Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá là P/B để tìm ra mức giá hợp lý cho cổ phiếu VCB. Với kỳ vọng tăng trường lợi nhuận của VCB sẽ duy trì ở mức cao và kế hoạch phát hành riêng lẻ tăng vốn được hoàn thành vào cuối năm 2022, sẽ giúp VCB có thể mở rộng tăng trưởng tín dụng trong tương lai, kết hợp với chất lượng tài sản tốt và vị thế đầu ngành. Dựa trên kết quả định giá theo phương pháp P/B, chúng tôi khuyến nghị MUA (duy trì) đối với cổ phiếu VCB với giá mục tiêu là là 105,000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 23.8% so với giá tại ngày 07/03/2022.
Giá mục tiêu: 105,000 đ/cp
Giá thị trường(07/03/2022): 84,900 đ/cp
Lợi nhuận kì vọng: 23,8%
Kết quả kinh doanh
4Q2021, VCB có kết quả kinh doanh khả quan với thu nhập lãi thuần đạt 10,781 tỷ VND, tăng 3.8% YoY và lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 2,414 tỷ VND, giảm 21.3% YoY chủ yếu do VCB thay đổi cách ghi nhận phí trả trước theo thỏa thuận bacassurance (cụ thể, thay vì ghi nhận trong quý 4 như năm 2020, VCB chuyển thành ghi nhận đều cho các quý tính từ quý 3/2021), theo đó TOI đạt 14,869 tỷ VND, chỉ tăng 3.3% YoY và LNST đạt 6,457 tỷ VND, tăng 13.8% YoY. Lũy kế cả năm 2021, thu nhập lãi thuần đạt 42,387 tỷ VND, tăng 16.8% YoY; LNST đạt 21,928 tỷ VND, tăng 18.71% YoY.
Dư nợ cho vay khách hàng tiếp tục được cải thiện trong 4Q2021 (+2.6% QoQ, +14.4% YoY) trong khi đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp vẫn chỉ đóng góp một tỉ trọng nhỏ trong tổng mức tín dụng (1.2%) giúp cho dư nợ tín dụng 4Q2021 đạt 972,580 tỷ VND (+15.1% YoY, +3.1% QoQ).
NIM 4Q2021 duy trì ổn định, đạt 3.15% chỉ giảm 1 bps QoQ, nhờ tận dụng tốt chí phí vốn thấp khi mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức nền thấp, giúp bù đắp việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid19. Cụ thể, lãi suất đầu vào bình quân đạt 2.3% không thay đổi so với quý trước nhờ tỷ lệ CASA được cải thiện, đạt 32.9%, tăng 104 bps QoQ.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 4Q2021 đạt 2,414 tỷ VND (+114.2% QoQ, – 21.3%YoY), chủ yếu đến từ phí bancasurance; VCB vẫn duy trì được lợi thế trên thị trường ngoại hối với lãi thuần từ hoạt động FX 4Q202 đạt 1,074 tỷ đồng, tăng 11.9% YoY. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động khác 4Q/2021 đạt 570 tỷ VND, tăng mạnh so với mức lỗ 65 tỷ VND vào 4Q/2020, giúp NOII đạt 4,088 tỷ VND (+25.7% YoY và +44.7% QoQ). Lũy kế cả năm 2021, NOII đạt 12,774 tỷ VND, tăng 14.5% YoY nhờ lực đẩy từ phí dịch vụ Bancasurance và lãi phí giao dịch ngoại hối. Nhìn chung trong 5 năm gần đây, cơ cấu TOI của VCB duy trì ổn định với tỷ lệ NII/TOI duy trì quanh 72%-76%.
Tỷ lệ nợ xấu 4Q2021 đạt 0.62%, giảm 39 bps QoQ và giảm 17 bps YoY, nguyên nhân do nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 giảm mạnh, lần lượt giảm 79.6% QoQ và 86.1% QoQ. VCB đẩy mạnh trích lập dự phòng trong năm 2021 với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 424%, là mức tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao kỷ lục trong 5 năm trở lại đây của VCB và cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tính đến hết 4Q2021 là không quá rủi ro với tỷ lệ nợ tái cấu trúc đạt 10.5 nghìn tỷ VND, chỉ chiếm 1.1% tổng dư nợ. Chúng tôi đánh giá về chất lượng tài sản của VCB thuộc nhóm tốt nhất trong toàn hệ thống ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 đạt 1.0%.
Dù sở hữu chất lượng tài sản tốt và tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức thấp, có thể thấy VCB vẫn thận trọng trong hoạt động trích lập của mình, khi LLR vẫn tăng dần đều và luôn ở ngưỡng cao nhất so với toàn hệ thống. Điều này sẽ giúp VCB tránh khỏi các rủi ro tăng mạnh chi phí trích lập trong tương lai gây ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận.
KBSV cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của VCB sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao trong năm 2022 nhờ: (1) Chất lượng tài sản tốt cùng tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao giúp giảm áp lực trích lập dự phòng các năm tới; (2) Kế hoạch phát hành riêng lẻ nếu được thực hiện thành công sẽ giúp hệ số CAR tiếp tục được cải thiện, củng cố khả năng VCB tiếp tục được SBV giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao như trong vài năm trở lại đây; (3) NIM chỉ giảm nhẹ nhờ lợi thế tốt về CASA và tối ưu hệ số LDR; (4) Kiểm soát tốt chi phí giúp CIR tiếp tục xu hướng giảm nhẹ.
Dự phóng kết quả kinh doanh
Chúng tôi đưa ra dự phóng cho VCB trong năm 2022 như sau:
- Dự phóng tăng trưởng tín dụng đạt 13.8% trong năm 2022 khi các doanh nghiệp đẩy mạnh vay nợ để hồi phục sau dịch Covid-19.
- Chúng tôi ước tính NIM 2022 không thay đổi, đạt 3.1% với kì vọng VCB vẫn tận dụng tốt lợi thế về CASA và tối ưu hệ số LDR, có thể bù đắp cho việc thanh khoản hệ thống không còn dồi dào như năm 2021 có thể khiến chi phí đầu vào của VCB sẽ tăng nhẹ.
- Thu nhập ngoài lãi chỉ tăng nhẹ 4.4% YoY nhờ động lực từ tăng trưởng doanh thu bancasurance cùng với duy trì lợi thế ở mảng giao dịch ngoại hối.
- Năm 2021, NPL duy trì ở mức 1.0% nhờ chất lượng tài sản tốt cùng với bộ đệm dự phòng lớn để xử lý nợ xấu.
- Chi phí trích lập dự phòng dự kiến ở mức thấp hơn so với năm 2021, đạt 9,752 tỷ VND do trong năm 2021 VCB đã đẩy mạnh trích lập dự phòng trong khi chất lượng tài sản vẫn duy trì ở mức tốt.
- Chúng tôi dự báo LNST năm 2021 đạt 26,137 tỷ VND, tăng 19.2% YoY.
Định giá
Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá là P/B để tìm ra mức giá hợp lý cho cổ phiếu VCB. Với kỳ vọng tăng trường lợi nhuận của VCB sẽ duy trì ở mức cao và kế hoạch phát hành riêng lẻ tăng vốn được hoàn thành vào cuối năm 2022, sẽ giúp VCB có thể mở rộng tăng trưởng tín dụng trong tương lai, kết hợp với chất lượng tài sản tốt và vị thế đầu ngành, chúng tôi đưa ra P/B mục tiêu năm 2022 của VCB là 3.4x, tương đương ở mức cận trên với độ lệch chuẩn +1 với mức trung bình P/B 5 năm của VCB.
Dựa trên kết quả định giá theo phương pháp P/B, chúng tôi khuyến nghị MUA (duy trì) đối với cổ phiếu VCB với giá mục tiêu là là 105,000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 23.8% so với giá tại ngày 07/03/2022. Chúng tôi đánh giá VCB là một cổ phiếu tốt để đầu tư trong trung và dài hạn.
Nguồn: KBSV
Các nguồn định giá tham khảo khác:
Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0
VCB chart. Nguồn: phowall.vn
Link tham room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638