hạn này, PVS có thể giảm thiểu rủi ro kết thúc hợp đồng, vốn gây ra khoản chi phí dự phòng cho FPSO Lam Sơn như trong Q4/21.

Ngoài ra, với việc giá dầu được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng PVS sẽ có thể thuận lợi đạt được các hợp đồng gia hạn khác sau đó, củng cố đóng góp của các liên doanh FSO/FPSO vào KQKD của công ty trong những năm tới. Nhìn chung, chúng tôi dự báo thu nhập từ các công ty liên doanh liên kết của PVS sẽ đạt tăng trưởng kép là 18,6% trong giai đoạn 2022-24, đóng góp 75%/71%/69% LN ròng của PVS trong giai đoạn này.

Chờ đợi một chu kỳ đầu tư mới vào ngành Dầu khí nhờ môi trường giá dầu cao như hiện nay

Hiện tại, hoạt động kinh doanh chính của PVS – mảng M&C đã cho thấy sự phục hồi về mặt doanh thu trong 6T22 (+41,2% svck) nhờ việc giá dầu tăng và đại dịch đang được kiểm soát đã kích hoạt các hoạt động Thăm dò & Khai thác (E&P) trên toàn cầu, mang lại nhiều việc làm hơn cho mảng M&C của PVS. Kết quả này đến từ các hợp đồng mới giành được trong nửa cuối năm 2021 trên thị trường quốc tế như Gallaf Batch 3 tại Qatar, Shwe Phase 3 tại Myanmar hay điện gió Hai Long tại Đài Loan, trong đó dự án điện gió Hai Long có thể mở ra hướng kinh doanh mới cho PVS trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Mặt khác, giá nguyên vật liệu tăng cao đã tác động tiêu cực đến biên LN gộp của hoạt động M&C trong 6T22 (-2,8 điểm % xuống còn 4,5%) do thép là một trong những nguyên liệu đầu vào chính của việc xây lắp các công trình ngoài khơi. Chúng tôi
cho rằng giá hàng hóa đang giảm gần đây sẽ có thể hỗ trợ cho lợi nhuận của mảng M&C trong những quý sắp tới.

Về triển vọng dài hạn, chúng tôi cho rằng mặt bằng giá dầu cao như hiện nay sẽ là điều kiện lý tưởng để phí Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh các hoạt động E&P tại Việt Nam, đặc biệt là một số dự án lớn như Lô B – Ô Môn, Sư Tử Trắng giai đoạn 2, hay Nam Du – U Minh. Với tư cách là nhà thầu EPC hàng đầu cho các công trình Dầu khí ngoài khơi tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng PVS sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào các dự án này khi chúng được triển khai. Những dự án là một lượng backlog tiềm năng rất lớn đối với các nhà thầu EPC trong nước như PVS, tạo cơ hội cho công ty có thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong tương lai. Đối với năm 2022, chúng tôi cho rằng khối lượng công việc tiềm năng đến từ dự án phát triển mỏ khí Lô B (dự kiến sẽ khởi động trong nửa cuối năm 2022) sẽ là động lực tăng giá tiềm năng cho cổ phiếu PVS.

Điện gió ngoài khơi sẽ là hướng kinh doanh mới cho mảng M&C của PVS trong tương lai

Chúng tôi tin rằng điện gió ngoài khơi là một lĩnh vực đầy hứa hẹn tại Việt Nam vì Chính phủ đang ưu tiên phát triển năng lượng xanh theo cam kết tại COP26. Hiện nay, với tư cách là nhà thầu hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật Dầu khí, đặc biệt là xây dựng các công trình ngoài khơi, PVS đã tham gia cung cấp dịch vụ cho nhiều dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi, như dự án cánh đồng điện gió Thăng Long, hay dự án điện gió Hai Long tại Đài Loan. Đáng chú ý, PTSC M&C (công ty con của PVS) mới đây đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Orsted, một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. Theo đó, PVS có thể tham gia cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho các dự án của Orsted, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế. Điều này có thể mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn, mở ra một hướng kinh doanh mới đầy tiềm năng cho mảng M&C của PVS trong tương lai.

Chúng tôi giảm dự phóng EPS năm 2022-23 xuống 13,1%/3,4% để phản ánh các khoản chi phí cao hơn dự kiến trong 6T22

Để phản ánh giá nguyên liệu đầu vào (như thép…) cao hơn dự kiến, chúng tôi giảm biên LN gộp năm 2022-23 từ 6,2%/6,4% xuống 5,7%/6,1%. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng giả định chi phí QLDN và LN tài chính ròng lên lần lượt là 9,0%/16,5% để phản ánh kết quả 6T22. Do đó, dự phóng EPS năm 2022-23 của chúng tôi giảm lần lượt là 13,1%/3,4%.

Định giá

Chúng tôi giảm giá mục tiêu khoảng 4,5% xuống 33.900 đồng/cp sau khi điều chỉnh giảm dự phóng EPS năm 2022-23 xuống 13,1%/3,4%. Chúng tôi tin rằng phương pháp định giá DCF có thể phản ánh hiệu quả các khía cạnh nội tại cơ bản của doanh nghiệp. Nhìn chung, chúng tôi duy trì khuyến nghị Khả quan đối với PVS vì chúng tôi vẫn tin tưởng vào KQKD tốt hơn trong những quý sắp tới khi các hoạt động kinh doanh chính của PVS đều đang trên đà phục hồi.

Tiềm năng tăng giá đến từ sự khởi động của dự án Lô B và tiến độ nhanh hơn dự kiến của xu hướng đầu tư điện gió ra ngoài khơi tại Việt Nam.

Rủi ro giảm giá bao gồm việ giá dầu giảm và sự chậm trễ trong việc trao thầu các dự án lớn.

Nguồn: VND


Các nguồn định giá tham khảo khác

Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0

PVS chart. Nguồn: Admin


Link tham room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.