Chúng tôi áp dụng P/B mục tiêu 2019 là 1,6 lần đối với TPB, thấp hơn so với ACB và MBB, đến khi thanh khoản và quan hệ với nhà đầu tư được cải thiện.
Thu nhập ngoài lãi tăng mạnh không thể giúp TPB vượt qua yếu thế của một ngân hàng nhỏ
* Chúng tôi điều chỉnh giảm 19,6% giá mục tiêu dành cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) và hạ khuyến nghị từ MUA xuống KHẢ QUAN với tổng mức sinh lời dự báo đạt 10,3% chủ yếu do chi phí vốn chủ sở hữu tăng 100 điểm cơ bản, P/B mục tiêu giảm 11,8% và dự báo lợi nhuận 2019 được điều chỉnh giảm 14,5%.
* Nhìn chung, chúng tôi giữ nguyên dự báo lợi nhuận 2018. Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh giảm 14,5% dự báo lợi nhuận 2019 chủ yếu do điều chỉnh giảm 10,3% dự báo thu nhập lãi thuần và điều chỉnh tăng 72,2% chi phí dự phòng, lợi nhuận cắt giảm phần nào được bù đắp nhờ thu nhập ngoài lãi được điều chỉnh tăng 31,2%. Lo ngại về cạnh tranh gay gắt trong mảng ngân hàng bán lẻ, chi phí huy động dự kiến tăng và vấn đề giải quyết trái phiếu VAMC tồn đọng trong năm 2019 thúc đẩy chúng tôi điều chỉnh dự báo như trên.
* Chúng tôi dự báo EPS 2018 và 2019 sẽ tăng lần lượt 74,4% và 10,5%. ROAA và ROAE năm 2018 được dự báo sẽ đạt lần lượt 1,4% và 20,5% và năm 2019 đạt lần lượt 1,5% và 18,2%.
Vị trí dẫn đầu trong mảng cho vay mua ô-tô thúc đẩy hoạt động bancassurance phi nhân thọ trong khi bancassurance nhân thọ sẽ tăng tốc trong năm 2019
Hoạt động bancassurance của TPB vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khai nhưng đã đạt được thành tích ấn tượng. Theo báo cáo của công ty, chỉ trong 9 tháng đầu năm hoa hồng từ hoạt động này đạt đến 230 tỷ đồng, cao hơn 43% so với con số trong báo cáo cùng thời điểm của VIB mặc dù VIB có một khởi đầu thuận lợi hơn nhờ một hợp đồng bancassurance độc quyền với Prudential. Chỉ 20% phí bancassurance tại TPB đến từ bảo hiểm nhân thọ, và chúng tôi cho rằng ngân hàng còn rất nhiều dư địa tăng trưởng ở mảng này trong tương lai. Hiện tại, phí hoa hồng từ bancassurance chiếm 51% thu nhập phí thuần. Chúng tôi dự báo dòng sản phẩm này sẽ thúc đẩy thu nhập phí thuần đạt tốc độ tăng trưởng kép 57,6% trong 2 năm tới.
Yếu thế trong chi phí huy động vốn và cạnh tranh gay gắt ở mảng bán lẻ sẽ kìm hãm NIM
Các sản phẩm cho vay của TPB tập trung chủ yếu vào cho vay mua nhà và cho vay mua ô-tô. Đây là các hoạt động cho vay mang tính cạnh tranh cao. Chúng tôi cho rằng các đối thủ như VCB và MBB có lợi thế về chi phí huy động thấp với tỷ lệ CASA cao. Trong khi đó đối thủ như ACB và TCB lại tận hưởng lợi thế từ cơ sở khách hàng cao cấp. Do vậy, chúng tôi đánh giá rằng TPB có ít lợi thế hơn các ngân hàng trên và sẽ chịu nhiều áp lực hơn trong việc thu hút khách hàng. Với các thách thức đã đề cập, chúng tôi dự báo NIM sẽ đi ngang sau 2020.
Chúng tôi ghi nhận hai vấn đề tại TPB và cũng phổ biến đối với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ như hoạt động quan hệ nhà đầu tư còn hạn chế và giá cổ phiếu biến động mạnh
Chúng tôi cảm thấy khó khăn trong việc trao đổi thông tin với TPB vì ngân hàng không tổ chức các cuộc gặp mặt nhà đầu tư định kỳ và chưa có đội ngũ chuyên phụ trách về quan hệ nhà đầu tư. Một lo ngại khác là tính thanh khoản thấp được thể hiện rõ rệt tại 2 trường hợp trong 6 tháng cuối năm 2018, khi giá cổ phiếu giảm sàn hôm trước và ngay hôm sau lại phục hồi mạnh. Do vậy, chúng tôi áp dụng P/B mục tiêu 2019 là 1,6 lần đối với TPB, thấp hơn so với ACB và MBB, đến khi thanh khoản và quan hệ với nhà đầu tư được cải thiện.
Nguồn: VCSC
Các nguồn định giá tham khảo khác